Ý tưởng về một thành phố hoạt động 24 giờ đã được hình thành từ cuối những năm 1970, đặc biệt tại khu vực châu Âu. Chuỗi sự kiện văn hoá buổi tối mùa hè tại thủ đô Rome (Italy) vào năm 1977 là một trong những sáng kiến đầu tiên về thành phố 24 giờ.
Tại đây, các hoạt động dịch vụ như ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, các điểm du lịch... sẽ mở cửa hoặc diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.
Trên thế giới, khi nhắc đến sự phát triển của các hoạt động về đêm không thể không nhắc đến nỗ lực của những thành phố tại châu Âu. Theo đó, tại Liên minh châu Âu (EU), hầu hết các thành phố lớn đều có hoạt động về đêm đa dạng, phong phú, đặc biệt là những thành phố được du khách tìm tới nhiều nhất như Paris, Lyon, London, Manchester, Belfort, Amsterdam, Berlin, Madrid, Barcelona, Rome, Venice, Geneva hay Zurich.
Ở Hà Lan, nơi tốt nhất giúp du khách trải nghiệm cuộc sống về đêm đầy hấp dẫn chính là ở thủ đô Amsterdam. Các đường phố ở đây luôn đông đúc, tấp nập tới 5 giờ sáng hôm sau. Dù là người thích sự sôi động của các quán bar hay yên tĩnh trong các quán café, Amsterdam đều có thể đáp ứng. Trong khi đó, cuộc sống về đêm ở Rome (Italy) điển hình là nhấm nháp loại rượu ngon nhất trong bữa tối dưới ánh nến. Nơi du khách có thể khám phá nhiều điều thú vị nhất là quảng trường đối diện Basilica di Santa Maria ở Trastevere, với âm thanh rộn rã của những nhạc công jazz đường phố. Praha là một trong những điểm đến hàng đầu cho những du khách thích đi chơi khuya bởi đồ uống, khách sạn và phương tiện đi lại thuộc hàng rẻ nhất châu Âu.
Đi đầu phải kể đến nước Anh khi bên cạnh muôn vàn các hoạt động đêm phong phú, quốc gia này còn thành lập một tổ chức theo dõi chuyên biệt. Ngoài ra, để “khuấy động” xu hướng này, từ năm 2016, London đã đề ra hàng loạt chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, thị trưởng thành phố đã bổ nhiệm các chức vụ “Night Czar” (Nữ hoàng về đêm) nhằm tăng cường dịch vụ và hoạt động về đêm, hướng tới mục tiêu đưa London trở thành thành phố 24 giờ hàng đầu thế giới.
Báo cáo gần đây của London First và E&Y đã đưa ra ước tính, khu vực kinh tế ban đêm của London có thể đóng góp gần 30 tỷ bảng mỗi năm vào đầu năm 2030, cao hơn 15% so với hiện nay. Thành phố Manchester thuộc Anh cũng ghi nhận đã đón khoảng 150 nghìn lượt khách đến thăm thành phố này vào mỗi cuối tuần để tham gia các hoạt động về đêm.
Bên cạnh các nước châu Âu, Mỹ cũng là một trong những quốc gia có sự phát triển mạnh mẽ các hoạt động dịch vụ, du lịch về đêm. Theo đó, New York được mệnh danh là “Thành phố không bao giờ ngủ”. Các nghiên cứu thống kê cho thấy, tại New York, chuỗi các nhà hàng đóng vai trò quan trọng nhất khi mang về 12 tỷ USD và tạo ra trên 140 nghìn việc làm mỗi năm (chỉ tính ban đêm). Tuy nhiên, điều đặc biệt tạo nên danh hiệu “Thành phố không bao giờ ngủ” của New York lại là việc thành phố này đã có được một nguồn thu lớn từ nghệ thuật, văn hóa, du lịch. Thống kê cho thấy, trong năm 2018 các quán bar tại New York thu về 2 tỷ USD khi Mặt trời lặn, nhưng các cơ sở nghệ thuật, từ bảo tàng, phòng tranh, cho đến sân khấu kịch, tạo ra hơn 18 nghìn việc làm và thu về tới 3,1 tỷ USD. Tức là mỗi đêm, New York thu về hơn 8 triệu USD từ trình diễn và triển lãm nghệ thuật.
Thực tế, các hoạt động về đêm tại New York mang đến cho thành phố này nhiều hơn thế. Ngoài ngành kinh doanh nghệ thuật, ngành cho thuê sân khấu ban đêm cũng mang về cho họ 1,2 tỷ USD/năm. Tức là, chỉ khai thác khía cạnh tinh thần, New York đã có 4,3 tỷ USD/năm. Tính cả ngành thể thao, bar và ẩm thực, tổng cộng New York thu về khoảng 19 tỷ USD mỗi năm sau khi hoàng hôn buông xuống.
Một thủ phủ khác của "thế giới về đêm" là thành phố Sydney của Australia. Tại thành phố này, các chính sách phát triển nền kinh tế ban đêm nhằm mục đích tạo ra mối liên kết trong cộng đồng. Hoạt động mua sắm, giải trí về đêm đã đem lại doanh thu 3,6 tỷ USD mỗi năm cho Sydney, với gần 5.000 doanh nghiệp tham gia.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệp về đêm tại các quốc gia châu Âu, tại châu Á, Nhật Bản cũng đã cho thấy sự quyết tâm phát triển cuộc sống về đêm nhằm thúc đẩy du lịch và tăng trưởng kinh tế. Từ cuối năm 2017, Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất các giải pháp chủ yếu hướng tới giải quyết cơ sở hạ tầng giao thông, các quy định liên quan đến địa điểm và điều kiện làm việc để phát triển kinh tế đêm. Nhờ đó, những doanh nghiệp lớn trong ngành giải trí và khách sạn Nhật Bản đã phát triển thị trường ngách nhắm tới các sự kiện giải trí từ khoảng 8 giờ tối hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau. Hiện tại, các nhà hàng, club, karaoke, quán bar trên toàn quốc đều mở cửa vào buổi tối. Do đó, theo tính toán của các chuyên gia, ước tính quy mô thị trường đã lên đến 400 tỷ yên (khoảng 3,7 tỷ USD) vào năm 2020 và mỗi du khách đến Nhật Bản trung bình chi tiêu thêm 10.000 yên (khoảng 92 USD) mỗi đêm.
Láng giềng của Nhật Bản, Tổ chức Du lịch Hàn Quốc (KTO) cũng đang tiếp tục xây dựng kế hoạch thúc đẩy các chương trình du lịch đêm với sự hợp tác của chính quyền địa phương nhằm thu hút thêm nhiều khách du lịch nước ngoài và vực dậy ngành “công nghiệp không khói” sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Trong khi đó, Trung Quốc được xem là quốc gia mới nhất của châu Á hiện đang lên kế hoạch để “thắp sáng” các hoạt động về đêm. Đầu năm 2019, “dịch vụ đêm” đã trở thành một chủ đề nóng tại phiên họp của các cơ quan lập pháp và tư vấn chính trị của quốc gia này. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành chính sách đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, kinh doanh diễn ra vào ban đêm. Cụ thể như các chính sách hỗ trợ tiền, giảm giá điện, nước... cho các nhà hàng hoạt động vào ban đêm đủ điều kiện.
Theo đó, 10 con phố bán hàng ăn đêm, 16 chợ đêm và các cửa hàng tiện lợi 24/7 tại Bắc Kinh sẽ là những nơi đầu tiên nhận được trợ cấp thúc đẩy kinh doanh ban đêm. Những con phố hoạt động 12 tiếng về đêm sẽ nhận được trợ cấp hơn 700 nghìn USD dành cho việc phát triển kinh doanh, các hộ kinh doanh cá thể có thể nhận được hơn 70 nghìn USD. Động thái này góp phần giảm gánh nặng chi phí cho các đơn vị kinh doanh hoạt động về đêm.
Song song với đó, các dịch vụ giao thông công cộng như tàu điện ngầm cũng được điều chỉnh tăng tuyến, kéo dài thời gian phục vụ để đáp ứng nhu cầu đi lại của các hành khách tới các khu phố đêm. Cụ thể, từ 19/7/2019, Bắc Kinh đã kéo dài thời gian chạy hai tuyến tàu điện ngầm số 1, 2 vào thứ 6 và thứ 7, trong đó chuyến cuối cùng khởi hành sau 12 giờ đêm.
Bên cạnh Bắc Kinh, các thành phố khác của Trung Quốc như: Thượng Hải, Thiên Tân và Nam Kinh cũng đang triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy nền kinh tế ban đêm thông qua các biện pháp trợ cấp tiền mặt cũng như thúc đẩy giao thông công cộng ban đêm. Tháng 5/2019, Thượng Hải đã ban hành các hướng dẫn để thúc đẩy kinh tế ban đêm bằng cách xây dựng một số khu vực giải trí từ 19 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau; Thiên Tân lên kế hoạch xây dựng 6 khu thương mại đêm, gồm đường phố kiểu Italy, phố ẩm thực, quảng trường, công viên... cho các hoạt động giải trí; Thạch Gia Trang - thủ phủ của tỉnh Hà Bắc giảm giá điện cho các cửa hàng hoạt động muộn hơn; Nam Kinh, được Giải thưởng Ảnh hưởng Du lịch Trung Quốc vinh danh là "thành phố du lịch về đêm hàng năm", đã chứng kiến ngành du lịch của thành phố này đạt được mức tăng trưởng ổn định, báo cáo mức tăng 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong tổng doanh thu du lịch vào năm 2019.
Một đại diện của Đông Nam Á là Thái Lan cũng đã phát triển rất tốt mô hình du lịch dựa trên các hoạt động tổ chức sự kiện, tiệc, câu lạc bộ đêm, thu hút lượng lớn khách du lịch quốc tế tới nghỉ dưỡng và chi tiêu. Năm 2017, theo số liệu của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Thái Lan là điểm đến mà khách du lịch quốc tế chi tiêu nhiều thứ 4 thế giới, sau Hoa Kỳ, Pháp và Tây Ban Nha, với tổng mức chi tiêu đạt khoảng 57 tỷ USD.
Hiện nay, hơn 40 thành phố lớn trên thế giới đã và đang ban hành các chính sách liên quan đến việc hỗ trợ phát triển các hoạt động kinh doanh, dịch vụ về đêm. Trên thực tế, nhiều thành phố tự hào về cuộc sống ban đêm phong phú và sử dụng nền kinh tế ban đêm thịnh vượng của họ để thu hút khách du lịch nước ngoài đồng thời kích thích nhu cầu chi tiêu.