Những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi sừng sững, thân xù xì, rêu mốc, vươn cao ngạo nghễ; những búp chè phủ một lớp tuyết trắng, hấp thụ mọi tinh túy của trời đất dâng cho đời thức uống thơm ngon,... Những sản vật vô giá được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Văn Chấn (Yên Bái) sẽ mang lại nguồn thu nhập tốt cho đồng bào Mông, lại giữ gìn được ‘kho báu’ giữa đại ngàn. Lý do ấy khiến giám đốc Lâm Thị Kim Thoa quyết tâm khởi nghiệp, nhưng tình cảm yêu thương của bà con mới là chất keo níu giữ bà với mảnh đất này.

Chia sẻ với PV. VietNamNet, bà Thoa trải lòng về quãng đường đầy khó khăn và “trái ngọt” khi thấy bà con có thu nhập cao, làm giàu từ cây chè.

- Xin bà chia sẻ cơ duyên gắn bó của mình với cây chè Suối Giàng?

Bà Lâm Thị Kim Thoa: Tôi không phải là người được sinh ra ở Suối Giàng. Năm 1993, sau khi hoàn thành chương trình học chuyên nghiệp, tôi được phân công lên vùng đất này với vai trò là kế toán của một cửa hàng thương nghiệp.

Thời điểm đó, mỗi ngày thức dậy, xung quanh tôi là những đồi chè giữa đỉnh núi đầy sương. Ý định “làm một việc gì đó” với cây chè và bà con Suối Giàng bắt đầu nung nấu trong tôi. Tuy nhiên, ấp ủ đó chính thức thành hình hài vào năm 2007, khi tôi cùng 6 người khác bắt tay xây dựng Hợp tác xã chè Suối Giàng.

Giai đoạn 2006-2007, bắt đầu có những biến động xảy ra với cây chè. Bà con ở đây lo lắng về việc tiêu thụ. Lúc đó, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm về làm chè nhưng vẫn quyết tâm vì khao khát muốn xây dựng một cơ sở mang tên người Suối Giàng.

Thời gian đầu có rất nhiều khó khăn, trong đó nguồn vốn và nhân lực mỏng là áp lực khiến nhiều lần hợp tác xã đứng trước bờ vực phá sản. Chúng tôi đã khởi nghiệp với số vốn chưa đầy 60 triệu đồng. 

- Gắn bó với Suối Giàng gần 30 năm, chắc hẳn bà đã chứng kiến những thăng trầm của cây chè trên vùng đất đặc biệt này?

Những năm 90 của thế kỷ trước, cây chè dù nuôi sống nhiều nếp nhà người Mông nơi đây, nhưng cái nghèo vẫn bủa vây. Thời điểm đó, bà con làm chè không nắm nhiều về kỹ thuật sản xuất, chỉ biết thu hái, bán cho nhà máy và chăm sóc thôi, chưa có sản phẩm thương mại.

Giá trị cây chè từ những năm 1993 đến năm 2008 rất thấp, không quá 5.000 đồng mỗi kg chè búp tươi. Có thời điểm, chè mất giá chỉ còn 1.000 đồng/kg.

Không chỉ giá trị chè chưa được nâng tầm, mà định kiến về chè Suối Giàng những năm đầu thành lập hợp tác xã khiến chúng tôi rất trăn trở.

Ở Yên Bái, có câu truyền miệng là hễ cứ mang chè Suối Giàng đi biếu hoặc làm quà tặng đều nhận được lời từ chối thẳng thừng: "Chè Suối Giàng à, biếu chè Suối Giàng à không lấy đâu mang về đi, thông cảm".

Đến bây giờ, tất cả những suy nghĩ xấu xí đó về cây chè đã được xóa bỏ. Ngoài việc nâng cao chất lượng chè, giá trị cây chè Suối Giàng hiện tăng gấp nhiều lần. Chè Suối Giàng một khi đã tăng giá thì không bao giờ giảm.

- Vậy sau gần hai thập kỷ, hợp tác xã đã thay đổi phương thức sản xuất ra sao để giữ được bản sắc chè Suối Giàng?

Mục tiêu của tôi và cộng sự khi xây dựng hợp tác xã là muốn đồng bào dân tộc Mông biết làm chè thương mại. Thiên nhiên ban tặng vùng đất này nguồn nguyên liệu vô giá, việc của người dân là nâng tầm cây chè và các sản phẩm từ cây chè Suối Giàng.

Giai đoạn đầu, hầu hết bà con người Mông không biết làm chè. Khoảng 5 năm trở về trước, thấy phụ nữ Mông đi làm chè thật sự rất hiếm. 

Nhưng rồi bằng cách vận động, đồng hành cùng bà con xã viên, chúng tôi đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè. Từ việc người dân chưa biết thu hái, đến nay khi nhận được yêu cầu từ hợp tác xã, bà con đã chủ động từ nguồn hàng.

- Để thay đổi được tập quán canh tác và phương thức sản xuất, chắc hẳn không phải là chuyện một sớm, một chiều?

Chúng tôi kiên trì suốt 5 năm đầu để bà con thay đổi nhận thức. Một trong số ưu tiên của hợp tác xã là phân loại từ vùng nguyên liệu.

Cái khó là làm thế nào để bà con biết hái chè đúng tiêu chuẩn. Bởi nếu chè không ngon, nguyên liệu không tốt thì chè sản xuất ra cũng không thể ngon, không thể đáp ứng yêu cầu được.

Để giải quyết bài toán này, ròng rã những năm 2008-2010, chúng tôi mời bà con đến cùng chọn lọc ngay tại xưởng, hướng dẫn hái như thế này thì mới được giá, hái như thế kia không được giá và nó làm ảnh hưởng không tốt đến cây chè, rồi thời điểm nào thu hái và hái búp chè ra sao?

Giờ bà con đã thành thạo và đáp ứng rất tốt khi hợp tác xã đặt hàng chè, được phân loại ngay từ vùng nguyên liệu. Ví dụ, khi cần chè một tôm hai lá hay một tôm một lá thì bà con đáp ứng được ngay.

Việc quan trọng nữa chính là chăm sóc cây chè. Sau khi thu hái xong, thời điểm nào là đốn cây. Người Mông thường có phong tục đốn cây rất đau, đốn trụi cây. Có lúc tôi nhìn còn trơ gốc mà cảm giác cây không sống được nữa.

Nay thay vì đốn trụi, bà con đốn tỉa những cành già xấu và phát dọn gốc để giữ ẩm cho cây, đặc biệt không mang các loại hóa chất trái phép để chăm sóc cây chè.

Với những thay đổi tích cực từ cách làm và tạo sinh kế, hợp tác xã được bà con gọi với tên thân thương “hợp tác xã đồng bào”.

- Xem cây chè như hơi thở mỗi ngày, bà nhìn nhận đâu là gốc rễ của việc nâng tầm giá trị chè Suối Giàng?

Những năm qua, Suối Giàng phát triển rất mạnh về thương hiệu chè. Cơ bản nhất chúng tôi nhìn thấy là cái gì cũng cần gốc rễ. Vậy, gốc rễ là gì để giải quyết từ gốc - đó là quá trình nâng dần nhận thức của người dân để búp chè Suối Giàng có giá.

Đến nay, giá mỗi kg chè búp tươi thấp nhất là 30.000 đồng - loại phổ thông nhất. Còn loại chè chọn lọc, giá cao nhất có thể lên tới 400.000 đồng/kg búp tươi.  

Ở Suối Giàng, nay hợp tác xã còn làm được chè lên men, năm nay không bán hết thì sang năm tiêu thụ. Để càng nhiều năm, giá trị chè càng tăng lên.

Ví dụ hộp bạch trà, vừa làm xong bán giá 4 triệu, nhưng sau 3 năm giá tăng lên 10 triệu đồng. Đây là lợi thế nên bà con không bao giờ sợ và chủ động khi sản xuất chè.

- Trong chia sẻ của mình, bà từng nhắc đến các đơn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản. Đây là thị trường rất khó tính, hợp tác xã đã làm gì để chè Việt ‘’đặt chân’’ lên đất nước mặt trời mọc?

Đó là câu chuyện năm 2019, một khách hàng Nhật tìm trên hệ thống những vùng chè shan tuyết cổ thụ. Họ ngẫu nhiên tìm thấy chè shan tuyết Suối Giàng.

Qua Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, họ độc lập tìm hiểu và đưa truyền thông đến quay phim, phát sóng bên Nhật.

Vị khách Nhật này rất đặc biệt, mới 40 tuổi nhưng có thể uống 100 loại chè trong buổi sáng và không bị lẫn vị.  

Do đại dịch Covid-19, đi lại khó khăn nên ngay sau khi nước ta mở cửa, vị khách trên đã quay lại Suối Giàng. Ông tâm sự rằng rất ‘say đắm những đồi chè Suối Giàng’. Sau 3 năm, những cây chè vẫn vậy, không bị ô nhiễm.

- Vậy sản lượng chè xuất khẩu sang Nhật Bản hiện nay như thế nào, thưa bà?  

Hiện nay, mỗi năm chúng tôi xuất sang Nhật Bản trên dưới 100kg, giá khoảng 3,5 triệu đồng mỗi kg. Việc chè Suối Giàng có mặt ở Nhật Bản là điều quý giá.

- Bà chia sẻ bản thân từng nhiều lần bỏ cuộc và rời Suối Giàng để tìm công việc khác ổn định hơn, gần gia đình hơn. Vậy đâu là lý do khiến chị gắn bó với bà con nơi đây suốt hơn ba thập kỷ?

Cách đây hơn 20 năm, tôi từng có cơ hội làm việc tại một doanh nghiệp nước ngoài, mức thu nhập thật sự rất cao so với lúc bấy giờ. Khi đó, tôi đã có ý định rời Suối Giàng và lên trụ sở xã để nói lời từ biệt.

Tôi tâm sự với các anh chị trong UBND xã, rằng bây giờ phải lo cho gia đình nhiều hơn, không thể bố mẹ một nơi, con một nẻo được. Khi ấy, các cô chú trên xã nói với tôi bằng tiếng Mông, rằng: “Thoa ơi, em không thể đi đâu được đâu, em phải ở lại đây với bà con Suối Giàng”.

Bước chân ra đến cửa phòng, cô chủ tịch hội phụ nữ xã tiếp lời  “Thoa ơi, Thoa đừng bỏ bà con Suối Giàng nhé”. Nghe xong, tôi bật khóc và đồng ý ở lại.  

Khi tôi gật đầu, các cô chú gọi tôi với câu “Xín Mày” - tiếng Mông là con gái. Từ lúc đó tôi hiểu, mình không thể đi đâu được nữa. 3 thập kỷ sau, con trai tôi cũng gắn bó với Suối Giàng, công việc của cháu có nhiều điểm chung với mẹ.

- Mơ ước của bà với chè Suối Giàng là gì?

Ở Suối Giàng, ngoài mơ ước đưa sản phẩm chè ngày một vươn tầm, tôi còn muốn tạo không gian mời mọi người tham quan. Tôi lấy nhà làm văn phòng, lấy câu chuyện về chè để chia sẻ.  

- Suối Giàng là vùng đất du lịch thu hút hàng nghìn lượt du khách ghé đến, vậy giữa chè và du lịch có mối liên hệ như thế nào?

Nhiều người nói với tôi về lý do chè Suối Giang khi uống tại nơi làm sẽ ngon hơn. Từ đó, tôi hiểu ra rằng, chè Suối Giàng là chất dẫn dụ để lôi kéo du khách, du lịch là chất dung môi để chè vươn xa hơn.

Giữa chè và du lịch không thể tách rời nhau. Không có chè thì du lịch sẽ chậm phát triển, mà không có du lịch thì chưa chắc chè Suối Giàng đã phát triển được nhanh như vậy. Vì thế, tôi mong muốn chè Suối Giàng ngày càng phát triển hơn nữa, giống các khu du lịch khác.

Tại các triển lãm hay hội nghị liên quan đến ngoại giao, tôi luôn trong trang phục người Mông đứng ra pha trà mời các vị khách, các đại biểu. Khi khoác lên mình bộ đồ truyền thống đó, tôi biết mình đã trở thành một người con của đồng bào Mông ở Yên Bái.

Đoàn Bổng 

Ảnh: Lê Anh Dũng. Clip: Đức Yên

Thiết kế: Nguyễn Cúc