CEO Gelsinger của Intel là một người sùng đạo Thiên Chúa giáo. Ông cho biết luôn được truyền cảm hứng từ câu chuyện trong Kinh thánh về Nehemiah, người đã xây dựng lại các bức tường thành Jerusalem trước sự tấn công của kẻ thù.

“Chúng ta sẽ có những ngày tồi tệ và chúng ta cần có niềm đam mê sâu sắc để vực lại mọi thứ”, người đứng đầu Intel nói với một nhóm Cơ-đốc giáo trong một sự kiện tại Singapore.

“Tái thiết” là từ khoá dành cho Intel, gã khổng lồ bị Nvidia vượt mặt và AMD gặm nhấm thị phần trong suốt thập kỷ qua. Từ chỗ là một thương hiệu tiêu dùng được mong chờ, Intel liên tiếp chậm trễ giới thiệu chip mới và sự thất vọng từ người tiêu dùng tiềm năng ngày càng tăng.

Gelsinger, người đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành công ty vào năm 2021, nói rằng tập đoàn có “những vấn đề nghiêm trọng về lãnh đạo, con người và cách tiếp cận kinh doanh cần phải giải quyết”.

Intel đã trở thành người khổng lồ ở Thung lũng Silicon vào những năm 1980 và 1990 bằng cách chế tạo các bộ xử lý trung tâm hỗ trợ cuộc cách mạng máy tính cá nhân. Với liên minh “Wintel”, những con chip Intel chạy phần mềm hệ điều hành của Microsoft trên các cỗ máy do IBM sản xuất, đã trở nên phổ biến tại các gia đình và văn phòng. 

Đến những năm 2000, Intel cố gắng nhưng thất bại trong việc thâm nhập vào lĩnh vực sản xuất chip cho điện thoại di động và đồ họa máy tính cao cấp. Các thập kỷ trở lại đây, gã khổng lồ bán dẫn Mỹ nằm dưới cái bóng của TSMC và Samsung trong cuộc đua chip siêu nhỏ, siêu mạnh.

Để cứu vãn đế chế đang trên đà lao dốc, kế hoạch của Gelsinger là đầu tư hàng trăm tỷ USD vào các nhà máy mới sản xuất chất bán dẫn cho các công ty khác cùng với chip của chính Intel. Song đến nay hoạt động sản xuất theo hợp đồng, còn gọi là “kinh doanh xưởng đúc” vẫn tồn tại nhiều vấn đề.

“Kinh doanh xưởng đúc là lĩnh vực kinh doanh dịch vụ - đó không phải là văn hóa mà Intel có”, Gelsinger nhận xét.

Các giám đốc điều hành trong ngành cho biết, gã khổng lồ chip điện thoại di động Qualcomm và nhà sản xuất ô tô Tesla từng cân nhắc việc để Intel sản xuất chip cho họ nhưng sau đó đã rút lui. 

Nguồn tin của WSJ tiết lộ, Qualcomm kết luận rằng Intel gặp khó khăn trong việc tạo ra loại chip điện thoại di động dù họ thành công trong việc tạo ra bộ xử lý hiệu suất cao. Do đó, hãng chip này thông báo tạm dừng hợp tác với Intel cho đến khi tập đoàn đạt được những tiến bộ nhất định về kỹ thuật. 

Trong khi đó, hãng xe điện Tesla từng đặt vấn đề Intel sản xuất chip xử lý dữ liệu và hình ảnh trên xe tự hành vào khoảng cuối năm 2021. Công ty của Elon Musk đảm nhiệm vai trò thiết kế và cần xưởng đúc để đưa vào sản xuất, song Intel chưa thể đáp ứng.

Chính phủ Mỹ muốn khôi phục hoạt động sản xuất chip trong nước sau khi phần lớn hoạt động kinh doanh di cư sang châu Á, nơi có chi phí lao động thấp hơn và các ưu đãi hào phóng.

Gelsinger là một trong những nhân vật tích cực thúc đẩy Washington đầu tư nhiều hơn cho bán dẫn nội địa. Thậm chí, có thời điểm CEO Intel “bắn tin” tới đại diện chính phủ rằng công ty đang nhận được những khoản mời gọi hấp dẫn hơn để xây dựng xưởng đúc chip ở nước ngoài thay vì ở trong lòng nước Mỹ.

Những tín hiệu của Intel đã được để ý tới, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Chip, với nguồn tài trợ lên tới 53 tỷ USD để bảo lãnh khoản vay và chương trình ưu đãi cho lĩnh vực bán dẫn nước này.

Tổng thống Joe Biden sau đó còn tới thăm một địa điểm ở Licking County, Ohio, nơi Intel đang xây dựng một trong những cơ sở sản xuất bán dẫn có thể là lớn nhất thế giới. Ngoài ra, tập đoàn này cũng đang xây dựng nhà máy mới ở Arizona, Đức và các địa điểm khác. Theo ước tính, nếu các nhà máy được xây dựng hoàn chỉnh, có thể tiêu tốn hàng trăm tỷ USD. 

Kế hoạch tăng trưởng của Gelsinger bắt nguồn từ kỳ vọng rằng nhu cầu chip sẽ tăng mạnh trở lại. Mặc dù đến nay Intel vẫn chưa ký hợp đồng chính thức với một đối tác lớn nào, song CEO này khẳng định “đây là một canh bạc” mà ông đã sẵn sàng tham gia.

“Nếu bạn không có một chút táo bạo”,CEO Gelsinger nhận xét, “bạn không nên tham gia vào ngành công nghiệp dẫn”.

Cho đến nay, khách hàng hàng đầu của họ là công ty chip điện thoại di động MediaTek của Đài Loan. Sản phẩm Intel cung cấp vẫn chủ yếu là các loại chip kém tiên tiến hơn dành cho smartTV và module Wifi. Hãng cũng đã ký hợp đồng với Seagate, để cung ứng các loại chip phức tạp hơn trong ổ cứng.

Các quan chức trong ngành cho biết, nhiều khách hàng tiềm năng đã có thỏa thuận đối tác với TSMC và Samsung và cảnh giác khi làm việc với một xưởng đúc chưa được chứng minh năng lực.

Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và Samsung Electronics của Hàn Quốc hiện là những nhà sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới và các công ty Trung Quốc cũng đã có được thị phần nhất định. Washington buộc phải tăng cường đầu tư cho lĩnh vực bán dẫn sau khi điểm yếu chuỗi cung ứng bộc lộ bởi đại dịch Covid và cọ sát địa chính trị với Trung Quốc gia tăng. 

Các chuyên gia dự báo thị trường chip toàn cầu dự kiến sẽ vượt một nghìn tỷ USD vào cuối thập kỷ này. Và theo Gelsinger, việc Intel trở thành nhà sản xuất chip hợp đồng hàng đầu thế giới là “là một nhiệm vụ bắt buộc”, dù TSMC hay Samsung sẽ không chịu ngồi yên nhìn Intel hồi sinh.

Các nhà điều hành Intel đặt mục tiêu trở thành số hai của ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2030, chỉ chịu xếp sau TSMC của Đài Loan. Theo ước tính nội bộ của tập đoàn, việc thu hút một số khách hàng hàng đầu có thể mang lại doanh thu từ 20 tỷ đến 25 tỷ USD mỗi năm vào cuối thập kỷ.

Gelsinger cho biết Intel đã tập trung hơn vào công nghệ sản xuất chip hoạt động trong các bộ xử lý hiệu suất cao như trên PC. Song, việc sản xuất chip cho điện thoại di động có thời lượng pin hạn chế đòi hỏi những kỹ năng mới và thiết kế mạch mới. Intel cho biết gần đây họ đang hợp tác với Arm, công ty thiết kế chip chuyên về mạch điện thoại di động.

CEO Pat Gelsinger sinh ra, lớn lên trong một cộng đồng nông dân nhỏ ở phía đông nam bang Pennsylvania và theo học một trường kỹ thuật địa phương. Ông chuyển đến California làm việc cho Intel vào năm 18 tuổi. Sau những thăng tiến ở bộ phận thiết kế chip, Gelsinger được đề bạt trở thành giám đốc công nghệ đầu tiên của tập đoàn vào năm 2001.

Đến năm 2009, Gelsinger rời Intel sau sự thất bại của dự án chip đồ hoạ. Ông lần lượt trở thành người chèo lái EMC và VNware. Tám năm sau, vào tháng 2/2021, ông trở lại Intel với nhiệm vụ tái thiết gã khổng lồ một thời, trùng với thời điểm nước Mỹ tìm cách lấy lại vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Thiết kế: Vũ Minh Hoà