Lời tòa soạn:

Miền núi Nghệ An, Thanh Hóa được biết tới là những vùng đất xa xôi, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, đời sống còn nghèo nàn lạc hậu. So với miền xuôi, công tác xây dựng đảng nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng với sự nỗ lực, sáng tạo của chính quyền địa phương và các tổ chức cơ sở đảng, đã xuất hiện nhiều cách làm hay để thu hút đảng viên. Đó là những chi bộ đầu tiên của các tộc người du canh du cư được thành lập, hay những con người từng theo phỉ trở về hoàn lương, được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng...

Loạt bài của báo VietNamNet ghi nhận những câu chuyện đặc biệt trong việc phát triển đảng viên ở vùng biên viễn.

 

Những ngày đầu tháng 8, từ bến đập Phà Lài, chúng tôi lên thuyền, ngược dòng sông Giăng hướng tới thượng nguồn. Đích đến là Co Phạt, một bản làng của tộc người Đan Lai nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát.
 
Sau hơn 2 giờ đồng hồ vượt qua thác ghềnh sông Giăng, thuyền cập bến. Men theo những bờ đất thoai thoải là lối dẫn lên bản Co Phạt. Một cảm giác sâu hun hút, xa vời vợi ập đến. Bản làng này thực sự là một ốc đảo, hoàn toàn biệt lập với các vùng khác của huyện Con Cuông.
 
Chúng tôi tìm đến nhà Bí thư Chi bộ bản Co Phạt La Văn Linh (60 tuổi). Đây là người đàn ông nhiệt huyết, năng nổ hiếm thấy trong cộng đồng Đan Lai, với hàng chục năm làm cán bộ bản, nguyên là trưởng bản, công an viên thôn bản.
 
Trò chuyện thân mật như người quen lâu ngày gặp lại, ông Linh kể, tuổi thơ của ông cũng như nhiều đứa trẻ Đan Lai khác, là những ngày theo cha vào rừng đặt bẫy săn thú, hái măng và theo mẹ hái rau dại ăn, tối ngủ bên đống lửa thâu đêm để tránh rét, tránh sự tấn công của thú dữ.
 
Thấu hiểu những gian lao, vất vả, thiếu thốn của đồng bào mình, ngay khi được bố mẹ gửi ra trung tâm xã đi học, cậu bé Linh nung nấu ý chí, phải học thật tốt để có kiến thức, có hiểu biết về giúp đỡ bà con dân bản.
 
Sau khi trở về bản, ông La Văn Linh tích cực tham gia hoạt động xã hội ở bản với vai trò công an viên, là “hạt giống” kết nối bà con dân bản với Đảng ủy, chính quyền cơ sở. 

Được tin tưởng, dần dần ông Linh được bầu làm phó bản, rồi sau đó là trưởng bản và đứng vào hàng ngũ của Đảng khi Co Phạt thành lập chi bộ.

“Thời điểm đó, không thể còn dựa dẫm vào rừng, thanh niên trai tráng lũ lượt kéo nhau ra khỏi nơi thâm sâu cùng cốc, làm thuê tứ xứ. Chính vì vậy, rất khó tìm được người để bồi dưỡng kết nạp”, ông Linh kể lại.

Nhiều năm liền không thể tìm được đối tượng để bồi dưỡng kết nạp Đảng, các đảng viên trong Chi bộ Co Phạt nhận ra rằng, chỉ có phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống thì mới giữ chân “lực lượng nòng cốt ở lại bám bản”.

Thấm nhuần trong mình lời thúc giục “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, ông Linh mạnh dạn tăng diện tích thâm canh lúa nước kết hợp nuôi trâu bò, lợn gà. Không chỉ tích cực phát triển kinh tế hộ gia đình, ông còn là đảng viên gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào để bà con dân bản học tập và làm theo.

Co Phạt dần khởi sắc. Bà con quen dần với cách thức nuôi nhốt và chăm sóc vật nuôi, đời sống được cải thiện. Chi bộ Đảng cũng kết nạp được thêm một số thành viên mới.

Năm 2001 đánh dấu một bước ngoặt với tộc người Đan Lai khi tỉnh Nghệ An có chủ trương di dời 36 hộ dân ra khỏi rừng sâu, đến định cư ở vùng gần trung tâm xã.

Tuy nhiên, mãi đến năm 2006, khi Chính phủ phê duyệt đề án 'bảo tồn, phát triển bền vững tộc người Đan Lai tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát' thì đó mới là một cuộc “giải cứu” thực sự khi đặt mục tiêu 146 hộ gia đình tộc người Đan Lai ở 2 bản Búng và Co Phạt được di dời ra khỏi rừng sâu.

Ngày đó, ông La Văn Linh cùng Ban cán sự bản ngày đêm đi từng nhà vận động người dân. “4/7 đảng viên cùng phó bản tiên phong di dời. Có hơn 40 hộ dân đầu tiên chuyển đến bản tái định cư ở xã Thạch Ngàn, cách chỗ ở cũ khoảng 60km. Cả bản chỉ còn 3 đảng viên, trong đó 1 đảng viên đã già yếu, chi bộ đứng trước nhiều nguy cơ”, ông Linh chia sẻ.

Song hành với trăn trở ấy, Bí thư Chi bộ bản Co Phạt cho hay, bản có 122 hộ với 500 nhân khẩu, bà con sinh sống ở đây đã nhiều đời, vườn quốc gia thì mới thành lập, bản thành một cộng đồng trong vùng lõi. Bấy giờ, cuộc sống và canh tác của người dân rất cực nhọc. Cơ bản, các hộ trong bản vẫn đang thuộc diện hộ nghèo.

Trước thực trạng đó, trên cơ sở chỉ tiêu đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng ủy xã Môn Sơn đã xây dựng kế hoạch cả nhiệm kỳ, kế hoạch từng năm theo sát với tình hình của địa phương.

Trong đó, giao trách nhiệm cho từng cấp ủy viên phụ trách cơ sở mỗi năm phải giới thiệu được một quần chúng ưu tú đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn Đặng Văn Thân cho biết: “Đối với các chi bộ thôn, bản từ 3-5 năm không phát triển được đảng viên, đảng ủy xã rà soát đưa vào điểm tập trung chỉ đạo. Trước hết phấn đấu phủ sóng trưởng các chi hội, đoàn thể là đảng viên, đích thân các lãnh đạo trong Thường trực, Ban Thường vụ Đảng ủy xã tham gia sinh hoạt tại chi bộ.

Nhiều chi bộ Đảng thường xuyên tổ chức sinh hoạt mở rộng, với sự có mặt của trưởng các chi hội đoàn thể để nắm bắt, sát sao những nội dung trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phát triển thôn, bản”.

Ông Thân cho hay, từ lúc mới thành lập có 5 đảng viên, đến nay, Đảng bộ Môn Sơn đã vững mạnh với hơn 400 đảng viên. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân ngày càng được cải thiện.

Năm 2021, toàn xã kết nạp được 14 đảng viên, trong đó có 2 đảng viên là người Đan Lai. Đến năm 2022, xã kết nạp thêm 18 đảng viên, trong đó có 4 người Đan Lai.

“Mặc dù việc theo dõi, lựa chọn thanh niên đi học lớp cảm tình Đảng gặp rất nhiều khó khăn nhưng đến tháng 8 vừa qua, có 3 quần chúng ưu tú ở bản Búng đã tham dự lớp học. Đáng chú ý, 3 người này đều là chi hội trưởng, hội phó của bản”, ông Thân phấn khởi chia sẻ.

Gần 20 năm rời vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát ra khu tái định cư, bà La Thị Nguyệt (SN 1965, trú bản Cửa Rào, xã Môn Sơn) tâm sự, trước đây, người Đan Lai trong bản chỉ biết vào rừng bẻ măng, bẫy thú, xuống sông bắt con cá, con tôm.

“Từ khi có chủ trương đúng đắn, đảng viên cắm bản đã cầm tay, chỉ việc. Bà con đã biết trồng lúa, ngô, nuôi trâu, gà, lợn nên cuộc sống khấm khá hơn” – bà Nguyệt chia sẻ.

Bàn về vấn đề an cư của tộc người Đan Lan, ông Thân cho biết, địa phương đã kiến nghị tỉnh đề nghị Chính phủ sớm thu hồi đất của Vườn Quốc gia Pù Mát, giao lại đất cho địa phương để cấp đất ở, đất sản xuất cho nhân dân 2 bản Co Phạt và Búng.

Còn ông Trần Đình Đức - Phó Ban tổ chức huyện Con Cuông cho hay, những năm gần đây, huyện đặc biệt quan tâm đến công tác bồi dưỡng quần chúng ưu tú. Ngoài việc tổ chức tại trung tâm huyện, trích ngân sách hỗ trợ khi được cử đi học, các lớp cảm tình Đảng còn được đưa vào tận vùng lõi cho tộc người Đan Lai.

Thiết kế: Thanh Hằng

Bài 3: Cặp vợ chồng đảng viên đầu tiên ở bản nghèo Mường Lát

Xem thêm cả tuyến bài:

Những già làng du canh, du cư thành lập nên chi bộ đảng

Những già làng du canh, du cư thành lập nên chi bộ đảng

Khi di cư từ huyện Mường Lát sang huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), trong 5 gia đình người Mông này có cả những đảng viên. Và khi đến vùng đất mới, dần dần, họ đã thành lập nên chi bộ và phát triển đảng viên trẻ ở vùng biên viễn
Đảng viên lên nương tìm quần chúng Để đi thẩm tra lý lịch cho một đối tượng Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý ở Thanh Hóa đã phải vượt đường rừng hơn 10km, đi đi lại lại nhiều lần mới có thể gặp được quần chúng.