Theo Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà, để giải quyết tốt bài toán phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường bền vững, điều cần trước tiên là thay đổi trong cách thức quản lý.
“Ngay từ chủ trương đầu tư, quy hoạch phát triển cũng như trong quá trình thẩm định sơ bộ, đánh giá tác động môi trường, chúng ta phải làm thực chất, làm kỹ và dựa trên đánh giá về trình độ công nghệ, kinh nghiệm của thế giới, phải lựa chọn những công nghệ thân thiện với môi trường nhất có thể”, ông nhấn mạnh.
Thứ hai, phải xác định rất rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư. Từ đó mới đánh giá, dự báo, nhận dạng được các tác động có thể xảy ra, đặc biệt là nước thải, khí thải và chất thải rắn. Cùng với đó là yêu cầu cụ thể về việc giám sát các nguồn thải.
Trong quá trình giám sát, cần tính toán giải pháp kỹ thuật phòng ngừa sự cố môi trường, biện pháp xử lý cụ thể đối với các loại chất thải. Quan trọng hơn, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ thì cơ quan quản lý sẽ không phát huy được hết năng lực.
Do đó, cơ quan quản lý thông qua các hội đồng, quá trình thẩm định phải thu hút và huy động được các chuyên gia môi trường, chuyên gia liên quan tới ngành sản xuất đó.
Ngoài ra, cần có sự tham gia của người dân và trách nhiệm của chính quyền địa phương. Cần công khai tất cả vấn đề đó để người dân biết, khi đó dân sẽ giúp các cơ quan quản lý.
Có những nơi chúng ta có thể chấp nhận, thu hút đầu tư vào một lĩnh vực nhưng cũng có một số khu vực nhạy cảm thì không thể thu hút. Điều này hết sức quan trọng khi đưa ra các quyết định lựa chọn dự án trong và ngoài nước. Bài toán này cần được giải quyết triệt để, từ khi làm quy hoạch liên quan đến môi trường, không để xảy ra xung đột.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay, giải pháp trong thời gian tới là chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế theo chiều sâu chất lượng. Trong định hướng phát triển, kinh tế số vừa là động lực, vừa là giải pháp đối với ngành tài nguyên, giúp giảm bớt việc sử dụng tài nguyên. Theo ông, chuyển đổi số là một trong những chìa khóa thành công của ngành tài nguyên môi trường.
Hiện công nghệ thông tin, chuyển đổi số được ứng dụng trong việc cung cấp các dịch vụ công của Bộ. Chuyển đổi số cũng đạt những bước tiến quan trọng với hệ thống dữ liệu quan trắc, dự báo, đất đai, không gian thông tin địa lý và dữ liệu lớn về viễn thám.
Bộ TN&MT đã cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 đối với 100% thủ tục hành chính; hoàn thành và đưa vào triển khai 107 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên Cổng DVCTT của Bộ, trong đó có 50,9% thủ tục ở mức độ 4 hoàn thành vượt mức yêu cầu của Chính phủ.
Về công tác này, Bộ được đánh giá cao, đứng thứ 4 trong số các bộ, ngành, góp phần đưa chỉ số Par Index (chỉ số cải cách hành chính) năm 2019 của Bộ lên thứ 7, tăng 2 bậc so với năm 2018.
Trong Bộ, nếu không có những văn bản phải là bản giấy thì 100% văn bản hoàn toàn được số hóa và sử dụng chữ ký số. Bộ đang xây dựng một tài nguyên rất lớn, đó là tài nguyên số đối với các lĩnh vực quản lý TN&MT.
Khi các kế hoạch này được hoàn thành, TN&MT sẽ trở thành một ngành kinh tế số, bởi những tài nguyên Bộ quản lý rất có giá trị đối với mọi mặt quản lý xã hội.
Chia sẻ về nhiệm kỳ Bộ trưởng, ông Hà thẳng thắn: Tôi còn rất nhiều điều trăn trở, bởi lĩnh vực quản lý rất rộng lớn, phụ thuộc vào nhiều lĩnh vực kinh tế khác, phụ thuộc vào tư duy và việc xác định mô hình phát triển.
Để khắc phục, sửa chữa các vấn đề môi trường trong một mô hình phát triển không phù hợp thì không phải một sớm, một chiều.
Tài nguyên là tài sản, nguồn lực quốc gia. Để nắm chắc, lượng hoá, sử dụng nguồn lực này một cách hiệu quả nhất đòi hỏi công tác điều tra, đánh giá phải kỹ lưỡng, chất lượng. Nguồn lực hàng năm cho điều tra cơ bản thiếu, do đó ta chưa thể hạch toán, phân bổ cho đầu vào phát triển.
Hoặc trong ứng phó biến đổi khí hậu, mặc dù có cố gắng nhưng rõ ràng biến đổi khí hậu cực đoan, khó đoán định đang đặt ra gánh nặng lên ngành, đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa chất lượng dự báo, cảnh báo.
Quan trọng hơn, phải đánh giá được tác động của biến đổi khí hậu, từ đó đưa ra quy hoạch thích ứng chứ không phải bị động ứng phó hàng năm. Việt Nam là một quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Một mặt phải giảm thiểu các nguyên nhân gây ra biến đổi, mặt khác cần làm tốt công tác giám sát biến đổi khí hậu.
TN&MT là lĩnh vực liên quan sát sườn đến người dân, đặc biệt khi chúng ta đang chủ yếu dựa vào nó để phát triển kinh tế.
Do đó, cần giải quyết mối quan hệ cân bằng giữa việc đưa nguồn lực này vào phát triển và vấn đề bảo tồn, hài hoà giữa các nhu cầu. Nhu cầu này không chỉ giải quyết cho từng lĩnh vực, mà phải giải quyết cho nhiều thế hệ. Vì thế hệ sau cũng cần có không gian, đất đai, nguồn lực.
“Nếu môi trường ô nhiễm thì thế hệ tương lai không thể phát triển được. Đây là bài toán rất khó, cần giải quyết bài bản từ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, từ nhận thức, thay đổi trong tư duy. Phòng ngừa là chính chứ việc xảy ra rồi đi sửa chữa thì giá phải trả rất đắt” - người đứng đầu ngành TN&MT chia sẻ.
Kiên Trung - Thiết kế: Quốc Dũng
Phần 1: Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường với nhiệm kỳ nhiều sóng gió
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ về 5 năm ngồi ghế nóng, khi xử lý các sự cố môi trường cũng như những trăn trở và dự định của ông trong thời gian tới.