Sau 15 năm, CMC Telecom ngày nay đã chuyển dịch thành công từ ISP truyền thống trở thành Nhà cung cấp dịch vụ hội tụ CSP, góp phần đưa Việt Nam trở thành Digital Hub không chỉ APAC và mục tiêu xa hơn là của thế giới.
Trải qua không ít khó khăn từ khi thành lập năm 2008, CMC Telecom, công ty thành viên của Tập đoàn Công nghệ CMC đã nhanh chóng phát triển thành đơn vị dẫn đầu về Hạ tầng số, về Công nghệ điện toán đám mây, Trung tâm Dữ liệu và các dịch vụ An ninh, An toàn Thông tin. CMC Telecom trở thành một mũi nhọn quan trọng đóng góp vào những di sản mà Tập đoàn Công nghệ CMC đã tạo ra trong suốt 30 năm qua.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC, Chủ tịch HĐQT CMC Telecom đã chia sẻ về khát vọng góp phần đưa Việt Nam trở thành Digital Hub khu vực của CMC Telecom.
Tiềm năng dễ thấy nhất của nước ta là sở hữu vị trí địa lý thuận lợi, đóng vai trò then chốt về kinh tế, tài chính và cung ứng dịch vụ logistics cho các quốc gia trong và ngoài khu vực. Bên cạnh đó, chúng ta có bờ biển dài, thuận lợi để đầu tư phát triển các tuyến cáp quang biển và trạm cập bờ lớn để mở rộng kết nối với các quốc gia trên thế giới.
Chính phủ hiện nay có nhiều cơ chế, chính sách mở thuận lợi cho phát triển Khoa học - Công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong những năm qua, các Công ty như CMC Telecom đã liên tục đầu tư cho hạ tầng số, với các tuyến cáp, các trung tâm dữ liệu trung lập quy mô lớn, hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới, hệ sinh thái công nghệ cao cùng khả năng ứng phát triển nhanh các công nghệ mới như điện toán đám mây.
Song song với đó, Việt Nam sở hữu một nguồn tài nguyên số khổng lồ và quý giá, đó chính là nguồn nhân lực. Với cơ cấu dân số trẻ, đam mê khoa học, toán học và rất nhiều người có trình độ lập trình cao, nếu có sự đầu tư và đào tạo phù hợp, tôi cho rằng đây sẽ là thế mạnh nổi bật của Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Có thể nói, chúng ta đã hội tụ đầy đủ các điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa để trở thành trung tâm số tiếp theo của khu vực. Tôi tin vào các đánh giá mà dự thảo đã nêu, đó là khả năng đưa Việt Nam trở thành trung tâm số, nơi trung chuyển, kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và thế giới, đến năm 2025 có thể hình thành tối thiểu một trung tâm dữ liệu phục vụ mục tiêu trung tâm cho khu vực và quốc tế; đến năm 2030, hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái công nghệ của Digital Hub.
Như đã nói ở trên, chúng ta có nhiều lợi thế để trở thành Digital Hub. Nhưng để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam cần có một chiến lược đồng bộ, đa chiều, để phát huy tối đa các lợi thế của mình, đồng thời phải tạo ra sự vượt trội so với các đối thủ trong khu vực. Theo tôi, có có năm yếu tố chúng ta cần làm tốt.
Thứ nhất là Hạ tầng số: Việt Nam cần đầu tư mạnh vào hạ tầng số, bao gồm mạng di động 5G, mạng băng rộng cố định, các tuyến cáp quang biển, trung tâm dữ liệu quy mô lớn trung lập, nền tảng, hạ tầng điện toán đám mây với hàng triệu máy chủ ảo, tạo ra con đường kết nối nhanh chóng và hiệu quả để đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp và người dùng.
Thứ hai là con người: Việt Nam có sẵn lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, nhưng chúng ta cần tăng cường đào tạo chất lượng và số lượng nhân lực trong lĩnh vực CNTT, đặc biệt là những kỹ sư, chuyên gia về công nghệ và dữ liệu.
Thứ ba là khuyến khích Đổi mới Sáng tạo: Với tiềm năng về công nghệ và nhân lực như hiện nay, cần thành lập và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, khuyến khích start-up và các dự án công nghệ tiềm năng.
Thứ tư là tạo môi trường pháp lý và đầu tư thuận lợi: Việt Nam cần cập nhật và ban hành các quy định, tiêu chuẩn phù hợp với xu hướng kỹ thuật số toàn cầu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và tuân thủ pháp luật. Chúng ta cũng có thể cân nhắc việc đưa ra các ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và pháp lý cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.
Cuối cùng là Bảo mật và an ninh, an toàn thông tin: Khi chúng ta trở thành một trung tâm dữ liệu, việc xây dựng một hệ thống an ninh mạng vững chắc là điều kiện cần và đủ để bảo vệ dữ liệu của người dân và doanh nghiệp, tăng cường niềm tin số.
Rất may mắn, các yếu tố trên đang được Chính phủ và Doanh nghiệp thực hiện đồng bộ và liên tục, cùng sự quyết tâm của những doanh nghiệp như CMC Telecom.
Về mặt hạ tầng kết nối, tháng 12/2017, CMC Telecom đầu tư 500 tỷ đồng, xây dựng và vận hành tuyến cáp quang xuyên Á Agrid CVCS (Asean Grid - Cross Vietnam Cable System ) kết nối trực tiếp với các tuyến cáp quang biển quan trọng ra toàn cầu.
Lần đầu tiên Việt Nam có tuyến cáp quang đất liền kết nối với trực tiếp với vành đai khu vực Đông Nam Á đi qua Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia. Đó cũng là cơ sở đầu tiên để đưa Việt Nam trở thành điểm trung chuyển dữ liệu, thông qua hệ thống hạ tầng viễn thông liền mạch, ổn định và toàn diện. Từ các “mạch máu” này, những trung tâm dữ liệu, nền tảng điện toán đám mây được kết nối, giúp định hình nên một Digital Hub.
Mảnh ghép cuối cùng trong bức tranh Digital Hub Việt Nam là các dịch vụ về dữ liệu dựa trên các nền tảng về Hạ tầng đã đạt được. Mới đây, chúng tôi đã bổ sung thêm hai mảng dịch vụ gồm IT Outsourcing và Cyber Security, với mục tiêu cung cấp giải pháp, dịch vụ chuyển đổi số toàn diện hơn nữa, đồng thời phải an toàn và bảo mật theo tiêu chuẩn quốc tế cao nhất, để các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể yên tâm đặt dữ liệu của mình tại CMC Telecom.
Trong quá trình hoạt động của mình, chúng tôi đã phục vụ hàng nghìn doanh nghiệp Việt trên hành trình chuyển đổi số. Tuy nhiên có một điều khiến chúng tôi suy nghĩ rất nhiều, đó là các doanh nghiệp đang không ngừng đưa dữ liệu - chính là “tài sản số" của mình cho các ông lớn công nghệ nước ngoài thông qua việc sử dụng nền tảng của họ. Trong khi nếu sử dụng hạ tầng số trong nước để khai thác dữ liệu sẽ không chỉ mang lại giá trị lớn cho nền kinh tế số của nước nhà mà còn đảm bảo an toàn an ninh thông tin quốc gia.
Vì vậy không chỉ vì mục tiêu trở thành Digital Hub, chúng tôi còn muốn xây dựng hệ sinh thái trung tâm dữ liệu hiện đại, mạnh mẽ, bảo mật để cạnh tranh, với mong muốn các doanh nghiệp có thể kéo các dữ liệu đó về Việt Nam.
Trong hệ sinh thái hạ tầng số, nếu như ví hạ tầng viễn thông như “mạch máu”, thì trung tâm dữ liệu chính là “trái tim” đưa nguồn sống đi khắp cơ thể. Trái tim khỏe, mạch máu thông suốt thì cơ thể sẽ mạnh mẽ và sẵn sàng chiến đấu. Vì vậy chúng tôi luôn ý thức đầu tư tốt nhất cho hai yếu tố này.
“Trái tim” - Data Center không phải là khái niệm mới ở Việt Nam. Tuy nhiên nếu để đưa nước ta trở thành Hub, có thể phục vụ cho khu vực, thì các tiêu chuẩn phải được đẩy lên tầm cao hơn. Đó là lý do mà CMC quyết định đầu tư xây dựng hệ sinh thái Data Center tiêu chuẩn World Class.
Cùng với hai trung tâm dữ liệu tại Hà Nội và TP.HCM, CMC đã khai trương Data Center Tân Thuận tháng 8/2022, là trung tâm dữ liệu hiện đại, an toàn hàng đầu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Đông Nam Á. Đây là DC đầu tiên trong nước đạt chuẩn Uptime Tier III về cả thiết kế và xây dựng, trong đó có nhiều tiêu chí sẵn sàng cho Tier IV. Hạ tầng này giúp tăng cường không chỉ về số lượng và chất lượng cho lưu trữ dữ liệu, mà còn giúp gia tăng tính bảo mật, đảm bảo an toàn cho việc tiếp nhận, trung chuyển, kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu với lưu lượng khổng lồ, với những tiêu chuẩn quốc tế đã được chứng nhận.
Xét về tuổi đời, CMC Telecom vẫn có thể được coi là một công ty trẻ, có khởi đầu khá muộn so với quá trình thành lập và phát triển của tập đoàn. Tuy nhiên những gì mà CMC Telecom làm được đã góp phần đưa tên tuổi của CMC nói riêng và ngành Viễn thông - CNTT của Việt Nam vươn xa.
Hôm nay, CMC Telecom có thể tự hào là công ty tiên phong trong chuyển đổi số, xây dựng nền tảng số, giải pháp an ninh mạng mang tầm quốc tế. Thành tựu của công ty không chỉ ở Việt Nam, mà còn ghi dấu trên trường quốc tế, với việc phục vụ cho những khách hàng trong top 500 doanh nghiệp toàn cầu. Ngay trong giai đoạn đại dịch, CMC vẫn đảm bảo cung cấp hàng ngàn kỹ sư cho trung tâm R&D của Samsung.
Nền tảng CMC Cloud do chúng tôi phát triển gần 10 năm qua, hiện chiếm khoảng 25% thị phần Cloud nội địa, được vinh danh Top 10 nền tảng số Make in Vietnam xuất sắc nhất. Không chỉ mang doanh nghiệp Việt đến gần hơn với thế giới thông qua các kết nối, hạ tầng Viễn thông - Công nghệ thông tin hiện đại, CMC Telecom còn là đối tác cấp cao trong việc cung cấp dịch vụ của các "ông lớn" công nghệ trên thế giới như AWS, Google, Microsoft, Oracle… cho khách hàng Việt.
Tất cả các thành tựu này một lần nữa khẳng định chiến lược phát triển đúng đắn của CMC Telecom trong mảng Hạ tầng số - là một trong bốn lĩnh vực mũi nhọn đầu tư của tập đoàn, góp phần hiện thực hóa tham vọng đưa CMC trở thành Tập đoàn toàn cầu vào năm 2025.
Với con người, tuổi 15 là giai đoạn sung sức, sẵn sàng bứt phá để đạt mục tiêu thì CMC Telecom cũng vậy. Tôi tin rằng với những nỗ lực không ngừng nghỉ cùng định hướng đúng đắn, CMC Telecom sẽ trở thành công ty dẫn đầu trong việc cung cấp hạ tầng số không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực, hiện thực hóa giấc mơ góp phần đưa Việt Nam trở thành Digital Hub của khu vực và thế giới.
Xin cảm ơn ông!