Những bạn trẻ đam mê xê dịch hay "nằm vùng” tại những nhóm lớn, nhỏ về du lịch không còn xa lạ với "Yến Vi Vu" - cô nàng travel blogger 24 tuổi dám “một mình một ngựa”, tự lái xe côn tay vi vu khắp 63 tỉnh thành trong 9 tháng.

Tốt nghiệp ngành Truyền thông Đa phương tiện tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Yến đã có sở thích quay - chụp - ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng khi du lịch.

"Khi những thước phim chia sẻ lên mạng xã hội và được mọi người khen ngợi, "lòng tham” trong mình trỗi dậy. Mình càng muốn đi nhiều hơn để khám phá, chia sẻ cho mọi người, để biết Việt Nam mình đẹp cỡ nào”, Yến tâm sự. 

Sau khi ra trường, Yến lựa chọn công việc travel blogger (những người mê du lịch và chia sẻ trải nghiệm lên các kênh truyền thông khác nhau bằng đoạn phim, hình ảnh, câu chữ…) làm công việc chính để được thỏa sức với đam mê xê dịch.

Hành trang Yến chuẩn bị cho chuyến xuyên Việt

Đầu năm 2020, lần đầu tiên Yến biết về khái niệm “xuyên Việt”. 

"Trong một lần du lịch tại An Giang, được ngắm nhìn những bức ảnh trải khắp bản đồ hình chữ S của cô chủ homestay và lắng nghe câu chuyện hai mẹ con cô xuyên Việt 5 tháng cùng nhau, mình đã coi đây là động lực để bắt đầu cho chuyến hành trình của mình”, Yến chia sẻ 

Chính từ chuyến du lịch “định mệnh”, Yến bắt đầu đọc thêm những cuốn sách về du lịch, những bài chia sẻ kinh nghiệm từ anh chị đồng nghiệp để “tích lũy” kinh nghiệm. Cô gái quê Bắc Giang cũng hoạch định tài chính để có thể đạt mục tiêu xuyên Việt trước năm 25 tuổi. 

Nhờ kinh nghiệm làm thu ngân từ thời sinh viên, Yến có khả năng quản lý chi tiêu khá tốt. Thế nhưng, để tích lũy đủ 160 triệu trong một năm (theo như Yến dự tính trước đó) là quá khó với một cô gái mới tốt nghiệp, vì vậy Yến quyết định “vừa đi vừa làm”. Cô nàng bắt đầu chuyến hành trình xuyên Việt với vỏn vẹn 20 triệu đồng. 

Trước khi bắt đầu hành trình một tháng, trong bữa cơm gia đình, Yến mới dám nói cho bố mẹ biết kế hoạch của mình. Mặc dù khá lo lắng cho con gái nhưng khi nghe Yến trình bày về lịch trình chi tiết, gia đình cũng yên tâm hơn. Bố cô còn động viên: "Bây giờ còn trẻ còn khỏe còn đi được!”.

Nhờ sự tin tưởng tuyệt đối của gia đình, ngày 30/1/2023 (mùng 9 Tết Quý Mão), từ Bắc Giang, Yến Vi Vu bắt đầu hành trình xuyên Việt của mình. Tỉnh thành đầu tiên cô nàng đặt chân tới là Lạng Sơn, rồi từ Lạng Sơn sang Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên,... lần lượt theo cung Đông - Tây Bắc. 

Hành trình khám phá các tỉnh miền núi phía Bắc của Yến kéo dài trong 60 ngày. Khi tới khám phá tỉnh Thái Nguyên, cô nàng vẫn kịp ghé qua Bắc Giang thăm gia đình rồi mới tiếp tục hành trình. 

Chiếc xe thường “chỉ dành cho con trai” được cô gái lựa chọn trở thành bạn đồng hành trong những chuyến đi 

Người bạn đồng hành của Yến trong chuyến đi lần này là chiếc xe côn tay "hầm hố” được cô nàng tậu từ 4 tháng trước trong ngày sinh nhật. "Mình lựa chọn chiếc xe này vì xe có bình xăng ở phía trước. Khi đổ xăng mình không phải tháo dỡ đồ đạc phía sau. Xe cũng có phần gác-ba-ga rộng rãi để chở đồ. Mặc dù mình mất tới cả tháng mới tự tin điều khiển xe nhưng tới thời điểm này mình thấy lựa chọn chiếc xe cho chuyến hành trình của mình là hoàn toàn đúng đắn", Yến chia sẻ. 

Trước chuyến đi, Yến chuẩn bị đầy đủ những dụng cụ cần thiết: quần áo, đồ đạc cá nhân, thiết bị làm việc như máy ảnh, điện thoại, flycam,... phục vụ cho công việc. 

Hành trình xuyên Việt của Yến Vi Vu có phần “độc và lạ”. Trong suốt chuyến hành trình, cô nàng phân chia thời gian 2 ngày đi - 1 ngày nghỉ, Yến sẽ nghỉ vào thứ 4 và thứ 7 hàng tuần để làm việc - kiếm thêm thu nhập phục vụ hành trình tiếp theo. Trước khi đến với tỉnh thành tiếp theo, cô gái trẻ thường cẩn thận gửi trước hồ sơ cho các đơn vị và đề xuất hợp tác, từ các đơn vị về xe, homestay, các ứng dụng du lịch,... trước ít nhất một tháng. 

Với các thiết bị, Yến có thể tự quay phim, chụp ảnh, viết nội dung để kiếm tiền trong hành trình xuyên Việt

Nguồn thu chính của nữ travel blogger tới từ việc review (phê bình, chia sẻ cảm nhận, trải nghiệm về một sản phẩm hoặc hoạt động nào đó) những nhà hàng, quán ăn, homestay,... mà cô nàng từng đặt chân tới. Yến thường tìm tới những đơn vị hợp tác nhỏ lẻ ở từng địa phương để có thể khai thác tối đa tiềm năng du lịch cũng như phù hợp với định hướng phát triển kênh của cô nàng trên các nền tảng mạng xã hội. “Mình tìm hiểu rất kỹ về từng đơn vị trước khi đề xuất hợp tác. Kể cả khi đã tới trải nghiệm rồi, nếu như thấy đơn vị có những dịch vụ chưa ổn thì mình cũng xin phép dừng hợp tác chứ nhất quyết không review vì lợi nhuận”, Yến chia sẻ. 

Lái xe hàng trăm cây số mỗi ngày, xuyên qua mỗi tỉnh thành là một lần Yến được trải nghiệm điều mới. Trong chuỗi hành trình Đông - Tây Bắc, cô gái trẻ ngỡ ngàng trước cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp, khung cảnh núi non hùng vĩ cùng với sự giao thoa văn hóa đặc sắc giữa các dân tộc vùng Tây Bắc. Đến mỗi nơi, cô nàng lại dành thời gian tìm hiểu, khám phá đặc điểm vùng miền, tham gia trải nghiệm cuộc sống cùng người dân bản địa. 

Yến không thể quên được chuyến hành trình “sóng gió” từ Mường Lay tới Tả Sìn Thàng (Tủa Chùa). "Sóng điện thoại chập chờn, mình không thể định vị chính xác nên lạc đường lúc nào không hay. Mình đã phải tốn rất nhiều thời gian và cũng hơi sợ khi lần đầu gặp phải tình huống này. Cuối cùng mình lựa chọn quay đầu để đảm bảo an toàn và chấp nhận không thể đi tiếp tới địa điểm mình muốn đến", Yến kể.

Tới mỗi địa điểm, Yến lại có thêm những người bạn mới

Vì sự cố lạc đường, 21h tối Yến mới tìm được địa điểm dừng chân. Trước đó, cô nàng thường căn thời gian tới homestay/nhà nghỉ,... trước 18h tối để đảm bảo an toàn.

Xuôi về miền Tây Nam Bộ, ở Cù Lao An Bình (Vĩnh Long), cô gái 24 tuổi tiếp tục phải trải qua “kiếp nạn” đáng sợ nhất cuộc đời: "Bước chân xuống giường lúc 4h30 sáng, xung quanh toàn là nước". 

Theo Yến chia sẻ, thời điểm rằm tháng 8 và rằm tháng 10 hàng năm là hai thời điểm miền Tây Nam Bộ nước dâng lên cao nhất. 

Bình thường trước những ngày này người dân thường sẽ chắn một tấm ván để ngăn cho nước không vào được trong nhà, thế nhưng chủ phòng trọ hôm đó của Yến “cũng không ngờ rằng nước dâng lên cao như thế”. Vì nước dâng đột ngột trong đêm nên cô gái trẻ không phát hiện ra, toàn bộ đồ đạc trong tình trạng ngập úng, đặc biệt là 2 chiếc ổ cứng chứa đựng toàn bộ hành trình vi vu của cô nàng từ 2018 đến nay. 

"Lúc đó, lần đầu tiên mình cảm giác bất lực, mình không thể làm gì, thế rồi tất cả những cảm xúc tủi thân, cô đơn,... dồn hết vào ngày hôm đó và mình bật khóc. Đây cũng là lần đầu tiên mình thực sự muốn về”, Yến nhớ lại khoảnh khắc “sóng gió” trong chuyến hành trình. Thế nhưng, nhờ có sự động viên từ bạn bè qua mạng xã hội, cô gái trẻ vực dậy tinh thần tiếp tục cuộc hành trình.

Hơn cả những con số, thành quả của chuyến hành trình khám phá 63 tỉnh thành của cô gái trẻ 24 tuổi còn là những bài học “khắc cốt ghi tâm”. 

Tỉnh thành cuối cùng Yến đặt chân tới để khép lại chuyến hành trình là An Giang - nơi khởi nguồn cho ước mơ xuyên Việt của cô gái trẻ 3 năm trước. Gặp lại người đã truyền cảm hứng cho mình dám thử thách bản thân vượt qua giới hạn, cô gái trẻ òa khóc trước những chia sẻ, bài học rất đỗi đời thường: học cách ôm.

Cô chủ homestay ở An Giang là người “truyền cảm hứng” cho chuyến hành trình xuyên Việt của Yến 

"Mình là người không giỏi thể hiện tình cảm. Vậy nhưng ngay sau chuyến hành trình, điều đầu tiên khi về tới nhà đó là mình tiến lại gần mẹ và hỏi “Con ôm mẹ một cái được không?”. Mẹ mình cũng sững sờ vì từ bé tới giờ, từ khi có nhận thức bản thân đã trưởng thành là mình không còn ôm mẹ. Mẹ mình đứng yên tầm mấy giây sau đó mình mới tiến lại ôm mẹ. 

Mẹ có hơi đẩy ra một chút nhưng mình nhớ tới lời cô dạy: "Nếu người đó có đẩy ra thì con cứ ôm, cứ giữ thật chặt". Và mình làm theo, ôm mẹ thật lâu”, Yến Vi Vu chia sẻ.

Ngoài những bài học đắt giá, cô nàng còn nhận được tình cảm từ rất nhiều người xa lạ trên khắp 63 tỉnh thành. Trong hành trình ghé thăm đất mũi Cà Mau, cô gái trẻ phải thốt lên “Trời ơi, sao người ta lại có thể giàu tình cảm nhiều như thế” khi được tiếp đón nồng hậu. Thậm chí sau khi Yến trở lại miền Bắc, cô chú chủ nhà vẫn liên lạc hỏi thăm. 

Kết thúc chuyến hành trình, cô gái trẻ hiện đang ở Bắc Giang cùng gia đình và chuẩn bị trở lại TP.HCM bắt đầu cho công việc mới. Yến chia sẻ, đây là thời điểm để cô nàng có bước tiến lớn hơn trong sự nghiệp cũng như có trách nhiệm hơn với mọi người xung quanh. 

Cô gái Bắc Giang chia sẻ mục tiêu tiếp theo đó là phượt xuyên 2 nước Đông Dương là Lào và Campuchia vào năm 2025 và xa hơn là đi xuyên Việt lần 2 với mobihome (nhà di động).

Nội dung: Ánh Tuyết - Thiết kế: Đỗ An

Ảnh: NVCC