Sức nóng của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập tại Hà Nội khiến cho không ít thí sinh cảm thấy áp lực. Trước kỳ thi này, cô giáo Lương Thu Thủy đã đưa ra một số lưu ý cho thí sinh làm bài thi môn Văn.

Theo cô Thủy, để có thể đạt được điểm cao với môn Văn, thí sinh cần có kĩ năng phân tích đề, phân bố thời gian hợp lí để làm bài từng phần; Lập ý/dàn ý (làm ra nháp) với các đoạn văn- được ví như thao tác lên bản “thiết kế” trước khi "xây nhà”.

Ngoài ra, thí sinh cần ôn tập phạm vi kiến thức tổng hợp để tránh nhầm lẫn, mất điểm vụn ở những câu hỏi nhỏ: Hoàn cảnh sáng tác, mạch cảm xúc, ý nghĩa nhan đề; kiến thức tiếng Việt… Thí sinh cũng cần ghi nhớ giá trị nội dung - nghệ thuật nổi bật của các tác phẩm văn học nằm trong chương trình thi.

Ví dụ, ở dạng bài phân tích văn bản truyện, các em ghi nhớ cốt truyện chú ý tránh sa đà kể lại diễn biến truyện. Thí sinh cần tập trung đưa ra dẫn chứng làm sáng tỏ yêu cầu của đề và phân tích những dẫn chứng đã đưa ra; có xen kẽ nhận xét nghệ thuật xây dựng truyện.

Ở dạng bài phân tích, cảm nhận đoạn thơ/văn bản thơ: Phân tích thơ đến đâu, các em trích dẫn thơ đến đó; Xuất phát từ những tín hiệu nghệ thuật (biện pháp tu từ/giọng điệu thơ/từ khóa/cách ngắt nhịp/gieo vần…) để làm rõ nội dung (bức tranh thiên nhiên/cảm xúc nhân vật trữ tình…).

on thi mon van1.jpeg
Cô Lương Thu Thủy - Giáo viên dạy Văn Trường THCS Trưng Vương.

Cô Thủy cũng lưu ý, thí sinh nên rèn luyện kĩ năng viết văn ở cả 2 dạng nghị luận văn học và nghị luận xã hội trong đó ưu tiên việc viết theo thứ tự: Đúng (dạng bài) - Đủ (bước làm) - Hay (câu văn).

Thời điểm này, thí sinh sẽ dành thời gian làm các đề luyện thi để rèn kỹ năng làm bài. Cô Thủy cũng nhận định, song song với việc ôn tập tổng hợp kiến thức, việc luyện đề đóng một vai trò không nhỏ trong quá trình luyện thi của các sĩ tử.

Thí sinh nên luyện nhiều đề để rèn luyện kĩ năng viết và kĩ năng đọc hiểu đề. Với nguồn đề, các em có thể lấy từ đề thi của Hà Nội các năm học trước/tham khảo đề thi khảo sát, chất lượng của các quận, huyện trong năm học này.

Tuy nhiên, trước khi luyện đề, học sinh phải đảm bảo đã học bài, nắm được kiến thức nền. Có vậy, việc luyện đề mới mang lại hiệu quả. 

Học sinh lưu ý cần nghiêm túc trong việc tự luyện đề ở nhà: Thử sức với một đề bài; Không sử dụng bất cứ tài liệu tham khảo nào và bấm giờ làm bài (đúng 120 phút). Điều này sẽ cho kết quả bài làm khách quan, đánh giá đúng thực lực của bản thân.

Cách đây vài ngày, Sở GD-ĐT Hà Nội đã đưa ra Đề minh họa ở môn Ngữ văn, thí sinh có thể căn cứ vào đó để định hướng cho phần luyện đề của mình.

Thí sinh làm nhiều nhưng có thể chia theo mảng. Dạng bài đọc- hiểu và dạng bài tạo lập văn bản, các em viết đoạn văn Nghị luận văn học (3,5 điểm) và đoạn văn Nghị luận xã hội.

Việc làm đề hoàn chỉnh chỉ cần liều lượng: 1-2 đề/ tuần. Quan trọng là việc được chữa bài đã làm đó, học sinh có thể nhờ thầy cô giáo trên lớp chữa giúp/tự đối chiếu đáp án đã có, qua đó sẽ giúp các em phát huy điểm mạnh và biết rút kinh nghiệm, khắc phục những điểm còn hạn chế hoặc “đắp” vào những “lỗ hổng” kiến thức.

Về thời gian học bài hiệu quả, theo cô Thủy, thí sinh nên học bài vào chiều/tối và viết văn vào buổi sáng (để phù hợp với lịch sinh hoạt ngày thi). Các em tăng cường thời gian tự học- tự thẩm thấu kiến thức- thay vì học thêm tràn lan, quá nhiều.

Cân bằng giữa việc ôn thi với việc giữ gìn sức khỏe của bản thân cũng là việc quan trọng. Các em không thức quá khuya, ăn uống đủ chất (chỉ nên thức tối đa đến 12h mỗi ngày). Sát ngày thi, các em không nên thức khuya, đảm bảo cho mình sự tỉnh táo, đầu óc minh mẫn.

Cũng theo cô Thủy, các em nên giữ cho mình sự quyết tâm nhưng vẫn đảm bảo tinh thần thoải mái, không tự căng thẳng, áp lực với bản thân.

Cô Đồng Thị Thúy Miên - Giáo viên dạy môn Ngữ văn trường THCS Mỹ Đình 1, cho biết, để đạt được điểm cao môn Ngữ văn trong kì thi vào 10, khi vào phòng thi, thí sinh cần bình tĩnh, tự tin đọc kĩ đề trước khi làm, xác định kiến thức trong đề thi và phân bố thời gian hợp lý. Làm câu nào, học sinh đọc kĩ, gạch chân dưới yêu cầu đề, đảm bảo trả lời đúng, đủ, sâu kiến thức. 

Đối với câu hỏi đọc hiểu, thí sinh cần đọc kĩ ngữ liệu trong đề để vận dụng kiến thức làm bài.

Đối với đoạn văn nghị luận văn học, học sinh cần xác định đúng phạm vi tư liệu đề bài cho (phần văn bản, tên văn bản, tác giả) xác định chính xác vấn đề nghị luận để trình bày các luận điểm mạch lạc. Học sinh cũng cần lưu ý các đơn vị kiến thức tiếng Việt đề bài yêu cầu khi viết đoạn văn (thường là hai đơn vị kiến thức tiếng Việt liên quan đến các kiểu câu, các từ loại, các phép liên kết, các thành phần biệt lập, khởi ngữ...).

Với câu hỏi nhỏ phần nghị luận xã hội, học sinh lưu ý các câu hỏi thể hiện đánh giá của bản thân (đồng ý hay không đồng ý), giải thích lý do một cách hợp lý, thuyết phục. Khi viết đoạn văn nghị luận xã hội, học sinh cần xác định đúng vấn đề nghị luận, giải thích, bàn luận mở rộng vấn đề, lấy những biểu hiện, gần gũi, tiêu biểu trong cuộc sống để làm sáng tỏ vấn đề.

Các em cần chú ý, không thể thiếu trong đoạn văn nghị luận xã hội là những dẫn chứng thực tế trong cuộc sống, phần phản đề, liên hệ bản thân và rút ra bài học. Thí sinh lưu ý dung lượng khi viết các đoạn văn mà đề bài quy định để không bị trừ điểm. Học sinh cũng cần trình bày bài viết rõ ràng, sạch đẹp, tránh gạch xóa...