Mới đây, tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Xã hội đã gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 thuộc lĩnh vực vực lao động, người có công và xã hội.

Theo đó, đối với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương và Nhân dân đã có nhiều nỗ lực trong việc vươn lên thoát nghèo, thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm.

Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,52% so với năm 2020, mặc dù chưa đạt so với kế hoạch giao là 1-1,5% nhưng trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 30 năm qua thì kết quả giảm nghèo cũng khá tích cực trong bối cảnh kinh tế - xã hội cả nước gặp nhiều khó khăn nghiêm trọng.

Năm 2022 và ước thực hiện năm 2023 kết quả thực hiện giảm nghèo đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết 24 của Quốc hội, Quyết định 90 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.

Năm 2022: Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1,83% vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đề ra là tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5% hằng năm; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,17% (từ 5,2% xuống còn 4,03%), giảm 272.774 hộ nghèo (từ 1.330.148 hộ còn 1.057.374 hộ), đạt mục tiêu kế hoạch là duy trì mức giảm 1,0 - 1,5%/năm); Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4,89% (từ 25,91% xuống còn 21,02%), đạt mục tiêu kế hoạch là giảm trên 3%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo tại 74 huyện nghèo giảm 6,35% (Đầu kỳ năm 2022 là 44,97%, cuối năm 2022 là 38,62%), giảm 56.041 hộ (từ 431.182 hộ còn 375.141 hộ) đạt chỉ tiêu Chính phủ giao (giảm từ 4%-5%/năm); Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều tại 22 huyện được hỗ trợ theo Quyết định số 880/QĐ-TTg (2022) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số nội dung hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025 giảm 7,85%; Có 01/54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Năm 2023, theo báo cáo đánh giá Chương trình sẽ đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao: Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,93%, (giảm 1,1%); Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%). Dự kiến cuối năm 2023 có thêm 09 xã đặc biệt khó khăn được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tổng cộng 10/54 xã, đạt 61,73% so với mục tiêu 30% số xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đến năm 2025.

Chương trình đã bước đầu có những hiệu quả nhất định thông qua việc tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân sống trên địa bàn các huyện nghèo được tiếp cận mô hình sản xuất có hiệu quả; được hỗ trợ vật nuôi, cây trồng để phát triển sản xuất; đào tạo nâng cao trình độ cho người dân; các hoạt động truyền thông về giảm nghèo đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân từ đó dần thay đổi thói quen sinh hoạt, phương thức sản xuất và chủ động vươn lên thoát nghèo.

Trong số 339 khó khăn, vướng mắc trong thực hiện 3 CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025 theo kiến nghị của các địa phương đã được thống kê tại Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng là cơ quan có số lượng khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, xử lý ở nhóm thấp nhất (27/339 kiến nghị) so với các cơ quan khác.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng là cơ quan chủ quản đầu tiên trong 3 Chương trình tổng hợp, báo cáo đầy đủ nội dung, thời gian trả lời 55 kiến nghị liên quan đến CTMTQG GNBV, trong đó: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản trả lời 27 kiến nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư 04 kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 02 kiến nghị, Bộ xây dựng 04 kiến nghị, Bộ Y tế 01 kiến nghị, Bộ Tài Chính 17 kiến nghị. Đoàn giám sát và Ủy ban Xã hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, công khai, minh bạch về kết quả trả lời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến CTMTQ GNBV của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò là cơ quan chủ quản của Chương trình.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Xã hội cũng cho rằng, Nghị quyết 24 đánh dấu giai đoạn quan trọng trong chuyển đổi mục tiêu giảm nghèo, đó là từ giảm nghèo đơn chiều (thu nhập) trước năm 2016, giảm nghèo tiếp cận đa chiều trước năm 2022 sang giảm nghèo đa chiều để thực hiện giảm nghèo bền vững nhất.

Mặc dù CTMTQG GNBV là một Chương trình có thời gian thực hiện lâu nhất, đã trải qua 7 giai đoạn triển khai và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, là điểm sáng trong công tác giảm nghèo được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Tuy nhiên, đa số đối tượng, địa bàn thuận lợi đã thoát nghèo, được thực hiện trong các giai đoạn trước, đến giai đoạn này, địa bàn thực hiện Chương trình là những “lõi nghèo” của cả nước (74 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, vùng trung du và miền núi phía Bắc).

Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh sách 74 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025.

Theo Quyết định số 353/QĐ-TTg phê duyệt Danh sách 74 huyện nghèo thuộc 26 tỉnh, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc 12 tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.

Kết quả 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản năm 2022 của Bộ KH&ĐT cho thấy, các hộ gia đình Việt Nam thiếu hụt nhiều nhất về việc làm (39,8%), trình độ giáo dục người lớn (33,6%), dinh dưỡng (24,1%) và bảo hiểm y tế (22,4%).

Và theo chuẩn nghèo mới, toàn quốc có 4,3% hộ nghèo đa chiều. Còn tính về tỷ lệ hộ nghèo (không theo giảm nghèo đa chiều), Trung du miền núi phía Bắc là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (12,1%).

Vậy, cần phải làm gì để tiếp tục kéo giảm các chỉ số trên?

Theo các chuyên gia, để trả lời cho câu hỏi trên, chắc chắn không còn cách nào khác là thành lập các HTX. Bởi, HTX hình thành, phát triển góp phần nâng cao sinh kế cho đồng bào dân tộc miền núi thông qua tạo việc làm và thu nhập. Có HTX thì người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có sức vươn lên.

Lai Châu và Bắc Kạn được coi là những tỉnh nghèo nhất ở khu vực vùng núi phía Bắc.

Lai Châu còn các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ và Phong Thổ là 4 địa phương còn lại của tỉnh nằm trong danh sách danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.

Hiện, huyện Mường Tè có trên 30 HTX đang hoạt động tại 6 xã, thị trấn, trên các lĩnh vực xây dựng, nông - lâm - ngư - nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ… Với tổng doanh thu các HTX trên địa bàn huyện đạt 908 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 52,75 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân thành viên HTX đạt 45 triệu đồng/năm.

Thời gian qua, các HTX trên địa bàn huyện luôn đổi mới về tổ chức hoạt động đúng nguyên tắc, bản chất. Đồng thời, phát triển đa dạng các loại hình HTX trong mọi lĩnh vực, trong đó, ưu tiên phát triển HTX nông nghiệp đa ngành nghề gắn với vùng nguyên liệu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một số HTX hoạt động sản xuất kinh doanh tiêu biểu và có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao như: mật ong rừng, chè dây leo (HTX Bình An); ớt trung đoàn ngâm dấm, thảo quả (HTX Thanh Nga); thịt trâu sấy ở Bum Nưa (HTX Thắng Tuế).

Huyện đã và đang tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, từng bước chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế, chuyển từ hình thức chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, với quy mô lớn. Các chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cũng được huyện triển khai đầy đủ, kịp thời và đi vào cuộc sống.

Để đưa Mường Tè vươn lên, huyện tiếp tục định hướng cho các HTX phát triển, mở rộng diện tích cây trồng chủ lực nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, nâng cao chất lượng liên doanh, liên kết với công ty, doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi. 

Bắc Kạn hiện còn 2 huyện là Ngân Sơn và Pác Nặm vẫn nằm trong diện "lõi nghèo" theo Quyết định số 353/QĐ-TTg. Số hộ nghèo của 2 huyện này còn 7.118/15.143 hộ, chiếm tỷ lệ 47,01%, giảm 2,98%; hộ cận nghèo còn 1.989/15.143 hộ, chiếm tỷ lệ 13,13%, giảm 0,418% so với năm 2022.

Ngân Sơn là huyện vùng núi cao, thời tiết khắc nghiệt. Trước đây, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, chỉ có một loại cây trồng đặc trưng là cây thông. Tuy nhiên, loại cây này sau khi trồng từ 17 - 20 năm mới cho thu hoạch, giá trị cũng không cao. Do đó, người dân đã nghiên cứu kỹ về thổ nhưỡng, khí hậu và tìm hiểu các loại cây trồng khác để thay thế. Cây dẻ (hay còn gọi là dẻ ván) là một trong số những cây trồng được bà con lựa chọn vì đem lại thu nhập cao.

Mặc dù còn nhiều khó khăn do mới thành lập, song Hợp tác xã (HTX) Hợp Phát, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn đã bước đầu phát huy hiệu quả, mở ra những triển vọng, hứa hẹn về một mô hình kinh tế tổng hợp tại địa phương.

Năm 2006, chị Bàn Thị Ngân - Giám đốc Hợp tác xã Hợp Phát sang tỉnh Lạng Sơn học hỏi kinh nghiệm về trồng cây dẻ ván, sau đó đưa về trồng thử nghiệm tại địa phương. Trồng thử nghiệm, cây dẻ phát triển tốt, sản phẩm hạt dẻ được khách hàng ưa chuộng. Từ đó, chị đã nghĩ đến việc mở rộng diện tích, đồng thời kết hợp với chăn nuôi.

Với suy nghĩ mở rộng diện tích cây dẻ, đồng thời kết hợp với phát triển chăn nuôi, năm 2019, chị Ngân kêu gọi các hộ dân là người Dao tại xã Đức Vân thành lập HTX Hợp Phát. Đến nay, Hợp tác xã của chị có 21 thành viên. Nhận thấy tiềm năng từ cây dẻ, mấy năm nay, nhiều thành viên Hợp tác xã đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dẻ.

Đến nay, Hợp tác xã đã mở rộng diện tích được 50ha cây dẻ, với khoảng 8.000 cây trồng tập trung chủ yếu ở thôn Piêng Dượng và thôn Nặm Làng, xã Đức Vân. Hiện nay, khoảng 10 ha cây dẻ đã cho thu hoạch, sản lượng đạt 9,5 tạ/ha, giá bán buôn tại vườn là 100.000 đồng/kg.

Bên cạnh triển vọng kinh tế bước đầu thì HTX Hợp Phát cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Do mới thành lập, HTX chưa được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, nhà xưởng, việc sản xuất chưa triển khai theo hướng tập trung mà phân tán tại các hộ gia đình thành viên HTX. Việc trồng cây dẻ theo quy trình hữu cơ đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, có lợi cho sức khỏe, thân thiện với môi trường.

Năm 2020, sản phẩm hạt dẻ của Hợp tác xã Hợp Phát được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để sản phẩm của Hợp tác xã vươn xa ra thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần đem lại sự ổn định trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho các thành viên và người lao động của Hợp tác xã.

Cùng với trồng trọt, HTX cũng đẩy mạnh chăn nuôi, trung bình mỗi năm duy trì khoảng từ 4.000 - 5.000 con gà và 60 con trâu. Để mở rộng phát triển sản xuất, thời gian tới, HTX tập trung đầu tư xây dựng nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh tuyền truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, đồng thời mở rộng diện tích cây dẻ, từ đó xây dựng vùng cây đặc sản có tính hàng hóa..

Mặc dù còn nhiều khó khăn song mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của HTX Hợp Phát đã bước đầu tạo công ăn việc làm, nguồn thu nhập cho người lao động tại địa phương.

Không thể phủ nhận, HTX Hợp Phát đã góp phần để hạt dẻ Ngân Sơn xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.

Được biết, từ những lợi nhuận thu được, huyện Ngân Sơn đã đặt mục tiêu đến năm 2025 trồng thêm mới 100ha cây dẻ ván, mỗi năm 20ha tại 5 xã gồm: Cốc Đán, Thượng Ân, Bằng Vân, Đức Vân và thị trấn Nà Phặc.

Thanh Nga, Lan Anh, Thúy Ngân, Trần Sâm và nhóm PV, BTV, CTV