Cúng tiễn ông Táo về trời từ lâu đã trở thành một nét đẹp truyền thống văn hóa của người Việt. Theo truyền thống, ngày Tết ông Công ông Táo là ngày 23 tháng Chạp hàng năm (tức ngày 23/12 Âm lịch).

Người Việt quan niệm vào ngày này, ông Táo sẽ cưỡi cá chép về trời để báo cáo với Ngọc Hoàng. Do đó, nhiều người xem đây là thời điểm lý tưởng để làm lễ cúng ông Công ông Táo.

Tuy nhiên, chuyên gia phong thủy Nguyễn Mạnh Linh, Viện phó Viện Phong thủy Thế giới lại cho rằng, người dân không nhất thiết phải làm lễ cúng ông Công ông Táo vào đúng ngày 23 tháng Chạp.

Ông Linh dẫn chứng, “Phong thổ ký”, tác phẩm sớm nhất có những ghi chép liên quan đến tục cúng ông Công ông Táo vào đời Tấn viết: “Lạp nguyệt nhị thập tứ nhật dạ, tự táo, vị táo thần dực nhật thượng thiên, bạch nhất tuế sự, cố tiên nhất nhật tự chi”.

Tạm dịch là: “Tối 24 tháng Chạp, cúng Táo, để thần Táo ngày hôm sau lên trời, báo cáo công việc cả một năm, nên phải cúng trước 1 hôm”. Dựa vào tài liệu trên, ngày 25 tháng Chạp là ngày ông Táo báo cáo công việc với Ngọc Hoàng.

Do đó, người dân phải cúng tiễn ông Táo trước đó một ngày tức là ngày 24 tháng Chạp.

Vào đời Tống, Phạm Thành Đại cũng viết trong “Tế Táo thi” là: “Cổ truyền lạp nguyệt nhị thập tứ, Táo quân triều thiên dục ngôn sự”. Nghĩa là “Xưa nay ngày 24 tháng Chạp, Táo quân lên triều để báo việc”.

Thế nên về sau, người dân Trung Quốc xưa vẫn làm lễ cúng ông Táo vào ngày 24 tháng Chạp. Thậm chí, đời nhà Thanh, người Trung Quốc vẫn tổ chức lễ cúng ông Công ông Táo trong 4 đêm từ ngày 20-24 tháng Chạp.

{keywords}
Cúng ông Công ông Táo đúng ngày, giờ đẹp để mang lại may mắn cả năm 2022. (Ảnh: Dân Việt).

Điều này được ghi chép tại “Thanh Gia Lục”. Cụ thể, “Thanh Gia Lục” quyển thứ 12 viết: ““Tục hô lạp nguyệt nhị thập tứ dạ vi niệm tứ dạ, thị dạ tống táo”, nghĩa là “Thông tục ngày 24 tháng Chạp làm lễ 4 buổi đêm (từ ngày 20-24 tháng Chạp), là tiễn ông Táo buổi khuya”.

Tuy nhiên, cuối đời Thanh, để cắt giảm chi phí trong lễ cúng, người Trung Quốc chỉ làm 1 lễ lớn vào tối 23 tháng Chạp. Từ đó về sau, người dân gần kinh thành chỉ làm lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp.

Sau này, người Việt Nam bị ảnh hưởng và học theo, chọn ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày cúng tiễn ông Công ông Táo về trời.

“Dựa trên các tài liệu, phân tích trên, người dân hoàn toàn có thể làm lễ cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 hay 24 tháng Chạp”, chuyên gia phong thủy Nguyễn Mạnh Linh khẳng định.

Cũng theo ông, việc cúng ông Táo chầu trời chỉ là một hoạt động tượng trưng nhằm thay thế cho tất cả các lễ tiết liên quan cúng chào các vị thần linh khác.

Bởi, theo quan niệm của người xưa, cuối năm, các vị thần đều về bẩm báo công việc với cấp trên. Sau đó vào đầu năm mới, gia chủ sẽ lại làm lễ để đón các thần quay trở lại chứ không phải chỉ đón mỗi ông Táo.

Vùng Phúc Kiến (Trung Quốc) hiện nay vẫn lưu truyền phong tục cho rằng ngày cuối năm (từ ngày 25 đến hết năm), tất cả các vị thần từ Thổ Địa đến Thành Hoàng đều quay về báo cáo với cấp cao hơn.

Người dân ở đây quan niệm, sau khi các vị thần đi, họ mới có thể nghỉ ngơi. Thế nên sau lễ cúng, người dân mới quét rác, dọn dẹp nhà cửa, chỉnh sửa ban thờ.

Qua các thông tin này, nhà phong thủy Nguyễn Mạnh Linh cho rằng, việc bao sái bát hương hay dọn dẹp ban thờ trước lễ cúng, thậm chí làm lễ cúng ông Công ông Táo trước 12h ngày 23 tháng Chạp là không đúng cách.

Theo đó, ông cho rằng việc cúng ông Công ông Táo không có kiêng kỵ vào buổi sáng hay buổi chiều hay vào một ngày cụ thể bắt buộc nào.

Tuy nhiên, nếu gia chủ muốn chọn giờ đẹp cúng ông Công ông Táo để có được may mắn cả năm thì có thể tham khảo các giờ:

18h ngày 21 tháng Chạp (tức ngày 23/1 Dương lịch).

16h ngày 22 tháng Chạp (tức ngày 23/1 Dương lịch)

8h hoặc 18h ngày 23 tháng Chạp (tức ngày 25/1 Dương lịch).

Nguyễn Sơn