CUỘC SỐNG KHỔ CỰC Ở VÙNG XÂM NHẬP MẶN

Xâm nhập mặn vào sâu, người dân huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) phải loay hoay lo chuyện nước sinh hoạt. Có những ngày họ phải "ở bẩn", không dám tắm, dành nước để nấu ăn.

Huyện Tân Phú Đông nằm biệt lập trên cù lao giữa dòng sông Tiền, tiếp giáp Biển Đông. Xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 xuất hiện sớm, vào sâu hơn 60km về phía thượng lưu sông Tiền khiến hầu hết địa bàn huyện bị bốn bề nước mặn bao vây.

Nhiều hộ dân tại Tân Phú Đông đang lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng do ao chứa nước bị nhiễm mặn, không đủ nguồn cung.

Chị Lê Thị Thùy (30 tuổi) sống tại Ấp Gảnh, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) xách nước sạch mới xin được vào nhà. Cả tháng nay, người dân nơi đây phải loay hoay lo tìm nguồn nước sinh hoạt. 

Chị Thùy cúi người cố lấy nốt số nước còn vơi từ thùng chứa nước phía ngoài cửa nhà để giặt đồ. 

Nhiều ngày qua, vòi nước sinh hoạt tại nhà chị đã cạn kiệt. Nguồn nước ít ỏi lấy từ các vòi nước công cộng mang về sử dụng.

Chị Thùy chấp nhận bỏ tiền ra mua thêm chiếc bồn loại 3.000 lít để trữ nước. 

Hạn mặn nghiêm trọng ùa về khiến chị không khỏi lao đao, “nước không đủ dùng nên có nhiều bữa tôi không nấu cơm mà đi ăn “ké”, chị Thuỳ kể.

Tối muộn, chị Thùy ra chợ mua thêm can chứa nước để chuẩn bị cho những ngày khô hạn sắp tới.

"Chưa bao giờ thấy cảnh hạn mặn đến sớm và hết nước trầm trọng như năm nay. Năm 2016, hạn mặn cũng khốc liệt nhưng đến trễ", chị kể.

Tân Phú Đông là địa phương đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long vừa phải công bố tình huống khẩn cấp về xâm nhập mặn và thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024.

Nước bị cắt nên sinh hoạt của người dân hoàn toàn đảo lộn. Ngày nào người phụ nữ này cũng mở tất cả các van nước chờ nhưng các vòi đều khô cạn.

Thi thoảng có nước chảy rỉ rỉ, gia đình ông Đoài dùng tất cả những xô chậu nồi niêu để hứng nước. Có nhiều hôm phải "ở bẩn" vì không còn giọt nước nào.

Thiếu nước, nhà lại có trẻ nhỏ nên quần áo chất đống. Bà Dung dặn các con ở nhà, phải liên tục mở van, được nước 'tiếp tế' khi nào thì hứng đầy xô, chậu... 

Cách đó 500m, gia đình chị Nga có 2 chum trữ nước mưa để sử dụng nhưng nếu tình trạng này kéo dài thì nước sớm muộn cũng hết.

Do nước ngọt khan hiếm, việc sử dụng cũng phải hết sức tiết kiệm. Nước vo gạo để dành lại tưới cây, cho vật nuôi uống, còn tắm rửa người dân phải dùng nước mặn, sau đó rửa sơ bằng nước ngọt.

Nhiều vòi nước công cộng được lắp đặt để người dân tới lấy nước miễn phí về sử dụng. Tuy nhiên, do nguồn nước đầu vào hạn chế, việc nhiều người dân thiếu nước sinh hoạt là khó tránh khỏi.

Hiện, khoảng 7.000ha nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện chưa bị ảnh hưởng.

Để ứng phó với hạn mặn, huyện Tân Phú Đông đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Cây lúa được thay bằng cây sả. Đây là cây cần ít nước tưới và khả năng chịu mặn cao.

Thiếu nước, các hộ dân phải dẫn nước mặn vào bể ngâm sả.

Để thích ứng với hạn mặn, địa phương đã đề ra những giải pháp căn cơ hơn để thích ứng, giúp người dân yên tâm sinh sống và sản xuất trong mùa khô hạn.