- Về Việt Nam, bà đi đâu, làm gì?
Tôi vừa trở về từ Hà Nội. Tôi tranh thủ ghé Tràng An thăm phố Hàng Bồ - nơi mình sinh ra. Dù rời đi khi mới 3 tuổi, tôi vẫn nôn nao, bồi hồi khi đến nơi này.
Mọi thứ thay đổi rất nhiều, dĩ nhiên. Ngôi nhà xưa của tôi cũ kỹ, yên tĩnh lắm, không tấp nập như bây giờ. Trong đầu tôi, bóng dáng u già (bà vú - PV) hiện ra vẹn nguyên như vậy. Ngày đó, khi vào Sài Gòn, u già đã tiễn tôi ở sân bay. Bà không thể theo chăm tôi được.
Thứ tôi giữ lại của người Tràng An là tính cách nhẹ nhàng và giọng nói đặc trưng. Tôi sống ở Sài Gòn, Đà Lạt và Mỹ nhưng chưa bao giờ để mất màu giọng này cả.
- 23 năm vắng bóng chồng, bà sống thế nào?
Tôi gặp chồng từ khi còn rất trẻ. Anh (nhạc sĩ Lê Uyên Phương - PV) là người dìu dắt, chỉ bảo tôi từng chút một trong cuộc sống. Anh nói gì tôi cũng lắng nghe, tiếp thu. Đặc biệt, tôi hiểu tất cả câu từ anh viết trong các nhạc phẩm, nhất là các bài ra đời từ kỷ niệm lứa đôi. Tôi sẽ không hát những gì mình chưa hiểu.
Vì thế, tôi và anh Phương cách nhau 11 tuổi mà vẫn hiểu từng suy nghĩ của nhau. Chúng tôi hai người như một. Tôi là người bạn nhỏ luôn thấu hiểu anh.
Khi anh mất, tôi trải qua 7 năm khủng khiếp. Tôi thấy cuộc đời mình không còn gì quan trọng hay có ý nghĩa nữa. Ngày cúng chung thất cho anh, 15h hôm đó, tôi đã chuẩn bị xong mọi thứ để đi theo chồng.
Bất ngờ, một người quen của chúng tôi đến nói: "Nếu người chết là chị, anh ấy sẽ không còn ai để viết nhạc, không còn ai hát và cái tên Lê Uyên Phương sẽ chết theo. Ngược lại, người chết là anh ấy, chị còn sống, vậy hãy tiếp tục mang âm nhạc của anh đến với đời để cái tên Lê Uyên Phương sống mãi". Vì tình yêu, tôi cố sống tiếp hát nhạc của anh.
- Người già không dễ khóc như thời trẻ, vì sao nước mắt của bà chực rơi khi nhắc đến chồng - người mất cách đây 23 năm?
Thời anh còn sống, chúng tôi bên nhau từng giây phút. Hễ ai đó nhắc tới anh, tất cả điều đó lại ùa về như thể anh vẫn còn ở ngay đây vậy, cảm giác rất thật.
Bây giờ, tôi sống bình yên và chấp nhận. Tôi chấp nhận rằng chồng mình đã mất, dù sự chấp nhận ấy mất đến mười mấy năm. Tôi có thể khẳng định một điều: cho đến ngày tôi nhắm mắt xuôi tay, xúc động của ngày hôm nay vẫn sẽ như vậy.
Vài năm nữa, biết đâu tôi bị đãng trí do tuổi già dù không bao giờ muốn mình rơi vào cảnh đó. Nhưng nếu còn nhớ, tôi tin không có gì về anh trong tôi có thể phôi phai theo thời gian.
- Bà trông đợi gì ở chuyến lưu diễn lần này?
Khi tiếp xúc người trẻ, họ nói thích nhạc Lê Uyên Phương. Họ yêu quý tôi vì tôi là nửa còn lại trong Lê Uyên Phương. Với tôi, những câu nói ấy cho tôi sức mạnh lớn lao vô cùng.
50 năm trước, tôi và anh Phương đã chu du khắp nơi để hát. Lần trở lại này, tôi sẽ đến những nơi đó một lần nữa. Có ai được 2 lần hạnh phúc sau 50 năm như tôi?
Ngày xưa khi chúng tôi yêu nhau nồng nàn, say đắm, anh đã viết những bài chia ly sầu thảm cho tôi hát. Chỉ 19 ngày, giới sinh viên đã yêu những bài hát nói thay nỗi lòng họ của Lê Uyên và Phương.
Bây giờ, chồng không còn nữa, tôi hát với đúng tâm thế của hai người đã chia lìa nhau. Tôi đã tập lại những bài hát cũ như một đứa trẻ tập đi. Có thể hơi tôi không dài như xưa, bài hát cũng mất đi một nửa - phần anh đàn và hát bè cho mình, nhưng tôi còn đây một trái tim để hát.
- Về Trịnh Công Sơn, sau Khánh Ly, có đến mấy "nàng thơ" kế nhiệm, vì sao Phương chỉ có mỗi Lê Uyên?
Sinh thời, anh luôn mong có người trẻ đương thời hát nhạc của mình. Tôi cũng vậy, chỉ là mãi chưa thấy ai. Người ta thường nghĩ "Nhạc của Phương chỉ có Lê Uyên", điều đó không đúng. Chỉ cần bạn hát bằng trái tim, đó sẽ là âm nhạc của Lê Uyên Phương.
Bảy năm đắm chìm trong nỗi đau mất chồng, tôi im bặt tiếng hát. Chính Quang Thành xuất hiện và nói: "Người trẻ vẫn yêu nhạc Lê Uyên Phương". Tôi trố mắt, sửng sốt hỏi: "Thật chứ?", thế là tức tốc về nước hát!
Bạn không thể hát nhạc của Lê Uyên Phương bằng kỹ thuật. Hãy hát bằng tâm hồn, dẫu hơi có ngắn, giọng có bẹt, vẫn sẽ ra đúng chất nhạc của chúng tôi.
Tôi tập hát mỗi ngày. Bí quyết của tôi là tập hát những bài cao nhất, khó nhất. Khi đi diễn, tôi hát những bài dễ hơn sẽ không gặp khó khăn gì. Mấy mươi năm qua, tôi chưa từng phải hạ tông bài nào. Nếu muốn có cột hơi đầy ắp, hãy sống thật lành mạnh.
- Cụ thể, lối sống ấy là thế nào, thưa bà?
Một năm nay, tôi bắt đầu dậy khoảng 7 giờ sáng. Tôi tập thể dục khoảng 10 phút, ra vườn hít không khí tự nhiên rồi vào trà thất ngồi thiền 10 phút. Tôi không có nhu cầu giữ eo, chỉ tập để khỏe nên không cần nhiều.
Khoảng 21h - hai tiếng sau bữa tối - tôi tập hát khoảng nửa tiếng trong sung sướng. Giờ sinh hoạt của tôi không cố định. Tôi có thể ngủ lúc 22h hoặc 2 - 3h sáng hôm sau nếu xem phim.
- Bà thức đêm "cày" phim, tôi không nghe nhầm chứ?
Từng tuổi này, tôi làm những điều mình thích, không bó buộc trong khuôn khổ nào cả. Nếu đang xem dở một bộ phim hay, tôi sẽ rất khó ngủ. Có hôm, tôi xem phim đến 2 - 3h sáng.
Tôi thích nhất dòng phim cổ trang - tình cảm Hàn Quốc. Gần đây, tôi xem phim Dong Yi (Đồng Y, 2010) có Han Hyo Joo đóng. 8 lần rồi tôi xem đều khóc, hay tuyệt. Câu chuyện có thể hư cấu nhưng giá trị của 3 từ "Trung, Hiếu, Nghĩa" là thật. Tôi cũng hay xem phim của Jeon Hye Bin đóng.
- Còn điều nào "không khuôn khổ" trong cuộc sống của bà nữa?
Tôi sống giản dị lắm. Tôi không ăn chay trường nhưng thích ăn rau, ăn ít thịt. Sức ăn của tôi khá khỏe, có thể ăn hết 1 con vịt nếu nước mắm gừng đủ ngon.
Ngày nào tôi cũng làm việc quần quật. Khu vườn của tôi rộng nửa mẫu. Bạn thử hình dung, tôi - người phụ nữ 72 tuổi - lấy xẻng đào đất, trộn và đổ xi măng vào để dựng một cái cổng đúng ý mình.
Tôi dành một góc vườn trồng tre, trúc, đặt mấy cái lu tạo cảnh đồng quê. Cũng chính tôi, vài tuần sau không không ưng ý lại đào lên, mang đi trồng chỗ khác. Tôi tự làm vì chẳng ai vừa ý mình.
Phần còn lại, tôi trồng cây thông, 5 cây phong và hoa xung quanh căn nhà gỗ. Tôi muốn dựng lại khung cảnh giống hệt Đà Lạt - nơi tôi và anh Phương từng sống nhiều năm. Tôi hát bất cứ lúc nào tôi muốn. Nhà rộng, tôi hát to đến mấy cũng không sợ phiền ai.
Nhà tôi có một hồ cá rộng 25 x 45ft (khoảng 104m2), sâu gần 4m được cải tạo từ hồ bơi, thả 300 con cá Koi. Trên cái hồ đó, tôi dựng một căn nhà gỗ nhỏ. Trong nhà, tôi nuôi 8 con chó Nhật.
Một mình tôi chăm sóc mảnh đất rộng 24.000sqft (khoảng 2.230m2). Tôi làm vườn, chăm cá, nuôi chó hết một ngày vẫn chưa đủ, ước gì có thêm vài tiếng. Vậy mà tôi vẫn dành chút thời gian may vá, chủ yếu là tự thiết kế áo cho mình mặc.
Một ngày tôi không còn trên đời nữa, có lẽ các con chỉ tiếp quản, gìn giữ ngôi nhà này chứ không thể chăm sóc nó cẩn thận như mẹ. Tôi dặn 2 con cố giữ nó như một nơi chứa đầy kỷ niệm của cha và mẹ.
- Từ tiểu thư Lâm Phúc Anh tới danh ca Lê Uyên, sự thay đổi nào làm bà nuối tiếc?
Đến sự ra đi của chồng, tôi còn chấp nhận được, những thứ khác càng không có gì phải lưu luyến. Trong những gì chúng ta có, sự chấp nhận nên có đầu tiên. Biết chấp nhận, chúng ta sẽ có niềm vui, sự thanh thản.
Chồng từng dạy tôi nhiều điều để cuộc sống tốt hơn. Anh sống như một thiền sư. Ngày xưa, tôi trẻ quá, nhiều lời anh nói tôi chưa hiểu hết hoặc lười biếng không làm theo.
Anh mất, tôi mới chiêm nghiệm lại tất cả lời anh nói. Và như thế, tôi sống không bon chen hay tranh giành, cũng không tiếc nuối điều gì, trừ chuyện anh ra đi sớm quá.
Mỗi ngày, tôi mở mắt dậy, thấy biết ơn vì mình vẫn khỏe. Tôi nghe theo câu anh dạy: "Đói ăn, khát uống", rất giản dị. Mình nhận được những gì trong ngày tận hưởng cái đó.
- Bà nói người ta thông tin sai về đời tư của mình, cụ thể là gì?
Anh Nguyên là người bạn, người tri kỷ rất dễ thương, lâu nay bị tô vẽ thành "chồng mới của Lê Uyên". Thông tin "Lê Uyên có chồng mới" khiến tôi tổn thương. Tôi tha thiết muốn đính chính thông tin này nhất.
Kế đến, không có chuyện người bạn của tôi giàu có, cho tôi cái này cái kia. Ngoài ca hát, tôi không biết xử lý những thứ khác. Chuyện xe hư, nổ lốp, điện thoại vỡ màn hình, giấy tờ, hóa đơn,... đều do anh lo. Anh ấy và tôi san sẻ về tinh thần, giúp tôi an tâm, vững vàng phụng sự cho âm nhạc của chồng.
Anh Phương mất tròn 7 năm, người bạn này mới xuất hiện dù chúng tôi sống cách nhau chỉ một ô phố. Lần đầu nghe tôi hát, anh ấy đã say mê dù không biết Lê Uyên, chỉ biết nhạc sĩ Lê Uyên Phương. Khi anh bày tỏ như vậy, tôi cười nói: "Sao anh nhà quê thế!".
Tôi và anh ấy giống nhau ở tình yêu dành cho âm nhạc, lối sống giản dị. Người bạn này hiền lành, từ tốn nhưng lại rất hài hước. Anh hay hát, hay làm thơ, kể chuyện tiếu lâm. Anh dành cho chồng tôi sự tôn trọng tuyệt đối. Tôi thật may mắn khi quen biết người tri kỷ như vậy.
- Anh ấy là nguồn năng lượng để tinh thần của bà luôn đầy sức sống như bây giờ?
Đơn giản là tôi còn nhiều việc phải làm. Tôi không cho phép mình nhếch nhác, trì trệ trong bất cứ khoảnh khắc nào cả. Trọng trách trên vai tôi rất lớn. Những bài rất hay của anh chưa từng phát hành, tôi đã thu xong rồi.
Dự án hồi ký về Lê Uyên Phương đã được tôi ấp ủ từ lâu, bắt đầu triển khai khoảng 5 năm nay. Năm sau 2023, tôi sẽ cho triển khai song song dự án hồi ký và bộ phim tài liệu về anh.
Ảnh: Bảo Hòa
Thiết kế: Nguyễn Cúc