Ở tuổi xế chiều, những ký ức về một thời cùng đồng đội chiến đấu giải phóng hoàn toàn miền Nam vẫn còn vẹn nguyên trong ông. Với ông, cuốn hồi ký như người bạn, như vật bất ly thân. Lật giở từng trang hồi ký, vị tướng già trầm ngâm từng câu chuyện, từng kỷ niệm, từng con người.

Nguyên Thứ trưởng vẫn rất phong độ, đôi mắt sáng tinh anh, cái bắt tay chắc và dứt khoát… ông không khỏi xúc động khi nói về chiến thắng lịch sử của dân tộc Việt Nam vào ngày 30/4/1975.

Trưởng thành từ người lính binh nhì, nhập ngũ năm 1961, ông Rinh trải qua nhiều cương vị công tác, chiến đấu ở nhiều chiến trường khác nhau, trong đó có hơn 20 năm gắn bó với Quân đoàn 2 – Binh đoàn Hương Giang, đó là một quãng thời gian khá dài mà theo ông đây là những “ngày tháng đầy sôi động”.

Ngày đầu về quân đoàn ông là Trung đoàn phó, quân đoàn ông tham gia nhiều chiến dịch lớn và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Lào, Campuchia, khi thì đánh Mỹ - giải phóng miền Nam, khi thì chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, rồi xây dựng quân đoàn chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại… 

Tướng Rinh tự hào nói về đơn vị: “Biết bao sự kiện mà giúp tôi trưởng thành. Quân đoàn 2 thực sự là một phần vô cùng quan trọng, một phần máu thịt trong đời binh nghiệp của tôi. Đầy ắp những kỷ niệm một thời trận mạc, tình cảm đồng chí, đồng đội gắn bó, tình anh em đồng cảm, sẻ chia…”

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quân đoàn 2 đã tổ chức đội hình chiến đấu có lực lượng đột kích mạnh gồm xe tăng, pháo binh, pháo phòng không và bộ binh, cùng với quân và dân vùng Đông và Đông Nam Sài Gòn tiến công dũng mãnh, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng địch phòng ngự trên hướng này, nhanh chóng đưa lực lượng thọc sâu đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Cũng như bao người Việt Nam khác, ngày đất nước thống nhất là ngày Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh vỡ òa trong niềm vui. 

Ông nhớ lại, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch, đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, phương án chiến dịch được thông qua lần cuối. Một lực lượng lớn chủ lực và binh khí kỹ thuật cho chiến dịch được tập hợp. 

Bộ Tư lệnh chiến dịch đã xác định “Đánh đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng, kết thúc cuộc chiến tranh, giành thắng lợi triệt để”. 5 mục tiêu chủ yếu trong nội thành phải nhanh chóng đánh chiếm là: Bộ Tổng tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát, Dinh Độc Lập. 

Khi ấy ông đang là Tham mưu phó Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) là sư đoàn bộ binh chủ lực đầu tiên từ miền Bắc tiến vào miền Nam. 

“Lúc đó ta quyết tâm giải phóng miền Nam, còn địch thì quyết tâm giữ lại những địa bàn trọng yếu nên giao tranh rất ác liệt”, tướng Rinh kể.

Nguyên Thứ trưởng cho biết, cuối tháng 3/1975, Sư đoàn 325 và các lực lượng của Quân đoàn 2, cùng với lực lượng Quân khu 5, quân và dân địa phương giải phóng thành phố Đà Nẵng, khi đang ở khu vực Nam Ô thì đơn vị ông được lệnh chuẩn bị sẵn sàng tiến về Sài Gòn. Với phương châm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, trên đường hành quân Quân đoàn 2 đã giải phóng Phan Rang, Xuân Lộc. 

Trên hướng tiến công của Quân đoàn 2, chỉ có 2 đường chính dẫn vào nội đô Sài Gòn: Xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa và Long Thành-Nhơn Trạch-thành Tuy Hạ-Sài Gòn, trên mỗi đường có nhiều cầu cống. Nếu quân ta không tranh thủ thời gian đánh nhanh, để địch phá hoại cầu đường, dựa vào các chướng ngại thiên nhiên chống trả thì sẽ gặp nhiều khó khăn.

17 giờ ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Tất cả 5 cánh quân từ các hướng dội bão lửa vào tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch. 

Với Sư đoàn 325, chiến sự diễn ra ở khu vực Long Thành, Bình Sơn lúc đầu khá suôn sẻ. Các trung đoàn, tiểu đoàn nhanh chóng đánh chiếm khu vực ngã ba đường 10 và 15 (nay là Quốc lộ 15) và chiếm trận địa pháo của địch. Sau một ngày đêm chiến đấu, đến chiều ngày 27/41975, Sư đoàn 325 đã làm chủ hoàn toàn chi khu Long Thành; phá vỡ một khâu quan trọng trên tuyến phòng thủ vòng ngoài hướng Đông Nam Sài Gòn.

Khói lửa ở quận lỵ Long Thành chưa tan, ngay đêm 27/4/1975, bộ đội đã tích cực khẩn trương bổ sung nhân lực, vật lực để kịp sáng ngày 28/4/1975 tiếp tục hành quân chiến đấu. Sau đó, Sư đoàn 325 tiến công làm chủ chi khu Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ, áp sát Cát Lái.

Rạng sáng ngày 29/4/1975, toàn mặt trận chính thức chuyển sang tổng công kích. Tư lệnh quân đoàn lệnh cho các trận địa pháo 130mm ở Nhơn Trạch bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất, mở đầu cuộc tổng công kích.

Sau phát pháo mở màn vào lúc 4h30, hơn 300 quả đạn 130mm cấp tập nã vào sân bay Tân Sơn Nhất. Tiếng pháo nổ làm rung chuyển đường phố Sài Gòn. Tiếng pháo từ trận địa Nhơn Trạch báo hiệu lệnh tổng công kích toàn mặt trận. Từ các hướng, các binh đoàn thọc sâu của 5 cánh quân đồng loạt ào ạt đánh vào nội đô.

Cùng thời gian đó, Sư đoàn 325 tổ chức đánh chiếm thành Tuy Hạ, căn cứ hải quân Cát Lái và phát triển vào nội đô, giải phóng quận 9. 

Tối 29/4/1975, các đơn vị khẩn trương tổ chức triển khai lực lượng vượt sông đánh vào Sài Gòn.

Tướng Rinh nhớ lại, “trong ánh lửa sáng lòa của đạn pháo địch bắn cầm canh từ bờ nam sang bờ bắc, hàng chục cái đầu chụm lại trên tấm bản đồ để quyết định phương án tiến công. Không khí của đêm trước trận đánh cuối cùng lúc đó thật khó tả xiết. Háo hức, dồn dập, thúc bách, căng thẳng... Đêm đó vừa dài lại vừa ngắn với quân giải phóng, mọi người không ai ngủ được. Hàng mấy nghìn con người, hàng trăm xe pháo – tất cả như dồn nén lại để bung ra vào sáng hôm sau”. 

Rạng sáng ngày 30/4/1975, cuộc vượt sông lịch sử của Sư đoàn 325 bắt đầu. Nhìn mặt sông đầu mùa mưa, chưa đầy nước, không có cảm giác mênh mông tít tắp, sóng vỗ bờ như khi con nước lên ròng. Để thăm dò phản ứng của địch, theo kế hoạch quân ta cho một xe lội nước chở 10 chiến sĩ được trang bị mạnh, vượt lên trước đội hình, lao xuống sông tiến về phía bờ nam. Xe lội nước của ta vừa rời bờ một quãng thì từ căn cứ Cát Lái, địch đánh chặn và xuất kích ra ba tàu chiến. Chỉ chờ có vậy, trận địa pháo của ta ở bờ bắc lập tức nổ súng, bắn chìm 3 tàu địch. Đồng thời các cụm pháo chiến dịch ở Nhơn Trạch phát hỏa, dội bão lửa xuống các vị trí của địch ở bờ nam. Được đài quan sát hiệu chỉnh, pháo quân ta bắn rất chính xác, nhiều cột lửa bốc cao ở căn cứ Cát Lái. Mặc dù đã chuẩn bị đối phó từ trước, nhưng với đòn tập kích hỏa lực mạnh mẽ của pháo binh ta, địch ở cảng Cát Lái không khỏi bất ngờ, choáng váng.

Tướng Rinh kể, khi đó những tàu đi trước, chiếc chìm, chiếc thì cháy, các tàu địch phía sau thì tháo chạy về Tân Cảng.

Tới 9 giờ sáng, cuộc tiến công vượt sông Đồng Nai bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng của Sư đoàn 325, của Binh đoàn Hương Giang kết thúc thắng lợi. Nắng hè chói chang, rực rỡ soi rọi màu cờ giải phóng in trên mặt sông Đồng Nai, trên căn cứ hải quân Cát Lái. “Khi đã vượt được sông thì sức mạnh quân ta như được tăng thêm gấp bội, đơn vị nào cũng muốn tiến nhanh về phía nội đô, tạo nên khí thế thẳng tiến về mục tiêu cuối cùng - dinh Độc Lập”, tướng Rinh cho biết.

Vượt qua cầu Sài Gòn, lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 gồm Trung đoàn bộ binh 66, Sư đoàn 304, xe tăng Lữ đoàn 203 ào ạt tiến vào nội đô. Được tự vệ thành và nhân dân dẫn đường, đoàn xe tăng, cơ giới của ta theo đường Hồng Thập Tự và đường Thống Nhất rầm rập tiến vào dinh Độc Lập, bắt Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn.

Đúng 11h30 ngày 30/4/1975, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, chính thức báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Trải qua 5 ngày tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta trên hướng Đông Nam, trong đó Quân đoàn 2 là lực lượng giữ vai trò nòng cốt đã anh dũng chiến đấu “hoàn thành nhiệm vụ một cách đặc biệt xuất sắc!” (lời nhận xét của Đại tướng Văn Tiến Dũng).

Sau này, mỗi khi có điều kiện, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh lại trở về thăm Long Thành, Nhơn Trạch, Cát Lái như thăm lại những ngày sôi động, ý nghĩa nhất một thời quân ngũ. Những nơi này giờ “thay da đổi thịt”, ở Nhơn Trạch còn có các khu đô thị, đường rộng thênh thang, khu vực trận địa pháo ngày nào giờ đã thành khu đô thị. 

Đường 25 từ ngã ba Long Thành đến bến phà Cát Lái dài 25km, ngày ấy Sư đoàn 325 tiến công “nhanh, mạnh, chắc” cũng phải mất hai ngày, giờ đây xe bon bon chỉ vài chục phút. Còn phà Cát Lái, vào mùa con nước lên ròng, mặt sông Đồng Nai mênh mông, sóng vỗ bờ, mỗi chuyến phà qua chỉ mất 5 phút mà ngày ấy phải mất gần cả buổi sáng.

Những đối sánh nhỏ nhoi cũng làm thế hệ sau trân trọng, tự hào thêm về quá khứ một thời máu lửa, để thêm một lần khẳng định mà Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh từng viết trong hồi ký “Đường tới ngày toàn thắng, tới vinh quang đâu phải trải bằng nhung lụa. Khi vượt qua ác liệt, hy sinh để giành chiến thắng, ta sẽ vững tin hơn vào hiện tại và tương lai’.

Trần Thường - Thiết kế: Phạm Luyện

Ảnh: TTXVN, Tư liệu

Bài viết có tham khảo hồi ký “Nhớ một thời quân ngũ” của Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh