Tháng 11/2023, Nguyễn Thùy Linh (sinh viên một trường Đại học tại Hà Nội) được bạn cùng lớp chia sẻ một đoạn clip ngắn giới thiệu về thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng). Nghe nhiều về Bản Giốc nhưng với những hình ảnh sống động được quay từ trên cao nhìn xuống đã khiến Thùy Linh nung nấu cho một chuyến đi lên vùng non nước.

Vì chưa từng đặt chân đến Cao Bằng và không có người quen dẫn đường, Thùy Linh chọn cách tìm hiểu thông tin trên điện thoại thông minh về điểm đến. Rất nhanh chóng, Thùy Linh tìm được trang tin điện tử với tên miền http://dulichcaobang.vn/ để thỏa sức tìm hiểu về điểm dừng chân sắp tới. Những tin tức chi tiết về điểm dừng chân Bản Giốc được đăng tải đa dạng từ việc tư vấn đi lại, chỗ nghỉ ngơi, ăn uống, các hoạt động văn hóa bản địa… được đăng tải và cập nhật thường xuyên. 

“Tôi tìm thấy địa chỉ chỗ dừng chân nằm trong điểm đến công viên địa chất toàn cầu, đó là một homestay của người bản địa. Chủ nhân điểm dừng chân này cũng xây dựng một trang thông tin riêng để cung cấp các dịch vụ cho khách du lịch lựa chọn. Từ phòng nghỉ, món ăn, chèo thuyền, đạp xe… đều được thông tin công khai nên tôi rất yên tâm. Dưới các bài viết, tôi còn đọc được những bình luận phản hồi của khách hàng để  củng cố thêm niềm tin về nơi mình sẽ đến”, Thùy Linh chia sẻ. 

Theo chia sẻ của nữ sinh quê Hà Nội, chuyến đi trên diễn ra trọn vẹn trong thời gian ba ngày, hai đêm. Không chỉ thác Bản Giốc, Linh còn được trải nghiệm cung đường du lịch văn hóa từ làng đá Khuổi Ky đến động Ngườm Ngao và những hoạt động văn hóa đặc sắc gắn với người dân bản địa. 

“Thật sự chuyến đi được tổng kết bằng hai chữ trọn vẹn. Với người mê xê dịch, tôi thật sự rất an tâm khi chọn Cao Bằng làm điểm dừng chân cho kỳ nghỉ bởi hơn tất cả, tôi biết khá rõ nơi mình đến thông qua các ứng dụng công nghệ. Việc còn lại chỉ cần chuẩn bị sức khỏe tốt để xách ba lô lên và khám phá vùng non nước”, Thùy Linh chia sẻ. 

Thùy Linh là một trong hai triệu du khách đến với Cao Bằng năm 2023, theo thống kê của UBND tỉnh Cao Bằng. Theo đó, tổng lượt khách đến Cao Bằng ước đạt hai triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước tăng 105% so với cùng kỳ. Du lịch đã tạo ra nguồn thu chiếm khoảng 5% Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Con số tăng trưởng qua các năm về du lịch cho thấy, tỉnh Cao Bằng đang nắm bắt xu thế chung trong phát triển dịch vụ du lịch mà ở đó, công nghệ số được tập trung làm kênh chủ lực để kết nối Cao Bằng với du khách mọi miền Tổ quốc và trên thế giới. 

Là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, Cao Bằng có nhiều thắng cảnh hùng vĩ như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Khu du lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đén; các di tích lịch sử nổi tiếng như Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950; các điểm đến hấp dẫn và nhiều loại hình du lịch độc đáo (du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng)… Trong những năm qua và đặc biệt là năm 2023, tỉnh Cao Bằng thông qua Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động chuyển đổi số trong du lịch, tập trung phát triển du lịch thông minh dựa trên nền tảng số để đánh thức tiềm năng của du lịch trên địa bàn tỉnh. 

Nhiều năm làm du lịch tại Cao Bằng, chị Hoàng Thị Lan – chủ homestay tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh ấn tượng trước chuyến ghé thăm của một người nổi tiếng trên mạng xã hội. Với hàng triệu lượt theo dõi trên nền tảng mạng xã hội cùng lối kể chuyện, xây dựng video tự nhiên về ẩm thực, văn hóa… đã tác động rất lớn đến công việc kinh doanh của cơ sở. 

“Lượng khách tìm đến homestay tăng lên đột biến, đa phần khách đến đều nói đã xem điểm dừng chân này thông qua một hot facebooker. Tất nhiên, những trải nghiệm của du khách tại đây đã giúp những vị khách kết thúc chuyến đi trong nụ cười thoải mái”, chị Lan nói. 

Câu chuyện của chị Lan là một minh chứng sinh động cho việc hoạt động dịch vụ du lịch đang chịu tác động rất lớn bởi những nền tảng công nghệ số. Mạng xã hội, các trang tin và các nội dung trên môi trường internet đang tạo được những cảm hứng mạnh mẽ, tác động vào ‘máu’ xê dịch của du khách khắp mọi miền. 

Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ năm 2018, Thủ tướng đã trực tiếp ban hành quyết định phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025” trong đó nhấn mạnh rằng nước ta cần ưu tiên phát triển du lịch số, du lịch thông minh. Cùng trong dòng chảy công nghệ số nêu trên, tỉnh Cao Bằng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chuyển đổi số nhằm đón đầu xu thế để bứt phá trong lĩnh vực du lịch.  

Một trong những dẫn chứng cụ thể là việc tỉnh Cao Bằng ứng dụng công nghệ để quảng bá cho du lịch. Tỉnh đã tích cực triển khai các nền tảng số phục vụ du lịch như nâng cấp Cổng Du lịch thông minh (caobangtourism.vn), phát triển ứng dụng du lịch thông minh trên smartphone (app Cao Bang Tourism) với các tiện ích tra cứu bản đồ, tìm thông tin chính xác về các địa điểm, lập trình tự động theo nhu cầu, đặt dịch vụ khách sạn, nhà hàng dễ dàng, tiết kiệm thời gian, chi phí cho du khách. 

Theo bà Tô Thị Trang – Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Cao Bằng, hiện nay, để tiếp cận nhiều đối tượng du khách trong nước và quốc tế, Cổng du lịch thông minh có phiên bản ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Trung thiết kế sử dụng đơn giản, dễ dàng tương tác trên máy tính và điện thoại thông minh. 

“Cổng du lịch đã đưa 7 khu, điểm du lịch nổi bật của tỉnh vào thử nghiệm số hoá VR360 (du lịch ảo hoá và thuyết minh ảo). Đây là công nghệ mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm sâu, có thể di chuyển, tương tác vào không gian tạo nên sự ấn tượng, khơi dậy niềm khát khao muốn đến địa điểm du lịch mà du khách đang trong quá trình tham khảo, để ra quyết định khám phá”, bà Tô Thị Trang chia sẻ.

Ngoài các nền tảng số, tỉnh Cao Bằng trong thời gian qua đã xây dựng nhiều trang thông tin điện tử, Fanpage phục vụ mục tiêu quảng bá phát triển du lịch với hàng triệu lượt truy cập và hàng chục nghìn tương tác. Cụ thể, trang dulichcaobang.vn có gần 4 triệu lượt truy cập trong năm 2023 với 175 bài đăng quảng bá. Trang caobangtourism.vn có gần 1 triệu lượt truy cập. Các trang khác về Hang Pác Bó, Caobanggeopark.com đều có lượt truy cập từ hàng trăm nghìn đến gần 2 triệu lượt truy cập.  

Đối với mạng xã hội Facebook, tỉnh Cao Bằng tập trung xây dựng các trang Fanpage về  Công viên địa chất Non nước Cao Bằng (có khoảng 127 nghìn lượt truy cập); Ban quản lý các di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng (có khoảng  600.000  lượt truy cập); Du lịch Non nước Cao Bằng (trên 478.000 lượt truy cập). 

Những kênh thông tin nêu trên kết hợp với đội ngũ làm du lịch được đào tạo, tập huấn bài bản kết hợp với hạ tầng du lịch ngày một cải thiện đã giúp cho “thương hiệu” du lịch Cao Bằng ngày càng được nhiều người biết đến. Các nội dung đăng tải trên các nền tảng được trình bày bắt mắt, lôi cuốn kết hợp với những hội nghị xúc tiến du lịch đã thôi thúc nhiều du khách sớm lên kế hoạch để đến với Cao Bằng. 

Chia sẻ với VietNamNet, bà Tô Thị Trang – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Cao Bằng đặc biệt nhấn mạnh đến hạ tầng số tại các điểm, khu du lịch. Theo bà Trang, trong năm 2023, Sở đã rà soát hơn 90 điểm di tích, di sản, các khu, điểm du lịch đang khai thác, các nhà mạng viettel, vinaphone, mobile đã đầu tư hạ tầng mạng 4G, 5G, sóng điện thoại, mạng wifi để phục vụ nhân dân và khách du lịch. 

Theo nhìn nhận của bà Trang, chất lượng dịch vụ cơ bản đáp ứng được nhu cầu, trừ một số địa điểm vùng sâu, vùng xa, ít dân cư vẫn chưa có sóng điện thoại hoặc có nhưng sóng yếu. Mặc dù vậy, tỉnh Cao Bằng đang đồng bộ triển khai nhiều giải pháp nhằm phủ sóng mạng 4G, 5G, sóng điện thoại di động và đề xuất địa điểm lắp đặt wifi miễn phí tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn. Hiện nay, thống kê cho thấy, tại Khu du lịch Thác Bản Giốc đã được lắp đặt 5 điểm wifi miễn phí.

“Việc trải nghiệm du lịch hiện nay đã khác ngày xưa rất nhiều. Du khách khi đến một điểm du lịch thì gần như việc đầu tiên họ làm là cầm điện thoại và ghi lại khoảnh khắc đẹp nhất, sau đó đăng lên mạng xã hội”, bà Tô Thị Trang nói và cho biết, đây là cơ hội rất lớn nhưng cũng là đòi hỏi từ thực tiễn về đầu tư hạ tầng viễn thông bên cạnh việc tôn tạo cảnh quan du lịch. 

Không chỉ ưu tiên nhiệm vụ phủ sóng 4G, 5G và lắp đặt wifi miễn phí, tỉnh Cao Bằng đang xây dựng hệ thống âm thanh phân tán tại các điểm di tích ngoài trời như: Khu di tích Pác Bó nhằm giới thiệu về nguồn gốc, lịch sử cách mạng dân tộc gắn với từng địa điểm. 

Hệ thống nêu trên được tích hợp, điều khiển tập trung tại phòng điều khiển trung tâm, đảm bảo âm thanh được phân bố đồng đều với chất lượng cao tới các vùng khác nhau, giám sát tình trạng hoạt động của hệ thống. Kết hợp phát bản tin quảng bá, thông báo chung, thông báo khẩn; các bản tin được phát tự động hoặc từ người điều khiển tới các khu vực thông qua micro chọn vùng. Đặc biệt, tỉnh Cao Bằng cũng triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát để đảm bảo an ninh tại khu du lịch và phục vụ du khách trong trường hợp cần hỗ trợ. 

Theo đánh giá của UBND tỉnh Cao Bằng, các đơn vị trong tỉnh đã tích cực triển khai kịp thời, hiệu quả các hoạt động chuyển đổi số du lịch theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ,  Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia... Sự vào cuộc chủ động, tích cực của tỉnh trong thực hiện chuyển đổi số hoạt động du lịch đã, đang và sẽ góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cao Bằng trở thành điểm đến thông minh, thân thiện và an toàn, một trong những trung tâm du lịch hiện đại của khu vực phía Bắc, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững.

Hồng Nhung và nhóm PV, BTV