Trao đổi với VietNamNet, cô Trương Thu Hường - Giáo viên môn Toán Trường THCS Dịch Vọng Hậu (Hà Nội), cho rằng: “Đề môn Toán ổn định về cấu trúc. Tuy nhiên có một số câu học sinh dễ mất điểm: Câu 1c dễ mất 0,25 vì không chia 2 trường hợp. Bài giải toán bằng cách lập phương trình, học sinh trung bình cũng dễ nhầm lẫn giữa xe lớn và xe nhỏ, bài này 1,5 điểm nên học sinh mất khá nhiều điểm. 

Bài hình câu 2 ý 2 phân loại cũng khó với học sinh khá. Thậm chí, có học sinh vẽ sai hình (tia đối) ở câu này”. 

Cô Hường dự đoán phổ điểm môn Toán chắc sẽ ở mức khoảng 7 đến 8. Dự đoán điểm chuẩn trường top như Yên Hoà, Cầu Giấy có thể giảm nhẹ vì tuy đề khó hơn nhưng học sinh đông hơn, tỉ lệ chọi cao hơn. Điểm chuẩn chung khả năng sẽ giảm nhẹ.

Hoàng Tú Uyên - Giáo viên môn tiếng anh Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng, đề thi có cấu trúc ổn định như các năm, không có biến động về số câu hỏi trong từng phần. 
Nội dung kiểm tra quen thuộc, nằm trong chương trình, không đánh đố nhưng có tính phân loại cao, bám rất sát đề minh họa đã đưa ra trước đó. Học sinh được ôn tập kĩ lưỡng, rèn giũa qua nhiều bài khảo sát, thi thử. Học sinh trung bình và khá, giỏi sẽ được phân biệt rõ ràng.
Cô Uyên cho rằng, đề nhỉnh hơn so với năm ngoái, học sinh trung bình có thể đạt 6,5-7, học sinh khá, giỏi đạt trên 8 điểm. “Điểm trung bình môn Anh sẽ giảm khoảng 0,5 - 1 điểm”, cô Uyên nói.

Thầy Mai Trí Trung- Giáo viên môn Ngữ văn, trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng, đề thi môn Ngữ văn đáp ứng yêu cầu của một đề thi vào lớp 10. "Đề thi đã bám sát ma trận về định dạng đề thi nên theo tôi không bất ngờ với thí sinh", giáo viên nói. Phần 1 đọc hiểu một văn bản trong chương trình Ngữ văn 9 ngữ liệu bài thơ "Đồng chí" vô cùng quen thuộc. 

Các câu hỏi đọc hiểu mang tính nhận biết khá vừa sức với các em: Nhận biết thể thơ, hình ảnh thơ, từ ngữ nổi bật. Yêu cầu viết đoạn văn cũng khá rõ về nội dung và hình thức (kiểu lập luận quy nạp và những thành phần tình thái từ, thán từ). Có điều bất ngờ với thí sinh là ngữ liệu này vừa có mặt trong đề thi năm 2021. 

Vì vậy, điều này càng khẳng định thí sinh không thể học tủ mà luôn phải hệ thống các kiến thức đã học một cách đầy đủ. Phần II của đề, theo thầy Trung, có tính chất mới lạ và hay hơn bởi vấn đề đưa ra có tính chất mở đòi hỏi thí sinh vận dụng những hiểu biết về xã hội và trải nghiệm của bản thân để làm bài. “Điểm sàn môn Ngữ văn năm nay không có nhiều biến động hơn so với các năm trước. Phổ điểm chủ yếu sẽ dao động từ 6,5-7.25. (hoặc 6.5-7.0)”, thầy Trung nói.

Ngay sau khi kết thúc kỳ thi, Ban làm phách sẽ bắt tay ngay vào công đoạn làm phách và bàn giao bài thi cho Ban chấm thi theo quy định. Đối với môn trắc nghiệm, Sở GD-ĐT chuẩn bị máy tính, cài đặt phần mềm… thực hiện chấm theo hướng dẫn trước đó.

Ngày 24/6 đến ngày 2/7, Sở GD-ĐT thực hiện ghép điểm xét tuyển cho từng thí sinh. In phiếu báo kết quả thi cho từng thí sinh đồng thời cấp phiếu báo kết quả thi cho Phòng GD-ĐT.

Chậm nhất ngày 2/7, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ công bố điểm bài thi các môn của thí sinh trên Cổng thông tin điện tử của Sở, Cổng tuyển sinh đầu cấp của thành phố. 

Cũng theo hướng dẫn, ngay sau khi có điểm, thí sinh cảm thấy băn khoăn về mức điểm các môn có thể làm đơn phúc khảo để chấm lại. Đơn phúc khảo nộp về Phòng GD-ĐT từ ngày 3-9/7.

Sau khi công bố điểm bài thi, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tổ chức họp duyệt điểm chuẩn vào lớp 10 của từng trường công lập.

Ngày 5/7, Sở GD-ĐT họp xét duyệt điểm chuẩn vào lớp 10 THPT công lập không chuyên và trường THPT chuyên và công bố điểm chuẩn xét tuyển ngay sau đó.

Theo lịch, từ ngày 6-7 đến ngày 9-7, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ công bố điểm chuẩn vào lớp 10 tại các trường.

>>>Tra cứu kết quả thi lớp 10 năm 2024 nhanh trên VietNamNet<<<