icon icon

Hồ Hoàn Kiếm rộng khoảng 12ha nằm giữa trung tâm thủ đô. Trước đây hồ còn có tên là Lục Thủy do có làn nước màu xanh lục bốn mùa quanh năm.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là quần thể di tích về trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Công trình được xây dựng năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông, là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối. Văn Miếu không chỉ là di tích lịch sử văn hóa mà còn là nơi được rất nhiều sĩ tử, học trò tới đây để cầu may mắn trong thi cử, học hành. Quần thể di tích này rộng 5.4.331m2 bao gồm Hồ Văn, Văn Miếu môn, Đại Trung môn, Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang, bia tiến sĩ, Đại Thành môn, nhà Thái Học. 

Hồ Tây (trái) và hồ Trúc Bạch (bên phải). Hồ Tây có diện tích hơn 500ha, chu vi khoảng 14,8km. Hồ Trúc Bạch chính là một phần của hồ Tây. Từ thế kỷ 17 sau khi dân hai làng Yên Hoa (nay là Yên Phụ) và Yên Quang (nay là phố Quán Thánh) đắp con đê ngăn góc đông nam hồ Tây để nuôi bắt cá đã hình thành con đường Thanh Niên ngày nay. 

Năm 2016, chùa Trấn Quốc nằm trên hồ Tây lọt vào danh sách 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới do tờ Daily Mail của Anh bình chọn. Với hơn 1.500 tuổi, đây là ngôi chùa có niên đại lâu đời nhất ở Hà Nội còn bảo tồn được đến ngày nay. Với tổng diện tích khoảng 3.000m2, bao gồm vườn tháp, nhà tổ và thượng điện. Nơi đây từng là trung tâm Phật giáo của Thăng Long dưới thời Lý - Trần.

Cầu Nhật Tân có tổng chiều dài 9,17km trong đó phần cầu chính là 3,9km (đoạn cầu vượt sông Hồng chiếm 1,5km) và phần cầu dẫn dài 5,27km. Cầu nối huyện Đông Anh với quận Tây Hồ, có điểm đầu từ phường Phú Thượng đến xã Vĩnh Ngọc.

Quảng trường Cách mạng tháng Tám nằm trước mặt Nhà hát Lớn Hà Nội. Ngày 19/8/1945, nơi đây đã diễn ra cuộc mít tinh lớn được Việt Minh biến thành cuộc biểu dương lực lượng và hoạt động vũ trang cướp chính quyền, mở đầu cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám trên cả nước.

Cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng nối hai quận Hai Bà Trưng và Long Biên. Công trình khởi công năm 2005, khánh thành năm 2009.

Nút giao 3 tầng Trung Hòa - đại lộ Thăng Long kết nối trung tâm Hà Nội với khu vực phía Tây và các trục chính phía Đông Bắc như Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn đi qua đường Vành đai 3 lên khu công nghệ cao Hòa Lạc, đi Hòa Bình và ngược lại.

Ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến. Đây được coi là nút giao phức tạp nhất thủ đô với 4 tầng lưu thông gồm hầm cơ giới, đường bộ, đường trên cao Vành đai 3 và đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Cầu vượt nút giao Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân là cây cầu vượt thứ 6 có kết cấu thép lắp ghép được đưa vào sử dụng từ năm 2012 tới nay nhằm giảm ùn tắc giao thông tại các ngã tư có lưu lượng xe lớn. Đây là cầu vượt dài trên 352,4m được xây dựng bằng kết cấu thép lắp ghép, gồm 2 làn ôtô và 2 làn xe hỗn hợp (đảm bảo cho xe buýt được phép lưu thông) với tổng mức đầu tư hơn 181 tỷ đồng từ vốn ngân sách thành phố.

Ngã Tư Sở và Khu đô thị Royal City, nơi tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đi qua. Công trình được khởi công từ tháng 10/2011, với nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc và vốn trong nước, sau 2 tháng chính thức vận hành thương mại đã  đưa vào khai thác từ tháng 1 năm nay. 

Công viên Cầu Giấy (hay còn gọi là công viên Yên Hòa) có diện tích 6.540m2 bao gồm hệ thống cây xanh được trồng theo quy hoạch từ đầu tạo nên khuôn viên thoáng mát và sạch sẽ. Công viên được chia làm 3 phân khu chính gồm khu vui chơi cho trẻ em, khu thể dục thể thao, khu hồ nước và quảng trường là nơi đi dạo của các cư dân.

Trục đường Hồ Tùng Mậu đoạn giao với Lê Đức Thọ, và phố Trần Vỹ. Nơi đây tập trung các trường đại học nổi tiếng của Hà Nội như ĐH Thương mại, Học viện Múa Việt Nam, ĐH Sân khấu và Điện ảnh.

Nhà ga tuyến đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội. Tuyến metro chạy qua hai nút giao thông lớn là Mai Dịch và Cầu Giấy. Khi hoàn thiện, các nút giao này sẽ có 3 tầng, đường bộ, cầu vượt và đường sắt trên cao.

Đường Vành đai 2 Trường Chinh có điểm đầu tiếp giáp phía nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở (phía đường Trường Chinh) chiều dài gần 5,1km. Tổng vốn đầu tư dự án này đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở được TP. Hà Nội phê duyệt khoảng 9.400 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 4.194 tỷ đồng và hơn 5.200 tỷ đồng, còn lại là các chi phí xây lắp, tư vấn dự án...

Các khu đô thị Goldmark City, Vinhome Smart City, Vinhome Green Bay (quận Nam Từ Liêm). Ảnh dưới, khuôn viên một trường đại học trong khu đô thị Vinhome Ocean Park (huyện Gia Lâm).

Ngã tư Hàm Nghi - Nguyễn Cơ Thạch tại khu đô thị Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm). Khu đô thị Mỹ Đình I được xây dựng trên khu đất rộng lớn (tổng diện tích 22,3ha), có hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ với các dịch vụ tiện ích đầy đủ.

Sân vận động Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) là một sân vận động đa năng ở Hà Nội với sức chứa 40.192 chỗ ngồi. Sân được khánh thành vào tháng 9/2003 và là địa điểm chính để tổ chức hai kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á các năm 2003 và 2022. 

Vòng xoay đường dẫn cầu Thanh Trì  (Vành đai 3) - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Dự án bao gồm gói thầu số 1 mở rộng quốc lộ 5 qua nút mặt đường rộng 60m, vận tốc thiết kế 80km/h; các nhánh cầu để tách nhập từ vành đai 3 với quốc lộ 5 rộng từ 7m đến 9m, vận tốc thiết kế 40km/h.

Nút giao Võ Nguyên Giáp - Trường Sa - Hoàng Sa tại huyện Đông Anh. Sau khi từ nội thành qua cầu Nhật Tân sang, tại đây các phương tiện có thể rẽ phải để đi về phía cầu Đông Trù, thẳng tiến về sân bay Nội Bài (huyện Sóc Sơn) hoặc rẽ trái vào đường Hoàng Sa để tới đường dẫn lên cầu Thăng Long.

Tin nổi bật