Với những dự án tầm cỡ, các công trình giao thông hiện đại, Quảng Ninh có lợi thế để trở thành tỉnh tiêu biểu về sự giàu đẹp, văn minh, hiện đại, là cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và trên cả nước.
DIỆN MẠO ẤN TƯỢNG QUẢNG NINH
Cách đây 62 năm, với mục tiêu “Điện lực được ưu tiên phát triển một bước”, được sự giúp đỡ của Liên Xô, công trình xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí đã khởi công xây dựng (ngày 19/5/1961).
Sau khi các dự án giai đoạn 1 và 2 khởi công hoàn thành, đi vào hoạt động, đã nâng tổng công suất thêm 630MW (gấp 5 lần sản lượng hiện có), góp phần quan trọng đảm bảo cung ứng đủ điện cho việc phát triển kinh tế xã hội.
Đó là một trong những dấu ấn đầu tiên về phát triển kinh tế đất mỏ những năm đầu thế kỷ 21.
Bước ngoặt rõ rệt nhất đối với Quảng Ninh là kể từ sau năm 2010, khi lãnh đạo tỉnh quyết tâm thay đổi định hướng phát triển kinh tế. Chỉ sau chưa đầy một thập kỷ, tỉnh này đã có những bước chuyển biến đột phá, nền kinh tế phát triển khá ngoạn mục.
Quảng Ninh là tỉnh tiên phong trong việc đầu tư ngân sách, ứng vốn cho Trung ương, đầu tư theo phương thức đối tác công tư để cải tạo, nâng cấp, xây dựng quốc lộ. Đây cũng là địa phương đầu tiên được Trung ương giao làm chủ đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc.
Một trong những dự án nổi bật là cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và công trình cầu Bạch Đằng có tổng chiều dài toàn tuyến 25,2km, vận tốc thiết kế toàn tuyến 100km/h. Dự án nằm trong quy hoạch phát triển đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-Ttg ngày 1/3/2016.
Tổng mức đầu tư của hai dự án là 13.693 tỷ đồng; trong đó dự án đường nối Hạ Long với cầu Bạch Đằng là 6.416 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách; dự án cầu Bạch Đằng là 7.277 tỷ đồng gồm vốn ngân sách 488 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng và rà phá bom mìn) và vốn nhà đầu tư là 6.789 tỷ đồng (theo hình thức BOT).
Chỉ trong hơn 6 năm (2015-2022), nhờ hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại, với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 36.000 tỷ đồng (trong đó vốn xã hội hóa chiếm trên 75%) đến nay Quảng Ninh đã có 176km đường cao tốc, chiếm 1/10 cả nước.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cùng với hệ thống cảng biển, logistics; các đầu tàu, cực tăng trưởng kinh tế của phía Bắc và các đô thị lớn; các khu kinh tế ven biển của Hải Phòng, Quảng Ninh và các khu kinh tế cửa khẩu với Cửa khẩu quốc tế Móng Cái tạo ra những lợi thế so sánh khác biệt cho đất mỏ.
Tuyến đường này góp phần tạo ra các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, mở ra không gian phát triển mới, tạo ra nguồn lực mới, cơ hội mới, động lực mới để Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhờ tuyến đường cao tốc kết nối vùng dài nhất Việt Nam đã đưa Quảng Ninh trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, Khu vực hợp tác "hai hành lang một vành đai kinh tế" Việt - Trung, hợp tác liên vùng vịnh Bắc Bộ mở rộng. Từ đó, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng.
Đến với Quảng Ninh không thể không tới thành phố Hạ Long, nơi có vị trí địa lý kinh tế đặc biệt, nằm trên hành lang kinh tế quan trọng, có nhiều tài nguyên khoáng sản, cảnh quan sinh thái hấp dẫn. Trong giai đoạn mới, thủ phủ của đất mỏ được định hướng phát triển trở thành đô thị dịch vụ, du lịch quốc gia, có tầm quốc tế, gắn với di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; phát triển xanh, linh hoạt, thích ứng và bền vững theo mô hình đô thị thông minh.
Về định hướng phát triển không gian, thành phố Hạ Long phát triển theo mô hình cấu trúc 5 cực gồm Vịnh Hạ Long, vùng phía Đông, vùng phía Tây, vùng phía Bắc vịnh Cửa Lục và khu vực đồi núi phía Bắc; 1 hành lang ven vịnh Hạ Long và lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối. Theo đồ án quy hoạch chung của tỉnh đến năm 2040, Hạ Long sẽ được cải tạo các khu vực đô thị hiện hữu, phát triển đô thị mở rộng, khu vực nông thôn, bảo tồn và phát huy giá trị của vịnh Hạ Long, quy hoạch không gian mặt biển, biển vịnh Hạ Long; không gian cây xanh, mặt nước đô thị; quy hoạch tầng cao…
Cảng Cái Rồng là nơi xuất bến của 80 tàu khách đi các đảo lớn của của tỉnh Quảng Ninh, như Cô Tô, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi... Trung bình hàng năm có khoảng gần 1 triệu lượt khách trung chuyển qua cảng. Cảng này nằm ở phía đông thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, nhìn ra vịnh Bái Tử Long và cách thành phố Hạ Long khoảng 50km.
Tại đây có một cầu cảng dài 108m, rộng 6m, tổng diện tích vùng nước cảng là 2.200m2. Theo tính toán, có khoảng 40 tàu cá trọng tải từ 15-20 tấn đánh bắt xa bờ, khoảng 100 tàu 5-10 tấn cùng nhiều tàu vãng lai thường xuyên ra vào bến cảng. Vùng nước lân cận của Cảng Cái Rồng còn là nơi neo đậu của hàng trăm bè nuôi cá, hải sản.
Nằm trên tuyến đường đẹp thuộc địa bàn phường Hoà Lạc (TP Móng Cái), Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã được đầu tư nâng cấp khang trang, sạch đẹp. Khu cửa khẩu hiện nay gồm tổng thể không gian với diện tích là 1.587ha, gồm: Nhà cửa khẩu Quốc tế Bắc Luân, cầu Bắc Luân và cột mốc 1369. Không chỉ là điểm tham quan lịch sử, văn hoá thú vị, Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái còn có vị trí quan trọng bậc nhất trong việc giao lưu kinh tế với nước bạn và các nước khác trong khu vực qua biên giới phía Bắc.
Quảng Ninh là địa phương thứ 22 trên cả nước có sân bay dân dụng từ ngày 30/12/2018 sau khi Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn khánh thành. Công trình rộng khoảng 345ha, diện tích nhà ga gần 27.000m2, được đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 7.463 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 734 tỷ. Đây là cảng hàng không đạt cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II - có thể đón các máy bay lớn.
TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Quảng Ninh từng bị đánh giá là tỉnh có hạ tầng yếu, phụ thuộc vào Quốc lộ 18 vốn chỉ có hai làn xe, đi lại không thuận tiện. Trước khi các công trình cầu Bạch Đằng và cao tốc Hạ Long - Hải Phòng khánh thành, để di chuyển từ Hà Nội đến thành phố lớn nhất của đất mỏ, một ô tô mất khoảng 4-5 tiếng, muốn đến cửa khẩu Móng Cái mất thêm khoảng 3-4 giờ nữa. Còn để di chuyển từ Quảng Ninh tới các tỉnh phía nam như Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình… các phương tiện đều phải đi bằng phà.
Nhưng nay thì đã rất khác.
Quảng Ninh là một trong số ít địa phương trên cả nước có nhiều điểm du lịch hấp dẫn và đáng đặt chân đến. Tính sơ bộ, tỉnh này có tới 17 địa điểm và khu du lịch nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Tuần Châu, Vân Đồn, Bình Liêu, Yên Tử, Trà Cổ, Cô Tô...
Tại Hội nghị Phát triển Du lịch Quảng Ninh năm 2023 hôm 17/3, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định, tỉnh kiên trì, nhất quán thực hiện chủ trương phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh là yêu cầu xuyên suốt trong các chính sách, chiến lược, quy hoạch.
Theo đó, địa phương cũng quyết tâm đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn kết hợp chặt chẽ với công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và phát triển kinh tế biển, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là ở các khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo.
Từ nay đến năm 2030, tỉnh tập trung củng cố vị thế là đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế, thu hút du khách quanh năm, từ khắp 5 châu, trở thành điểm đến “không thể bỏ lỡ” khi có mặt tại Việt Nam…
Với mục tiêu phục hồi hoàn toàn hoạt động du lịch, đến năm 2030 tỉnh sẽ đón được ít nhất 25,4 triệu lượt du khách (trong đó có ít nhất 8,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế), tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch đạt 10 - 11%/năm.
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh này sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố.
Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị. Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh có 12 đơn vị hành chính với 12 đô thị; Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn) và tái lập thị xã Tiên Yên. Trong đó, dự kiến TP.Móng Cái hiện nay sẽ sáp nhập với huyện Hải Hà để trở thành một thành phố mới.
Tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương
1. Quy mô dân số từ 1.500.000 người trở lên.
2. Diện tích tự nhiên từ 1.500km2 trở lên.
3. Đơn vị hành chính trực thuộc:
a) Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 11 đơn vị trở lên.
b) Tỷ lệ số quận trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 60% trở lên.
4. Đã được công nhận là đô thị loại đặc biệt hoặc loại I; hoặc khu vực dự kiến thành lập thành phố trực thuộc trung ương đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại đặc biệt hoặc loại I.
5. Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định, như: Có số dư trong cân đối thu chi ngân sách; thu nhập bình quân đầu người năm đạt 1,75 lần so với trung bình cả nước; Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất đạt bình quân của cả nước; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đạt 90%...
Ảnh: Đỗ Phương - Hoàng Hà - Huỳnh Văn Truyền