Theo kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025, tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Hà Giang có 94.727 hộ nghèo, cận nghèo đa chiều; chiếm xấp xỉ 50% tổng số hộ toàn Tỉnh (giảm 8.889 hộ, giảm 5,17% so với cuối năm 2021). Trong đó, 7.318 hộ nghèo và 24.409 hộ cận nghèo. Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo của hộ dân chủ yếu là do thiếu đất sản xuất, nguồn vốn, lao động, công cụ, phương tiện sản xuất, kiến thức và kỹ năng lao động, ốm đau, bệnh nặng. Cùng với đó, các hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như: Việc làm, dinh dưỡng của trẻ em, trình độ văn hóa của người lớn, bảo hiểm y tế, nhà ở, nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh và tiếp cận thông tin…

Bởi vậy, Hà Giang xác định chủ trương tăng giàu thông tin thông qua chuyển đổi số là cơ hội để bứt phá, vươn lên, là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội. Điều này không chỉ giúp các địa phương triển khai chính sách kịp thời, đầy đủ, mà còn giúp người nghèo nắm được các thông tin, chính sách và học hỏi các gương điển hình, từ đó vươn lên thoát nghèo. 

Với mục tiêu triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2023 đạt hiệu quả, cùng với thực hiện đồng bộ các giải pháp và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, tỉnh tiếp tục tăng cường hỗ trợ truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo.

Muốn làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo, thì việc bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ làm công tác này là hết sức cần thiết. Do vậy, năm 2023, Hà Giang đã tiếp tục mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp cơ sở, từ đó giúp địa phương nêu cao trách nhiệm để tổ chức thực hiện các dự án đạt kết quả. Đồng thời, phổ biến các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững đến với các tầng lớp nhân dân. Đối tượng tham gia tập huấn là cán bộ làm công tác thông tin cơ sở; ưu tiên công chức văn hóa - xã hội cấp huyện, cấp xã, phường, thị trấn; cán bộ phụ trách Đài truyền thanh cấp huyện, Trạm truyền thanh các xã, phường, thị trấn; cán bộ làm công tác thông tin, tuyên truyền thuộc cơ quan Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh.

Bên cạnh đó, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 vào cuộc sống, Hà Giang xác định rõ vai trò quan trọng của chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Cụ thể, tỉnh đã chủ động ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội về chuyển đổi số giai đoạn 2023 - 2025. Kịp thời ban hành các chính sách, văn bản chỉ đạo; phân bổ kinh phí sự nghiệp và kinh phí đầu tư cho các dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Rà soát, nâng cấp, bổ sung hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.

Với quan điểm chuyển đổi số cần thực hiện trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trong đó tập trung thúc đẩy thực hiện xây dựng chính quyền số để tạo đà và định hướng, dẫn dắt, quản lý, hỗ trợ kinh tế số và xã hội số phát triển, đến nay, 11/11 huyện, TP của Hà Giang đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban điều hành về chuyển đổi số, đảm bảo thống nhất trong chỉ đạo và triển khai thực hiện; từng bước thay đổi nhận thức, tư duy của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chuyển đổi số. Song song với đó, Hà Giang đã tập trung triển khai các chương trình đào tạo nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, cho đoàn viên thanh niên, cho cán bộ chuyên môn các cấp và phổ cập kiến thức chuyển đổi số cho người dân, doanh nghiệp.

Sau hơn 2 năm nỗ lực thực hiện, đến hết tháng 7/2023 toàn tỉnh có 2.833 trạm thu phát sóng; huy động nguồn lực phủ được 118 thôn/154 thôn trắng sóng; 100% các xã, phường thị trấn có sóng di động và mạng Internet cáp quang; một số mô hình chợ 4.0 hình thành; 100% sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đã lên sàn thương mại điện tử.

Tỉnh đã từng bước hoàn thiện hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, hình thành siêu xa lộ thông tin với tỷ lệ phủ sóng di động đạt 98,5%. Hoàn thành và duy trì mạng Truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh, nâng cấp băng thông với quy mô triển khai 236 điểm, trong đó có 43 điểm là các sở, ban, ngành, huyện uỷ, thành uỷ, UBND các huyện, thành phố; 193 điểm xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.  Hệ thống hội nghị giao ban trực tuyến tỉnh Hà Giang được triển khai với quy mô 241 điểm cầu từ cấp tỉnh kết nối đến các xã. 100% các cơ quan hành chính có thể tham gia các cuộc họp trực tuyến quy mô 4 cấp Trung ương, tỉnh, huyện, xã trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, 100% cơ quan hành chính của tỉnh có trang/cổng thông tin điện tử; 100% xã có cáp quang đến trung tâm nối mạng internet băng thông đến 98%, riêng khu trung tâm xã, thị trấn, thị tứ đạt 100%.

Phát triển các Hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu, dữ liệu mở chuyên ngành như: CSDL về giá; Quản lý lao động - Việc làm; đất đai... đồng thời xây dựng Cổng dữ liệu dùng chung của tỉnh nhằm kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu, dữ liệu mở chuyên ngành của các Sở, ngành trên địa bàn tỉnh. Hiện nay mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh với quy mô triển khai 236 điểm, hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng đáp ứng việc kết nối, tổ chức các cuộc họp trực tuyến quy mô 4 cấp trên địa bàn tỉnh; đầu tư trục chia sẻ tích hợp dữ liệu của tỉnh và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; tổ chức 105 lớp đào tạo, tập huấn cho 117.281 hộ sản xuất, hợp tác đăng ký tài khoản trên sàn thương mại điện tử; tỷ lệ hộ gia đình có thuê bao internet là 37,3%; tỷ lệ dân số có điện thoại đạt khoảng 63,2%.

Về Kinh tế số, địa phương đã xây dựng trang thông tin chương trình chuyển đổi số doanh nghiệp tỉnh Hà Giang tại địa chỉ https://chuyendoiso.hagiang.gov.vn; triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2022. Cùng với đó, huy động sự phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp nền tảng số nhằm triển khai đưa sản phẩm nông sản, hộ sản xuất nông nghiệp trên địa tỉnh Hà Giang lên sàn thương mại điện tử (sendo, shop VnExpress, postmark, voso), tập trung vào các sản phẩm có sản lượng lớn, nông sản chủ lực như cam, chè shan tuyết, mật ong bạc hà… Tổ chức nhiều cuộc Hội thảo, Hội nghị trực tuyến hướng dẫn đưa sản phẩm nông nghiệp, đặc trưng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử; triển khai vận hành gian hàng triển lãm thực tế ảo 3D tại Website “Triển lãm chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam” và đăng tải tin bài để truyền thông, quảng cáo sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh Hà Giang trên nền tảng số.

Văn Quý, Ngọc Trang, Thu Hồng, Mạnh Hưng và nhóm PV, BTV