Không thể mãi quanh quẩn với con gà, con lợn, cây rau

Thời gian qua đã có sự đổi mới tư duy trong chủ trương giảm nghèo theo hướng giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện, tăng cường đầu tư cho sinh kế là chính. Ông Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc cho rằng quan điểm chuyển dịch trong nhiệm kỳ vừa qua là ta bỏ hẳn các chính sách cho không, và đi vào hướng khuyến khích người dân vươn lên vay vốn tín dụng chính sách, sau đó hướng dẫn họ về kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp để họ tự tổ chức sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Chỉ có như vậy mới kích thích được tính năng động, sáng tạo của người dân. 

Đây là hướng đi quan trọng và thực tiễn đã chứng minh sự đúng đắn. Ví dụ, trước đây người dân ở vùng DTTS chỉ biết ngồi chờ để hưởng thụ chính sách nhà nước mang lại. Thậm chí có những thời kỳ hộ nghèo đi vay tiền về không biết làm gì, họ buộc lại cất đi, đến thời điểm thì mang trả lại. 

Giờ người dân không được hưởng cho không toàn bộ như vậy nên họ biết tự tính toán kế hoạch thu, chi. Vùng DTTS đã xuất hiện hàng loạt mô hình kinh tế hộ từ Ninh Thuận, Bình Thuận chăn nuôi bò, dê thành đàn, rồi trên Tây Nguyên các mô hình trồng cà phê, dừa, chuối... Có những gia đình trồng bạt ngàn hàng chục hecta chuối xuất khẩu. Ở phía Bắc như tại tỉnh vùng cao Hà Giang có mô hình trồng chè, cam… 

Theo các nhà quan sát, sự thay đổi phương thức hỗ trợ là việc bình thường, xuất phát từ tình trạng đói nghèo. Đầu tiên khi đói phải lo hỗ trợ cái ăn trước. Lúc này họ cũng chưa có kiến thức, vẫn làm ăn theo tập quán cũ, nếu hỗ trợ sinh kế ngay sẽ thất bại. 

Vì vậy, giai đoạn đầu cho không là cần thiết, cấp bách nhưng đến khi nhận thức người nghèo đã được nâng lên, có thêm kiến thức thì phải chuyển sang hình thức hỗ trợ có điều kiện, hỗ trợ cho vay để hạn chế tính ỉ lại và thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình. 

Giai đoạn này hỗ trợ không đơn thuần là trồng con gì, nuôi con gì mà còn phải chuyển đổi theo cách hướng dẫn người ta cách tiếp cận thị trường. Cung cấp cái thị trường cần thì mới hiệu quả và họ phải tham gia trong chuỗi giá trị mới thực hiện được mục tiêu giảm nghèo bền vững. Nếu chỉ đơn lẻ, họ mãi quanh quẩn với con gà, con lợn, cây rau…

Nguyên nhân dẫn đến cái nghèo cơ bản vẫn là vấn đề nguồn nhân lực

Trong Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững 2021 – 2025, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững được đưa thành một dự án. Ông Hoàng Xuân Lương cho rằng,  một trong những nguyên nhân dẫn đến cái nghèo xét về mặt nguồn gốc cơ bản vẫn là vấn đề nguồn nhân lực.

W-daotaonghe.png
Sau khi được đào tạo nghề, chị Ninh Thị Ngọc ở Bắc Giang đã đầu tư mô hình trồng nấm tại gia đình và thu được thành công.

Bởi vậy, ông Hoàng Xuân Lương tâm đắc với việc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 tập trung cao cho dạy nghề, tạo việc làm là hoàn toàn chính xác. Vấn đề ở vùng DTTS bây giờ không chỉ thiếu nghề mà còn thiếu đất sản xuất, do đó phải chuyển đổi nghề cho người dân để đảm bảo nguồn thu nhập cho họ. 

Hiện Bộ LĐTBXH đã điều chỉnh các tiểu dự án riêng về đào tạo nghề theo hướng phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của từng vùng. Đây là một chỉ đạo quan trọng. Mặc dù chúng ta rất quan tâm đến đồng bào DTTS nhưng dạy nghề vùng DTTS gặp rất nhiều khó khăn. 

Ông Lương cho rằng, có một số điểm, một số nơi, một số chương trình trong dạy nghề là chưa thành công. Dạy xong chương trình nhưng người DTTS, người nghèo không áp dụng được vào cuộc sống. Bởi vì nghề được đào tạo chưa phù hợp với xã đó, thôn đó vào thời điểm đó. Do đó lần này phải khảo sát thực tiễn đưa dạy nghề nào, nâng cao năng lực việc làm gì cho người dân... 

Ngoài ra, theo ông Lương, việc giải quyết việc làm cũng quan trọng, các Chương trình MTQG phải quan tâm, đó là đề nghị Nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp đang hoạt động ở vùng DTTS&MN, để họ giải quyết việc làm tại chỗ cho người DTTS. 

Cùng quan điểm với ông Hoàng Xuân Lương, ông Ngô Trường Thi quả quyết, "việc làm rất quan trọng, nó tạo ra nguồn thu nhập".

Theo ông Thi, ngay khi xây dựng chuẩn nghèo đa chiều đã xây dựng chuẩn về chiều thiếu hụt việc làm. Nhưng hồi đó chưa tìm ra được chỉ số đo lường phù hợp và ngưỡng thiếu hụt việc làm như thế nào nên chúng tôi tạm thời bỏ ra ngoài. Đến khi xây dựng chuẩn nghèo cho giai đoạn 2021 – 2025 các nhà làm chính sách đã quyết tâm đưa vào.

Theo đó, để giải quyết vấn đề thiếu hụt, trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 2021 – 2025 có dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, gồm 3 tiểu dự án (trong đó tiểu dự án về xuất khẩu lao động đã có ở giai đoạn trước), đưa ra những mục tiêu rất cụ thể, từng địa bàn phải giải quyết được mục tiêu thiếu hụt cho bao nhiêu người. 

Tuy nhiên tác động của dự án này trong Chương trình chỉ trong phạm vi các huyện nghèo, xã bãi ngang, ven biển và hải đảo. Các vùng khác vẫn có những chính sách việc làm, dạy nghề chung. Ta phải dùng những chính sách đó để tác động đến những đối tượng địa bàn khác. Mặc dù mức hỗ trợ thấp hơn ở các địa bàn khó khăn nhưng ta vẫn có chính sách và đặc biệt các địa phương phải hết sức quan tâm. Đừng vì không được ưu tiên lại bỏ mặc, vì như vậy sẽ không hỗ trợ được việc làm cũng như đào tạo nghề cho người nghèo. 

Công tác đào tạo nghề ở giai đoạn này đặt ra là phải có địa chỉ, có chỗ làm việc, chứ không phải cứ chỉ tiêu đào tạo được bao nhiêu, còn không quan tâm người lao động tìm được việc hay không. Nghĩa là phải thực chất, mỗi vùng có những nghề và cơ hội tìm việc làm riêng, chúng ta phải có những cách tổ chức sàn giao dịch việc làm cũng như lớp đào tạo nghề phù hợp đặc thù của từng địa phương. 

Vân Anh và nhóm PV