Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 được tỉnh Hà Giang triển khai mạnh mẽ trong những năm qua cùng với các chính sách quyết liệt, thiết thực.

Với đặc thù tỉnh miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, Hà Giang xác định, công tác truyền thông chính là yếu tố quan trọng giúp người người dân có thông tin, có cơ hội tiếp cận các mô hình hay cách làm hiệu quả,... từ đó chuyển đổi nhận thức, tự lực vươn lên thoát nghèo, chung tay xây dựng bản làng thành nơi đáng sống.

Với mục tiêu rất rõ ràng như vậy, Hà Giang đã chú trọng thực hiện Tiểu dự án 2 của Dự án 6 trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hỗ trợ truyền thông về giảm nghèo đa chiều một cách bài bản, có chiều sâu.

Phối hợp tuyên truyền trên sóng phát thanh và tuyên truyền miệng, các thôn bản tại Hà Giang đã tăng cường truyền thông về các chính sách của Đảng và Nhà nước, các tấm gương điển hình, các sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu, xóa bỏ hủ tục lạc hậu nhằm khích lệ tinh thần chủ động vươn lên trong đồng bào.

Xã Thanh Thủy là xã nghèo, thuộc xã vùng III của huyện Vị Xuyên. Những năm qua, công tác truyền thông về giảm nghèo đa chiều luôn được xã đặt làm trọng tâm. Địa phương thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến cấp ủy, chính quyền và nhân dân, các tấm gương, sáng kiến, mô hình hay về giảm nghèo,

Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Qua các chương trình truyền thông về giảm nghèo đa chiều, người dân trong xã đã được cung cấp thêm thông tin, kiến thức về các chính sách, chủ trương hỗ trợ xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước để từ đó biết tìm kiếm các cơ hội thoát nghèo, xây dựng kinh tế phát triển bền vững.

Nhờ công tác truyền thông thường xuyên, liên tục, nhận thức của người dân về giảm nghèo ngày một nâng cao. Nhiều hộ gia đình trong xã đã biết tìm tòi, nghiên cứu các mô hình chăn nuôi để phát triển kinh tế.

Điển hình như mô hình chăn nuôi lợn đen. Với giá trị cao, giống vật nuôi này đã thực sự mang đến sự thay đổi về thu nhập cho bà con. Từ những hộ nghèo, cận nghèo, họ đã trở thành hộ khá giả, kinh tế ổn định, xây được ngôi nhà khang trang, rộng rãi, mua xe máy phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa. Tỷ lệ nghèo ở xã ngày càng kéo giảm.

Thôn Mác Thượng, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình có đông người dân tộc Pà Thẻn định cư. Thời gian qua địa phương chú trọng tuyên truyền về các mô hình làm kinh tế, các mô hình ứng dụng công nghệ mới, cách làm hay đã được bà con thôn bản khác kiểm nghiệm bằng thực tiễn.

Địa phương còn mở các lớp tập huấn để bà con có cơ hội trao đổi với các chuyên gia và các điển hình tiên tiến, .... nhờ đó, nhận thức của nhiều hộ dân, đặc biệt là chị em phụ nữ giờ đây đã có sự chuyển biến tích cực. Nhiều chị em đã vượt qua được định kiến cũ, đã chủ động vươn lên, nắm quyền chủ động làm kinh tế, không chỉ giúp bản thân và gia đình thoát nghèo, nhiều người trong số họ còn có những đóng góp tích cực vào thành quả triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên đia bàn.

Đơn cử, bà Ván Thị Chi – một người dân trong thôn đã mạnh dạn vận động, tập hợp một nhóm với hơn chục chị em có tay nghề dệt thổ cẩm trong thôn, thành lập HTX Dệt thổ cẩm Pà Thẻn Ván Chi tại xã Tân Trịnh, vừa truyền dạy nghề dệt cho chị em trong thôn, vừa tạo sản phẩm bán ra thị trường. Nhờ đó, nhiều phụ nữ trong thôn đã có thu nhập ổn định, đảm bảo chất lượng cuộc sống.