HỔ VỀ RỪNG, THẦN CỒN, CHỦ TỊCH CLB XE TRANH TÀI ĐUA Ô TÔ ĐỊA HÌNH

Nếu như các đội Vitclub Thần Cồn, Hổ Về Rừng... không thành công trong pha vượt tấm bê tông thì hai phó chủ tịch CLB dân chơi ô tô cũng gặp khó khăn khi vượt qua đầm lầy, hố sâu tại Giải đua xe địa hình - VOC 2023, chiều 28/10.

Sáng 28/10, Giải đua ô tô địa hình Việt Nam diễn ra tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Đây là năm thứ 16 sự kiện này được tổ chức. Tại lễ khai mạc và xuyên suốt thời gian diễn ra các màn tranh tài, đội dù lượn có động cơ liên tục trình bay diễn cổ vũ. 

Toàn giải có 87 đội đua với 4 hạng thi đấu bao gồm: Cơ bản, Bán tải Nâng cao, SUV Nâng cao và Mở rộng. Riêng ngày 28/10 có 4 bài thi được tổ chức. Trong ảnh là Đường đua số 9 dành cho đội Bán tải cơ bản - hạng đấu đông vận động viên tham gia nhất giải năm nay. 

Ở phần tranh tài này, thử thách gây thót tim nhất là đoạn về đích khi các xe phải băng qua cây cầu gỗ chênh vênh trên một hố lớn. Nhiệm vụ quan trọng của các lái phụ là phải điều chỉnh hai cây gỗ sao cho chuẩn mà không dùng thước đo có số centimet.

Trong ảnh, anh Lưu Xuân Quang của đội 121 - Vitclub-Pol-Vie Chickens (thi hạng cơ bản) đang đo khoảng cách bằng cây gậy để làm sao cho khớp với hai bên bánh xe của đội mình. 

Tay lái chính của Vitclub-Pol-Vie Chickens là Stephen Kacper Kamil. Cả anh chàng người Ba Lan và Lưu Xuân Quang đều lần đầu tiên tham dự PVOIL VOC 2023. Nam VĐV ngoại quốc hiện là giáo viên dạy tiếng Anh tại Hà Nội, còn chàng trai lái phụ đang làm về mảng thiết kế bối cảnh của các bộ phim, MV ca nhạc.

Stephen Kacper Kamil đã vượt qua cây cầu gỗ thành công và cán đích với thành tích 3 phút 8 giây 340 nhưng đáng tiếc anh lại phạm quy khi không mang găng tay. Sau khi được trọng tài lý giải, VĐV ngoại quốc ôm đầu tiếc nuối.

Đội NAC Gia Hân với tay lái chính Nguyễn Văn Thương (trong ảnh) cũng về đích thành công sau khi vượt qua thử thách khó nhất. Anh và đồng đội Phạm Văn Quân đều làm nghề kinh doanh, có chung một tình yêu lớn với bộ môn đua xe offroad đã nhiều năm.

Một trường hợp ở bài thi số 9 được khán giả vỗ tay khen ngợi là nữ VĐV Phan Mỹ Lài trong đợt trổ tài lần thứ 4 của cô trong ngày. Sau khi vượt qua cây cầu gỗ nguy hiểm thành công với thời gian 3 phút 12 giây 870, cô gái đến từ Bình Phước chia sẻ, đây là lần thứ hai nữ lái chính tham gia đua xe tại VOC. Năm ngoái ở bài thi này xe cô bị chệch hai bánh trước. Còn cả 4 màn trình diễn từ sáng tới giờ Lài đều thấy ổn. "Thành tích năm ngoái tệ hơn năm nay dù không có thời gian lẫn bãi nào để tập luyện. Nhìn chung tôi hài lòng với sự cố gắng của mình", tay đua có biệt danh Mãi Lỳ nói.  

Trước đó, một trường hợp bị DNF (Did not Finish) xảy ra từ sớm khi chiếc Land Cruise mang số 124 của đội SUV Vinh Lê PVC không qua được cầu gỗ, phải nhờ đến xe cứu hộ kéo lên. 

Hai VĐV không may mắn này là Lê Quang Vinh và Trần Tiến Quân. Trước đó, các anh đặt mục tiêu chơi không áp lực, làm sao cho khán giả thấy hay là được. Năm nay, chã của tay lái chính không phải là Trang Đặng, người vợ đồng hành cùng anh trong nhiều mùa giải VOC như mọi khi do chị bận đi công tác. 

Lê Quang Vinh làm nghề sửa chữa và độ xe hơi. Anh gắn bó với đường đua VOC từ 2015, nay là mùa thứ 6 tham gia tranh tài. Nam VĐV từng đoạt cúp vô địch hạng cơ bản mùa VOC 2017 và đạt thứ hạng cao trong nhiều mùa giải tiếp theo. 

Tại bài thi số 6, thử thách lớn nhất dành cho các VĐV là đoạn vượt qua tấm bê tông hộp. Đường đua này thu hút đông khán giả xem nhất vì thường xảy ra nhiều sự cố như bỏ cuộc, lật xe...

Trong ảnh, cả hai đội không thể hoàn thành bài thi (DNF) phải bỏ cuộc là Vitclub London (số 325) của tay đua Đinh Văn Hùng và Vũ Thanh Tùng và Vitclub Thần Cồn (số 324) do Nguyễn Sĩ Thành lái chính và Hoàng Thế Dũng phụ xe.

Để vượt qua cửa ải khó nhằn này, mỗi đội thường có chiến thuật và cách sử dụng dụng cụ riêng bởi dốc bê tông đỉnh cao và nhọn. Trong ảnh, lái phụ (chã) Trương Minh Trình của đội Tấn Tư - Bình Phước (xe 322) đặt một chiếc thang dài nhưng sau đó đã không thành công, phải bỏ ra khỏi gầm xe.

Chiếc xe do VĐV Trần Tấn Tư điều khiển sau đó đã rất khó khăn để vượt qua bức tường thành lì lợm này.

Đội Vitclub - Hổ Về Rừng do lái chính Phạm Việt Thanh và chã Lưu Tiến Sức trổ tài. Chiếc xe mang số 323 đã vượt qua vũng nước sâu một cách dễ dàng.

Xe 323 của lái chính Phạm Việt Thanh hoàn thành bài thi, còn xe 324 của VĐV Nguyễn Sĩ Thành bị DNF.

Chiếc xe số 325 của đội Vitclub London được cần cẩu nhấc bổng lên đưa ra khỏi bãi trong sự chú ý theo dõi của hàng trăm khán giả.

Trong chiều 28/10 còn có một bài thi ở Đường đua số 14 cũng khá hấp dẫn. Các đội tham dự phải vượt qua một vũng lầy sâu và rộng 

Do bùn lầy bắn cao và mạnh, các thành viên BTC liên tục bắc loa nhắc nhở khán giả cần tránh xa khu vực hàng rào đã ngăn cách.

Tại bài thi này, theo quy định của BTC, mỗi đội được đua tối đa 15 phút. Tuy nhiên, có những xe bị sa lầy, bánh quay tít trong vũng bùn khiến màn trổ tài bị gián đoạn nhiều thời gian.

Chiếc Triton của đội TVC Trâu Kinh Bắc 04 gây chú ý với một hình ảnh gợi cảm trên thành xe. Lái chính ô tô bán tải này là Hoàng Trọng Kiên, phụ là Trần Ngọc Thanh. 

Vừa xuất phát, tay đua 8X tăng ga lao rất nhanh vọt qua bãi lầy ban đầu và chỉ bị sụt lún khi gần về đến đích. Ngoài đời, Hoàng Trọng Kiên vì đam mê đã mở xưởng độ và sửa chữa ô tô. Anh cũng là Phó Chủ tịch của CLB Triton Việt Nam (TVC).

Trước cuộc đua, đội TVC Trâu Kinh Bắc 04 đã khẳng định với BTC rằng: "Không quan trọng thành tích, quan trọng khán giả thích". Đó có thể là lý do chiếc bán tải của hãng Mitsubishi do Hoàng Trọng Kiên điều khiển lao như một chiến mã qua vũng lầy khiến bùn đất bắn văng rất mạnh.

Tuy nhiên, ngay sau đó "xế cưng" của lái chính 8X bị sa lầy mất gần 10 phút, tiến không nổi, lùi không xong. Khán giả đứng xung quanh mỗi người tư vấn một cách khắc phục làm cả hai thành viên đội suýt bị rối trí.

Trước đó ít ngày, bộ đôi Hoàng Trọng Kiên, Trần Ngọc Thanh đã dành thời gian tập luyện miệt mài. Chiếc xe đồng hành cùng lái chính hai mùa trước năm nay được nâng cấp khá nhiều, sẵn sàng "chiến" mọi đường đua. 

Hôm nay Phó chủ tịch CLB Xe địa hình bán tải Lào Cai (Trần Ngọc Thanh) đã phải rất vất vả để kéo tời, dọn bùn cho Phó Chủ tịch CLB Triton Việt Nam đưa "xế cưng" lên bờ và hoàn thành bài thi.

Sau hai mùa giải góp mặt tại chảo lửa Đồng Mô, VĐV chủ nhà Hà Nội đang ngấm dần sự khắc nghiệt của đường đua offroad nổi tiếng nhất miền Bắc.

Trong một cuộc thi luôn phải có kể thắng, người bại. Điểm đặc biệt ở giải VOC là các VĐV thua cuộc luôn lấy điều đó làm chuyện bình thường, bởi đây là một thử thách không dễ gì vượt qua. Trong ảnh, VĐV Thân Văn Thắng của đội TVC Trâu Kinh Bắc 01 vui vẻ trong sự chúc mừng của khán giả và bạn bè sau khi về đích và đạt thành tích khá tốt.

Giải đua xe địa hình Việt Nam (Vietnam Offroad 2023) được chia thành 4 phân hạng như sau:

- Hạng Cơ bản: Xe thi đấu phải là một phiên bản thương mại hoàn chỉnh được bán trên thị trường, được phép tháo, thay thế, nâng cấp một số chi tiết như lốp, giảm xóc, cản trước/sau,... nhưng không làm thay đổi động cơ, chiều dài cơ sở, ghế trong cabin, xe không được phép dùng tời,...

- Hạng Bán tải Nâng cao: Xe thi đấu phải là một phiên bản bán tải thương mại hoàn chỉnh được bán trên thị trường, được phép tháo, nâng cấp, thay thế các hạng mục động cơ, lốp, giảm xóc, cản trước/sau, thùng xe,... nhưng không làm thay đổi chiều dài cơ sở, cắt ngắn sắt xi,...

- Hạng SUV Nâng cao: Xe thi đấu phải là một phiên bản SUV thương mại hoàn chỉnh được bán trên thị trường, được phép tháo, nâng cấp, thay thế các hạng mục như động cơ, lốp, giảm xóc, cản trước/sau,... nhưng không làm thay đổi chiều dài cơ sở, cắt ngắn sắt xi,... Đối với xe mui trần, mui bạt (các loại tương tự Jeep, UAZ) phải có khung thép bảo vệ cabin chắc chắn liên kết vào khung xe để bảo vệ người lái trong các trường hợp lật xe.

- Hạng Mở rộng: Là hạng thi đấu chuyên nghiệp với mức độ khó khăn cao nhất, do đó xe thi đấu không cần phải là phiên bản thương mại được bán trên thị trường. Xe thi đấu được phép tháo, nâng cấp, thay thế các hạng mục; trừ các hạng mục không được phép như gắn xích hoặc sử dụng các loại lốp công cụ, lốp có đường kính trên 42 inch.

Xe thi đấu ở hạng này có thể sử dụng khung xe dạng thang hộp (chassis rời) hoặc dạng ống tròn hàn liền cabin chịu lực (dạng buggy). Xe bắt buộc phải có vỏ cabin với đầy đủ: Nắp capo; nóc; các cánh cửa hoặc thanh chắn bảo vệ người (cao ít nhất 40cm tính từ sàn xe); kính lái, hoặc lưới thép khu vực kính lái với mắt lưới không lớn hơn 2cm; tai xe trước và sau; phải được trang bị dây đai an toàn 4 điểm trở lên,...