Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững được tỉnh Đắk Lắk phấn đấu thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin) và hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh dự kiến đặt ra mục tiêu mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm của tỉnh giai đoạn 2021-2025 từ 1,5 - 2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3-4%/năm.

Để đạt được mục tiêu này, Đắk Lắk đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách, kế hoạch theo Đề án giảm nghèo của Nhà nước nhằm cải thiện đời sống, giảm thiểu số hộ nghèo trong toàn tỉnh. Trong đó, áp dụng khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin đang được tỉnh ưu tiên thực hiện.

Xác định bên cạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ giúp nông dân, HTX nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, mở lối cho nông nghiệp hiện đại. 

Năm năm qua đã có 42 đề án được triển khai, với tổng kinh phí gần 17 tỷ đồng, tập trung vào việc ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong chế biến, đóng gói nông sản, chế tạo cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu...

Bên cạnh chuyển giao máy móc thiết bị cho các cơ sở CNTT, các đề án… cũng hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nâng cao năng lực kỹ thuật áp dụng sản xuất sạch trong công nghiệp; nâng cao năng lực quản lý về tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công và bình chọn, tôn vinh các sản phẩm CNTT tiêu biểu.

UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 1497/QĐ-UBND với mục tiêu nhằm tiếp tục động viên mọi nguồn lực xã hội đầu tư vào sản xuất công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng giá trị công nghiệp; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông – lâm sản, cơ khí phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xây dựng nông thôn mới.

Không dừng lại ở việc áp dụng khoa học kỹ thuật, tỉnh Đắk Lắk còn đẩy mạnh mục tiêu ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử để giảm nghèo bền vững.

Kế hoạch phát triển TMĐT của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 cũng xác định rõ mục tiêu: có 40% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT; 100% siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở mua sắm lớn hiện đại bảo đảm được việc thanh toán và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt; 100% các đơn vị cung cấp điện, nước, viễn thông, truyền hình chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp hóa đơn điện tử cho người tiêu dùng...

Thực hiện Kế hoạch số 65/KH-UBND, ngày 18/3/2022 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Đến nay đã có 184 cơ sở hội, 302 tổ hợp tác, 334 hợp tác xã, 35 chi hội nghề nghiệp, 84 tổ hội nghề nghiệp, 1.745 hộ nông dân, trang trại đăng ký tham gia gian hàng trên Chợ nông sản Đắk Lắk online với tên miền chonongsandaklak.vn.

Diễn đàn "Nông dân khởi nghiệp, nông dân thời kỳ công nghệ số" do Hội Nông dân tỉnh vừa tổ chức cũng đã tạo cơ hội cho hội viên, nông dân, các HTX, THT, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trực tiếp được phản ánh tâm tư, nguyện vọng về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình khởi nghiệp, chuyển đổi số và có những đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách liên quan đến quá trình khởi nghiệp.

Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm.

Với mong muốn giới thiệu bức tranh toàn cảnh, sinh động về nông sản của tỉnh, thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp với các sản phẩm an toàn, hướng tới nông dân tham gia nền nông nghiệp điện tử, nông nghiệp bền vững, trung tuần tháng 11 vừa qua, Hội Nông dân tỉnh đã ra mắt Chợ nông sản Đắk Lắk online với tên miền chonongsandaklak.vn.

Những năm gần đây, diễn biến thiên tai tại tỉnh Đắk Lắk ngày càng phức tạp, khó lường làm ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 16 vụ thiên tai gồm: 9 trận lốc tố, dông sét; 5 đợt mưa lũ lớn; 2 vụ sạt lở đất làm 1 người chết, 4 người bị thương; 194 nhà bị ngập nước, hư hỏng; 8.416 ha cây trồng bị ảnh hưởng; 20 ha ao nuôi cá bị ngập, cuốn trôi và 27.460 m kênh mương các loại bị xói lở, hư hỏng. Ngoài ra, thiên tai còn gây hư hỏng nhiều công trình cơ sở hạ tầng và tài sản, tổng thiệt hại kinh tế gần 243 tỷ đồng.

Thống kê giai đoạn từ năm 2013 đến 2023, thiên tai hạn hán, lũ lụt trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tàn phá 336.846 ha cây trồng, thiệt hại hơn 8.121 tỷ đồng; lốc tố, dông sét, lũ lụt, sạt lở đất làm 42 người chết, 41 người bị thương, thiệt hại về tài sản hơn 4.500 tỷ đồng…

Dự báo năm nay do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, năm nay lượng mưa trên địa bàn tỉnh đạt mức xấp xỉ và cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; hiện tượng mưa cục bộ trong mùa khô có khả năng xuất hiện nhiều hơn. Sẽ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, sét, mưa đá kèm theo lốc xoáy và gió giật mạnh; đặc biệt vào thời kỳ cao điểm của mùa mưa năm 2023, tổng lượng mưa trên địa bàn có khả năng đạt từ 550-850 mm; lượng dòng chảy các sông, suối phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 15-25%, có thể gây ra những đợt lũ, ngập cục bộ ở các vùng trũng thấp thuộc các huyện Krông Bông, Krông Ana, Ea Súp, Krông Pắc, Ea Kar, Lắk…

Ngoài ra, để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong thời gian tới, các đơn vị quản lý hồ chứa tiếp tục thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn, tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận hành hồ chứa, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương. Các đơn vị lắp đặt đầy đủ thiết bị quan trắc, giám sát vận hành xả nước các hồ chứa; thường xuyên theo dõi cảnh báo thời tiết để chủ động ứng phó với các diễn biến, tình huống bất thường do thiên tai gây ra, có phương án khắc phục kịp thời.

Thực hiện chia sẻ thông tin, dữ liệu vận hành hồ chứa, quan trắc khí tượng thủy văn cho các cơ quan, đơn vị liên quan để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Cùng với đó, áp dụng công nghệ tự động hóa trong quản lý, vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Thời gian qua, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk còn tạo Group trên Zalo với các thành viên. Từ Group Zalo này, khi có thông báo gì hoặc có tình huống thiên tai xảy ra thì đăng lên để các thành viên nhanh chóng được tiếp cận và Ban Chỉ huy tỉnh sẽ chỉ đạo giải quyết các vấn đề kịp thời.

Tỉnh Đắk Lắk phấn đấu từ năm 2021 đến năm 2030, 100% người dân ở các xã thường xuyên xảy ra bão, lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt, hạn hán và ít nhất 50% người dân ở các khu vực khác được phổ biến kiến thức về thiên tai và kỹ năng phòng tránh thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn;

100% các bậc đào tạo phổ thông trên địa bàn tỉnh đưa nội dung phòng tránh giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào một số môn học để giảng dạy; 100% số xã xây dựng và phê duyệt kế hoạch phòng, chống thiên tai phải có sự tham gia của cộng đồng; 100% hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai và thông tin chỉ đạo phòng, tránh thiên tai.

Nhóm PV