Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam Tạ Quang Đông cho biết triển khai thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước và Kế hoạch hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Campuchia giai đoạn 2023-2027, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia thường xuyên phối hợp tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, góp phần tăng cường tình hữu nghị láng giềng và giao lưu nhân dân.

Trong năm 2024, hai bên phối hợp tổ chức Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia tại Thủ đô Phnom Penh - thành phố hiện thân của những giá trị văn hóa truyền thống của Campuchia - và tỉnh Banteay Meanchey, nơi lưu giữ nhiều giá trị di sản đặc sắc của Campuchia.

W-khaimac.png
“Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia” năm 2024 diễn ra từ ngày 20-25/5 tại Campuchia.

Nhằm phát huy hợp tác trong lĩnh vực di sản văn hóa, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị hai bên tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Tạ Quang Đông mong muốn hai bên tiếp tục quan tâm, thúc đẩy giao lưu văn hóa, đặc biệt là các chương trình giao lưu tại khu vực các tỉnh có chung đường biên giới; tăng cường hợp tác văn hóa, nghệ thuật trong khuôn khổ đa phương UNESCO, ASEAN, hợp tác Mekong-Lan Thương và tiểu vùng, từ đó cùng nhau phát triển vì sự thịnh vượng của hai quốc gia và khu vực.

Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia Phoeurng Sackona chào mừng đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam sang thăm và làm việc, hoan nghênh Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức “Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia” năm 2024, cho rằng chuỗi các hoạt động này nhằm gắn kết hơn nữa mối quan hệ bền chặt giữa hai nước cũng như hai bộ.

Theo Bộ trưởng Phoeurng Sackona, quan hệ giao lưu văn hóa, nghệ thuật Việt Nam-Campuchia phát triển tốt đẹp trên cơ sở quan hệ song phương và đa phương.

Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã hỗ trợ Campuchia trong việc đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa của nước này và mong muốn Việt Nam tiếp tục ủng hộ các hồ sơ công nhận di sản thế giới liên quan các di tích dưới chế độ diệt chủng như Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng (S21), Cánh đồng chết Choeung Ek, Nhà tù M-13...

Bà Phoeurng Sackona nhấn mạnh hợp tác văn hóa, nghệ thuật đã trở thành cầu nối làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Việc đẩy mạnh giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia giúp nhân dân hai nước chia sẻ nhiều điểm tương đồng và ngày càng hiểu nhau hơn.

Nhân sự kiện Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia năm 2024, người đứng Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia bày tỏ mong muốn các cán bộ chuyên môn của cả hai nước tiếp tục hợp tác hiệu quả và mở rộng lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, một lĩnh vực có tiềm năng về cả mặt kinh tế và xã hội trong hợp tác song phương Việt Nam-Campuchia; đồng thời khẳng định Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia sẽ tiếp tục hỗ trợ và tăng cường tổ chức các hoạt động chung, coi đây là những sự kiện kiểu mẫu để cả hai nước có thể thực hiện trong hợp tác với các nước khác nhằm giới thiệu văn hóa, nghệ thuật, đất nước và con người của nhau.

Nhấn mạnh ý nghĩa của chương trình, bà Phoeurng Sackona nêu rõ: “Tuần văn hóa lần thứ 19 giữa hai nước ngày hôm nay không chỉ cho thấy nỗ lực chung của hai bên, mà còn là sự kiện giúp người dân hai nước ngày càng có cơ hội tìm hiểu văn hóa của nhau, góp phần gắn kết tình hữu nghị, hợp tác láng giềng.”

Sau nghi thức khai mạc, không gian Nhà hát Chaktomuk ở trung tâm thủ đô Phnom Penh như thực sự lắng động với tiết mục ca múa nhạc gắn với những giai điệu, vũ điệu dân gian và hiện đại của hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.

Trong đó có các vũ điệu, làn điệu dân ca của cộng đồng các dân tộc anh em ở Việt Nam như như hòa tấu đàn T’rưng và dàn nhạc Tây nguyên “Mùa hái quả,” tốp ca “Chợ phiên gặp gỡ” của dân tộc Mông, các tiết mục múa “Hồ... Hồ hà hề” của dân tộc Dao, “Phum sóc mở hội” của dân tộc Khmer, “Vọng khắp lử” của dân tộc Lự...

Nhóm PV