Năm 2022, hơn 30 cuộc thi hoa hậu được tổ chức với nhiều quy mô tại Việt Nam. Số lượng ồ ạt khiến công chúng ngao ngán, than phiền “ra ngõ gặp hoa hậu”. Thực trạng này diễn ra khi quy định tổ chức các cuộc thi sắc đẹp được nới lỏng. 

Thực tế, ngành công nghiệp hoa hậu đang dần hình thành ở Việt Nam không chỉ là phương thức kinh doanh của các đơn vị tổ chức mà còn là cơ hội cho lò luyện phát triển. Bên cạnh các đơn vị đã có tên tuổi, nhiều lò đào tạo mới ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu rèn luyện các kỹ năng. Việc các cuộc thi bùng nổ, thí sinh đua nhau đi thi góp phần đem lại nguồn lợi 'béo bở' cho các trung tâm.

Các trung tâm đào tạo hoa hậu lớn hiện tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM. Tại Hà Nội, có 3 cái tên nổi bật có thể nhắc đến: BYB Academy, Hạ Vy Academy, Onasa Academy. Ở TP.HCM, trường John Robert Powers Vietnam được thành lập từ 2006 có kinh nghiệm lâu năm trong việc đào tạo các kỹ năng mềm cho thí sinh dự thi hoa hậu trong và ngoài nước. Các trung tâm đào tạo của siêu mẫu Võ Hoàng Yến, Đức Hiển cũng là địa chỉ các người đẹp tìm đến. 

Năm 2022, á hậu Hoàng Thuỳ và hoa hậu Khánh Vân lần lượt thành lập trung tâm đào tạo riêng: Mia’s Academy và Khánh Vân Academy. UniMedia - đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cũng thành lập UniForce Academy, trung tâm đào tạo kỹ năng và phát triển tài năng đa lứa tuổi.

Tại miền Trung, Rồng Tiên Sa Media là đơn vị thường xuyên đào tạo và cử những gương mặt tiềm năng tham dự các cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia, tiêu biểu với thành công của á hậu Kiều Loan và á hậu Hoà bình Việt Nam - Minh Thư.

Đó là chưa kể các trung tâm nhỏ, công ty tự phát của các nhân vật hoạt động trong lĩnh vực thời trang, người mẫu...

Trước khi thi nhan sắc, các thí sinh thường tham gia các khóa học như: trình diễn, đào tạo kỹ năng mềm, phong thái, trang điểm, ứng xử… Tuỳ khả năng tài chính và định hướng, mỗi cô gái sẽ đầu tư ít hay nhiều. Với những cô gái ít kinh nghiệm hay “chân ướt chân ráo” thi hoa hậu, việc đầu tư là điều dễ hiểu, nhưng nhiều gương mặt như Chế Nguyễn Quỳnh Châu, Bùi Lý Thiên Hương đã thi nhan sắc từ 5-6 năm trước, quen mặt trên sàn diễn vẫn học catwalk trước khi thi Miss Grand Vietnam 2022.

Tham gia 2 cuộc thi năm ngoái (Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam), á hậu Lê Phương Thảo tiết lộ, chi phí học các kỹ năng mềm, catwalk, trang điểm cho 2 lần thi lên tới hơn 300 triệu. Nhưng kiến thức từ các lớp học về quy cách ứng xử, giao tiếp giúp cô vận dụng suốt đời nên không thấy phí phạm. 

Chia sẻ với VietNamNet, Nguyễn Thuỳ Linh - top 5 Miss World Vietnam 2022 cho biết chỉ học catwalk thời gian ngắn để biết đi và trình diễn với giày cao gót. “Bạn thiếu kỹ năng gì nên sắp xếp để học. Cuộc thi có người hướng dẫn nhưng chỉ là cơ bản và đòi hỏi phải thuần thục trong thời gian ngắn. Nếu có điều kiện, mỗi thí sinh nên đăng ký học trước. Tôi biết nhiều bạn còn học từ 1-2 năm trước khi thi”, Thuỳ Linh tâm sự. 

Hoàng Thị Hải Hà - người từng thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022, á khôi 1 Hoa khôi Thanh lịch Việt Nam 2022 bộc bạch cô tự học catwalk và ứng xử để đỡ tốn chi phí. Người đẹp đầu tư hơn 70 triệu cho việc học tiếng Anh, kỹ năng nói trước đám đông, trang điểm và trang phục. Sau 2 cuộc thi, cô nhận được nhiều lời mời quảng cáo, chụp hình, diễn thời trang, cát-sê cũng tăng hơn trước. 

Lê Minh Anh - top 20 Hoa hậu Việt Nam 2022 học 6 khóa trong 2 tháng trước khi thi nhan sắc. Nữ sinh RMIT học 3 lớp catwalk, 1 khóa trang điểm. Về ứng xử và kỹ năng mềm, Minh Anh theo học tại trường John Robert Powers Vietnam.

Chia sẻ với VietNamNet, HLV Nguyễn Thanh Huyền - CEO BYB Academy cho biết sau đại dịch, số lượng học viên "bùng nổ". Từ đầu năm 2022, cao điểm từ hè trở đi, các lớp học của chị dàn đều trong tuần và các khung giờ. 

Năm ngoái, HLV Thanh Huyền có học viên tham gia và đạt thành tích nổi bật ở nhiều cuộc thi lớn: Miss World Vietnam 2022 với top 5 Nguyễn Thuỳ Linh; Hoa hậu Việt Nam 2022 với á hậu 1 Trịnh Thuỳ Linh, top 5 - Người đẹp Nhân ái Nguyễn Ngọc Mai, top 10 - Người đẹp Biển Phan Phương Oanh... Trước xu hướng thị trường, chị sẽ đẩy mạnh học viên tại thị trường quốc tế, với các đối tác ở Hàn Quốc, Italia, Malaysia trong năm nay. 

Chuyên gia Khuất Ánh Tuyết - người được mời huấn luyện cho thí sinh vòng chung kết 3 cuộc thi năm 2022 gồm: Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Hoa hậu Việt Nam tiết lộ, nhu cầu học viên theo học ngày càng nhiều nên học viện của chị hiện mở phân viện ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam với 63 điểm đào tạo liên kết trên toàn quốc. 

Thực tế, các lò luyện hiện nay nhận dạy đa dạng đối tượng, lứa tuổi, khóa học theo định hướng kinh doanh, chưa chuyên sâu hoàn toàn vào huấn luyện hoa hậu. Các khóa học cũng chưa dài hạn, đa dạng toàn diện các kỹ năng. Nơi này chỉ dạy trình diễn, giao tiếp nơi kia lại chỉ huấn luyện phong thái, hình thể… 

Do vậy, Việt Nam chưa có đơn vị hoạt động theo hướng lò luyện đúng nghĩa, cung cấp khóa học và định hướng dự thi toàn diện. Việc xây dựng mô hình đào tạo thí sinh thi hoa hậu vẫn là bài toán nan giải do những kỹ năng cần thiết để thi nhan sắc không thể thành thạo sau vài buổi huấn luyện mà cần quá trình rèn luyện lâu dài. 

Thiết kế: Cúc Nguyễn
Đón đọc bài 2: 'Lò luyện hoa hậu': Chi trăm triệu học cấp tốc, mặc áo mưa ép cân