'SÁT THỦ NGẦM' VÀ 'HỔ MANG CHÚA' CỦA KHÔNG QUÂN VIỆT NAM

Nếu như Su30-MK2 thiên về khả năng đánh biển và biến thành “pháo đài bay” mang bom tiêu diệt quân địch trên mặt đất thì trực thăng Mi 171 lại góp phần quan trọng trong việc vận chuyển nhu yếu phẩm hỗ trợ cho các vùng bị thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Trực thăng vận tải - chiến đấu Mi 171 do Nga nghiên cứu, chế tạo trên cơ sở máy bay Mi 17 từ những năm 1970. Dòng máy bay này đang hoạt động trong biên chế lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam với vai trò tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: Tango Nguyễn.

Trực thăng Mi 171 góp phần quan trọng trong việc vận chuyển nhu yếu phẩm hỗ trợ cho các vùng bị thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ngư dân hoạt động trên biển. Ảnh: Tango Nguyễn.

Tổ lái của máy bay bao gồm 3 người, số lượng chuyên chở mang theo tới 40 người, bên ngoài cẩu treo 4 tấn hàng hóa. Ảnh: Tango Nguyễn.

Biên đội trực thăng gồm hai chiếc Ka28 với số hiệu 7525 và 7520, được coi là một trong những “sát thủ săn ngầm” đáng gờm trên thế giới. Với nhiệm vụ trinh sát trên biển, dòng máy bay này với tính năng kỹ chiến thuật đa năng, có khả năng tìm và tiêu diệt tàu ngầm với ba phương án khác nhau bằng các thiết bị hiện đại nhất hiện nay ở độ sâu gấp ba lần độ sâu hoạt động của tàu ngầm. Ảnh: Tango Nguyễn.

Những chiếc Mi-171E của các tổ bay trực thăng vũ trang tại buổi diễn tập diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tháng 5/2024. Sư đoàn 371 của Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) là đơn vị chủ lực tổ chức 3 biên đội máy bay trực thăng xếp hình mũi tên bay treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc diễu hành qua lễ đài và trên đường phố với thời gian 45 phút. Ảnh: Tango Nguyễn.

Su-30MK2 là tiêm kích đa năng hạng nặng do Tập đoàn SUKHOI của Nga sản xuất, nâng cấp lên từ tiêm kích Su-27, định danh theo NATO là “Flanker-C”. Hiện nay, nhiều quốc gia trang bị cho quân đội loại máy bay này, trong đó có thể kể đến Việt Nam, Venezuela, Indonesia... Ảnh: Tango Nguyễn.

Su-30MK2 (số hiệu đuôi 8583) có khả năng tác chiến trên biển thuộc lô sản xuất thứ 88, tại nhà máy của Tập đoàn Sukhoi ở thành phố Komsomolsk. Đây là 1 trong 2 chiếc đầu tiên của lô hàng 12 chiếc mà Không quân Việt Nam đặt mua với tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport theo hợp đồng ký hồi tháng 8/2013, có giá trị 600 triệu USD. Ảnh: Tango Nguyễn.

Điểm nổi bật ở Su-30MK2 là khả năng cơ động đặc biệt cao, và triển khai tấn công cả máy bay có người lái và không người lái (UAV). Với trang bị hệ thống tên lửa dẫn đường tầm ngắn và tầm trung, những chiếc chiến đấu cơ có biệt danh “hổ mang chúa” có thể tấn công chính xác các mục tiêu mặt đất, mặt nước từ khoảng cách 120km. Ảnh: Tango Nguyễn.

Nhờ hệ thống khung được nâng cấp, Su-30MK2 có thể tấn công mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày, đêm. Ảnh: Tango Nguyễn.

Máy bay được trang bị 12 điểm cố định dưới cánh để gắn vũ khí, với trang bị hỏa lực rất đa dạng, từ các tên lửa dẫn đường không đối không, không đối đất, tên lửa không dẫn đường, bom định vị, bom thông thường, bom chùm. Ngoài ra, máy bay còn được trang bị một đại bác tự động 30mm GSh-301, với 150 viên đạn. Ảnh: Tango Nguyễn.

Su-30MK2 ký hiệu 8572 của Trung đoàn Tiêm kích 923 thuộc Sư đoàn 371 đóng tại sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa). Máy bay này được thiết kế thiên về khả năng đánh biển nhưng khi cần có thể biến thành “pháo đài bay” mang bom tấn công tiêu diệt quân địch trên mặt đất. Ảnh: Tango Nguyễn.

Ngoài ra còn có những chiếc Su-27 Flanker - dòng máy bay chiến đấu thế hệ 4 hiện đại đầu tiên của Không quân Việt Nam, chính thức vào biên chế trong giai đoạn 1995 - 1996. Tính năng chiến đấu của tiêm kích Su-27SK/UBK được đánh giá là rất xuất sắc vào thời điểm những năm 1990. Cụ thể, máy bay được trang bị 2 động cơ turbine phản lực AL-31F công suất 122,8 KN mỗi chiếc, cho tốc độ tối đa Mach 2,35; tầm hoạt động 3.530 km; trần bay 18.500m; tải trọng vũ khí lên tới 5.000kg. Sau hơn 20 năm sử dụng, những chiếc Su-27 của Không quân Việt Nam được đưa đi đại tu và thay đổi màu sơn cho giống với Su30-MK2. Ảnh: Tango Nguyễn.