icon icon

Hình ảnh người công nhân làm việc ở các ngành nghề độc hại, nguy hiểm công nghiệp nặng, công nghiệp phụ trợ hay dệt may, xuất khẩu gạo, thủy sản... có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của nước ta.

Sửa chữa máy bay: Nghề sửa chữa máy bay được phân thành 2 loại, ngoại trường và nội trường. Ngoại trường là những kỹ sư thực hiện kiểm tra an toàn các thiết bị máy bay trước khi bay. Còn nội trường, người kỹ sư làm công việc sửa chữa, bảo trì khi máy bay bị hỏng hóc hay kiểm tra định kỳ. Sau khi hoàn thành sẽ bàn giao máy bay ra bên ngoài cho đội ngoại trường kiểm tra lần cuối trước khi đưa vào khai thác.

Sản xuất ô tô: Trước những diễn biến phức tạp của thị trường quốc tế, thị trường ô tô trong nước vài năm gần đây tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng. Với tốc độ tăng trưởng ổn định của thị trường xe con dưới 9 chỗ như hiện nay (trung bình 20-30%/năm), Việt Nam sẽ là thị trường tiêu thụ ô tô rất tiềm năng trong khu vực. Trong năm 2020, Việt Nam đã vượt qua Philippines trở thành thị trường tiêu thụ ô tô lớn thứ 4 trong ASEAN (sau Thái Lan, Indonesia và Malaysia). Ảnh: Nguyễn Huế.

Sản xuất tôn: Một nhà máy sản xuất tôn mạ màu vào loại hiện đại và đồng bộ nhất Việt Nam với công suất 400.000 tấn/năm. Năm 2020, lần đầu tiên ống thép đơn vị này vượt qua mốc sản lượng 820.000 tấn.

Sản xuất thép: Hình ảnh sản xuất thép cũng tại doanh nghiệp trên. Doanh thu xuất khẩu thép năm 2022 của công ty này đạt hơn 31.500 tỷ đồng, chiếm 22% tổng doanh thu. Thị trường xuất khẩu chính của đơn vị hiện nay là Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Sản xuất thép: Năm 2022, tập đoàn này đạt 142.770 tỷ đồng doanh thu, giảm 5% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 8.444 tỷ đồng, chỉ bằng 24% của năm 2021.

Mỏ than: Quảng Ninh có trữ lượng than chiếm đến 95% trữ lượng của cả nước. Đây là ngành đóng góp lớn vào GDP và ngân sách của tỉnh và cũng là ngành tạo ra nhiều việc làm với số lượng lao động lớn cho tỉnh, có tác động trực tiếp đến 1/4 dân số và gắn bó sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội. 

Công nghiệp phụ trợ: Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu kinh tế trong thập kỷ qua, chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Kể từ năm 2006, khu vực dịch vụ có tỷ trọng cao nhất trong phân bổ GDP, tiếp theo là công nghiệp và xây dựng, và nông nghiệp. Công nghiệp hỗ trợ hay còn được gọi là công nghiệp phụ trợ tập trung vào việc cung cấp nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện cho các ngành sản xuất, do đó trở thành nhân tố quyết định thực chất quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam.

Công nghiệp phụ trợ/Doanh nghiệp FDI: Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI trên địa bàn tỉnh Hòa Bình chủ yếu là doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp linh kiện điện tử, may mặc, tập trung tại Khu công nghiệp Lương Sơn, bờ trái sông Đà. 

Công nghiệp phụ trợ/Doanh nghiệp FDI: Tính đến tháng 6/2022, các khu công nghiệp của tỉnh Hòa Bình có 103 dự án triển khai đầu tư, trong đó có 27 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 528,1 triệu USD và 76 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký hơn 11.000 tỷ đồng. 

Công nghiệp phụ trợ/Doanh nghiệp FDI: Năm 2021 doanh thu của các doanh nghiệp tại các KCN đạt gần 18.000 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2020, tăng 13,9% so với kế hoạch; giá trị xuất khẩu đạt 690 triệu USD, nộp NSNN 250 tỷ đồng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và đóng góp cho ngân sách địa phương.

Thủy sản: Từ 2015-2022, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Việt Nam tăng từ 3,53 triệu tấn lên 5,19 triệu tấn, tăng 47%. Nuôi trồng thủy sản phục vụ cho xuất khẩu tập trung chủ yếu ở ĐBSCL (chiếm  95%  tổng sản lượng cá tra và 80% sản lượng tôm). Từ 1998-2022, xuất khẩu tăng gấp 13 lần từ 817 triệu USD năm 1998 lên 11 tỷ USD năm 2022. Hiện nhiều vùng nuôi, nhà máy chế biến đạt các chứng nhận bền vững như ASC, GLOBAL GAP, MSC, VietGAP…

Dệt may: Ngành dệt may Việt Nam trong nhiều năm qua luôn là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Bước vào năm 2023, GDP thế giới được dự báo tăng trưởng thấp hơn năm 2022, do chính sách thắt chặt tiền tệ và xung đột địa chính trị. Sức mua của các thị trường chính như Mỹ, châu Âu suy giảm mạnh, các yếu tố bất lợi của thị trường trên đà tiếp diễn, ngành dệt may Việt Nam đã trải qua 4 tháng đầu năm “trầm lắng” với kim ngạch xuất khẩu giảm 20% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu nhất trong số các quốc gia xuất khẩu dệt may. Hiện nhiều doanh nghiệp bị thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay, không được giải ngân, chuyển nợ xấu.

Bia, rượu, nước giải khát: Ngành đồ uống là một ngành kinh tế - kỹ thuật đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Doanh nghiệp trong ngành gồm có các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bia, rượu, nước giải khát. Hàng năm ngành đồ uống đóng cho ngân sách khoảng 60.000 tỷ đồng trong đó đóng góp của các doanh nghiệp lớn như Sabeco, Habeco, Heineken, Coca Cola, Pepsi... chiếm tới hơn 80%.

Điện mặt trời: Việc sử dụng điện mặt trời sẽ giúp thúc đẩy sản xuất xanh, đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu, nhất là trong các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như da giày, dệt may… Tính đến ngày 31/12/2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời đạt 19.400 MW. Trong đó, năng lượng mặt trời áp mái cũng đã phát triển rất nhanh, với trên 100.000 công trình trong 2 năm 2019-2020. Riêng trong năm 2020, tổng công suất điện mặt trời đã đạt 10,6 tỷ KW, trong đó điện mặt trời mái nhà đạt 10,6 tỷ KW. Hiện, tổng công suất lắp đặt của điện mặt trời chiếm 25% tổng công suất phát điện của Việt Nam.

Xuất khẩu gạo: Theo kế hoạch sản xuất, cả năm 2023, tổng diện tích gieo trồng lúa của Việt Nam ước đạt 7,1 triệu ha, sản lượng dự kiến đạt 43,11 triệu tấn, tăng 0,4 triệu tấn so với năm 2022. Ngoài phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng nội địa, năm nay nước ta có thể xuất khẩu ít nhất 7,2 triệu tấn gạo. Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, xuất khẩu gạo tháng 5/2023 ước đạt 1 triệu tấn, trị giá 489 triệu USD, đưa tổng khối lượng xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2023 đạt gần 3,9 triệu tấn, trị giá 2,02 tỷ USD, tăng 40,8% về khối lượng và tăng 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Sản xuất gạch Tuynel: Ngành sản xuất vật liệu xây dựng nằm trong danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Những năm qua, nhiều tinh, thành ban hành kế hoạch phát triển vật liệu xây không nung và lộ trình giảm dần, chấm dứt sản xuất gạch xây đất sét nung bằng lò thủ công. Theo đó, những công nhân từng sống nhờ các lò gạch thủ công khi dừng hoạt động, một số người trẻ, trung niên xin vào các lò gạch tuynel để làm việc.

Sản xuất muối: Ngành Muối Việt Nam phát triển từ nghề làm muối có truyền thống lâu đời nhờ những yếu tố thuận lợi như đường bờ biển dài hơn 3.000 km kéo dài từ Bắc vào Nam cùng khí hậu nhiệt với nhiệt độ cao, độ ẩm thấp và gió mạnh. Việt Nam hiện có 21 tỉnh ven biển sản xuất muối, tập trung chính ở các tỉnh: Bạc Liêu, Bến Tre, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Tĩnh, Nghệ An, Nam Định, Thanh Hóa… 

Làng nghề: Việt Nam có tới 2.000 làng nghề khác nhau trải dài ở các tỉnh, thành trên cả nước. Trong ảnh, tại thôn Cao (Hưng Yên), nơi có trên 100 hộ nghề làm hương, với trên 500 lao động thường xuyên. Số lao động làm việc tại làng nghề vào dịp Tết cổ truyền khoảng 1.000 – 1.200. Thu nhập của người lao động đạt khoảng 4 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân đầu người của thôn hiện nay đạt khoảng 30 triệu đồng/người/năm. Nghề làm hương không kén nhân lực, nên tận dụng được sức lao động nhàn rỗi. Sản lượng hương xạ của thôn Cao đạt xấp xỉ 10 triệu nén/năm.

=

Trồng dứa Ninh Bình: Thành phố Tam Điệp có khoảng 3.000 ha dứa với tổng sản lượng quả hàng năm đạt khoảng 55.000 tấn, đứng đầu miền Bắc. Dứa ở đây có trọng lượng quả lớn, mắt to, đều, đẹp, ruột màu vàng cam nhạt, mùi thơm, vị ngọt đậm, không xơ. Quả dứa Tam Điệp có mặt trong sách Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam và đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý. 

6 tháng đầu năm nay cả nước có 75.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước; gần 37.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,4%. Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,32%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,62%; khu vực dịch vụ chiếm 43,25%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,81%.

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 6/2023 ước đạt 93.500 tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 đạt 875.800 tỷ đồng, bằng 54% dự toán năm và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 6/2023 ước đạt 155.900 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 804.600 tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán năm và tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình lao động, việc làm quý II năm 2023 có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động, việc làm tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chủ yếu do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất; đời sống của hộ dân cư trong 6 tháng đầu năm 2023 được cải thiện. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện.

Lao động có việc làm quý II/2023 tăng hơn 691.000 người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp là 2,3%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, lao động có việc làm tăng 902.000 người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp là 2,27%, giảm 0,12 điểm.

Hồ Nhụy, Bình Minh, Tuấn Kiệt và nhóm BTV