Kon Plông là huyện miền núi của tỉnh Kon Tum, 98% dân số là đồng bào DTTS. Với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn huyện đã mang lại nhiều kết quả tích cực, giúp nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế.

Giữa tháng 3 vừa qua, Huyện ủy Kon Plông tổ chức hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Cuộc vận động. Kết quả ghi nhận từ thực tế cho thấy,  03 năm triển khai thực hiện, cả hệ thống chính trị của huyện vào cuộc, cùng sự hưởng ứng tích cực Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, Cuộc vận động đã có sức lan tỏa rộng rãi, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết các cấp ủy đảng đề ra.

Đảng uỷ các xã, thị trấn đã xây dựng và thực hiện nhiều mô hình trên các lĩnh vực, các mô hình có sự kết hợp giữa tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm gắn với việc hỗ trợ phát triển sản xuất, sinh kế, vận động người dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn huyện.

Từ hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, kiến thức về khoa học, kỹ thuật, giới thiệu những mô hình, điển hình tiên tiến, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh; sự hỗ trợ về vốn, khoa học, công nghệ, công lao động,… của các địa phương, đơn vị, tổ chức và cá nhân trong và ngoài tỉnh, nhận thức của đồng bào DTTS về thay đổi nếp nghĩ, cách làm đã có những chuyển biến tích cực, đời sống của đồng bào DTTS dần được nâng cao, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm từng năm.

Trong đó, nhiều mô hình thực hiện hiệu quả, có khả năng triển khai nhân rộng trên địa bàn. Các mô hình đã thu hút gần 1.000 hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo tham gia. Thông qua việc thực hiện các mô hình đã tạo sự chuyển biến rõ nét, làm thay đổi dần nếp nghĩ cách làm của người dân trong lao động sản xuất. Từ đó, người dân biết chi tiêu hợp lý hơn, biết tích lũy vốn để đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình.

Kết quả, đến nay, tổng diện tích cây trồng hàng năm trên toàn huyện hơn 3.665 ha, trong đó có hơn 2.000 ha lúa vụ mùa; 1.330 ha sắn; 305 ha rau hoa xứ lạnh và trồng mới 15 ha cây dược liệu. Công tác quản lý bảo vệ rừng được tăng cường, các ngành chức năng, đơn vị chủ rừng phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức 66 cuộc tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cho 3.585 lượt người tham gia. Công tác quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng được tăng cường, đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 05 trường hợp, với số tiền 133 triệu đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước hơn 183 tỷ đồng, đạt 29% dự toán. Khu du lịch sinh thái Măng đen đón 970.000 lượt du khách. Công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được triển khai thực hiện đồng bộ. Công tác xây dựng chính quyền cơ sở, cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định.

Trên địa bàn huyện hiện có trên 52% tổng số hộ nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục lạc hậu, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự vươn lên thoát nghèo bền vững; có 23% hộ nghèo, cận nghèo biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với địa phương; gần 58% hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, mức thu nhập cao hơn mức thu nhập trung bình của người dân trong huyện, có mô hình tăng gia sản xuất ổn định, nhà ở kiên cố và vật dụng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày; trên 8,5% hộ nghèo, cận nghèo tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo và thoát cận nghèo giảm bình quân 8% mỗi năm.