Lai Châu là vùng đất rộng, người thưa, diện tích tự nhiên trên 9.000 km² (đứng thứ 10/63 địa phương trên cả nước); dân số trên 489.000 người (thứ 62/63) với 20 dân tộc anh em, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 85% (dân tộc Thái chiếm 32,3%, Mông 21,5%, Dao 13,2%, Kinh 15,3%, Hà Nhì 3,1%...). Lai Châu còn là một trong những tỉnh nghèo nhất của cả nước với có 4/8 huyện, thành phố là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; 696 thôn bản đặc biệt khó khăn. 

Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 28,54%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo DTTS, trong đó có nhóm dân tộc thuộc diện có khó khăn đặc thù chiếm tới 99,07%. 

Giữa tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đến nay và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.

Báo cáo của tỉnh Lai Châu cho hay, thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Tăng trưởng được thúc đẩy. GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 3,91%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 47,2 triệu đồng, tăng 3,4 triệu đồng so với năm 2020.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (tỉ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 38,03%; dịch vụ chiếm 40,14%; nông nghiệp chiếm 15,16%).

Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chú trọng phát triển giống lúa chất lượng cao, cây trồng có lợi thế và giá trị gia tăng cao. Hiện có gần 3,9 nghìn ha trồng lúa (sản lượng 20,3 nghìn tấn); 9.786 ha chè (sản lượng khoảng 54 nghìn tấn); 12.940 ha cao su (sản lượng gần 10,8 nghìn tấn mủ khô); trên 7,3 nghìn ha mắc-ca (sản lượng gần 4,7 nghìn tấn)… Toàn tỉnh có 171 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, 41,5% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Dịch vụ, du lịch phát triển khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng tăng 12,9%, trung bình giai đoạn 2021-2023 tăng khá cao (tăng bình quân 10,8%/năm). Du lịch được quan tâm phát triển, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; khách du lịch tăng bình quân 33,2%/năm (vượt mục tiêu của nhiệm kỳ là tăng bình quân 20%/năm).

Về công nghiệp, đáng chú ý là tỉnh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư dự án khai thác, chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe với tổng công suất thiết kế khai thác 400.000-600.000 tấn/năm quặng đất hiếm nguyên khai.

Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư. Hiện có 99% xã có đường xe máy hoặc ô tô đi lại thuận lợi; 99,7% trường học và 94,2% trạm y tế được xây dựng kiên cố. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai tích cực.

Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh. Năm 2022, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 27 cả nước, tăng 28 bậc so với năm 2020; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 24, tăng 14 bậc; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 35, tăng 01 bậc.

Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo có nhiều tiến bộ, đời sống của nhân dân được nâng lên. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Lai Châu là tỉnh có có tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhất cả nước giai đoạn 2006-2021. Tỉ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021-2023 giảm bình quân 3,4%/năm, riêng huyện nghèo giảm bình quân 4,7%, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra (lần lượt là 3% và 4%).

Quốc phòng-an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội tiếp tục được đổi mới, ngày càng thiết thực, hiệu quả. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.

So với các tỉnh đồng bằng, công cuộc chuyển đổi số ở các tỉnh miền núi gặp khó khăn gấp bội khi hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, nguồn lực đầu tư ít, trình độ dân trí còn thấp. Tuy nhiên, chuyển đổi số chính là phương thức để giúp rút ngắn khoảng cách phát triển giữa miền xuôi và miền ngược nhanh nhất.

Bởi vậy, Lai Châu rất chú trọng thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu sự phát triển hiện tại và trong tương lai.

Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định trong Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 25/2/2022 về Chương trình Chuyển đổi số Lai Châu giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030 là nhiệm vụ đột phá, quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, gắn chặt với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh theo hướng nhanh và bền vững. Đây chính là chủ trương quan trọng để xác định thực hiện Chuyển đổi số không phải của riêng ai, mà là của cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở Nghị quyết các Đề án, Kế hoạch về Chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực được ban hành, định hướng công cuộc Chuyển đổi số đi đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.

Về hạ tầng số: Hạ tầng mạng truyền dẫn băng thông rộng cáp quang được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm và đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có 14.433 km cáp quang đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu sử dụng của nhân dân và chính quyền địa phương. Hạ tầng mạng thông tin di động trên địa bàn tỉnh được các doanh nghiệp chú trọng xây dựng, phát triển và thực hiện phủ sóng (2G/3G/4G) đến 100% các xã/phường/thị trấn, 97% thôn/bản/tổ dân phố.

Đến nay, toàn tỉnh có tổng số thuê bao điện thoại hiện tại đạt 405.320 thuê bao, thuê bao Internet đạt 49.345 bao gồm hình thức ASDL, xDSL và FTTH; ngoài ra còn có Internet thông qua thiết bị 3G, 4G. Tổng số thiết bị trạm thu phát sóng thông tin di động BTS trên địa bàn tỉnh là 1.989 thiết bị.

Về dữ liệu số: Trên địa bàn tỉnh đã có 18 cơ sở dữ liệu của các sở, ban, ngành và địa phương; Tỷ lệ các ứng dụng có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP): 53,8%; Tỷ lệ số dịch vụ dữ liệu có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được đưa vào sử dụng chính thức tại Tỉnh: 53,33%.

Về nền tảng số: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP đã hoàn thiện và được đưa vào vận hành chính thức, đảm bảo liên thông hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh với cơ sở dữ liệu của bộ, ngành. Ngoài ra, tỉnh còn tập trung thúc đẩy 10 nền tảng số phục vụ chính quyền, 03 nền tảng số phục vụ doanh nghiệp và 06 nền tảng số phục vụ người dân được phê duyệt tập trung thúc đẩy sử dụng như: Nền tảng hóa đơn điện tử, Nền tảng thanh toán điện tử, Nền tảng bản đồ số, Sàn thương mại điện tử voso.vn, Sàn thương mại điện tử postmart.vn...

Về Kinh tế số: Năm 2022, kinh tế số chiếm 8,569% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Doanh thu năm 2022 của dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin là gần 400 tỷ đồng. Số lượng người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng đạt 84,22%.100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện giao dịch điện tử trong các hoạt động về tài chính.

Về Xã hội số: Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 72,9%. Tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng Internet băng thông rộng, cáp quang đạt 41,5%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 59,72%.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác Chuyển đổi số trong thời gian tới để phục vụ người dân, doanh nghiệp, tỉnh đang tăng tốc đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng đến tất cả các thôn bản có điện lưới quốc gia thuộc vùng trắng, vùng lõm về kết nối mạng băng thông rộng.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, hội thảo, hội thi... tìm hiểu về chuyển đổi số; quán triệt quan điểm chuyển đổi số là chuyển đổi tư duy, nhận thức và hành động cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh và nhân dân trong toàn tỉnh.

Ứng dụng rộng rãi các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động thương mại, khám chữa bệnh, thu hộp lệ phí, học phí tại các đô thị, thị trấn, thị tứ và những nơi có đủ điều kiện về hạ tầng viễn thông; hỗ trợ người dân nộp, rút tiền mặt qua tài khoản điện tử tại một số nơi còn khó khăn về hạ tầng viễn thông.

Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, thực hiện giám sát không gian mạng, thường xuyên cảnh báo, hướng dẫn các phương pháp nhận diện, phòng ngừa thông tin xấu độc, tin giả; bảo vệ thông tin cá nhân trên internet và mạng xã hội.

Nhóm PV