Mới đây, tại Hội nghị đánh giá tình hình Ban Chỉ đạo Nhân quyền các địa phương khu vực miền Trung và miền Nam ngày 2/8 tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Trung tướng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá đất nước ngày càng gia tăng với cường độ, liều lượng và tính chất ngày càng nghiêm trọng.
Đối với Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn xác định bảo đảm, thúc đẩy quyền con người là chủ trương xuyên suốt, thể hiện trong hàng loạt các văn bản của Đảng, Chính phủ và hiến định trong Hiến pháp 2013.
Tại Nghị quyết Đại hội Đảng XIII nhấn mạnh nhiệm vụ bảo đảm quyền con người khi khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.”
Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng đều khẳng định: “Con người là vốn quý nhất. Chăm lo hạnh phúc con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta.”
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.”
Và, dù là đất nước đang phát triển, đời sống kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam luôn nỗ lực và đã đạt được những kết quả tích cực trong bảo vệ quyền con người.
Điển hình là, theo Báo cáo kinh tế-xã hội tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của cả nước đã giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống dưới 3% vào năm 2020; hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tại Việt Nam không có khủng bố, người dân được sinh sống và lao động trong môi trường an ninh, an toàn, ổn định…
Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2022 của Liên hợp quốc cũng khẳng định chỉ số hạnh phúc quốc gia của Việt Nam xếp vị trí 77 (tăng 2 bậc so với năm 2021).
Việt Nam đang tiếp tục hướng tới mục tiêu đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của người dân, xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh. Đồng thời chủ động ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn sử dụng vấn đề “dân chủ, nhân quyền” để chống phá cách mạng Việt Nam.
Trong công cuộc “củng cố” về nhân quyền, đảm bảo quyền con người, Việt Nam đã từng là thành viên không thường trực 2 nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021; từng là thành viên của Hội đồng nhân quyền (cơ quan quan trọng nhất, chuyên trách chuyên sâu nhất về vấn đề nhân quyền của Liên hợp quốc) trong nhiệm kỳ 2014-2016.
Việt Nam đã chủ động phê chuẩn rất nhiều công ước, điều ước quốc tế về quyền con người; tham gia tích cực vào các diễn đàn, đối thoại trên toàn cầu; chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các khuyến nghị của một số cơ quan giám sát việc thực hiện quyền con người của Liên hợp quốc trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đang điều chỉnh một số luật trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, như tòa án phải độc lập để đảm bảo việc xét xử công bằng - đây là vấn đề rất tích cực. Thực tế, Nhà nước ta cũng đang gấp rút xây dựng chiến lược thúc đẩy Nhà nước pháp quyền; trong đó nhân quyền được coi là vấn đề cốt lõi, xuyên suốt.
Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác nhân quyền trong tình hình mới đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm của công tác nhân quyền, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân để mọi người nhận thức sâu sắc hơn về quan điểm của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, nhận thức rõ bản chất tốt đẹp của chế độ ta là vì con người.
Ngày 14/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1079/QĐ-TTg phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam (Đề án) đồng thời xem đây là nhiệm vụ chính trị và là trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trước mắt và lâu dài.Một trong ba nội dung quan trọng mà Đề án hướng đến là phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình quyền con người ở Việt Nam. Cụ thể, Đề án đưa ra mục tiêu phấn đấu 100% nguồn dữ liệu và sản phẩm truyền thông của Đề án được số hóa, kết nối, sử dụng chung và phổ biến trên không gian mạng để lan tỏa thông tin tích cực, nhân văn; giảm thông tin sai lệch, tin giả, tin xấu độc xâm hại quyền con người trên không gian mạng xuống còn dưới 10% tổng số thông tin về quyền con người ở Việt Nam; phát hiện, xử lý 90% tin giả, tin xấu độc xâm hại quyền con người trên không gian mạng. Từ đó, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, tăng cường hợp tác liên ngành giữa các cơ quan chức năng, nhất là các đơn vị báo chí, truyền thông.
Đề án cũng giao các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an tiến hành tổ chức theo dõi, tổng hợp dư luận báo chí trong và ngoài nước, xây dựng lập luận đấu tranh với các thông tin sai lệch về tình hình bảo đảm quyền con người thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, tỉnh, thành phố. Bộ Công an cũng có trách nhiệm cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ động cung cấp thông tin chính thức về các vụ việc, đối tượng được quốc tế quan tâm; giải thích làm rõ, đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch về quyền con người ở Việt Nam.
Thực tế, các nội dung này đã được đề cập trước đó trong một số văn bản của Chính phủ liên quan đến truyền thông về quyền con người như: Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 2/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về quyền con người,…
Với việc phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam là phù hợp tình hình hiện nay, là minh chứng sống động cho quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong công tác bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Bởi giáo dục kiến thức về quyền con người, tuyên truyền về quyền con người sẽ góp phần gia tăng cường "sức đề kháng" từ sớm, từ xa nhằm bảo vệ các thành quả đã đạt được về quyền con người trong tình hình mới.
Trần Thường, Nguyễn Bắc, Minh Hưng, Thành Huế, Phan Hiếu, Đắc Vịnh