Bài viết của ông Mai Phan Dũng - Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao.
Ngày nay, trong quan hệ quốc tế, bên cạnh sức mạnh cứng, các nước đều quan tâm củng cố và phát huy sức mạnh mềm, qua đó tạo sức mạnh tổng hợp của quốc gia mình.
Joseph S. Nye, chính trị gia, nhà nghiên cứu người Mỹ, định nghĩa rằng “quyền lực mềm là dùng khả năng giành được những thứ mình muốn thông qua việc gây ảnh hưởng để khiến người khác làm theo do sự hấp dẫn, thuyết phục chứ không phải do cưỡng bức, ép buộc”. Ông tổng kết rằng sức mạnh mềm của một quốc gia được tạo dựng trên 3 cơ sở: giá trị thể chế, chính sách đối nội, đối ngoại và giá trị văn hóa.
Giá trị tự thân của đất nước
Đối với Việt Nam, sức mạnh mềm xuất phát từ những giá trị tự thân của đất nước như lịch sử, truyền thống, văn hóa, tư tưởng nhân văn, hệ thống quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan... và sự bồi đắp, quan tâm, phát huy thông qua chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như ý thức, hành động của mỗi người dân Việt Nam ở cả trong và ngoài nước.
Nguồn tạo ra sức mạnh mềm của Việt Nam có một số đặc điểm nổi bật sau:
Trước tiên, do vị trí địa lý đặc biệt, Việt Nam được coi là cây cầu nối giữa phần lục địa Á, Âu với khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, là cửa ngõ giao thương giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nhưng cũng chính vì vị trí địa lý này khiến Việt Nam luôn phải gồng mình chống giặc ngoại xâm.
Thấu hiểu sự tàn khốc của chiến tranh, dân tộc Việt Nam càng coi trọng giá trị của hòa bình, luôn tìm cách cứu vãn hòa bình, tránh để chiến tranh xảy ra. Tuy nhiên, khi đứng trước kẻ thù lớn mạnh, dân tộc Việt Nam luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, bất khuất. Sự sáng tạo trong nghệ thuật dụng binh và ngoại giao tài tình đã tạo nên những chiến thắng vẻ vang trong trang sử hào hùng của dân tộc.
Điều thú vị là sau những chiến thắng, dân tộc ta luôn độ lượng, khoan dung với kẻ bại trận, sau đó sẵn sàng kết giao hòa hiếu, gác lại quá khứ để hướng tới tương lai. Đây là lý tưởng cao quý mà thế giới ngày nay đang cùng nhau vươn tới.
Hai là, trong suốt quá trình lịch sử, cũng do vị trí địa lý là điểm kết nối “Bắc xuống Nam và Tây sang Đông” mà văn hóa Việt Nam có sự giao thoa và chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa lớn, trong đó có văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ và phương Tây.
Tuy vậy, dân tộc Việt Nam vẫn bảo vệ, giữ gìn được bản sắc truyền thống, khéo léo tiếp thu chọn lọc, biến tinh hoa văn hóa bên ngoài phù hợp với văn hóa, phong tục, tín ngưỡng của mình, do vậy đã tránh được sự đồng hóa của các nền văn hóa lớn. Nho giáo, Khổng giáo, Phật giáo, Kito giáo, Hồi giáo... khi du nhập vào Việt Nam đã được tiếp biến, hướng con người suy nghĩ, hành động theo giá trị chân, thiện, mỹ.
Thứ ba, mặc dù lãnh thổ Việt Nam không quá lớn nhưng lại có nhiều địa hình, địa lý đa dạng, là nơi chung sống của 54 dân tộc anh em. Chính điều này đã tạo ra sự phong phú về ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực, các loại hình biểu diễn nghệ thuật, sinh hoạt tín ngưỡng… Sự phong phú, đa dạng này đã tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu và đầy sức cuốn hút của dân tộc Việt Nam.
Thứ tư, với chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước và chinh phục, cải tạo thiên nhiên, dân tộc Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống quan niệm, tư tưởng về nhân sinh quan, thế giới quan với những nét tiêu biểu là mối quan hệ hài hòa, tình yêu thương giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên... Đó cũng chính là các nhân tố tạo dựng nên người Việt Nam hiện đại với những đức tính cần cù, sáng tạo, dung dị nhưng sâu sắc, yêu lao động, yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường.
Từ thuở mở cõi
Trong suốt chiều dài hàng nghìn năm giữ gìn độc lập, thống nhất, mở mang bờ cõi và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước, cha ông ta đã vận dụng ngoại giao văn hóa một cách linh hoạt, nhuần nhuyễn thông qua chiến lược “ngoại giao tâm công” và các biện pháp ngoại giao hòa hiếu.
Hình ảnh về đất nước, văn hóa, lịch sử, con người, chính sách của Việt Nam được quảng bá, phổ biến, giúp nhân dân thế giới hiểu biết, yêu mến Việt Nam |
Ngày nay, ngoại giao văn hóa được xác định là một trụ cột, cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, tạo nên nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại. Nội hàm, quan điểm, mục tiêu và các biện pháp của ngoại giao văn hóa được xác định rõ trong Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến giai đoạn 2011-2020.
Hơn 10 năm qua, ngoại giao văn hóa được triển khai bài bản, rộng rãi cả trong nước và ngoài nước. Qua đó, thông tin, hình ảnh về đất nước, văn hóa, lịch sử, con người, chính sách của Việt Nam được quảng bá, phổ biến và lan tỏa rộng rãi, giúp nhân dân thế giới hiểu biết, thiện cảm, yêu mến, từ đó dẫn tới quyết định lựa chọn Việt Nam là điểm đến để hợp tác, đầu tư, du lịch, sử dụng những sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam… hay cao hơn là ủng hộ các quan điểm, đường lối, chính sách của Việt Nam.
Các hoạt động ngoại giao văn hóa đã và đang góp phần xóa mờ đi hình ảnh một Việt Nam nghèo đói, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá để thay bằng hình ảnh đất nước hiện đại nhưng vẫn giữ giá trị truyền thống, cởi mở, thân thiện, thủy chung với bạn bè, tôn trọng đối tác, trách nhiệm với công việc chung của thế giới.
Made in Vietnam trên trường quốc tế
Các thương hiệu “Made in Vietnam” hay “Made by Vietnam” ngày càng có vị trí trên trường quốc tế. Những hoạt động ngoại giao văn hóa đã góp phần quảng bá, đưa hình ảnh địa phương Việt Nam ngày càng gần gũi, thân thiện trong xu thế hội nhập, đồng thời các hoạt động ngoại giao văn hóa cũng là những cơ hội tốt để người dân trong nước tiếp xúc và hiểu hơn về nhiều nền văn hóa trên thế giới.
Ở nước ngoài, các cơ quan đại diện Việt Nam đã tích cực phối hợp với các đơn vị trong nước cũng như chính quyền, người dân sở tại tích cực, chủ động tổ chức nhiều hoạt động ngoại giao văn hóa với nội dung, hình thức đa dạng, sáng tạo, góp phần giới thiệu, quảng bá hiệu quả về đường lối, chính sách, tiềm năng, thế mạnh cũng như về lịch sử, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, chính sách của Nhà nước ta, qua đó góp phần làm sâu sắc quan hệ với các nước, nhất là các đối tác chiến lược.
Nổi bật trong các hoạt động ngoại giao văn hóa ở bên ngoài là việc giới thiệu, quảng bá các triết lý, tư tưởng của người Việt Nam thông qua nhiều hình thức tôn vinh các cá nhân tiêu biểu như danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, đại thi hào Nguyễn Du, nhà giáo Chu Văn An... và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Việc tôn vinh Bác Hồ ở nước ngoài được chính quyền, người dân sở tại tích cực hưởng ứng thông qua các hình thức như xây dựng công trình tượng, tượng đài, công viên, bảo tàng, nhà lưu niệm... mang tên Bác hay tổ chức các cuộc triển lãm, hội thảo quốc tế, xuất bản ấn phẩm, phim ảnh, sáng tác thơ ca về cuộc đời, sự nghiệp của Người.
Tất cả những hoạt động đó đã thể hiện sự yêu mến và kính trọng đối với tư tưởng và nhân cách cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng như đánh giá của cố Tổng bí thư Lê Duẩn: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta, đã sinh ra Hồ Chủ tịch, Người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.
Tiếp đến là các chương trình Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài được Bộ Ngoại giao tổ chức tại nhiều nước với các nội dung đa dạng về hội họa, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thống. góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng và làm tăng sự hiểu biết của người dân nhiều nước về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.
Nhã nhạc cung đình Huế là di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận |
Bên cạnh đó, ngoại giao văn hóa cũng đã góp phần vận động thế giới công nhận nhiều danh hiệu cho đất nước. Tính đến nay, Việt Nam đã có 39 danh hiệu được UNESCO ghi danh/công nhận trên tất cả các lĩnh vực chính gồm văn hóa, khoa học, giáo dục và thông tin. Việc có thêm các danh hiệu quốc tế ở Việt Nam đã làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa của nhân loại, là sự vinh danh, quảng bá lớn lao cho các giá trị văn hóa của dân tộc ta, làm cho bạn bè quốc tế biết tới Việt Nam nhiều hơn đồng thời đã tạo ra nguồn lực trực tiếp cho phát triển bền vững ở nhiều địa phương của Việt Nam.
Dạy tiếng Việt ở nước ngoài
Cũng không thể không kể đến hoạt động đầy ý nghĩa là các chương trình dạy tiếng Việt ở nước ngoài. Việc giữ gìn và phát triển tiếng Việt không chỉ giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước mà còn khơi dậy niềm tự hào cho những người đang sinh sống, lao động, học tập ở nước ngoài khi bản thân họ cũng trở thành các sứ giả giúp lan tỏa văn hóa Việt Nam ra khắp năm châu.
Ngoài ra, các hoạt động ngoại giao văn hóa còn được các cơ quan, tổ chức, cá nhân, tích cực triển khai thông qua hàng loạt các chương trình, sự kiện.
Ngày nay, những người yêu mến Việt Nam đều biết đến ẩm thực Việt Nam qua những món ăn như phở, nem...; Thủ công mỹ nghệ với tranh sơn mài, tranh đông hồ, đồ gốm sứ, áo dài, nón lá...; Sản phẩm nông sản như gạo, chè, cà phê...; Các môn võ thuật như cổ truyền, Vovinam...; nghệ thuật biểu diễn như nhã nhạc, cồng chiêng, quan họ, ca trù, hát xoan, đờn ca tài tử, dân ca ví, giặm, bài chòi, hát then, múa rối…; Các công trình văn hóa như Hoàng thành Thăng Long, cố đô Huế, thành Nhà Hồ, thánh địa Mỹ Sơn...
Trong thời gian tới, công tác ngoại giao văn hóa sẽ tiếp tục tập trung gắn kết với nhiệm vụ lớn, đóng góp cho môi trường hòa bình ổn định, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững; quảng bá hình ảnh Việt Nam; bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc; tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia; nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước; đồng thời góp phần tích cực vào sự nghiệp vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Mai Phan Dũng (Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao)
Kỷ niệm 'mất ăn mất ngủ' và cảm giác 'húc đầu vào tường' của nguyên Bộ trưởng
Các nhà ngoại giao tiền bối, những người đã trực tiếp tham gia đóng góp vào nhiều mốc son của ngành ngoại giao cùng chia sẻ bài học quý báu của ngành được đúc kết từ các thời kỳ.