LÊN HÀ GIANG ĐUA CÀO CÀO CẢM GIÁC MẠNH
Hỏng săm, rách lốp, tuột xích, chết máy, kẹt dưới bùn lầy... là những tình huống nghẹt thở mà Minh Hiếu cùng nhiều VĐV gặp phải trong ngày thi đấu mô tô địa hình ở Quản Bạ, Hà Giang.
- - Cuối tuần lên rừng không?
- - Đi.
Cuộc hội thoại ngắn ngủn kết thúc giữa Minh Hiếu và Thanh Lâm bởi nội dung quá quen thuộc. Trong tuần bận rộn với công việc, cuối tuần rảnh rỗi hai người bạn cùng sinh năm 2001 quyết định mang xe lên rừng chơi. Những khu vực đang chưa có dấu chân người dần trở thành điểm đến của hai chàng trai quê Hà Nội và Hòa Bình, có chung sở thích chơi mô tô địa hình. - Hiếu mặc giáp, đóng mũ đầy đủ, lưng chỉ đeo một ba lô nhỏ ôm sát người đựng nước điện giải và thêm chiếc điện thoại để liên lạc. Hành trình chinh phục những cung đường, con dốc trong rừng vậy là bắt đầu.
Phóng viên đã có cuộc đồng hành cùng hai tay đua này những ngày giữa tháng 10.
Trong những người chơi xe cùng độ tuổi, Hiếu là gương mặt khá quen thuộc vì thường xuyên xuất hiện trong những cuộc trình diễn, thi đấu thể thao. "Chiến mã" mà cậu lựa chọn đồng hành luôn là chiếc cào cào - phương tiện thích hợp để di chuyển trong các địa hình đặc trưng như núi, đất cát, vùng nước trũng.
Cùng một mức phân khối, các mẫu cào cào được tinh chỉnh động cơ để đem lại chỉ số ấn tượng, phù hợp với chủ nhân. Dòng xe này cũng được xem là phương tiện để thỏa mãn cá tính độc đáo của dân mê off-road, bởi nó biết nói lên nhiều điều về người điều khiển hơn là những mẫu PKL khác.
8h30 một ngày giữa tháng 10, Hiếu và Lâm có mặt ở núi Hàm Lợn (Sóc Sơn, Hà Nội). Khác với những bạn trẻ cùng lứa tuổi khác thường đến đây vào mỗi dịp cuối tuần để cắm trại, picnic, hai chàng trai này lại chọn vạt rừng trải dài có khung cảnh vắng vẻ, cỏ cây um tùm rất ít người qua lại để tập luyện, chơi xe.
Những con dốc trong rừng ít ai biết đến vốn chẳng có tên nay được những tay chơi cào cào tự đặt tên gọi, rồi mãi cũng thành quen. Nào là dốc "thằn lằn" bởi có địa hình ziczag khó nhằn; dốc "xông hơi" vì ở đó là cả một vạt rừng cỏ thấp, không có bóng mát; hay dốc "peter" do được phát hiện bởi một tay đua người nước ngoài có tên Peter sau một lần đi lạc...
Những ngày nắng, hanh khô, chạy qua đây họ dễ cảm thấy nóng nực, hơn thế nữa còn phải hứng chịu bụi cát mù mịt.
Với Hiếu, những sự cố như ngã nhào, đâm vào gốc cây, kẹt đá... là điều thường gặp. "Cứ chạy băng băng cả đoạn thì không sao, chỉ cần xe đổ một cái, dựng xong là mất sức ngay nhưng lên rừng đổ xe là chắc chắn, không hỏng hóc là còn may. Đây đúng là trò hành xác mà. Vậy nên cứ qua một đoạn, bọn mình lại tìm gốc cây nằm nghỉ uống nước", Hiếu nói.
Chạy đường rừng nhiều, gắn bó với chiếc cào cào lâu năm, lòng bàn tay của Hiếu chai cứng dù lúc nào cũng đeo găng.
Hiếu kể, trước đây cậu thường có thói quen chạy xe vào rừng một mình. Khi gặp sự cố dễ mất sức, cả ngày mệt nhừ cũng chẳng nói năng được câu nào. Sau này có thêm bạn, mỗi lần đi rừng Hiếu lại rủ mấy người cùng đi, thấy thích hơn. Thỉnh thoảng họ ngồi nghỉ trò chuyện hay lúc gặp bài khó cùng nhau chọn cách xử lý. Chuyện xách xe vào rừng đi được mấy chàng trai ví như trò giải đố bởi chẳng biết đường nào mà lần.
Hiếu sinh ra và lớn lên ở Hòa Bình, những mảng rừng với cậu chẳng còn xa lạ. Khi còn học lớp 6, lớp 7, cậu đã theo bạn lên rừng chơi, đi suối.
Còn Lâm sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Nhờ có nhiều điểm khác biệt về trải nghiệm, hai tay đua này cũng có nhiều chuyện để kể với nhau.
- Lâm ơi, tuổi thơ mày có quả này không? Tao lớn lên với mấy thứ như này trong rừng đấy.
- Chịu, quả gì đen đen thế?
- Sim đấy, ngọt, ăn vào mồm đen xì.
Những đoạn hội thoại cộc lốc, thỉnh thoảng không đầu không cuối rồi kết thúc bởi một tràng cười dài.
Ở độ tuổi bắt đầu có nhiều thay đổi trong cuộc sống sau khi ra trường và đi làm, Hiếu và Lâm có vô vàn chuyện vui, buồn để nói. Thỉnh thoảng đi vào những cung trekking, họ gặp được những người đi đường cũng dừng lại hỏi han đôi ba câu thành chuyện. Vạt rừng dài vốn hàng ngày im lìm chỉ có tiếng cây cỏ, chim chóc bởi vậy mà thêm phần náo nhiệt.
Ngày 21/10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Quản Bạ (Hà Giang) tổ chức Giải trình diễn, thi đấu ô tô, mô tô “Tinh thần đá” lần thứ IV và Bay dù lượn năm 2023. Rất nhanh chóng, Hiếu cùng bạn bè trong CLB mô tô địa hình Hà Nội đăng ký tham gia.
8h sáng 20/10, cả đoàn xuất phát từ Hà Nội, tới nơi nghỉ ngơi thì trời vừa kịp tối.
- Anh Hiếu, tối thế này rồi không ra track để chạy thử được mai sợ khó.
- Không sao, tý ăn cơm xong anh em chạy qua đó một lúc xem thử cho cẩn thận.
Vậy là sau một ngày dài di chuyển quãng đường gần 350km, hai chàng trai trẻ lại hăng hái vác xe ra sân ngồi sửa chữa để chạy thử, chuẩn bị cho buổi thi đấu vào sáng hôm sau.
Khoảng sân trước của một homestay, hàng chục chiếc xe cào cào của những tay đua khác lúc này được thay ắc quy, kiểm tra xăng, điện... bằng ánh sáng đèn pin, điện thoại. Những cuộc sửa xe "dã chiến" có gì dùng nấy đã trở nên quen thuộc với họ.
Tối muộn, nhóm VĐV có mặt ở track thi đấu. Trời tối đen như mực. Một vài thành viên đội hậu cần đứng soi đèn để các tay đua thử sức với các bài toán của ban giám khảo, chuẩn bị cho buổi thực chiến vào sáng sớm hôm sau.
5h sáng 21/10, khu nhà ở bằng gỗ đã xuất hiện tiếng bước chân kêu lịch kịch. Các VĐV bắt đầu thức giấc, chuẩn bị ăn sáng, tư trang, giáp bảo hộ cho ngày thi đấu chính thức.
7h30, đội hình tập trung đầy đủ. 8h sáng 21/10, cảnh sát địa phương bắt đầu dẫn đoàn cho xe mô tô của các VĐV diễu hành từ thung lũng Tráng Kìm lên trung tâm huyện Quản Bạ.
Đúng 9h, gần trăm VĐV bước vào bài thi đấu đầu tiên, chinh phục track đua hướng từ chân thung lũng lên đỉnh núi và vòng lại. Có 3 hạng thi đấu: mở rộng, bán chuyên và chuyên nghiệp. Theo đó, mọi VĐV phải trải qua các vòng loại, bán kết và chung kết.
Phía ngoài đường đua, người dân đứng xem chật kín. Họ reo hò theo tiếng động cơ xe và chăm chú theo dõi những màn so tài quyết liệt.
Ngay sau khi vòng thi của hạng xe mở rộng kết thúc, Lương Minh Hiếu bước vào phần thi của mình ở hạng bán chuyên. Cậu cùng các VĐV cùng phân khúc vào vạch đích. Sau cờ hiệu, đội xe nhanh chóng lao lên những chướng ngại vật đầu tiên.
Ở nội dung vượt cầu tre và khu vực rẻ quạt, các "chú cào cào" rất khó để quay đầu, đã vậy còn dễ mất đà. Thử thách này buộc người điều khiển phải vận dụng tốt kỹ thuật. Không ít người vì đổ xe, mất lái bị các tay đua khác vượt qua.
Phần đua vượt lốp xe càng khiến khán giả thêm phần thích thú bởi những pha bốc đầu vượt chướng ngại vật. Một vài VĐV phải chịu chậm chân bởi bị đổ xe hoặc vướng khung, không qua được.
Vì đã quen với những lần vào rừng vượt dốc, đá, Hiếu nhanh chóng hoàn thành quãng đường đầu tiên mà không bị đổ xe mặc dù ở lượt đấu chung kết độ khó được đẩy lên cao.
Thi đấu cào cào còn được gọi vui là "trò chơi của những kẻ chân lấm tay bùn" bởi cứ mỗi khi VĐV về đích, từ đầu đến chân ai nấy đều nhoe nhoét bẩn. Bùn bám áo quần, kéo vệt dài trên xe là chuyện hết sức bình thường. Không ít tình huống dở khóc dở cười hoặc những sự cố trên trời rơi xuống mà họ gặp phải.
Có VĐV khi xe về đến đích chỉ bánh trước là nguyên vẹn, riêng bánh sau cả săm và lốp đã văng hết ra ngoài. Nguyên nhân, trước khi thi đấu họ đã xả lốp quá căng, khi gặp địa hình sỏi đá trên núi, lốp xe non hơn kiến săm bị tuột ra ngoài.
Hay như trên đoạn đường gần về tới đích, cách chừng 100m, xe của VĐV Kavin Bùi bị tuột xích, anh phải mất thêm vài phút đồng hồ để sửa chữa. Với mỗi tình huống, người xem là dân bản địa hoặc chính anh em trong hội đua xe lại được một tràng cười ra nước mắt. Tiếng hò reo, cổ vũ vì vậy cũng không ngớt cho tới cuối ngày.
Tại giải lần này, dù hoàn thành lần lượt qua các vòng loại, bán kết và giành quyền vào chung kết Hiếu vẫn bị thua cuộc do bugi xe bất ngờ không đánh lên điện, bị chết máy ở ngay vạch xuất phát. Nam VĐV mà phóng viên đồng hành từ khi còn tập luyện ở núi Hàm Lợn, Sóc Sơn đành phải nhận kết quả DNF (Did not finish) từ trọng tài.
Như vậy, chung cuộc Bell Spill (Anh quốc) trở thành nhà vô địch ở hạng xe chuyên nghiệp. Tay đua này từng liên tục có cơ hội tranh nhất - nhì tại nhiều hạng thi đấu mô tô địa hình khác. Trong màn trình diễn hôm nay, Bell đã không gặp phải bất cứ lỗi sai nào trong 5 vòng chạy liên tục, xứng đáng ẵm về chiếc cúp vàng danh giá.