Theo phong tục cổ truyền, đêm giao thừa là khoảng thời gian của sự yên bình, rũ bỏ những muộn phiền, cầu mong năm mới may mắn, hanh thông.

Lễ cúng giao thừa, hay còn gọi là Trừ tịch, tức lễ để trừ khử ma quỷ, điềm xấu hay xui xẻo. Lễ Trừ tịch được cử hành vào giờ Tý – từ 23h đến 1h sáng, khoảnh khắc một giờ của năm cũ và một giờ của năm mới. 

Trong sách Nghi lễ dân gian – Nghi lễ cúng gia tiên, nhà nghiên cứu Minh Đường lưu ý cúng giao thừa là lễ quan trọng nhất trong dịp tết Nguyên đán

Mâm cơm cúng giao thừa Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023
Gà luộc là món thường được bày trên mâm lễ cúng giao thừa. (Ảnh: Hoàng Hà).

Khi thực hiện lễ cúng giao thừa, mọi người thường chuẩn bị 2 mâm cúng, gồm mâm cúng giao thừa ngoài trời và mâm cúng giao thừa trong nhà.

Xem nhanh:
  • • Mâm cúng giao thừa trong nhà
  • • Mâm cúng giao thừa ngoài trời

Mâm cúng giao thừa trong nhà

Mâm cúng giao thừa trong nhà được đặt trên ban thờ bao gồm: 1 đĩa trầu cau và đĩa trái cây với 5 loại quả (mâm ngũ quả), đèn dầu, một đĩa muối gạo, 5 chung trà, bánh mứt các loại, 1 bình hoa cúng…

Trong đó, mâm ngũ quả phải có đủ 5 loại quả có màu sắc khác nhau. Bởi từ xưa, ông cha ta đã quan niệm Phú - Quý - Thọ - Khang - Ninh là những điều quý giá và luôn mong mỏi đạt được trong năm mới. Ngoài ra, mâm ngũ quả còn thể hiện ý nghĩa nguồn của cải năm phương mang về kính lên tổ tiên.

Hiện nay, mâm ngũ quả thường được bày biện phù hợp với tùy vùng miền, cũng như kinh tế của từng gia đình. Tuy nhiên, cơ bản mâm ngũ quả cúng Tết phải dung hòa 5 màu sắc tượng trưng ngũ hành trong vũ trụ Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Trái cây thường dùng để bày biện mâm ngũ quả gồm: chuối, bưởi (hoặc quả phật thủ), cam, quất, đào, hồng, táo, lựu…

Mâm lễ cúng giao thừa ngoài trời

Mâm lễ cúng giao thừa ngoài trời có thể làm cỗ chay hoặc cỗ mặn được dọn ở một bàn riêng. Cỗ mặn sẽ có 1 con gà luộc, bánh chưng, xôi, trà, rượu, nước, giò chả, các món cơm canh mặn khác tùy theo nhu cầu của gia đình. Cỗ chay thường bao gồm: bánh, kẹo, mứt, cơm canh chay, trà nước.

Tuy nhiên, tùy theo vùng miền mâm lễ cúng giao thừa có chút khác biệt. Ở miền Bắc, mâm lễ cúng giao thừa thường có móng giò hầm măng lưỡi lợn, bóng nấu thập cẩm, miến lòng gà, mọc. Đĩa thường dùng để bày gà luộc, xôi, bánh chưng, thịt luộc, thịt đông, giò lụa, giò xào, nộm và dưa hành muối...

Trên mâm cúng của người miền Trung có bánh chưng, bánh tét, dưa món, chả lụa Huế, thịt đông, gà bóp rau răm, chả Huế, thịt heo luộc, miến Huế, cá chiên hay chả ram...

Mâm cúng giao thừa ngoài trời
Tùy theo từng vùng miền, mâm lễ cúng giao thừa ngoài trời thường có những món ăn khác nhau. (Ảnh minh họa: Bách hóa xanh).

Ở miền Nam, mâm cúng thường đơn giản hơn, chỉ có hương thắp, hoa, đèn, bánh mứt, trái cây, trà… Nếu gia chủ chuẩn bị thêm mâm cúng mặn thì sẽ có thịt heo luộc, gà luộc, xôi, bánh tét, chè…

Khi cúng giao thừa, mọi người cần chú ý: không dùng hoa giả bày trên ban thờ, cúng ngoài trời trước rồi mới cúng trong nhà…

Khi cúng giao thừa trong nhà, các thành viên trong gia đình đứng trang nghiêm trước ban thờ, khấn tổ tiên xin năm mới bình an, sung túc.

>>>Văn khấn rằm tháng giêng chuẩn năm Quý Mão 2023>>>