- - Quen thuộc với show giải trí, việc làm MC cầm trịch chương trình về tài chính và đầu tư dành cho sinh viên hẳn là một trải nghiệm khó quên với Tuyền Tăng?
Nhận lời tham gia Vũ trụ đồng tiền, tôi căng thẳng, áp lực đến mức mất ngủ. Dẫu không phải bắt đầu từ con số 0, nhưng mọi kiến thức chuyên ngành kinh tế - tài chính với tôi đều ở mức nhập môn cơ bản.
Tôi xác định đến chương trình với tâm thế vừa làm vừa học, không ngại lỗi sai. Thay vì cố gồng, tôi thoải mái tận hưởng giây phút được làm việc cùng ê-kíp. Tôi vốn đã biết, đã nghe rất nhiều về profile “khủng” của BTV Ngọc Trinh, nên lại có thêm một áp lực vô hình từ đó.
Trong thời gian ngắn, tôi cố gắng ghi nhớ các từ khóa, nội dung cơ bản để bắt nhịp với mọi người. Chương trình giải trí sai sót đôi chút có thể “chữa cháy” bằng cách tạo thêm mảng miếng vui đùa. Còn riêng lĩnh vực tài chính mọi thứ phải thật chuẩn chỉnh, vừa có sự trẻ trung vừa phải tiết chế, nghiêm túc và truyền được thông điệp tới khán giả.
Dù vậy, tôi ước có thời gian chuẩn bị nhiều hơn để có thể linh hoạt, đỡ áp lực trong quá trình ghi hình.
- Làm việc với Công Tố - một MC nổi tiếng, giỏi nghề và rất am hiểu lĩnh vực tài chính hẳn chị đã thu nạp nhiều bài học?
Tôi và anh Công Tố từng dẫn với nhau trong một chương trình cách đây 3-4 năm. Mãi gần đây, hai anh em mới có dịp hội ngộ. Ban đầu cả hai chưa quen nhịp, nhưng sau đó dần thoải mái, dẫn ăn ý và nâng đỡ nhau.
Tôi học nhiều ở anh Tố không chỉ trong công việc MC, mà còn là tư duy của một người sản xuất. Anh có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tôn trọng khách mời và luôn "nhường đất" cho họ tỏa sáng. Nhờ thế, tôi tiếp thu nhiều kiến thức, sự tự tin khi đồng hành cùng anh.
Chương trình đạt top 1 rating cả nước, với tôi đó là phần thưởng xứng đáng cho cả tập thể. Hàng trăm con người đã cống hiến, làm việc nhiệt huyết ngày đêm và những gì nhận lại là hoàn toàn hợp lý.
- Công việc MC, đặc biệt là MC mảng song ngữ rất nhiều sự cạnh tranh, chị đã bao giờ lo lắng bị vượt mặt hay quy luật đào thải của nghề?
Thực tế thị trường MC tại Việt Nam đang cạnh tranh, đào thải rất cao. Ca sĩ 1 đêm chạy 3 show là bình thường, hoặc 1 sự kiện mời 5 ca sĩ khá phổ biến, còn MC hầu như chỉ từ 1 hoặc 2 người/chương trình. Việc bạn có nằm trong danh sách lựa chọn ưu tiên hay không càng là một thử thách.
Các bạn gen Z rất trẻ, năng động và ham học hỏi. Với môi trường mở như hiện nay, mỗi người càng có nhiều cơ hội. Cái cốt lõi cuối cùng là kỹ năng kết nối, truyền đạt và lan tỏa thông điệp - điểm mấu chốt của nghề MC.
Với nghề MC song ngữ, nói giỏi, mạnh từ vựng ngữ pháp thôi chưa đủ. Bạn phải có kỹ năng của một người dẫn chương trình tiếng Việt, kết hợp mọi thứ sao cho vừa vặn. Nếu bạn giỏi chuyên môn song thiếu kiến thức xã hội, thiếu trải nghiệm cuộc sống, body language (ngôn ngữ cơ thể) không tốt sẽ rất khó để chinh phục đám đông.
- Tuyền Tăng được khen quyến rũ, gương mặt ăn hình, theo chị ngoại hình quyết định bao nhiêu sự thành công của một nữ MC truyền hình?
Cách đây 10 năm, giám khảo một cuộc thi từng hỏi tôi câu y hệt như vậy. Lúc đó tôi trả lời ngoại hình là yếu tố quan trọng bởi nó đập vào mắt người ta trước tiên. Với MC truyền hình, điều này là tất yếu, không thể xuề xòa.
Suốt hành trình làm nghề, tôi đặt ra yêu cầu bản thân phải chỉn chu nhất có thể khi ra ngoài. Việc MC ăn mặc ra sao, trang điểm, làm tóc thế nào cũng thể hiện trách nhiệm của người đó với chương trình đang dẫn.
Ngoài phấn son, tôi cố gắng làm đẹp từ bên trong, chăm sóc tốt tinh thần. Với tôi, để giữ sự trẻ trung, quan trọng nhất là ánh mắt. Phải làm sao giữ được độ trong veo của đôi mắt từ cách quan sát, học hỏi và đón nhận cái mới mỗi ngày. Đó còn là cách để tôi giữ gìn năng lượng, nét thanh xuân với nghề.
- Đâu là giai đoạn áp lực, khó khăn với chị trong chặng đường 10 năm làm nghề?
Là thời điểm tôi áp lực, căng thẳng và lạc lõng trước những lời phê bình. Lúc mới vào nghề, tôi may mắn giành giải nhất cuộc thi của một đơn vị truyền hình, được gọi với danh xưng "MC dành cho giới trẻ". Thành tích bước đầu ấy khiến tôi chủ quan, có phần tự cao. Đến khi gặp chuyện, ngã xuống tôi mới thấy rõ thực tế phũ phàng thế nào.
Một số khán giả bình luận phong cách dẫn của tôi xấc xược, cá tính quá so với nhu cầu của số đông. Tôi bị sốc, hoang mang, liền chạy đi hỏi ý kiến người này người kia. Lúc này, cái lõi mình chưa vững nên rất dễ bị lung lay, ai kêu gì đều thử.
Có giai đoạn tôi để tóc tém và rất thích phong cách đó. Nghe theo một vài người nói làm MC dẫn chương trình bắt buộc phải tóc dài, tôi vội ra cửa hàng mua vài bộ tóc giả. Khi lên sóng, tôi đội mái tóc giả ấy lên đầu, cố gắng để trở nên thuận mắt hơn. Về tới nhà, tôi tháo ngay ra, cảm giác như vừa trút đi được gánh nặng.
Tôi chợt nhận ra, việc hiểu và thương bản thân là một cách để hoàn thiện. Cứ thế, tôi lần mò trong thất bại, từng bước nhận ra giá trị của mình. Tôi cố gắng xây dựng cái bên trong thay vì cứ hướng ra bên ngoài.
- Một số MC song ngữ có thu nhập rất cao nhờ dẫn các sự kiện riêng tư, dành cho giới tinh hoa, thượng lưu, Tuyền Tăng từng trải nghiệm làm MC cho các chương trình này, bạn có cảm nhận gì?
Cát-sê là yếu tố vô chừng, nếu gọi đủ thì không bao nhiêu là đủ. Khi làm MC song ngữ, lượng thông tin tải về và truyền đạt gần như gấp đôi so với MC tiếng Việt, nên chuyện được trả lương gấp đôi là dễ hiểu.
Tôi từng dẫn các chương trình 100% tiếng Anh cho các đối tác nước ngoài, thù lao nhận lại là con số rất hấp dẫn. Tuy nhiên, để hướng về nó 100% thì tôi không chọn như thế.
Bởi tôi quan niệm tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ là thứ dẫn mình đi xa nhất. Khi bạn dẫn tiếng Việt giỏi, tạo ra được vị trí, tên tuổi chắc chắn sẽ có thị trường riêng. Khi đó, người ta hoàn toàn có thể mời và trả giá cát-sê cho bạn ngang với mức một MC song ngữ.
- Là một MC xinh đẹp, xuất hiện nhiều trên truyền hình và các sự kiện, Tuyền Tăng có thường xuyên nhận được lời "thả thính" hay tán tỉnh?
Một người bạn thân của tôi bên Mỹ về, trong một lần đi chơi, anh ấy hỏi: Làm nghề này chắc nhiều người theo đuổi lắm nhỉ, tôi trả lời: "Không một ai cả!", khiến anh ấy ngạc nhiên.
Tôi không biết các đồng nghiệp thế nào, riêng mình đi làm 10 năm đến giờ, số lần nhận lời đề nghị khiếm nhã không nhiều. Có thể do năng lượng của tôi không phù hợp với đối tượng đó. (cười)
Nếu có, tôi thường chọn phớt lờ, không phản hồi trước tin nhắn hay cuộc gọi mời mọc, gạ gẫm. Một phần tính cách tôi thẳng thắn, quyết liệt, một khi bản thân đã không thích sẽ hành động dứt khoát.
- 3 năm trước chị nói mong được “thoát ế”, còn chuyện tình cảm lúc này thế nào?
Nhiều người hay hỏi tôi: “Bao giờ lấy chồng?”, cha mẹ dù lo nhiều lại không dám nói, sợ gây áp lực cho con gái.
Tôi là người phân định khá rạch ròi chuyện tình cảm và công việc. Đây là giai đoạn cần có nền tảng vững cho 10 năm tiếp theo. Trong 2-3 năm này tôi cố gắng trau dồi việc học, phát triển bản thân, tập trung cho sự nghiệp. Với tôi, chuyện yêu đương trai gái sao cũng được, nhưng kết hôn lại là một sự cam kết.
Tất nhiên trong hành trình đó nếu gặp được người phù hợp thì vui, không được chẳng sao cả. Cuộc sống còn nhiều điều để khám phá, tôi không đặt chuyện yêu đương lên hàng đầu.
Thiết kế: Hằng Trần