Để hội nhập kinh tế quốc tế, hội nhập quốc tế, tất yếu phải đẩy mạnh và phát triển kinh tế đối ngoại.

Từ khi tiến hành đổi mới, kinh tế Việt Nam có bước phát triển mới.

Trong 20 năm đầu (1986 - 2006), bước đầu hình thành các ngành sản xuất hướng về xuất khẩu, xuất hiện hai mặt hàng xuất khẩu quan trọng làm thay đổi đáng kể cán cân thương mại là dầu thô và gạo, lần đầu tiên có dự trữ ngoại tệ (tuy không lớn), thu hút được vốn FDI của nước ngoài.

Từ năm 1989, Việt Nam thực hiện chính sách tự do hóa thương mại, mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại. Quan hệ kinh tế đối ngoại Việt Nam được mở rộng với nhiều nước trên thế giới.

Tính đến cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, Việt Nam có quan hệ kinh tế và thương mại với 140 quốc gia; có tới gần 70 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam; hoạt động xuất, nhập khẩu tăng lên đáng kể, đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu lương thực; tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI trong GDP tăng dần; tiến hành hợp tác khoa học, kỹ thuật và chuyển giao công nghệ với nhiều nước trên thế giới…

Những kết quả trên đã góp phần quan trọng phá thế bao vây, cô lập: Mỹ bỏ cấm vận (năm 1994) và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam (năm 1995), Việt Nam gia nhập ASEAN (năm 1995), tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) (năm 1998), gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) (năm 2006).

Nhằm tạo ra bước ngoặt về hội nhập kinh tế và kinh tế đối ngoại, Đại hội XI (năm 2011) của Đảng tiếp tục đẩy mạnh “các quan hệ quốc tế của đất nước đi vào chiều sâu trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, phát huy tối đa nội lực và bản sắc dân tộc; chủ động ngăn ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế”.

 Đại hội XII (năm 2016) của Đảng bổ sung và hoàn thiện quan điểm về kinh tế đối ngoại: “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, chú trọng chuyển giao công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; chủ động lựa chọn và có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư nước ngoài có trình độ quản lý và công nghệ hiện đại, có vị trí hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu, có liên kết với doanh nghiệp trong nước. Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước nhằm phát triển công nghiệp phụ trợ và công nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao, gắn với các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu”, thống nhất “sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Đại hội nêu lên các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy kinh tế đối ngoại phát triển trong thời kỳ mới là: “Thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế và chủ động, tích cực đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; khai thác tối đa cơ hội thuận lợi, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực để mở rộng thị trường, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho phát triển”

Định hướng phát triển kinh tế đối ngoại trên đã đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần đưa kinh tế nước ta vượt qua ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế, tiếp tục phát triển, trở thành điểm sáng ở khu vực và trên thế giới.

Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189 nước (trong đó có 3 đối tác chiến lược toàn diện, 13 đối tác chiến lược, 14 đối tác toàn diện) và có quan hệ bình thường với tất cả các nước lớn trên thế giới, có quan hệ thương mại với 224 đối tác, trong đó có hơn 70 nước là thị trường xuất khẩu của ta, có quan hệ hợp tác với hơn 500 tổ chức quốc tế; đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều hiệp định hợp tác khác với các nước và tổ chức quốc tế.

Việt Nam chủ động tham gia định hình các khuôn khổ, nguyên tắc hợp tác và đóng góp có trách nhiệm tại Liên hợp quốc, ASEAN, ASEM, APEC...

Thông qua hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam tăng cường hợp tác, đối thoại chiến lược và đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn, góp phần quan trọng tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ Tổ quốc.

Thế Long, Trà My, Cản Tuấn