Chỉ tôn giáo nói riêng, Việt Nam có 15 tôn giáo với 41 tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động với hơn 24,3 triệu tín đồ (chiếm khoảng 27%) dân số cả nước, hơn 53.000 chức sắc, nhà tu hành, gần 134.000 chức việc và gần 28.000 cơ sở thờ tự.

Các tôn giáo lớn xuất hiện ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày một tự do, nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra sôi động.

Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Quyền này được thể hiện rõ ở những quan điểm, chủ trương, hiến pháp, pháp luật và được bảo đảm thực hiện trên thực tế.

Đảng và Nhà nước Việt Nam “thực hiện chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và bình đẳng trước pháp luật.

Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là bước rất quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Là quốc gia thành viên của các công ước quốc tế quan trọng, Việt Nam cam kết tôn trọng và bảo đảm cho người dân các quyền đã được công nhận trong các công ước bằng hoạt động lập pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các quyền con người được các công ước ghi nhận.

Hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo không ngừng được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo không những tăng nhanh về số lượng mà còn phong phú và đa dạng hơn về hình thức để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Là quốc gia đa tôn giáo. Mặc dù, mỗi tôn giáo có tổ chức, nghi lễ, luật tục khác nhau, nhưng đều có điểm chung là sống hòa đồng, đoàn kết, cùng hướng tới mục tiêu xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh. Đồng thời, trong điểm chung ấy, vẫn đảm bảo tôn trọng sự khác biệt về niềm tin tâm linh của từng tôn giáo và luôn tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào các tôn giáo tự do hành đạo.

Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam luôn xây dựng và duy trì đường hướng hành đạo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận tổ quốc và các ban, ngành đoàn thể phát động...


Trong thực tế, đã và đang có rất nhiều chương trình và phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động được triển khai chung trong các tôn giáo cũng như trong toàn dân. Đồng thời có những phong trào, cuộc vận động triển khai trong phạm vi địa phương, vùng miền; có những phong trào, cuộc vận động triển khai mang tính đặc thù riêng của từng tôn giáo.

Ví dụ như Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư hiện lấy tên là Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đây là cuộc vận động mang tính chất toàn dân, toàn diện và lâu dài, trong đó có tất cả đồng bào các tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và đồng bào các tôn giáo hưởng ứng tích cực. Qua đó làm thay đổi rất nhiều bộ mặt đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các tôn giáo.

Trên cơ sở cuộc vận động này, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã triển khai Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo trong tất cả khu dân cư vùng đồng bào công giáo. Bên Phật giáo có phong trào “Xây dựng chùa cảnh tinh tiến, gương mẫu”. Đạo Cao Đài có phong trào Nồi cháo tình thương. Phật giáo Hòa Hảo có phong trào tổ chức các chuyến xe cứu thương thiện nguyện…

Đặc biệt khi xảy ra thiên tai, lũ lụt, Mặt trận Tổ quốc phát động các phong trào Hướng về miền Trung hoặc hướng về đồng bào các tỉnh bị thiên tai thì các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đông đảo tín đồ các tôn giáo đã rất nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Hay khi chúng tôi hệ thống lại phong trào xây dựng Quỹ Vì người nghèo thì thấy rằng tất cả tổ chức tôn giáo các cấp đều đăng ký ủng hộ.

Truyền thống gắn bó, đồng hành với dân tộc, sống tốt đời, đẹp đạo và cũng là thể hiện truyền thống yêu nước của người Việt Nam, trong đó có đồng bào các tôn giáo đã được tiếp nối, lan tỏa, nhân lên trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Đồng bào theo đạo Thiên Chúa ở Việt Nam từ lâu đã thấm nhuần phương châm “kính chúa, yêu nước” để sống “tốt đời, đẹp đạo”. “Kính chúa, yêu nước” không chỉ thể hiện trân trọng niềm tin, sự biết ơn, lòng thành kính dành cho đấng tối cao đã ban phước lành cho bà con giáo dân, mà còn thể hiện bổn phận thiêng liêng của người công dân luôn đồng hành cùng dân tộc, gắn bó với quê hương, Tổ quốc.

Với phương châm "sống tốt đời, đẹp đạo", đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông không chỉ tích cực trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững mà còn đóng góp đáng kể vào các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương, nhất là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng hành cùng sự phát triển của địa phương, Ban đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh Hậu Giang (Ban đại diện) đã có nhiều đóng góp thiết thực cho an sinh xã hội, góp phần khẳng định và tạo ra sức lan tỏa phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Cụ thể, Ban đại diện đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang tổ chức bàn giao 10 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, mỗi căn trị giá 30 triệu đồng.

10 căn nhà kể trên nằm trong số 70 căn nhà đại đoàn kết do ban đại diện phối hợp với chính quyền cất tặng cho các hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, mỗi căn trị giá 30 triệu đồng. Đây là hoạt động thiết thực để chào mừng thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1943 - 27/7/2021).

Văn Minh, Quốc Tiến, Văn Điệp