Mỗi năm sắm Tết, nhà tôi lại mất đứt một chiếc xe máy. Năm nay tôi muốn thắt chặt chi tiêu mà không biết nên cắt giảm khoản nào.
LTS: Chi tiêu mua sắm chuẩn bị cho Tết như thế nào, tiêu bao nhiêu để vẫn đủ đầy mà không lãng phí... luôn là những câu hỏi khó trả lời của các gia đình mỗi dịp Tết đến xuân về.
VietNamNet mở diễn đàn "Tết này, tiêu gì?" để các độc giả chia sẻ cách mua sắm, chi tiêu ngày Tết. Những bài viết chất lượng, chia sẻ cách chi tiêu hữu ích sẽ được VietNamNet đăng tải.
Bài viết của độc giả xin gửi về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn
Mỗi cái Tết, nhà tôi lại chi hết 30 triệu đồng dù không ở Hà Nội một ngày nào. Số tiền ấy có thể không lớn với nhiều gia đình, nhưng không hề nhỏ với 2 vợ chồng đều làm công việc văn phòng bình thường như chúng tôi. Năm nay, tôi bàn với chồng thắt chặt chi tiêu lại, nhưng vẫn chưa nghĩ ra nên cắt giảm khoản nào. Khoản nào cũng thấy quan trọng, không thể không có.
Về cơ bản, 30 triệu ấy được chia thành các khoản như sau.
Vì chúng tôi ăn Tết hoàn toàn ở nhà nội và nhà ngoại từ 27-28 Tết đến hết kỳ nghỉ, nên chúng tôi biếu ông bà 2 bên mỗi nhà 5 triệu coi như đóng góp một chút với ông bà. Ông bà hai bên đều không có lương hưu nên tôi nghĩ 5 triệu cũng là mức tối thiểu để sắm sửa thịt cá, bánh trái cho một cái Tết cơ bản.
5 triệu nữa tôi dành để lì xì trẻ con. Nội ngoại hai bên đông con cháu, mỗi đứa chỉ mừng tuổi 100 nghìn là đã tốn 2 triệu. Cô dì chú bác cũng mừng tuổi các con tôi như thế nên tôi không thể mất lịch sự mà mừng lại ít hơn được. Con cháu ruột thịt trong nhà mừng tuổi 100 nghìn cũng không phải là nhiều so với vật giá bây giờ, nên tôi nghĩ khoản này không nên cắt. Ngoài ra, còn các ông già bà cả, trẻ con hàng xóm, con cái bạn bè, họ hàng xa, tôi chỉ lì xì 20-50 nghìn đồng lấy may.
Như vậy là đã mất 15 triệu đồng. Tôi chi thêm 2 triệu để mua thêm đồ ăn mang từ Hà Nội về đãi khách ở quê. Bây giờ giò chả, bánh chưng, thịt đông chẳng ai ăn nhiều. Nhà nào cũng chừng ấy món, bữa nào cũng ăn sẽ ngán nên tôi mua thêm ít đồ ăn ngon, lạ miệng để thỉnh thoảng cô dì chú bác tới dùng bữa đổi vị. 2 triệu tôi chi cho đào, quất, hoa cắm bàn uống nước và bàn thờ. 1 triệu nữa chi cho hoa quả thắp hương, bánh kẹo mời khách. Tổng chi từng ấy món đã là 20 triệu đồng.
10 triệu còn lại tôi chi tiêu lặt vặt những ngày ở quê, đi chợ Tết vui mắt nhặt cái này cái kia, trang hoàng nhà cửa, cốc chén, bát đũa hỏng thì mua bù. Ông bà ở quê sống giản tiện, nhiều khi đồ dùng đã sứt mẻ mà vẫn cố dùng. Cứ mỗi dịp Tết, tôi lại về sắm đồ mới một thể.
Khoản tiêu tốn nhất là tiền xe cộ, đi lại từ Hà Nội về quê nội, rồi lại từ quê nội về quê ngoại và trở lại Hà Nội - đi đứt 4 triệu tiền taxi cho cả nhà.
Nhà tôi đã sắm Tết hết 30 triệu đồng như thế. Tôi thực lòng muốn nhận được chia sẻ của mọi người để biết mức chi tiêu của tôi như thế đã là hợp lý hay chưa và khoản nào có thể cắt bớt để tiết kiệm hơn nữa.
Theo chị Hà, bảng dự chi của chị chỉ mang tính tương đối. Năm nào chị cũng liệt kê ra các khoản và cố chi tiêu trong hạn mức cho phép. Tuy nhiên, chị luôn bị "vỡ kế hoạch".