Năm 2013, trong khi đang thực hiện chuyến thăm tới Kazakhstan, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lần đầu tiên nhắc tới khái niệm “Một vành đai, một con đường” (One belt one road – OBOR), khái niệm này về sau được Trung Quốc chính thức điều chỉnh thành “Sáng kiến vành đai con đường (Belt road initiative – BRI). “Vành đai”
“Một vành đai một con đường: Hành trình dài của Trung Quốc đến năm 2049” (One belt one road: China’s Long March to 2049) là một cuốn sách tham khảo chuyên đề của các tác giả Michael H.Glantz, Robert J.Ross và Gavin G. Daugherty điểm lại quá trình triển khai của OBOR/BRI, những thành công, thách thức và quan ngại mà chương trình đầu tư phát triển có quy mô lớn nhất và phạm vi rộng nhất Trung Quốc triển khai cho tới nay đã trải qua kể từ lúc khởi động cho tới năm 2019.
Cuốn sách của Glantz và các đồng tác giả được thiết kế dưới dạng một tổng quan ngắn gọn, bao gồm hai tiểu mục dẫn nhập và giới thiệu cùng ba phần nội dung chính, mỗi nội dung được chia thành các chuyên đề có tính độc lập tương đối.
Cùng lời nói đầu nhấn mạnh vào trọng tâm nội dung của sách, hai tiểu mục dẫn nhập giúp người đọc có khái niệm cơ bản và những lưu ý quan trọng nhất để có thể tìm hiểu về OBOR/BRI một cách khách quan và toàn diện.
Tiểu mục dẫn nhập “Từ một vành đai, một con đường (OBOR) tới Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI)” tóm lược lại lịch sử hình thành OBOR cũng như lý do khái niệm ban đầu này được Trung Quốc hoàn thiện, chuyển dịch chính thức thành BRI cũng như nội hàm chính của kế hoạch này. Lấy cảm hứng từ các tuyến giao thương cổ đại qua đất liền Trung Á và trên biển qua Ấn Độ Dương đã hình thành từ những năm đầu Công nguyên, OBOR/BRI là một dự án hợp tác phát triển khổng lồ của Trung Quốc dựa trên cấp vốn hiện đại hóa cơ sở hạ tầng làm động lực phát triển cho một loạt quốc gia, trong đó khởi đầu chính là những quốc gia nằm trên khu vực hai tuyến giao thương cổ đại mà ngày nay cũng là những tiêu điểm quan trọng để Trung Quốc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình. Tiểu mục dẫn nhập cũng cung cấp cho độc giả những góc nhìn khác nhau về OBOR/BRI của chính Trung Quốc, của các quốc gia kỳ vọng vào động lực mà sáng kiến này cung cấp, và của những quốc gia nhìn nhận sáng kiến này một cách hoài nghi, thậm chí là quan ngại.
Tiểu mục dẫn nhập “Bản đồ OBOR/BRI: các chi tiết cần xem xét cẩn trọng” chỉ ra những khó khăn để tìm hiểu một cách toàn diện, chính xác về quy mô thực tế của OBOR/BRI do mức độ phức tạp và thay đổi liên tục của nó.
Phần 1 của cuốn sách - “Nguồn gốc của sáng kiến một vành đai, một con đường” được tạo thành từ 6 chuyên đề nhỏ phân tích các xuất phát điểm thôi thúc Trung Quốc thực hiện sáng kiến này. Trong phần 1, các tác giả đã bàn về tầm quan trọng của Biển Đông với tham vọng vươn ra thế giới cũng như việc đảm bảo nguồn lực cho sự phát triển của Trung Quốc, lý giải về chính sách đòi hỏi chủ quyền của nước này tại Biển Đông, cũng như những khó khăn Trung Quốc gặp phải trước phản ứng từ các quốc gia có mâu thuẫn về tuyên bố chủ quyền trực tiếp và những quốc gia bất an trước sự trỗi dậy về sức mạnh của nước này. Rộng hơn, đó là chính sách “tiến ra bên ngoài” của chính quyền Trung Quốc, hướng tới một vai trò năng động, mạnh mẽ hơn về chính trị, kinh tế và quân sự trên quy mô toàn cầu. Phần này cũng đề cập tới lý do Trung Quốc tinh tế chuyển cách gọi từ OBOR sang BRI với mấu chốt là ẩn đi từ “một” dễ gây quan ngại trong cách gọi OBOR, trong khi vẫn hướng tới hiện thực hóa “giấc mơ Trung Hoa”, phân tích những vành đai kinh tế và con đường tơ lụa mới Trung Quốc đang nỗ lực thiết lập và mở rộng trong chiến lược BRI, đặc tính và vai trò địa chính trị của OBOR/BRI trong việc biến Trung Quốc thành cường quốc thương mại toàn cầu. Cuối cùng, phần 1 nhắc tới chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” nhằm nâng tầm sức mạnh nội tại của Trung Quốc và những phản ứng của Mỹ nhằm chống lại những động thái có thể gây bất lợi cho mình từ Trung Quốc.
Phần 2 - “Những khái niệm về OBOR/BRI” gồm 3 chuyên đề nhỏ tập trung vào cơ chế vận hành của sáng kiến chiến lược này. Đó là sự hình thành Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), phương tiện cung cấp tài chính cho các khoản đầu tư và cho vay vốn phát triển của OBOR/BRI, cũng như phương thức vận hành do Trung Quốc nắm vai trò chủ đạo của ngân hàng này, thể hiện chủ nghĩa đa phương kiểu Trung Quốc với xu hướng song phương với một cực luôn là nước này, và những vấn đề thực tế đặc biệt là các rủi ro đã nảy sinh hoặc có nguy cơ phát xuất hiện trong quá trình vận hành của cơ chế đó.
Tiếp đến, các tác giả đề cập tới những “vành đai”, “con đường” được xác lập trong khuôn khổ OBOR/BRI cũng như phạm vi ảnh hưởng của chúng. Cuối cùng, phần 2 cuốn sách nhìn nhận việc triển khai thực tế OBOR/BRI của Trung Quốc dưới dạng các chiến dịch nhằm cụ thể hóa tầm nhìn được lãnh đạo cao cấp nước này tóm lược dưới dạng những khẩu hiệu mang tính tôn chỉ ngắn gọn. Trong đó, các tác giả đặc biệt nhấn mạnh tới thực tế là việc triển khai một dự án chiến lược phức tạp như vậy trên thực tế là điều mới mẻ với Trung Quốc, dẫn tới những bất cập giữa tầm nhìn và thực hiện, điều làm nảy sinh nhiều quan ngại về kết quả thực tế của OBOR/BRI với các bên tham dự, nhất là tính chuyên nghiệp, đồng bộ trong công tác triển khai của Trung Quốc.
Phần 3 - “Cuộc chơi lớn” cung cấp cái nhìn cụ thể về những gì đã diễn ra trên thực tế trong khuôn khổ của OBOR/BRI cho tới nay.
Trước hết, cuốn sách điểm qua các vùng địa lý chính nơi OBOR/BRI đang được triển khai:
Tại Nam Á, OBOR/BRI tác động lớn tới Ấn Độ - đối thủ có tranh chấp lãnh thổ và cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc. Việc Pakistan, một đồng minh chiến lược của Trung Quốc tại Nam Á, trở thành mắt xích quan trọng trong OBOR/BRI đã khiến Ấn Độ cảm thấy không yên tâm và đáp lại bằng những động thái mở rộng ảnh hưởng của mình như dự án Hành lang giao thông Bắc Nam (NSTC) hay tăng cường hợp tác với Mỹ.
Iran, một nhà cung cấp dầu mỏ quan trọng và liên tục chịu trừng phạt kinh tế từ Mỹ và đồng minh từ nhiều thập kỷ nay, cũng là một quốc gia kỳ vọng nhiều vào OBOR/BRI để phá thế bị phong tỏa và nguồn lực phát triển từ đầu tư của Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, quan hệ khăng khít với Iran cũng giúp Trung Quốc củng cố an ninh năng lượng, có thêm một kênh mở rộng thị trường, ảnh hưởng tới các quốc gia Hồi giáo khác như Syria, Iraq.
Một khu vực quan trọng nơi vành đai trên bộ của OBOR/BRI hướng tới là Trung Á, là địa bàn con đường tơ lụa trên bộ từng đi qua. Với sự tan rã của Liên Xô, những quốc gia Trung Á giờ đây trở thành địa bàn nơi Nga, Mỹ và cả Trung Quốc tìm cách nâng cao ảnh hưởng và tìm kiếm cơ hội. Tham gia OBOR/BRI giúp các quốc gia Trung Á kết nối với Trung Quốc cũng như các khu vực láng giềng, trong khi Trung Á trở thành cửa ngõ trên lục địa cho các tuyến giao thông của Trung Quốc hướng về phía tây, biến khu vực bị thiệt thòi vì không có biển này trở thành một khu vực trung chuyển giữa châu Á và châu Âu, hội nhập vào kinh tế toàn cầu. Bên cạnh những cơ hội lớn lao này, OBOR/BRI cũng phải đối diện những vấn đề quan trọng như đảm bảo phát triển bền vững, thích ứng với những bất ổn chính trị tiềm tàng tại các quốc gia Trung Á, giải quyết vấn đề liên quan tới các dân tộc thiểu số ở Tân Cương của Trung Quốc. Và khi bước chân vào Trung Á, nhất là các nước cộng hòa trước đây thuộc Liên Xô, Trung Quốc đang tiến vào vùng Nga coi như vùng ảnh hưởng truyền thống và vùng đệm an ninh quan trọng của mình, nên không thể không tính tới khả năng OBOR/BRI sẽ dẫn tới một cuộc tranh giành ảnh hưởng như đã từng diễn ra gay gắt vào thế kỷ XIX giữa Nga và Anh.
Mặc dù Trung Quốc là quốc gia nằm xa Bắc Cực, nước này ngày càng thể hiện công khai sẽ không đứng ngoài cuộc chạy đua để chiếm một vị trí có lợi tại khu vực này, nhất là khi sự thay đổi khí hậu hứa hẹn sẽ biến Bắc Băng Dương thành một kênh vận chuyển hàng hóa quan trọng, đồng thời việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có tại đây cũng thuận lợi hơn nhiều. Chính vì thế, Trung Quốc đã tích cực đẩy mạnh vai trò của mình ở Bắc Cực, công khai tuyên bố mình là một quốc gia gần Bắc Cực, và việc thiết lập “con đường tơ lụa vùng cực” qua Bắc Băng Dương nghiễm nhiên trở thành một hợp phần quan trọng của OBOR/BRI, cũng là con đường đi gần sát chính lãnh thổ Mỹ nhất, khiến nước này không khỏi để tâm chú ý.
Khu vực Đông Nam Á là một khu vực vừa chịu ảnh hưởng kinh tế, chính trị lớn từ Trung Quốc, lại vừa có những vấn đề tranh chấp về lãnh thổ, lãnh hải, nguồn nước, tài nguyên, v.v. với nước này. Chính vì thế, Trung Quốc là một trong các đối tác chiến lược của ASEAN, nhưng các quốc gia thành viên ASEAN lại có quan điểm khá khác biệt trong việc tiếp nhận OBOR/BRI, từ ủng hộ cho đến thận trọng, dè dặt, đặc biệt về những hệ quả bất lợi đến kinh tế, an ninh mà sáng kiến này có thể đem đến. Ngoài ra, sự quan tâm của Trung Quốc tới Đông Nam Á trong OBOR/BRI còn liên quan tới việc đảm bảo an toàn các tuyến vận tải đường biển đi qua khu vực này, vốn có ý nghĩa sống còn với kinh tế Trung Quốc, nhất là eo biển Malacca, thậm chí đây là lý do để Trung Quốc nghĩ tới những giải pháp thay thế để thoát khỏi bị phụ thuộc vào “nút thắt cổ chai” trên biển này, như phương án đào kênh qua eo đất Kra trên lãnh thổ Thái Lan.
Khu vực Mỹ Latinh đã được nước Mỹ coi như vùng ảnh hưởng tự nhiên của mình từ rất sớm với học thuyết Monroe. Song Trung Quốc trong khuôn khổ OBOR/BRI đã không ngừng mở rộng các hoạt động hợp tác, đầu tư, trong đó đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng hàng hải như cảng nước sâu, ở khu vực Trung và Nam Mỹ. Tình hình kinh tế ảm đạm tại nhiều quốc gia Mỹ Latinh như Ecuador, Venezuela, Argentina đã khiến các quốc gia này tìm đến các khoản vay từ Trung Quốc như cứu cánh trước sự lạnh nhạt của Mỹ, cơ hội không thể thuận lợi hơn cho Trung Quốc xác lập một vị thế ngày càng vững chắc không dễ để Mỹ đảo ngược ở khu vực vốn được xem như sân sau của Mỹ này.
Xa hơn, OBOR/BRI, thông qua khuôn khổ hợp tác 16+1 và các thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và từng quốc gia châu Âu, đã tiến vào lãnh thổ của EU. Bất chấp những lo ngại của EU, Trung Quốc đã thành công trong việc làm một số quốc gia châu Âu như Hy Lạp, Hungary bác bỏ các nỗ lực của khối này nhằm hạn chế cách tiếp cận song phương bị EU coi là thiếu minh bạch, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sự thống nhất của khối. Trong bối cảnh ngay cả nhiều quốc gia Tây Âu đầu tàu của EU như Anh, Đức, Italia hưởng lợi lớn từ các quan hệ song phương với Trung Quốc, ảnh hưởng mạnh lên của OBOR/BRI tại đây cũng như rạn nứt trong sự thống nhất của EU là một thế lưỡng nan các quốc gia châu Âu phải đối diện và tìm ra giải pháp thích hợp, trong khi về phần mình Trung Quốc cũng sẽ phải điều chỉnh hành động để giảm bớt hoài nghi từ EU và Mỹ.
Vùng địa lý cuối cùng OBOR/BRI tạo dấu ấn mạnh mẽ là châu Phi dưới Sahara, nơi Trung Quốc đã có những dự án hạ tầng, giao thông vận tải quy mô lớn như khu thương mại tự do quốc tế quy mô lớn nhất châu Phi và cảng nước sâu đa năng tại Djibouti hay dự án liên kết Zambia với bờ biển Tanzania. Nhiều quốc gia châu Phi thực sự kỳ vọng vào OBOR/BRI như đòn bẩy phát triển cho mình, trong khi vẫn hiện hữu nỗi lo “bẫy nợ” đi kèm những điều khoản bất lợi về dài hạn khi đón nhận các khoản vay đầu tư từ Trung Quốc. Xa hơn nữa, đã có những lo ngại về khả năng các dự án OBOR/BRI, nhất là các hạng mục cơ sở hạ tầng, có thể trở thành tiền đề cho sự tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc tại khu vực này.
Ngoài những động thái của Trung Quốc tại các khu vực địa lý trọng yếu, phần 3 cuốn sách dành ra 4 chuyên mục ngắn để bàn về 4 kênh phát triển của OBOR/BRI theo đặc điểm chức năng: con đường không gian với sự phát triển hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu (BDS), phiên bản hệ thống định vị toàn cầu cho Trung Quốc làm chủ; con đường kỹ thuật số với sự phát triển ảnh hưởng của Trung Quốc trên không gian mạng; hệ thống cảng biển nước sâu lan tỏa dần trên khắp thế giới; và cuối cùng là con đường tơ lụa trên không với các dự án hạ tầng hàng không để kết nối các tuyến hàng không quan trọng trên thế giới với các cảng hàng không của Trung Quốc.
Tóm lược lại tình hình triển khai thực tế của OBOR/BRI, phần 3 cuốn sách tập trung vào các thách thức quan trọng nhất với sáng kiến này, về những nỗ lực của Trung Quốc để thể hiện tinh thần “win-win” khi đề xướng OBOR/BRI thông qua các cam kết chính thức và giải tỏa các hoài nghi sáng kiến này gây ra, và cuối cùng là một đánh giá SWOC nhìn nhận các đặc điểm đã lộ diện, những nguy cơ và cơ hội cho sáng kiến này.
Phần 4 “Nhận xét tổng kết” khái quát lại hai vấn đề cốt yếu liên quan tới OBOR/BRI. Thứ nhất, nhìn qua nửa thập niên đầu tiên sáng kiến này vận hành, các tác giả đã chốt lại 10 khía cạnh quan trọng nhất của OBOR/BRI trong vai trò chiến lược vươn ra bên ngoài, tác động vào các trật tự hiện hữu tại khắp các khu vực trên thế giới để cải biến “luật chơi” tại những nơi này với vai trò, quyền lực, tầm ảnh hưởng lớn hơn cho Trung Quốc. Thứ hai, những bước tiến rõ rệt Trung Quốc đạt được với OBOR/BRI rõ ràng đang thách thức trật tự thế giới hiện tại, nơi Mỹ và các đồng minh đang và vẫn muốn duy trì tiếng nói quyết định, còn Trung Quốc càng ngày càng tỏ rõ quyết tâm viết lại luật chơi một cách chủ động. Các học giả đã nhắc tới nguy cơ xung đột lợi ích ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai, với nhiều kịch bản có thể diễn ra, không loại trừ cả xung đột quân sự.
Trong lời kết, các tác giả đã mượn thực tế đại dịch Covid-19 và những ảnh hưởng chưa thể lường hết của nó lên Trung Quốc và toàn thế giới để nhắc tới những yếu tố khó lường có thể ảnh hưởng tới sự vận hành của OBOR/BRI cũng như ảnh hưởng sáng kiến này có thể tạo ra trong tương lai.
Dịch giả Lê Đình Chi
Thiết kế: Trọng Tạo