Mỗi cường quốc xuất hiện trong 5 thế kỷ đó đều đạt tới địa vị “cường quốc” tương đối của mình từ sự kết hợp của nhiều yếu tố đặc trưng riêng gần như không có sự trùng lặp. 

Năm 1500 Công nguyên vẫn hay được chọn làm điểm mốc tương đối khởi đầu cho giai đoạn các quốc gia châu Âu bắt đầu trỗi dậy nắm giữ vai trò ảnh hưởng ngày càng rộng trên thế giới, cho tới khi những quốc gia này và những quốc gia do các thực dân châu Âu tạo nên (Mỹ, Canada, Australia...) đã tạo nên sự thống trị toàn cầu của văn minh “phương Tây” một cách rõ nét từ cuối thế kỷ 18, một thời kỳ chiếm ưu thế của văn minh Âu – Mỹ vẫn còn kéo dài tới tận hôm nay, bất chấp sự quật khởi “phương Đông” của một số quốc gia châu Á (tiêu biểu là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) cũng như sự hiện diện thường xuyên của nước Nga, một quốc gia pha trộn cả ảnh hưởng từ Đông và Tây. 


Đây cũng là thời kỳ các cường quốc cận – hiện đại hình thành từ châu Âu để rồi vừa tranh giành địa vị, ảnh hưởng với nhau, vừa khuếch trương ưu thế của phương Tây ra toàn thế giới. Gần như toàn bộ giai đoạn này, từ khoảng năm 1500 tới những năm 80 của thế kỷ XX, đã được Paul Kennedy gói gọn lại trong “Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc – Biến đổi kinh tế và xung đột quân sự từ năm 1500 đến năm 2000” (The rise and fall of the great power – Economic change and military conflicts from 1500 to 2000).

Cuốn sách tập trung vào phân tích hai khía cạnh quan trọng nhất tạo nên sức mạnh của một quốc gia: kinh tế và quân sự. Và trong rất nhiều quốc gia tồn tại vào một thời điểm cụ thể trên Trái Đất, chỉ có một hay một vài quốc gia vươn được lên tầm cường quốc với ảnh hưởng sâu rộng trên quy mô lục địa hay thậm chí toàn cầu, đồng thời cũng trở thành mục tiêu đối phó của những quốc gia khác không muốn cam chịu ở dưới ảnh hưởng của họ. Làm thế nào một quốc gia trở thành cường quốc và bị tuột khỏi vị thế này vì lý do nào, đó là câu hỏi thật khó đưa ra câu trả lời tuyệt đối, nhưng ít nhất có thể chỉ ra được những quy luật và xu thế khá đặc trưng, hay những bài học vẫn còn giá trị cho cả tương lai như Paul Kennedy đã chỉ ra trong cuốn sách nhìn cận cảnh vào năm thế kỷ (từ XVI đến XX) trong đó các cường quốc kế tiếp nhau nỗ lực, với mức độ thành công khác nhau, để mở rộng ảnh hưởng và củng cố vị thế của mình, sau đó phải chứng kiến ảnh hưởng và vị thế dần dần bị xói mòn bởi sự cạnh tranh từ các đối thủ và sự tụt hậu toàn diện của bản thân các cường quốc này, đặc biệt là về mặt kinh tế và quân sự. 


Mỗi cường quốc xuất hiện trong 5 thế kỷ đó đều đạt tới địa vị “cường quốc” tương đối của mình từ sự kết hợp của nhiều yếu tố đặc trưng riêng (bối cảnh quốc tế, vị trí địa lý, đặc điểm về tôn giáo, hệ thống chính trị, kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực con người, sức mạnh quân sự...) gần như không có sự trùng lặp. Cũng như vậy, con đường đi xuống từ đỉnh cao của các cường quốc này cũng diễn ra với diễn biến, tốc độ, mức độ khác nhau. Tất cả tạo nên một câu chuyện sống động với vô vàn bài học dành cho thế giới đương đại.

Nội dung đồ số của “Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc” được Paul Kennedy chia thành ba phần chính, tương ứng với những mốc thời gian đánh dấu các bước ngoặt quan trọng trong cuộc cạnh tranh không ngừng nghỉ giữa các cường quốc.

Phần thứ nhất “Chiến lược và kinh tế học trong thế giới tiền công nghiệp” trải dài theo trục thời gian từ sự trỗi dậy của châu Âu về ảnh hưởng trên bản đồ chính trị thế giới từ khoảng năm 1500 cho đến khi một trật tự thế giới mới do một cường quốc châu Âu cầm cương hình thành rõ nét vào năm 1815 khi các cuộc Chiến tranh Napoleon kết thúc, cũng là lúc thế giới đứng trước ngưỡng cửa kỷ nguyên của sắt thép, than đá và hơi nước. Paul Kennedy chia phần thứ nhất thành ba nội dung chính: sự trỗi dậy của phương Tây vào cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI; sự trỗi dậy và suy tàn của đế chế Habsburg, cường quốc đầu tiên ở phương Tây trong giai đoạn trỗi dậy của châu Âu; và cuối cùng là thời kỳ một thế kỷ rưỡi được lấy mốc từ khi Louis XIV – Vua Mặt Trời – thực sự nắm quyền điều hành nước Pháp cho tới khi Napoleon I thất bại hoàn toàn. Trong phần này, tác giả đã bắt đầu bằng phân tích những đặc điểm mà về dài hơi đã đem lại lợi thế cho các quốc gia châu Âu: sự tự do tương đối về hoạt động thương mại, kỹ nghệ, quyền lực của các thành phố thương mại và tầng lớp tư sản đang ngày càng lớn mạnh.... trong khi các đế chế Trung đại ở phương Đông lâm vào trì trệ, đình đốn về phát triển kinh tế - xã hội, dần dà dẫn tới sự lạc hậu về kỹ nghệ - quân sự. 


Tiếp đó, câu chuyện về đế chế Habsburg trở thành ví dụ điển hình cho mọi thất bại của việc một quốc gia tìm cách áp đặt ảnh hưởng tuyệt đối của mình lên cả châu Âu, hệ quả là sự hình thành một trật tự “động” với các quốc gia Anh, Pháp, Nga, Áo, Phổ đóng vai trò cầm trịch từ khoảng giữa thế kỷ 18 và kết thúc bằng nỗ lực thất bại của Napoleon I để phá vỡ trật tự này, nhưng đi kèm đó là thắng lợi không thể đảo ngược của chủ nghĩa tư bản tại châu Âu. Paul Kennedy cũng dành ra một tỷ lệ quan trọng của phần đầu cho công cuộc thuộc địa hóa châu Mỹ và một số vùng đất tại châu Á, châu Phi và châu Đại Dương của các cường quốc châu Âu, cũng như câu chuyện về sự ra đời của nước Mỹ, nhà nước tư bản thuần túy đầu tiên trên thế giới vào cuối thế kỷ 18, và sự trỗi dậy kỳ diệu của nước Nga lạc hậu thành một trong các cường quốc của châu Âu, địa vị nước này chưa bao giờ chịu từ bỏ cho tới tận ngày nay, cũng là điềm báo trước về sự dịch chuyển trọng tâm ảnh hưởng của thế giới dần ra khỏi Trung-Tây Âu. 


Paul Kennedy bàn đến tất cả các cuộc chiến tranh đã thay đổi cục diện châu Âu và thế giới trong thời kỳ đó, nhưng tập trung trước hết vào khía cạnh kinh tế của trò chơi quyền lực này, để rồi chỉ ra rằng với sự tốn kém ngày càng tăng của chiến tranh và duy trì tiềm lực quân sự, càng ngày các quốc gia giàu có hơn, có nền kinh tế hiệu quả, mạnh mẽ hơn càng nắm lợi thế lớn hơn khi lâm chiến, và nhiều trường hợp kẻ chiến thắng là kẻ cuối cùng còn chưa phá sản vì gánh nặng nợ nần do chiến tranh.

Phần thứ hai “Chiến lược và kinh tế học trong kỷ nguyên công nghiệp” bắt đầu bằng một thế giới với nước Anh là bá chủ không thể tranh cãi vào thời điểm các cuộc Chiến tranh Napoleon kết thúc và dừng lại vào thời điểm năm 1942, khi khối đồng minh chống phe Trục được hình thành giữa Thế chiến Thứ Hai, báo trước việc Mỹ và Liên Xô sẽ trở thành hai quốc gia có tiếng nói và ảnh hưởng quan trọng nhất tới thế giới hậu chiến, và chấm dứt giai đoạn các quốc gia Tây Âu đóng vai trò quyết định lên trật tự toàn cầu. Trong phần này, tác giả trước hết tập trung vào quá trình công nghiệp hóa không đều trên thế giới, trong đó trọng tâm là châu Âu, trong giai đoạn 1815 – 1885. Đây là giai đoạn quá trình công nghiệp hóa vũ bão của Phổ và các quốc gia Đức liên minh với họ để sau này hình thành nên Đế chế Đức vào năm 1871 đã làm thay đổi mạnh mẽ cán cân quyền lực ở Cựu Thế Giới. Nước Anh vẫn còn duy trì được sức mạnh nhờ đế chế thuộc địa rải khắp toàn cầu và hải quân hùng mạnh cũng như nguồn tư bản dồi dào, nhưng đã để Đức qua mặt về sức mạnh kỹ nghệ - công nghiệp, để rồi Đế chế Đức trở thành trung tâm quyền lực của châu Âu lục địa sau khi lần lượt đánh bại Áo – Hung và Pháp, với đỉnh cao ảnh hưởng của nước Đức là Hội nghị Berlin năm 1885. 


Đây cũng là giai đoạn ghi dấu sự đình trệ và tụt hậu của Nga trong cạnh tranh ảnh hưởng tại phương Tây và sự trỗi dậy ngày càng mạnh của nước Mỹ với tham vọng không còn nằm trong phạm vi biên giới của mình, với việc Nhật Bản trở thành quốc gia châu Á đầu tiên tham dự tích cực vào trật tự thế giới mới, quá trình thống nhất bán đảo Italia và nỗ lực vươn lên đầy trắc trở của quốc gia này, cùng tình thế bấp bênh của nước Pháp sau thất bại trước Phổ đang phải nỗ lực hết mức để khôi phục nội lực để duy trì vị trí của mình trong hàng ngũ các cường quốc hàng đầu.


 Thế giới hậu Hội nghị Berlin trở thành một thế giới của cuộc chạy đua dành ảnh hưởng giữa các cường quốc, để rồi ngoại trừ nước Mỹ tạm hài lòng đứng ngoài, các cường quốc khác dần hình thành hai phe theo sự gần gũi tương đối về lợi ích, và thế giới chỉ còn hòa bình nhờ vào nỗi e ngại không muốn dấn thân vào một cuộc chiến khó lường của hai khối liên minh đối lập nhau, tình thế cuối cùng đã bùng nổ thành Thế chiến thứ nhất 1914 – 1918. Cuộc chiến đã làm cáo chung cả 4 đế chế Đức, Nga, Áo – Hung và Ottoman, nhưng lại để châu Âu rơi vào một cuộc khủng hoảng hậu chiến với những mâu thuẫn còn nguyên chưa được giải quyết, chỉ chờ dịp bùng phát lần nữa trong Thế chiến thứ Hai, biến cố đã dẫn tới sự hình thành một thế giới lưỡng cực khác xoay quanh hai siêu cường mới – Mỹ và Liên Xô. Tất cả các quốc gia Tây Âu đều bị đo ván nặng nề dù ở phe thắng trận hay thua trận, và  trung tâm ảnh hưởng của thế giới chắc chắn đã rời khỏi châu Âu.

Phần ba “Chiến lược và kinh tế học hôm nay và ngày mai” nhìn lại trật tự thế giới trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh. Dưới cái bóng cuộc đối đầu hạt nhân và cuộc chạy đua ảnh hưởng chính trị trong thế giới thứ ba và vào vũ trụ của Mỹ và Liên Xô, có thể thấy sự phục hưng kinh tế của châu Âu dưới hình thức khối thị trường chung EEC, sự vươn lên mạnh mẽ của Nhật Bản về kinh tế và sự trở lại của Trung Quốc cả về sức mạnh kinh tế cũng như ảnh hưởng chính trị toàn cầu. Hướng về thế kỷ 21, Paul Kennedy dự đoán về một thế giới với năm thành tố ảnh hưởng chính: Mỹ, Liên Xô, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc, với những nhìn nhận về các nguy cơ bất ổn kinh tế nghiêm trọng đang tiềm tàng tại Liên Xô và ảnh hưởng ngày càng tăng của một nước Trung Quốc đang phát triển thần tốc.

Không phải là một cuốn sách đặt trọng tâm vào dự đoán xu hướng tương lai, Paul Kennedy trước tiên muốn cung cấp cho người đọc quan tâm những dữ liệu, phân tích sinh động, khách quan minh họa lại quá trình thăng trầm của những cường quốc từng hiện diện trong năm thế kỷ từ XVI đến XX qua góc nhìn tập trung vào tiềm lực kinh tế. Một nghiên cứu thú vị, có giá trị từng là sách tham khảo của nhiều nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách trên thế giới. 

Dịch giả Lê Đình Chi