Tỉnh Nam Định đang chủ động kiến tạo, mở thêm không gian phát triển liên vùng sẽ tạo thêm động lực mới để các địa phương phát triển kinh tế - xã hội để trở thành một trong những tỉnh khá của cả nước, là cực phát triển quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng và cả nước; kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, các nước láng giềng và ASEAN
Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, tỉnh Nam Định đã hoàn thành xây dựng và triển khai đầu tư hàng loạt các tuyến đường giao thông chiến lược không chỉ đảm bảo kết nối liên thông giữa các huyện, thành phố trong tỉnh mà còn kết nối đến các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực, có khả năng khơi thông nguồn lực từ các thành phần kinh tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị chia sẻ, trong thời gian qua, Nam Định đã chủ động tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư trong và ngoài nước phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.
Ngay trong năm 2021 - năm đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, với quan điểm “giao thông đi trước mở đường”, đến nay, Nam Định đã cơ bản hình thành các dự án có tính chiến lược, lâu dài, là động lực cho sự phát triển. Tổng mức đầu tư các dự án trọng điểm khoảng 25.000 tỷ đồng và dự kiến các dự án sẽ hoàn thành trong khoảng từ năm 2023-2025.
Cụ thể là, Nam Định đã hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án: Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn I), các tỉnh lộ 487B, 488C, cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ.
Đang tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; các tỉnh lộ 488B, 485B; giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển (tỉnh lộ 484); đường trục phía nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); cầu lớn thứ 4 vượt sông Đào, nối nội thành Nam Định với vùng kinh tế động lực ven biển...
Tỉnh Nam Định cũng chú trọng hoàn thành lập các Quy hoạch vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thuỷ, vùng liên huyện Nghĩa Hưng - Ý Yên và vùng liên huyện Nam Trực - Trực Ninh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Tập trung dồn lực lập Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó bao quát đồng bộ, thống nhất các quy hoạch phát triển liên huyện, quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia làm căn cứ pháp lý để các huyện, thành phố và tỉnh triển khai thu hút đầu tư các dự án phát triển kinh tế liên vùng.
Toàn tỉnh Nam Định đã hình thành 5 hành lang quan trọng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực (kinh tế - kỹ thuật - đô thị và nông thôn) bao gồm: Hành lang Quốc lộ 10 (thành phố Nam Định - Cao Bồ), Hành lang cao tốc Bắc Nam - Cao Bồ - Rạng Đông, Hành lang kinh tế ven biển (Nghĩa Hưng - Hải Hậu - Giao Thủy), Hành lang Quốc lộ 21 (thành phố Nam Định - Xuân Trường), Hành lang cao tốc Ninh Bình - Thái Bình - Quảng Ninh. Trong đó, Hành lang Quốc lộ 10 (thành phố Nam Định - Cao Bồ) đi qua địa bàn các huyện và thị trấn: huyện Vũ Thư (Thái Bình) - thành phố Nam Định - thị trấn Gôi (Vụ Bản) - Ý Yên - Ninh Bình, tổng chiều dài khoảng hơn 30km.
Đây là hành lang động lực chủ đạo của tỉnh do là tuyến huyết mạch giao thông, có vai trò kết nối Nam Định với tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, có dân cư đông đúc, tổng vốn cơ sở vật chất lớn, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cũng tại đây, tỉnh Nam Định định hướng huy động các nguồn lực, khai thác hợp lý và có hiệu quả tài nguyên đất; đẩy mạnh phát triển các vùng nông nghiệp tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến; phát triển mạnh ngành dịch vụ - du lịch, các điểm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng đối ngoại với quốc gia và quốc tế.
Hành lang Cao tốc Bắc Nam nối dài (Hà Nội - Cao Bồ - Rạng Đông) đi qua các huyện và thị trấn từ huyện Thanh Liêm (Hà Nam) - Cao Bồ (Ý Yên) thị trấn Liễu Đề - thị trấn Quỹ Nhất - đô thị Rạng Đông, tổng chiều dài khoảng hơn 70km. Đây cũng là trục trung tâm, giúp kết nối thuận lợi phía Bắc (tỉnh Hà Nam và Thủ đô Hà Nội).
Tuyến hành lang này đi qua các khu vực có nhiều thị trấn đang phát triển và các khu điểm kinh tế lớn có vai trò quan trọng kết nối 3 cực tăng trưởng (Cao Bồ - Liễu Đề - Rạng Đông) nên được xác định là hành lang phát triển động lực chủ đạo đến 2030 và 2050.
Trên tuyến này, Nam Định dự tính sẽ tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ; đặc biệt phát triển mạnh công nghiệp chế biến chế tạo, luyện thép, khai khoáng, dịch vụ du lịch sinh thái cảnh quan và môi trường.
Hành lang kinh tế ven biển (Nghĩa Hưng - Hải Hậu - Giao Thủy) đi qua các huyện và thị trấn từ Tiền Hải (Thái Bình) - Đại Đồng - thị trấn Quất Lâm - thị trấn Cồn - thị trấn Thịnh Long - thị trấn Rạng Đông - thị trấn Bình Minh (Ninh Bình), tổng chiều dài khoảng 60km. Hành lang này đi qua các khu vực có nhiều thị trấn đang phát triển và các khu điểm kinh tế lớn, trọng tâm của vùng này là đô thị Rạng Đông - Thịnh Long và các đô thị Quất Lâm, Đại Đồng.
Hành lang Quốc lộ 21 (thành phố Nam Định - Xuân Trường - Giao Thủy) đi qua địa bàn các huyện và thị trấn như: Lý Nhân (Hà Nam) - thành phố Nam Định - thị trấn Cổ Lễ - thị trấn Cát Thành - thị trấn Xuân Trường - thị trấn Quất Lâm, tổng chiều dài khoảng 48km.
Đây là hành lang phát triển động lực thứ cấp trong giai đoạn đến năm 2030 và trở thành chủ đạo trong giai đoạn đến năm 2050 do có dân cư đông đúc, tổng vốn cơ sở vật chất lớn với các thị trấn là đô thị trung tâm các huyện nằm dọc theo Quốc lộ 21 với khoảng cách khá gần nhau (<10km).
Trong giai đoạn quy hoạch, cần huy động các nguồn lực, khai thác hợp lý và có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên của khu vực, kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái và tạo nguyên liệu cho phát triển công nghiệp. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhằm thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp, du lịch; đẩy mạnh giải quyết việc làm, từng bước nâng cao dân trí, chất lượng đời sống dân cư hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Hành lang cao tốc Ninh Bình - Thái Bình - Quảng Ninh: Đi qua các huyện và thị trấn như: Kiến Xương (Thái Bình) - thị trấn Cổ Lễ - thị trấn Liễu Đề - Kim Sơn (Ninh Bình) tổng chiều dài khoảng 50km, là trục trung tâm, giúp kết nối thuận lợi với các tỉnh, thành phố trong khu vực duyên hải Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Hành lang này đi qua các thị trấn đang phát triển của tỉnh như thị trấn Cổ Lễ, thị trấn Liễu Đề, cũng là hành lang có vị trí quan trọng, có ảnh hưởng và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nên được xác định là hành lang phát triển động lực thứ cấp ở giai đoạn đến năm 2030 và chủ đạo đến năm 2050. Đây là hành lang có vị trí quan trọng, khu vực có quỹ đất rộng rãi, có ảnh hưởng và đóng góp lớn về kinh tế, du lịch, dịch vụ và sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Tại đây tỉnh định hướng huy động các nguồn lực, khai thác hợp lý và có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên của khu vực, kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái và tạo nguyên liệu cho phát triển công nghiệp; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhằm thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp, du lịch; đẩy mạnh giải quyết việc làm, từng bước nâng cao dân trí, chất lượng đời sống dân cư hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Để bảo đảm sự thống nhất giữa các huyện, thành phố trên phạm vi toàn tỉnh Nam Định, từ đó đồng thuận cùng thu hút, đầu tư các dự án, điều phối phát triển các lĩnh vực kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và các chương trình thúc đẩy phát triển tổng thể kinh tế - xã hội, tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực, tỉnh Nam Định cũng chủ động xác định phương thức phối hợp tổ chức phát triển không gian liên vùng.
Theo đó, UBND tỉnh Nam Định tổ chức sắp xếp không gian liên huyện, bố trí các công trình, dự án, hạ tầng kỹ thuật, khu dân cư, đảm bảo kết nối các vùng huyện thông suốt, phù hợp với định hướng quy hoạch chung của tỉnh và hướng phát triển trọng tâm của vùng huyện; nghiên cứu ban hành quy chế phối hợp quản lý các dự án thực hiện trong phạm vi không gian liên huyện, đảm bảo quản lý hiệu quả giữa các huyện.
Mạng lưới đường bộ của tỉnh đã được hình thành theo dạng đường xuyên tâm có đường vành đai. Các trục Quốc lộ (QL) 10, 21, 21B và 38B đều đi qua trung tâm thành phố Nam Định; các đường tỉnh hầu hết cũng đều có hướng từ trung tâm thành phố toả ra các huyện, thị; các trục liên vùng, nội tỉnh, đường giao thông nông thôn kết nối với các huyện, xã, thôn và có tỷ lệ rải mặt nhựa cao.
Nam Định đặt mục tiêu 100% các tuyến đường huyện, tối thiểu 85% đường xã và 80-95% đường thôn, xóm được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa; các tuyến đường huyện, đường xã đạt được đưa vào cấp theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Hoàn thành cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đạt cấp tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt quốc gia và khu vực, dành quỹ đất phát triển xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường sắt Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh và một ga mới tại Trình Xuyên (Vụ Bản).
Trong số 9 hành lang vận tải thuỷ của cả nước, tỉnh Nam Định nằm trong hành lang vận tải thuỷ Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình, điều này mang lại nhiều thuận lợi trong vận tải biển và đường thủy.
Nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, cách Thủ đô Hà Nội 90 km về phía tây, Nam Định có bờ biển dài 72 km và hệ thống sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ chảy qua, rất thuận lợi trong phát triển vận tải đường biển và đường thủy nội địa.
Để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh đã nỗ lực huy động nguồn lực đầu tư cải thiện, nâng cấp hạ tầng đường thủy theo hướng đồng bộ, tận dụng, khai thác những lợi thế của vận tải biển.
Theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong số 9 hành lang vận tải thuỷ của cả nước, tỉnh Nam Định nằm trong hành lang vận tải thuỷ Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình với khối lượng vận tải khoảng 27,8 - 30,1 triệu tấn.
Về các tuyến vận tải thuỷ chính, Nam Định còn có lợi thế nằm trong tuyến hành lang đường thủy số 3 Hà Nội - Lạch Giang với tổng chiều dài 196 km; trong đó tuyến từ cửa Lạch Giang đến kênh nối Đáy - Ninh Cơ dài 19 km được quy hoạch cấp đặc biệt, tuyến từ kênh nối Đáy - Ninh Cơ đến Cảng Hà Nội dài 177 km được quy hoạch cấp I.
Từ năm 2014, Bộ GTVT đã đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) để thi công Cụm công trình luồng qua cửa sông Ninh Cơ (cửa Lạch Giang) và các công trình bảo vệ thuộc Dự án Phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc Bộ (dự án WB6).
Sau khi tuyến luồng hoàn thành, đưa vào khai thác tháng 7/2016, đã chấm dứt được tình trạng diễn biến phức tạp của cửa sông này như thường xuyên thay đổi, bồi đắp luồng tàu qua cửa sông, qua đó tạo thuận lợi cho các tàu có trọng tải 3.000DWT ra, vào bến cảng biển và các cảng, bến thuỷ nội địa trong tỉnh cùng các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Ngoài ra, công trình trên cũng góp phần phát triển hoạt động hàng hải tại khu vực và là cửa ngõ giao thông quan trọng, giúp các tàu sông pha biển (tàu SB) có thể vào sâu trong đất liền, giảm gánh nặng cho đường bộ, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển bền vững khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng. Thống kê của Cục Hàng hải cho thấy, công trình luồng qua cửa Lạch Giang - sông Ninh Cơ sau hoàn thành đưa vào sử dụng, lượt tàu ra, vào cảng biển Nam Định tăng trưởng mạnh.
Cùng với đó, để tiếp nối và phát huy tối đa hiệu quả dự án WB6 đầu tư hạ tầng đường thủy, kết nối vận tải thủy nội địa thuộc 14 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Bắc Bộ với vận tải ven biển, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, giảm gánh nặng cho đường bộ, cuối năm 2020, Bộ GTVT đã khởi công xây dựng Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ thuộc địa phận các xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng).
Với tổng mức đầu tư 107,19 triệu USD, đây là âu thuyền lớn nhất được xây dựng tại Việt Nam hiện nay. Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ với 3 hạng mục gồm kênh nối giữa sông Đáy và sông Ninh Cơ tại vị trí khoảng cách giữa hai sông ngắn nhất, chỉ khoảng 1 km, thuộc địa bàn xã Nghĩa Sơn và xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng).
Âu tàu Nghĩa Hưng dài 179 m được đầu tư 12 cụm neo âu tàu cố định, 2 khu chờ tàu được thiết kế để tàu chở hàng trọng tải đến 3.000 tấn lưu thông từ biển, qua cửa Lạch Giang vào sông Ninh Cơ, sang sông Đáy và ngược lại một cách thuận tiện, không phụ thuộc vào dòng nước. Từ đó, các tàu sẽ đi sâu vào Cảng thuỷ Ninh Phúc (Ninh Bình) - cảng đường thủy lớn nhất ở miền Bắc và là một trong những cửa khẩu quốc tế đường biển; giúp rút ngắn 20% thời gian hành trình phương tiện thủy từ các tỉnh ven biển đến Cảng thủy Ninh Phúc và ngược lại, góp phần cải thiện chi phí vận tải thủy.
Trong bối cảnh tỉnh Nam Định đang đón làn sóng đầu tư mới với hàng loạt doanh nghiệp, dự án lớn, dự báo sản lượng hàng hoá vận chuyển trong giai đoạn ngắn hạn sắp tới sẽ tăng nhanh, đây là cơ hội phát triển dịch vụ vận tải, nhất là vận tải biển.
Tỉnh dự báo nhu cầu vận tải hàng hóa theo phương thức vận tải đường biển đến năm 2030 ước đạt 16 triệu tấn/năm; tầm nhìn đến 2050 khối lượng hàng hóa thông qua cảng, bến thủy nội địa ước đạt 140 triệu tấn/năm. Dự báo, phát triển phương tiện giao thông đường thủy nội địa tăng khoảng 9 - 12% mỗi năm.
Vì vậy, để phục vụ nhu cầu xuất khẩu các mặt hàng sản xuất trên địa bàn tỉnh; đồng thời thu hút các luồng hàng hóa thông qua Nam Định và ngược lại thời gian gần đây, tỉnh ngày càng hoàn thiện hơn công tác quy hoạch và đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ, thúc đẩy hoạt động vận tải biển phát triển.
Hiện tỉnh Nam Định đã được Bộ GTVT chấp thuận bổ sung quy hoạch 1 bến cảng hàng lỏng phục vụ dự án đầu tư kho xăng dầu quy mô 79.000 m3 tại thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) vào Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 1 theo Văn bản số 1635/BGTVT-KHĐT ngày 21/2/2023, do Tập đoàn Trường An làm chủ đầu tư.
Mới đây, tỉnh cũng đã đề nghị Bộ GTVT bổ sung bến cảng chuyên dùng Xuân Thiện vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đề xuất, quy mô cảng đến năm 2030, đáp ứng lượng hàng thông qua từ 42,6 đến 48,1 triệu tấn. Địa điểm xây dựng cảng tại khu vực bờ biển huyện Nghĩa Hưng, có vị trí không gian từ cửa Lạch Giang đến cửa Đáy thuộc vùng nước cảng biển Nam Định.
Giai đoạn sau năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, tỉnh dự kiến tiếp tục hiện đại hóa các cảng chính hiện có, cảng đầu mối, cảng chuyên dùng, nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa bốc xếp đối với các cảng.
Không chỉ đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng hệ thống bến cảng, thiết bị xếp dỡ quy mô để tiếp nhận tàu biển có trọng tải lớn ra, vào cảng biển, tỉnh cũng đã quy hoạch đồng bộ vùng kinh tế biển, ven biển; đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vùng biển và logistics; đồng thời, chú trọng phát triển kinh tế biển theo đặc thù của tỉnh dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ mới, công nghệ sáng tạo để nâng cao giá trị kinh tế, gia tăng sản lượng, nguồn hàng hoá xuất nhập khẩu thông qua cảng biển...
Với những chuyển động tích cực kể trên, dịch vụ vận tải biển của tỉnh Nam Định đang đứng trước cơ hội phát triển lớn mạnh, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng kinh tế biển.
Ngoài 2 dự án trọng điểm trên, về lộ trình dài hơi, giai đoạn đến năm 2030, tỉnh Nam Định tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển đồng bộ bến cảng và luồng vào cảng, tiếp nhận tàu trọng tải lớn, các tàu container thế hệ mới, xây dựng các cảng chuyên dùng, các cảng hành khách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, dự kiến xây dựng cảng tổng hợp mới ở khu vực Hải Thịnh, Nghĩa Hưng, phục vụ Khu kinh tế Ninh Cơ.
Tỉnh tiếp tục khai thác có hiệu quả Cảng biển Hải Thịnh, đây là cảng biển đã hình thành tại cửa sông Ninh Cơ với 2 cầu tàu dài 200 m, 1 nhà kho kín 900 m2 và bãi xếp dỡ 5,5 ha đảm bảo cho tàu 400 - 2.000 tấn cập bến xếp dỡ hàng hóa; năng lực thông qua cảng 3 triệu tấn/năm. Theo lộ trình phát triển, tỉnh sẽ nâng cấp khu bến Hải Thịnh (bao gồm các bến cảng Hải Thịnh, Thịnh Long) thành cảng biển thương mại tổng hợp địa phương (loại II) khai thác với cỡ tàu từ 1.000 - 3.000 tấn với năng lực hàng hóa thông qua dự kiến vào năm 2030 đạt khoảng 6,25 triệu tấn/năm.
Đầu tư bến cảng chuyên dụng cho Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 bảo đảm cho tàu từ 1.000 đến 2.000 tấn cập bến xếp dỡ hàng hóa, năng lực thông qua (chủ yếu là hàng than) đến 2030, đạt 5,0 triệu tấn/năm.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc, thời gian qua, tỉnh Nam Định đã xây dựng, thực hiện các giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế biển. Đến nay, kinh tế biển, các vùng ven biển đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội với mức đóng góp hàng năm trên 25% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Thực tiễn đã được cuộc sống đúc kết "lộ thông, tài thông". Phát triển hệ thống giao thông không chỉ là chủ trương đúng đắn, kịp thời mà còn tạo luồng gió mới, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí giao thông hiện đại, là giải pháp hiệu quả để tỉnh Nam Định phát triển theo hướng hiện đại, thuận lợi, an toàn; tạo sự kết nối vùng, liên vùng nhanh và bền vững, đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân; đồng thời tạo tiền đề tăng trưởng kinh tế, thu hút các nhà đầu tư.
Việc Nam Định quyết tâm dồn lực thúc đẩy hạ tầng giao thông "đi trước mở đường" đang được giới chuyên gia kinh tế đánh giá là giải pháp đúng. Đây là "bàn đạp" để để tiến tới đạt được mục tiêu “phát triển Nam Định trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030”.