Nền kinh tế toàn cầu dần quay trở lại quỹ đạo. Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tốt hơn trong năm Giáp Thìn 2024 và có thể tích cực trong cả thập kỷ tới.
Trong những ngày cuối cùng của năm Quý Mão, ông Vicente Nguyen, Giám đốc đầu tư (CIO) Quỹ đầu tư AFC Vietnam Fund chia sẻ với PV. VietNamNet về triển vọng kinh tế trong năm Giáp Thìn 2024, những điểm sáng và các khó khăn vướng mắc.
"Thỏi nam châm hút FDI"
- Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nền kinh tế Việt Nam đã có một năm Quý Mão 2023 hồi phục ấn tượng với đa số chỉ số vĩ mô được giữ ổn định. Tăng trưởng kinh tế đạt hơn 5%, tăng trưởng tín dụng bật tăng vào cuối năm. Ông đánh giá như thế nào về kinh tế Việt Nam và nỗ lực của Chính phủ trong năm qua?
Ông Vicente Nguyen: Năm 2023, Chính phủ đã có những nỗ lực lớn để khôi phục nền kinh tế, trong đó có thể kể đến việc ổn định thị trường tài chính ngân hàng, kéo lãi suất cho vay xuống thấp, cắt giảm các loại thuế, phí và đẩy mạnh đầu tư công.
Việc gia tăng xây dựng cao tốc và Sân bay Long Thành có những kết quả nhất định. Nhờ đó, kinh tế tăng trở lại những quý cuối năm 2023. Đó là một nỗ lực rất đáng chú ý.
- Trong năm Quý Mão, Việt Nam có rất nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng. Quan hệ với Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Úc, Ấn Độ,… đều được cải thiện, thậm chí lên tầm cao mới. Điều này, theo ông, sẽ có đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam như thế nào?
Trong bối cảnh có rất nhiều bất ổn chính trị trên bình diện toàn cầu như xung đột Nga - Ukraine hay tình hình biến động ở Trung Đông, việc Việt Nam giao kết được nhiều mối quan hệ, nâng cấp nhiều mối quan hệ chiến lược là một thành công rực rỡ và to lớn.
Điều này sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều nguồn đầu tư từ nước ngoài và giới thiệu sản phẩm của Việt Nam ra nhiều nước trên thế giới, giúp xuất khẩu tăng tốt, qua đó thúc đẩy kinh tế vững mạnh và tăng trưởng.
- Việt Nam gần đây được coi là điểm đến cho dòng vốn đầu tư FDI và được cho là sẽ tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ đứng thứ 2 tại Đông Nam Á và hàng đầu ở khu vực châu Á như các đánh giá của WB, HSBC,... Ông có đánh giá như thế nào về các dự báo, nhận định nói trên? Liệu đây có phải là cơ hội cho Việt Nam bứt phá trong năm Giáp Thìn và cả thập kỷ tiếp theo không?
Chúng ta đang tận dụng tốt những thời cơ và cơ hội bên cạnh những thách thức lớn. Rất nhiều nước lớn như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ hay các liên minh kinh tế lớn đều quan tâm đến Việt Nam. Điều này giúp Việt Nam trở thành thỏi nam châm hút FDI mạnh mẽ.
Việc trở thành quốc gia đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 2024 là hoàn toàn khả thi, thậm chí trong 1-2 thập kỷ tiếp theo. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải củng cố những vấn đề lớn để có thể giữ được đà tăng trưởng mạnh mẽ như dân số, thủ tục hành chính, hành lang pháp lý,…
- Với độ mở kinh tế rất cao, gồm hàng loạt hiệp định thương mại đa phương và song phương, ông đánh giá như thế nào về ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam trong năm mới 2024?
Trong năm 2023, nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao ở các thị trường lớn như Mỹ và EU. Các quốc gia này đã đẩy lãi suất lên mức rất cao trong nhiều thập kỷ. Ví dụ, Mỹ đã đưa lãi suất lên cao nhất trong vòng 40 năm. Điều này làm mức tiêu thụ hàng hóa giảm đi một cách đáng kể. Chính vì vậy, xuất khẩu của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Trong hơn 14 năm qua, đây là lần đầu tiên chúng ta có mốc tăng trưởng xuất khẩu âm.
Tuy nhiên, năm 2024, tình hình chuyển biến tích cực, từ 4 tháng cuối năm 2023 đã ghi nhận mức tăng trưởng dương trở lại. Tiêu dùng tại các nước lớn dần khôi phục, khả năng Mỹ hạ lãi suất trong 2024 dần tăng. Điều này sẽ kích thích tiêu dùng và giúp Việt Nam có đà tăng trưởng trở lại của xuất khẩu.
Tôi tin rằng, xuất khẩu sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2024.
VND ngày càng mạnh lên
- Tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 13,71% trong năm 2023 nhờ cú bứt phá trong tháng cuối cùng, từ mức tăng hơn 9% vào cuối tháng 11. Sự gia tăng mạnh mẽ trở lại của tín dụng vào thời điểm cuối năm, theo ông, có hứa hẹn tín hiệu tích cực?
Tôi chắc chắn một điều, kinh tế 2024 sẽ tốt hơn. Tình hình kinh tế, tài chính cũng sẽ dần tốt hơn bởi những biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ và kinh tế toàn cầu dần quay lại quỹ đạo. Tuy nhiên, việc tăng tốc giải ngân vào tháng cuối cùng trong năm 2023 cho thấy nhiều điều đáng quan tâm.
Ông có thể phân tích rõ hơn về điều này?
Lãi suất đã chạm đáy, đó là suy nghĩ của bản thân tôi. Lãi suất huy động xuống cực thấp. Vấn đề bây giờ không phải là kéo lãi suất huy động xuống thấp nữa mà là lãi suất cho vay và làm sao tăng tốc giải ngân cho vay vào lĩnh vực chính như đầu tư, xuất khẩu và sản xuất kinh doanh.
Đến tháng 11/2023, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 9%, cho thấy doanh nghiệp lo ngại đầu tư và người dân ngại vay tiêu dùng. Cái chúng ta cần làm là củng cố niềm tin đầu tư và tiêu dùng, từ đó tín dụng mới tăng trở lại. Nếu như không thể kích thích trở lại, dù lãi suất có giảm nhiều thì tín dụng cũng sẽ khá chậm chạp. Nhưng dù gì đi nữa, lãi suất giảm cũng giúp rất nhiều cho người dân và doanh nghiệp.
- Đồng tiền của Việt Nam (VND) nằm trong số đồng tiền ổn định nhất thế giới. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự báo đồng VND sẽ ổn định trong năm 2024. Ông đánh giá như thế nào về dự báo của NHNN?
Tôi tin rằng, VND sẽ tiếp tục ổn định trong 2024, thậm chí là 2025 và 10 năm tiếp theo. Bởi, chúng ta đang tăng trưởng mạnh, thu hút vốn FDI tốt. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đồng VND ngày càng mạnh lên là điều dễ hiểu.
- Đầu tư tư nhân trong năm 2023 chỉ tăng 2,7%, thấp nhất trong 10 năm, thấp hơn mức 3,1% trong giai đoạn Covid-19. Theo ông, hiện tượng này là do đâu và làm như thế nào để cải thiện đầu tư của khu vực này, tránh những ảnh hưởng xấu tới triển vọng của nền kinh tế?
Do những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, tiêu dùng, xuất khẩu công ăn việc làm giảm, dẫn tới niềm tin giảm sút. Ngoài ra, nhiều chính sách điều hành kinh tế của chúng ta cũng chưa được xuyên suốt, dẫn tới nhiều rủi ro trong kinh doanh.
Bởi vậy, cái chúng ta cần là phải thông suốt các chính sách, giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn và phát triển, đầu tư tư nhân mới tăng trở lại. Còn không, đó thật sự là một mối lo lâu dài.
Đẩy nhanh đầu tư công
- Gần đây, nhiều dự án giao thông lớn được thúc đẩy rất mạnh và nhiều dự án có kế hoạch được triển khai sớm như dự án Sân bay Long Thành, hệ thống các đường cao tốc, các tuyến metro, đường vành đai tại Hà Nội và TP.HCM. Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực nói trên, khả năng thực thi cũng như tác động của đầu tư công tới kinh tế?
Đầu tư công chiếm khoảng 5% GDP, nếu đầu tư công tăng 20% sẽ đóng góp vào GDP khoảng 1%. Chúng ta cần tích cực giải ngân, thúc đẩy đầu tư công để kích thích lại sự tăng trưởng của nền kinh tế, đặc biệt chú trọng các dự án hạ tầng như cầu đường, sân bay hay năng lượng.
Những dự án này không những kích thích kinh tế trong ngắn hạn mà còn đem lại động lực tăng trưởng trong dài hạn. Do đó, chúng ta cần khẩn trương, tích cực đẩy nhanh đầu tư công.
- Gần đây, các nước trên thế giới có xu hướng dồn lực cho công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như các chương trình chuyển đổi số. Đây là tiền đề để đưa các doanh nghiệp trong nước trở thành các công ty toàn cầu. Ông đánh giá như thế nào về xu hướng này tại Việt Nam và khả năng hội nhập công nghệ của doanh nghiệp cũng như những người lao động Việt Nam?
Việt Nam có nền nhân lực công nghệ cao khá tốt nhưng lại chưa được đầu tư bài bản. Ngoài FPT, hiện gần như chỉ có vài doanh nghiệp chú trọng lĩnh vực này. Chúng ta cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh vào AI để tránh bị tụt lại phía sau.
Thúc đẩy chuyển giao công nghệ cũng là cách mà chúng ta cố gắng thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển. Nếu không đầu tư mạnh mẽ, chúng ta dường như sẽ bị tụt hậu và không có khả năng hội nhập.
- Trong năm qua, lĩnh vực nông nghiệp có những thành tích nổi bật, mang về rất nhiều tiền từ xuất khẩu và là trụ đỡ cho nền kinh tế, giúp Việt Nam kiểm soát lạm phát. Ông đánh giá như thế nào về khả năng sản xuất nông nghiệp lớn, nông nghiệp xanh tại Việt Nam trong thời gian tới, nhất là khi Luật Đất đai có hiệu lực vào đầu năm tới và ứng dụng công nghệ ngày càng nhiều?
Kinh tế phát triển, doanh nghiệp ngày một lớn dần lên, tích lũy tư bản tốt hơn, ngân sách nhiều hơn. Điều này giúp các doanh nghiệp có khả năng triển khai nhiều dự án nông nghiệp trên quy mô lớn, với những công nghệ hiện đại. So với 10-20 năm trước, chúng ta đang phát triển cực kỳ nhanh trong lĩnh vực này.
Tôi tin rằng, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn sẽ ngày càng phát triển, đặc biệt là nông nghiệp xanh. Nhu cầu của người dân ngày càng gia tăng khi thu nhập và tiêu chuẩn sống tăng dần.
Hơn nữa, những chính sách mới như Luật Đất đai cũng sẽ giúp lĩnh vực nông nghiệp có nhiều điều kiện pháp lý hơn để triển khai các dự án lớn. Hy vọng điều đó sẽ sớm xảy ra.
- Trong những ngày đầu năm mới, tại kỳ họp bất thường hôm 18/1, Quốc hội đã thông qua 2 bộ luật quan trọng: Luật đất đai (sửa đổi) và Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Theo ông, các luật này liệu sẽ có tác động như thế nào tới 2 lĩnh vực này nói riêng và nền kinh tế nói chung?
Hai điều luật có nhiều điểm mới, có cái nới lỏng, siết chặt. Tại thời điểm hiện tại còn nhiều vấn đề chưa rõ trong luật, cá nhân tôi nghĩ rằng cần chờ những văn bản dưới luật như nghị định hay thông tư, lúc đó mới dễ dàng đánh giá hơn.
Xin cảm ơn ông!
Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp đà phục hồi, tăng trưởng tốtViệt Nam đang chứng kiến triển vọng tăng trưởng kinh tế tốt hơn trong thời gian tới. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vẫn được kỳ vọng tích cực. Tuy nhiên, rủi ro vẫn cần được quan sát chặt chẽ.