Nói về cuộc hôn nhân 22 năm với người chồng Đức, bà Liên hay hài hước miêu tả mối tình của ông bà là “nàng bán than lấy ông chủ lò vôi” để nói về sự khác biệt của hai người. Ông da trắng, mắt xanh. Bà da vàng, ngăm đen.
Miêu tả về mình, bà hay tự giễu bản thân “môi dày, miệng rộng, chiều cao 3 mét bẻ đôi”. Bà bảo, để cuộc hôn nhân 22 năm với ông Anton Ernst - chồng bà đi được đến ngày hôm nay, có lẽ không phải nhờ nhan sắc – thứ mà bà không có nhiều. Cái khiến bà được ông nể trọng và tin yêu nhất lại chính là những phẩm chất phụ nữ “rất Việt Nam”.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có gốc gác nhà Nho, bà Trần Thị Kim Liên (SN 1955) được nuôi dạy để trở thành người con gái hội tụ đầy đủ các phẩm chất của phụ nữ Việt truyền thống.
Tự nhận mình không phải người có nhan sắc nhưng “có duyên”, thời trẻ, bà cũng từng yêu và được nhiều người theo đuổi.
Nhưng oái oăm, bệnh tật lấy đi của bà thiên chức được làm mẹ. Ở tuổi ngoài 40, bà vẫn một mình lẻ bóng. Bà hiểu thành kiến với người phụ nữ không sinh được con ở xã hội Việt Nam vào những năm 1970 lớn như thế nào. Bà không trách ai, cũng chẳng chìm trong bi lụy, than thân trách phận.
Khao khát có một tổ ấm, bà tự tìm cho mình một lối đi riêng.
Từ Hà Nội, bà sang Đức và xin vào làm cho một nhà hàng Trung Quốc. Có thời gian, bà còn xin đi bế em bé cho các gia đình để có tiền sinh hoạt. Biết bà muốn lập gia đình, bạn bè mai mối cho bà một vài người đàn ông Đức.
Trong số những người đàn ông đến tìm hiểu, bà thấy ông Anton Ernst đặc biệt hơn cả, bởi sự điềm đạm và luôn thường trực nụ cười trên môi. “Mặc dù da trắng, mắt xanh nhưng ông ấy không khiến tôi cảm thấy mình đang nói chuyện với một người nước ngoài”.
Lần hẹn gặp thứ hai, ông mở một cuốn băng ghi lại những khung cảnh quen thuộc – đường phố, hàng quán, con người Việt Nam cho bà xem. “Với tôi, đó là một cách tỏ tình ấn tượng” – bà nói.
Đến một ngày, ông quyết định đưa bà về ra mắt gia đình. Bà bị bố chồng tương lai phản đối. Cụ ra điều kiện phải sống thử một thời gian rồi mới quyết định cho đi đến hôn nhân hay không.
Buổi sáng ngày đầu tiên về sống với ông Anton Ernst, bà dậy sớm, thay ông chuẩn bị bữa trưa để mang đi làm – một việc mà ông đã tự làm hàng chục năm nay. Bà hiểu, chỉ một cử chỉ nhỏ ấy nhưng ông cảm nhận được tấm chân tình của bà.
Khi ông rủ bà sang thăm bố, như phép lịch sự của bất kỳ người Việt nào, bà ngỏ ý sẽ nấu ăn mang sang, coi như một món quà. Bà không quên dặn ông rằng bà sẽ nấu thêm một suất cho cô em gái ông sống gần đó.
Những cử chỉ ấy, ông đều quan sát, lắng nghe và kể lại hết cho bố. Bố chồng bà vốn đang thăm dò con dâu tương lai, nghe thấy vậy thì vô cùng hạnh phúc. Cụ nghĩ rằng sẽ là may mắn cho con trai mình nếu lấy được một người phụ nữ chu đáo như bà về làm vợ.
Đến một ngày, chính cụ là người giục con trai chuẩn bị giấy tờ cưới gấp, “kẻo nó bỏ đi đấy” – ông Anton Ernst kể lại với bà sau này.
46 tuổi, lần đầu tiên bà làm vợ. 48 tuổi, ông cũng mới bắt đầu làm chồng. Từ khi bà về, hàng xóm của ông nhận xét: “Từ khi có cô vợ người châu Á, căn nhà ấy mới thấy có khói bếp và mùi thơm”. Bà coi như đó là một lời khen cho nỗ lực “thắp lửa” tổ ấm của mình.
Khát khao cuộc sống gia đình từ lâu, lúc này bà vận dụng hết những gì đã được mẹ dạy ngày xưa để vun vén, chăm sóc cho gia đình nhỏ của mình. Từ khi có bà, những bữa tiệc đãi khách của ông, bà không cho ra nhà hàng. Bà bảo ông mời khách về nhà để ăn những món bà nấu, nếm thử những thực phẩm bà tự trồng. Có những bữa tiệc lên đến 120 khách, vẫn một mình bà đảm đương.
Khu vườn rộng lớn thường được bà sử dụng để tổ chức tiệc nướng, những bữa ăn ngoài trời với bạn bè, hàng xóm. Người phụ nữ Hà Nội chưa từng biết đến đồng áng, vườn tược lại bắt đầu trồng rau, trồng hoa.
Bà bảo, “hồi còn ở Hà Nội, tôi chẳng biết rau cỏ là gì ngoài mấy viên gạch mọc rêu ngoài vỉa hè”. Bà tự đọc hướng dẫn, tìm Google dịch, vừa mày mò vừa thực hành, sai thì sửa.
Suốt mấy chục năm nay, vườn nhà bà không thiếu những sản vật đậm chất Việt - từ mùi tàu, rau húng cho đến tía tô, kinh giới… Vườn hoa của bà cũng có đủ các loài hoa đặc trưng cho Tết Việt: thủy tiên, lay-ơn, thược dược, mai, đào…, thậm chí còn nhiều màu sắc và rực rỡ hơn cả ở Việt Nam.
Hàng xóm, bạn bè của ông, ai cũng nể phục bà. Họ trầm trồ trước những quả bầu dài, trước giàn su su sai trĩu quả, những miếng đậu phụ Việt Nam được bà làm từ trái đậu trồng trong vườn…
Mỗi mùa thu hoạch rau củ, ông bà đều mời hàng xóm sang ăn. Bà làm nem, nướng thịt, trộn salad, nấu soup… Bà mời cả những người bạn Việt Nam về nhà mình để mọi người được trải nghiệm cuộc sống với cộng đồng người bản địa, để được thấy một Hà Nội, một Việt Nam trong lòng nước Đức.
Bà bảo, thực ra cách bà ứng xử với mọi người bị ảnh hưởng nhiều bởi mẹ bà khi xưa. “Đó là đức tính ‘nhịn miệng đãi khách’. Khi nhà có khách, mẹ con phải lui xuống dưới, nhường mâm cao cỗ đầy cho bố tiếp khách. Ở bên này, chúng tôi không thiếu thốn nhưng tôi vẫn mang đúng đức tính ấy của mẹ vào trong lối sống của gia đình mình”.
Rộng rãi và hào phóng với bạn bè, láng giềng là thế nhưng cái gì cần tiết kiệm, bà vẫn luôn tiết kiệm hết mức. Nói về sự cần kiệm, bà lại thực tế đúng như một người Đức “chính hiệu”.
“Nếu người ta ra siêu thị mua mớ rau đã nhặt sạch sẽ, chỉ việc cho vào nồi thì tôi mua mớ rau còn nguyên rễ, giá rẻ hơn một nửa. Sau đó, rễ, cành lá bỏ đi tôi đem ủ phân để trồng rau. Hộp sữa chua cần rửa, tôi dùng nước tráng hộp đổ vào gốc hồng vì nó chống được nấm… Bạn bè tôi đến chơi, vẫn hay đùa ‘bà không bỏ đi thứ gì à?’”.
Bà Liên kể, sau lần đầu tiên về quê vợ, từ đó đến nay, nếu đi nước ngoài, ông chỉ chọn về Việt Nam, không đi đâu khác. Những năm gần đây, khi đã rảnh rang hưu trí, cứ khoảng 15 tháng ông bà lại về Việt Nam một lần, đưa nhau đi khắp các tỉnh thành tham quan, trải nghiệm.
Bà bảo, bây giờ, ông yêu Việt Nam không kém gì bà.
Lần đầu theo vợ về nước, ông thấy gia đình, bạn bè bà đi 4 chiếc ô tô ra đón ở sân bay. Ông ngạc nhiên và hài hước hỏi: “Bà làm chức gì ở Việt Nam mà nhiều người ra đón thế?”.
Bà nhớ mãi một câu chuyện vui trong chuyến đi ấy. “Trên đường từ sân bay về nhà, tôi bảo lái xe đi chậm lại để ông ấy ngắm nhìn đường phố Hà Nội. Khi đi đến Ô Chợ Dừa, ông ấy thấy một hàng thịt chó, đang treo ngược mấy con chó thui lên. Ông ấy hốt hoảng gọi tôi, nói bằng tiếng Đức: ‘Chó! Chó!’.
Tôi hơi chột dạ. Vì con chó ở bên đấy được coi như bạn của con người. Tôi bảo lái xe đi nhanh lên và quay sang bảo ông: ‘Người ta treo đồ chơi gỗ lên để bán đấy’. Nhưng khổ nỗi, hôm sau đi qua, ông ấy thấy con chó đã bị xẻo mất cái đầu. Ông lại bảo: ‘Ôi, sao cái đầu nó lại mất rồi, tôi nhìn nó đúng là con chó thật!’.
Tôi vội chữa cháy: ‘Sáng người ta bán con đấy rồi, giờ lại lắp vào bán tiếp chứ sao!’”.
Bà cười sảng khoái khi nhắc lại câu chuyện. “Ông ấy biết chắc là tôi nói dối nhưng từ đấy không bao giờ ông hỏi lại chuyện con chó nữa”.
Đó cũng là một đức tính ở ông mà bà rất nể trọng. Khi quay lại Đức, ông kể rất nhiều về Việt Nam cho bạn bè, đồng nghiệp, những người trong các tổ chức mà ông tham gia. Nhưng tất cả đều là khen ngợi hoặc những câu chuyện thú vị ở Việt Nam.
“Ví dụ như chuyện tại sao dưới gốc cây lại có nguyên một cái salon tóc”.
Về Việt Nam, ông được em rể đưa đi cắt tóc vỉa hè. Ông tỏ ra ngạc nhiên vô cùng khi thấy trong chiếc hộp gỗ là một bộ dụng cụ chuyên nghiệp. Giống như bất kỳ người Việt Nam nào, ông ngồi dưới gốc cây, trời mưa lất phất, trên đầu được che một tấm nylon và trải nghiệm cắt tóc với giá chỉ 2 Euro – quá rẻ so với ở Đức.
“Lúc về, ông kể cho tôi nghe. Tôi bảo sao không boa cho người cắt tóc, ông bảo vì em rể trả tiền nên ông không biết. Thế mà trước khi về Đức, ông vẫn đưa cho cậu em rể 50 nghìn đồng, bảo đưa giúp cho ông cắt tóc. Và từ đấy trở đi, cứ về Việt Nam là ông ấy lại ra salon tóc ở gốc cây”.
Về Việt Nam, ông được gia đình vợ tiếp đón nồng hậu mỗi ngày như một vị khách quý. Khi về Đức, ông tâm sự với bà rằng: “Lúc tôi nằm ngủ, mẹ là người đắp chăn cho tôi”. Ông yêu quý cả những người em của bà, những người cả ngày tất bật bán buôn nhưng trước khi đi làm, vẫn kịp dặn ông chỗ này để bia, chỗ kia để rượu, mỗi chiều về lại hỏi: “Bác muốn ăn gì để em nấu?”...
“Ông ấy hiểu hết tấm lòng của mọi người dành cho mình và yêu Việt Nam từ những điều nhỏ bé ấy” – bà nói.
Những ngày đầu tiên bước vào cuộc sống hôn nhân, ông mang về cho 3 bà thứ.
“Ông ấy cài cho tôi kênh VTV4 dành cho người Việt xa xứ. Tôi cũng không hiểu ông ấy tìm hiểu từ bao giờ. Sau đó, ông mang về cho tôi một con dao chặt. Ông bảo, xem video về Việt Nam thấy người ta dùng con dao chặt xương, chặt gà. Ông ấy nghĩ là tôi sẽ cần đến nó. Sau đó, ông mua về cho tôi một chiếc máy may. Ông bảo người phụ nữ nào cũng cần một chiếc máy may” – bà nhớ lại.
Lần đầu tiên dẫn bà đi chợ, ngoài hàng rau, hàng thịt thông thường, ông đưa bà vào một cửa hàng có bán băng vệ sinh phụ nữ. “Với tôi, đó là hành động lãng mạn và tinh tế nhất”.
Bà cũng nhớ kỷ niệm lần đầu tiên bà làm giỗ bố ở Đức. Trước ngày giỗ, bà bảo muốn mua một loài hoa mà bố bà rất thích khi còn sống, đó là hoa lay-ơn. Bà không biết tiếng Đức tên của nó là gì, nhưng bà đã nhìn thấy nó được bán trên đường.
Nghe bà bày tỏ vậy, ông đưa bà lên xe, đi khắp các nhà vườn lớn nhất ở khu vực để tìm hoa lay-ơn. Và từ đó, cứ mỗi lần đến ngày giỗ bố vợ, ông lại hỏi bà đã mua hoa lay-ơn chưa. “Tấm lòng đó của ông ấy, tôi luôn tạc dạ và không bao giờ quên”.
Khi được hỏi, cuộc hôn nhân 23 năm đến giờ có còn lãng mạn, người phụ nữ 69 tuổi khẳng định: “Khi tình yêu đã đủ chín thì không còn cần đến những hành động lãng mạn kiểu ấy nữa”.
Lãng mạn với bà đơn giản là khi rán một mẻ nem, bà mang vào tận phòng, đút cho ông một miếng, được ông đón nhận với sự rưng rưng. Lãng mạn là khi ông chưa từng để bà đi đâu một mình, và ở bất kỳ nơi nào ông đến, ông đều muốn vợ mình xuất hiện bên cạnh. Lãng mạn là trong mỗi câu chuyện với mọi người, ông luôn nhắc đến 2 từ “vợ tôi”. Là khi bà đồng ý xem cùng ông một trận bóng đá mà có khi tỉnh dậy, bà phải hỏi ông tỉ số là bao nhiêu…
Cuộc hôn nhân muộn màng của ông bà đi được đến ngày hôm nay, bất chấp những khác biệt, khoảng cách, theo bà, là bởi bà đã chọn không can thiệp quá nhiều vào chuyện của chồng. Người phụ nữ với 23 năm hôn nhân tâm sự: “Hai người muốn yêu nhiều và yêu mãi, phải giữ cho mình những góc riêng”.
“Hôn nhân là thấu hiểu, lắng nghe, là tin cậy và chân thành. Tôi luôn nói với ông ấy rằng ‘tôi và ông đến từ hai nền văn hóa, hai chính thể khác nhau. Cuộc hôn nhân này nếu như có điều gì va vấp, chúng ta cũng đừng nói ra những lời làm đau lòng nhau’.
Chuyện con cái, nhiều người tỏ ra tiếc nuối thay cho ông bà. Bà nói, đúng là “giá như…” thì tốt biết mấy. Nhưng suốt 23 năm hôn nhân, sự thiệt thòi ấy cũng chưa từng ảnh hưởng đến hạnh phúc của họ. Bà bảo, tuổi mình tuy đã già nhưng tuổi hôn nhân vẫn còn quá trẻ. Cuộc sống của ông bà hiện tại luôn ngập tràn tiếng cười, sự an yên và hạnh phúc.
Ngay lần gặp đầu tiên, bà đã nói với ông rằng “ở Việt Nam, tôi chưa từng có con, chưa từng có gia đình”. Ông nhún vai, đáp: “Tôi cũng thế”. Đến buổi gặp thứ 2, bà nói thẳng: “Tôi không có khả năng sinh con vì đã cắt tử cung”.
“Ông ấy bảo, tôi cũng đã ngoài 40 tuổi, chuyện có con không còn là một điều cần thiết” – ông đáp lại nhẹ bẫng như thể chỉ là chuyện “tôi không uống được cà phê”.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thiết kế: Phạm Luyện