Bà Phạm Thị Ngọc Cầm (80 tuổi, giáo viên về hưu) gọi chuyện tình tuổi xế chiều của mình là “chuyện tình con gái định”. Đó là bởi con gái bà là người dùng tài khoản của mẹ để đăng ký kết bạn trên Facebook và cũng là người gửi “lời mời” cho ông Lưu Bách Chế (85 tuổi, cán bộ về hưu). Và con gái ông Chế là người bấm nút “đồng ý".
“Hình như con gái bác ấy còn là người chủ động nhắn tin hỏi xin số điện thoại của mẹ tôi. Còn lại 2 người trò chuyện với nhau sau đó như thế nào, chúng tôi không biết” - chị Vũ Cầm Thi, con gái bà Cầm, chia sẻ.
Kể về lý do quyết định “tìm bạn trai” cho mẹ, chị Thi tâm sự, bố mẹ chị ly hôn cách đây 40 năm, bà ở vậy một mình nuôi 3 người con ăn học. “Ngày ấy đỗ đại học khó lắm, một mình mẹ tôi nuôi dạy được 3 đứa con đỗ đại học là rất vẻ vang. Đến khi chúng tôi đã lấy vợ, lấy chồng hết, mẹ mới bắt đầu đi tìm bạn.
Cũng có 1-2 người qua lại trò chuyện với bà, các bác cũng đều lớn tuổi và là người đàng hoàng nhưng có lẽ chưa có duyên, quan hệ không đi đến đâu. Sau thời gian đó, mẹ buồn, hay dỗi và tủi thân. Con cái chỉ lỡ lời một câu là bà giận rất lâu. Rồi bà có những dấu hiệu của bệnh trầm cảm”.
Chị Thi ngay lập tức tìm đủ mọi cách để vực dậy tinh thần cho mẹ. Chị khuyến khích mẹ đi tập yoga, tập bơi, lập tài khoản Facebook và hướng dẫn bà sử dụng.
Được giao lưu, kết bạn với những người cùng độ tuổi, được rèn luyện sức khoẻ lành mạnh, tinh thần của bà khá lên rất nhiều. “Nhưng tôi cho rằng vẫn phải tìm cách cải thiện hơn nữa đời sống tâm hồn của mẹ, nên tôi đã nghĩ ra việc đi tìm bạn cho bà”.
Sau khi gửi “lời mời kết bạn” giúp mẹ xong, chị bỏ bẵng một thời gian không cập nhật. “Lần đầu bác Chế tới nhà chơi với mẹ, tôi không biết đó là người mà tôi đã gửi lời mời kết bạn. Vì thi thoảng mẹ cũng hay dẫn bạn ở chỗ này, chỗ kia về. Mãi về sau, chúng tôi mới biết bác Chế chính là người tôi đã ‘chọn’ cho mẹ”.
Chị Thi chia sẻ, từ khi chị hướng dẫn cho mẹ cách sử dụng Facebook, bà tương tác khá tích cực trên mạng xã hội và trở nên khá nổi trong cộng đồng. “Bà biết làm thơ, lại tập yoga, bơi lội giỏi. Vì thế, bà được rất nhiều người ngưỡng mộ”.
Đôi khi, bà cũng mời vài người bạn quen trên Facebook về nhà chơi. Dù không nói ra, nhưng chị Thi khá lo lắng. Chị sợ mẹ mình bị lừa tình, lừa tiền thì tinh thần sẽ suy sụp. “Bởi bà rất chân thật và có phần cả tin”, chị nói.
Nhưng với ông Chế thì khác. Trong cuộc hẹn đầu tiên, ông đi xe buýt tới, lên thăm nhà rồi rủ bà đi ăn sáng. Hai người trò chuyện thấy hợp, vui vẻ và hẹn những cuộc gặp tiếp theo. Hôm thì ông bà đi dạo công viên, hôm đi tham quan một điểm nào đó quanh Hà Nội, cùng nhau ăn bát bún…
Nhà ông ở phố Nguyễn Công Trứ. Nhà bà ở đường Nguyễn Chí Thanh. Hai bên cách nhau gần 7km, tất cả các cuộc hẹn hò, ông bà đều đi xe buýt. Thời Covid-19, để tránh tiếp xúc với nhiều người trên phương tiện công cộng, ông đi bộ sang nhà bà chơi. “Ông đi bộ rất giỏi, vì đó là bộ môn ông luyện tập hằng ngày” - bà kể.
“Sau một thời gian tìm hiểu, bác đến nhà để nói chuyện với chúng tôi. Bác bảo, ‘bác xin phép các con cho bác yêu mẹ các con và qua lại chơi với mẹ’” - chị Thi kể.
Từ đó, ông bà như trở lại tuổi đôi mươi. Mỗi tuần hẹn nhau 2 lần: Sáng thứ Tư cùng nhau đi ăn, sau đó đi dạo; Cuối tuần cùng nhau đi chơi loanh quanh. Thi thoảng, có những chuyến du lịch phù hợp, ông bà sẽ đăng ký đi cùng nhau.
Bà Cầm kể, đến nay, ông bà đã đi đảo Cô Tô, Cát Bà, biển Hải Tiến, Thiên Sơn Suối Ngà, Thiền viện Trúc Lâm… Tất cả đều là những chuyến đi chơi riêng, không cùng con cháu. Dạo gần đây, mỗi cuối tuần, ông bà sắp xếp cùng các con đi nghỉ dưỡng trên căn nhà vườn ở Phú Thọ. Ở đó, ông bà cùng nhau nghỉ ngơi, bơi lội.
Cuối năm 2023, bà Cầm được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận là người cao tuổi nhất có khả năng thực hiện lần lượt 8 tư thế aqua yoga nổi trên mặt nước và xoay 80 vòng dưới nước liên tục. Trong buổi lễ trao chứng nhận, chị Thi đã có chia sẻ đôi lời, trong đó chị gửi lời cảm ơn rất xúc động tới “bác Chế”.
“Tôi cảm ơn bác vì ‘đã thấu hiểu và mang lại hạnh phúc cho mẹ yêu của chúng con mỗi ngày’. Bác và mẹ đã viết nên một câu chuyện tình tuyệt đẹp của những người cao tuổi và giúp thế giới của chúng ta trở nên đẹp đẽ hơn rất nhiều.
Cả khu chung cư đều nghe được câu chuyện đó và từ những lần sau, khi bác tới thăm mẹ, mọi người đều rất quý bác. Bác cũng bày tỏ rằng bác rất vui và hạnh phúc khi nghe được những lời chân thành ấy của mình”.
Khi được hỏi bà thấy ông là người như thế nào, bà Cầm chỉ ngại ngùng nhận xét: “Nói chuyện, ăn uống, đi chơi hợp nhau và cùng động viên nhau tập tành”.
Nhưng là con gái, chị Thi hiểu rất rõ ông Chế đã “chiều chuộng và ngọt ngào” như thế nào mới có thể “cưa đổ” được mẹ mình. “Bà là kiểu phụ nữ Hà Nội xưa, sống rất có nguyên tắc và có phần khó tính. Không phải ai cũng có thể chiều được bà đâu”.
“Ví dụ như ông không bao giờ được phép để bà phải đợi. Có duy nhất một lần hai người hẹn gặp ở đâu đó, ông đến muộn khiến bà giận. Nhưng sau đó, ông phải giải thích rất nhiều, là thực ra ông không đến muộn mà do ông ngồi chỗ này, chỗ kia nhưng bà không nhìn thấy ông” - chị Thi cười, kể lại.
“Hoặc như việc ông tặng bà một món đồ kỷ niệm sau khi 2 người xác định quan hệ, như là một lời cam kết, tuyên bố và muốn được công nhận tình yêu của mình. Rồi việc ông xin phép chúng tôi ‘được yêu bà’… Bà cảm thấy hài lòng. Bởi theo nguyên tắc sống của bà, cách cư xử như thế của ông cho thấy bà được tôn trọng”.
Từ ngày ông bà đến với nhau, cuộc sống của bà Cầm vui vẻ, hạnh phúc gấp nhiều lần. “Bà không còn những dấu hiệu của bệnh trầm cảm nữa. Bây giờ, bà ăn ngon, ngủ ngon như em bé và hạnh phúc như một người đang yêu”.
Giống như bất cứ người phụ nữ nào khác, bà vẫn thích nghe những lời ngọt ngào. Và ông luôn hào phóng “rót mật vào tai bà” những câu như: “Bà muốn đi đâu, tôi sẽ đưa bà đi đến cùng trời cuối đất”.
Tất cả những ngày lễ tết của cặp đôi, bà đều nhận được quà như thiếu nữ đôi mươi. Lễ Tình nhân năm nay, ông tặng bà sô-cô-la. Bà ngẫu hứng viết vài dòng thơ hài hước, nhưng cũng không giấu được niềm hạnh phúc:
“Bao nhiêu năm Va lung tung
Năm nay cũng được một ông tặng quà
Đắng ngọt cũng là sô-cô-la
Tình nhân già khú cũng là tình nhân”
Ảnh: NVCC