Trước đây, các nhà vệ sinh công cộng ở Nhật Bản thường bị chê là tối tăm, có mùi hôi, một số còn được xây dựng từ những năm 1960. Tất cả đang dần được thay đổi.

Các nhà vệ sinh công cộng kiểu mới được thiết kế sao cho thuận tiện hơn và dễ tiếp cận với người sử dụng nhất. Nhiều công trình còn trở thành tâm điểm chú ý của hàng triệu khách du lịch nước ngoài khi tới Nhật Bản.

Dự án 'Nhà vệ sinh ở Tokyo' đã thu hút được sự tham gia của 17 kiến ​​trúc sư nổi tiếng thế giới, từ đó thổi luồng gió mới cho cảnh quan thủ đô của đất nước mặt trời mọc.

Nhà vệ sinh xuyên thấu gây sốt ở Tokyo. Ảnh: Quora

Đầu tiên phải kể đến 2 nhà vệ sinh xuyên thấu ở công viên Yoyogi Fukamachi và công viên cộng đồng Haru-no-Ogawa. Sự xuất hiện của chúng đã thu hút được rất nhiều sự chú ý của người dân và du khách.

Cụ thể, công trình của kiến trúc sư đoạt giải Kiến trúc Pritzker năm 2014, Shigeru Ban, đã sử dụng 'kính thông minh'. Loại kính này sẽ ngay lập tức trở nên mờ đục khi cửa nhà vệ sinh bị khóa. 

"Trước khi bước vào bất cứ nhà vệ sinh công cộng nào, mọi người đều muốn kiểm tra xem có ai ở trong đó không và nó có sạch sẽ không. Hệ thống kính thông minh là giải pháp cho những vấn đề đó", ông Ban trả lời phỏng vấn của đài NHK.

Công trình nhà vệ sinh công cộng của kiến trúc sư Tadao Ando. Ảnh: Dezeen

Tadao Ando, ​​một kiến ​​trúc sư hàng đầu khác, đưa ra thiết kế một nhà vệ sinh sử dụng loạt ống trụ bằng kim loại. Lối vào ở hai bên cho phép ánh sáng tràn vào trong một cách tự nhiên và giúp không khí lưu thông tuần hoàn.

"Giá trị của một công trình không chỉ nằm ở quy mô. Nhà vệ sinh công cộng này có thể nhỏ, nhưng người dùng chắc chắn sẽ thấy vô cùng thoải mái khi sử dụng, kể cả những người phải dùng xe lăn", Ando nói với đài NHK. 

Các công trình khác trong dự án còn có một nhà vệ sinh hình khối được chiếu sáng rực rỡ có tên 'Trắng'; 'làng vệ sinh' gồm 5 túp lều làm bằng ván tuyết tùng, có tên là A Walk in the Woods...

Nhà vệ sinh ngoài trời của nhà hàng Resuto Ujo. Ảnh: SCMP

Ở nhiều nơi khác trên khắp Nhật Bản, các công ty, tổ chức địa phương và chính quyền cũng đã tung ra nhiều ý tưởng biến nhà vệ sinh công cộng trở thành một địa điểm hút khách du lịch.

Nhà hàng Resuto Ujo, ở thành phố Echizen, tỉnh Fukui, có nhà vệ sinh ngoài trời, được bao quanh bởi một khu vườn thu nhỏ với những cây thông được cắt tỉa cẩn thận, những gò rêu xanh ngắt và một cây đèn trụ đá.

Bất cứ ai sử dụng nhà vệ sinh của nhà hàng Hipopo Papa, ở Akashi, tỉnh Hyogo, cũng sẽ được ngắm nhìn hàng trăm con cá trong bể cá bao kín xung quanh.

Nhà vệ sinh trong khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Madarao Kogen. Ảnh: SCMP

Và nếu ai có cơ hội tới nhà hàng Haiji, tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Madarao Kogen ở tỉnh Nagano, thì sẽ được trải nghiệm một nhà vệ sinh công cộng vô cùng hiện đại và ấn tượng.

Tiếp tục chủ đề nhà vệ sinh được bao quanh bởi thiên nhiên, nhà ga Itabu, ở thành phố Ichihara, tỉnh Chiba, có nhà vệ sinh nữ với vách kính trong suốt được bao quanh bởi một khu vườn xanh mát rộng khoảng 200m2.

Những du khách tới núi Phú Sĩ từng phàn nàn về các nhà vệ sinh trên đỉnh, nên chính quyền Shizuoka đã lắp đặt 24 nhà vệ sinh mới thân thiện với môi trường.

Các nhà vệ sinh công cộng thân thiện với môi trường trên đỉnh núi Phú Sĩ. Ảnh: Matador Network

Một số là nhà vệ sinh sinh học sử dụng mùn cưa và vi sinh vật để phân hủy chất thải, một số sử dụng nước tái chế và nhà vệ sinh lò đốt hoàn toàn không tạo ra nước thải, đồng thời có quang cảnh vô cùng ngoạn mục.

Các nhà vệ sinh tại công viên đồi Oath, ở Oyama, tỉnh Shizuoka, nhìn thẳng ra ngọn núi nổi tiếng nhất của Nhật Bản và được thiết kế giống với hình dạng của núi Phú Sĩ.

Fuchu, ở phía đông của tỉnh Hiroshima, là một thành phố khác của Nhật cũng đã và đang nỗ lực cải thiện hệ thống nhà vệ sinh công cộng.

Chẳng hạn như ở đền Hachiman thuộc Fuchu, nơi thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm, ban quản lý đã cho xây dựng một nhà vệ sinh hiện đại sử dụng công nghệ làm mờ các bức tường khi người dùng khóa cửa.