Người xưa có câu "Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy". Vì vậy cứ tầm 7, 8h sáng mùng 3 Tết, trên các con đường liên thôn, liên xã ở quê tôi có rất đông học sinh đi tết thầy cô.
Nhìn bọn trẻ vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ. Tôi bồi hồi nhớ lại thuở học sinh của mình.
Thời chúng tôi, bánh trái rất ít. Ngày Tết nhà nào khá giả mới có mươi phong bánh khảo, vài hộp bánh quy hay mứt Tết để đi biếu người thân. Dù chất lượng, mẫu mã… kém xa so với bây giờ nhưng khi đó, được sở hữu một trong những loại bánh trên là niềm mơ ước của chúng tôi.
Năm đó tôi học lớp 3. Trước Tết mấy hôm, tôi xin mẹ mua cho một phong bánh khảo màu đỏ. Đợi đến sáng mùng 3 Tết, tôi chạy ra đình làng như đã hẹn với các bạn. Không ai bảo ai nhưng trong tay mỗi đứa đều cầm một phong bánh khảo.
Trời mùa xuân có mưa phùn. Chúng tôi đầu trần, chân đất kéo đến nhà thầy cũng đã gần trưa. Không biết chúc thầy như thế nào, cả lớp lần lượt chạy vào đặt bánh lên bàn.
Trong lúc chen nhau ở sân, không may phong bánh của tôi rơi xuống bị ướt, phẩm màu loang ra. Tôi cầm chùi vội vào quần, giấy bọc bánh bị dính nước mưa nên bong ra và rách. Không dám nói với ai, tôi len lén mang vào, đặt giữa chồng bánh, để các bạn sau đặt lên sẽ che đi chiếc bánh ướt của tôi.
Thấy lũ trò của mình chân bùn đất lem nhem, môi rét thâm tím, răng va vào nhau lập cập thầy cho cả lớp ra giếng, múc nước rửa chân cho từng đứa.
Rửa xong chân vào nhà, chúng tôi đã thấy có mấy đồng bánh chưng bóc sẵn, có cả giò nạc, giò mỡ. Nhà thầy chật nên thầy lấy đũa lần lượt xâu cho mỗi đứa một sóc bánh cùng miếng giò đứng ăn.
Chưa hết lượt, mấy đứa con trai đã ăn xong, đứng nhìn bạn. Thấy vậy, thầy lại lấy cho ăn tiếp. Ăn xong thầy lại lấy kẹo, bánh quy chia cho từng đứa. Đến đứa nào thầy cũng chúc năm mới kèm theo lời dặn dò hết sức ân cần.
Thấm thoắt đã mấy mươi năm trôi qua, thầy tôi đã đi xa mãi mãi, còn chúng tôi nay đã trưởng thành, làm đủ các ngành nghề. Mỗi khi gặp nhau nhắc lại kỷ niệm tuổi thơ, đứa nào cũng nhớ như in buổi chúc Tết thầy năm đó.
Tôi không quên được hình ảnh người thầy múc nước rửa chân cho từng học sinh; dáng vẻ tôi luống cuống, lén lút đặt phong bánh bị ướt lên bàn; cảnh bọn tôi đói ăn ngốn ngấu từng miếng bánh, miếng giò.
Sau này lớn lên, tôi thầm nghĩ hôm đó chắc lũ "quỷ đói" chúng tôi đã ăn hết số bánh, giò Tết của nhà thầy một cách vô tư không nghĩ ngợi.
Không chỉ có vậy, tôi vẫn ghi nhớ những lời chúc của thầy với từng học sinh năm xưa. Tôi thấy bản thân mình và nhiều bạn khác đã chọn nghề, công việc đúng như lời thầy chúc.
Mặc dù lúc đó chúng tôi chỉ mới là những đứa trẻ non nớt, vụng dại, vậy mà chỉ có một thời gian ngắn dạy dỗ, thầy đã đánh giá đúng năng lực, sở trường của chúng tôi. Dường như thầy đã ngầm định hướng nghề nghiệp cho chúng tôi sau này.
Hình ảnh người thầy gần gũi, thương yêu, chăm sóc học sinh như con sẽ mãi mãi khắc sâu trong trái tim chúng tôi. Và mỗi khi nhắc đến thầy, trong lòng chúng tôi đều dâng trào một cảm xúc đó là sự kính trọng và biết ơn.
Độc giả: Nguyễn Mai
Mời độc giả gửi bài Chuyện Tết xưa - Tết nay về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn |