Sóc Trăng là tỉnh thuộc vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, có khoảng 1,3 triệu dân số, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 35,41%, chủ yếu là đồng bào Khmer (chiếm 28,9%) và Hoa (5,9%) sống đan xen với đồng bào Kinh. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong Tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp thực hiện công tác chăm lo, phát triển kinh tế, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cho người dân.
Giữa tháng 5 vừa qua, đoàn giám sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn khảo sát, làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có 22.120 hộ nghèo chiếm 6,64%; trong đó, hộ Khmer nghèo chiếm 9,78%. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện 6 dự án. Hiện một số dự án đã hoàn tất phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc đang xây dựng nội dung triển khai, hoặc đang khẩn trương ban hành mức hỗ trợ.
Để thực hiện hiệu quả và đạt mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sóc Trăng xác định những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện và thường xuyên theo dõi, tổ chức giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể với kết quả giảm nghèo tại địa phương.
Ngày 19/7/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025. Từ đó, tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cho người dân, giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm, y tế, giáo dục, nước sạch, thông tin...
Theo báo cáo, tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện đồng bộ và đạt nhiều kết quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là chính sách tín dụng ưu đãi, việc làm, nhà ở, giáo dục, y tế, nước sạch… đã giúp cho người dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tính đến ngày 9/10/2023, tổng nguồn vốn năm 2022 thực hiện giải ngân được 31.858 triệu đồng, đạt gần 67% kế hoạch vốn. Với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, tính đến cuối tháng 4/2023, đã có 64/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt gần 89% kế hoạch; có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 50% kế hoạch); có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tính riêng trong các năm 2021, 2022, tỉnh đã lồng ghép kính phí thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới là 2.901.861 triệu đồng, gấp 8,25 lần so với ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho chương trình. Tuy nhiên, một số dự án, tiểu dự án còn khó khăn trong triển khai thực hiện, tiến độ, kết quả thực hiện chưa cao...
Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 đầu kỳ của tỉnh Sóc Trăng là 15,67% (với 52.178 hộ), trong đó: Tỷ lệ hộ nghèo là 6,73% (với 22.409 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo là 8,94% (với 29.769 hộ). Kết quả rà soát cuối năm 2022: Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là 12,40% (với 41.381 hộ), giảm 3,2% so với đầu kỳ, trong đó: Tỷ lệ hộ nghèo là 4,54% (với 15.139 hộ) giảm 2,19% so với đầu kỳ (đạt chỉ tiêu giảm bình quân 2-3%); tỷ lệ hộ cận nghèo là 7,87% (với 26.242 hộ), giảm 1,07% so với đầu kỳ. Tổng số hộ nghèo dân tộc thiểu số 7.524/15.139 hộ, chiếm 49,70% tổng số hộ nghèo trên toàn tỉnh; tổng số hộ cận nghèo dân tộc thiểu số 10.864/26.242 hộ, chiếm 41,40% tổng số hộ cận nghèo toàn Tỉnh.
Tại dự án 1 (Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo), với nguồn kinh phí được giao để thực hiện trên 25,5 tỷ đồng Tỉnh đã triển khai 3 công trình giao thông nông thôn trên địa bàn 2 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Đối với Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, kinh phí được giao để thực hiện các mô hình dự án trên 35,1 tỷ đồng, Tỉnh đã và đang triển khai 101 mô hình, với 1.866 người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia...
Để đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn, năm 2022, Tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 758 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo nội dung Dự án 4), đạt 21,66% kế hoạch. Cùng với đó, để hỗ trợ việc làm bền vững cho người lao động, Tỉnh đã tổ chức thu thập thông tin người lao động, giải quyết việc làm cho 946 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, đạt 15,77% kế hoạch. Hiện 100% người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế. Trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 89,66%...
Theo ghi nhận, công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin cũng đã được Tỉnh từng bước triển khai theo hướng dẫn tại Thông tư số 06/2022/TT-BTTTT ngày 30/6/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Qua thực hiện, các địa phương đã tổ chức lắp đặt 26 pa-nô, 37 cụm loa, 01 hệ thống phát wifi công cộng cho người dân, treo 10 băng rôn tuyên truyền các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững.
Thực hiện truyền thông giảm nghèo đa chiều, Tỉnh đã triển khai thực hiện 88 lượt phóng sự trên sóng phát thanh, truyền hình (trong đó có 19 chuyên mục bằng tiếng Khmer); tổ chức 01 cuộc tọa đàm với 80 lượt người dự; tổ chức 12 lượt tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững.
Sóc Trăng xác định đầu tư sinh kế là nhiệm vụ chủ yếu để các hộ nghèo tự vươn lên, chính quyền địa phương là cầu nối, vận động, kêu gọi doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm sau thu hoạch, hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp giảm nghèo...
Phát triển chăn nuôi bò là dự án quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng, góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập cho hộ dân nông thôn.
Từ năm 2021, UBND tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt Dự án “Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, với tổng kinh phí trên 2.208 tỷ đồng. Đây là Dự án quy mô lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần gia tăng giá trị và phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa theo hướng hàng hóa, giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tạo nguồn thu nhập ổn định, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nhắc đến Dự án chăn nuôi bò ở Sóc Trăng, có thể liệt kê ra những địa phương đi đầu của phong trào, như huyện Trần Đề với tổng đàn bò lớn thứ hai của tỉnh, đạt khoảng trên 13.000 con (trong đó đàn bò thịt gần 10.500 con, đàn bò sữa là 2.500 con).
Dự án phát triển chăn nuôi bò đang được triển khai thực hiện có hiệu quả tại huyện Mỹ Xuyên. Năm 2022, tổng đàn bò thịt của huyện đạt trên 12.500 con, tổng đàn bò sữa 1.748 con trong đó tỷ lệ bò cao sản trên 35% và đang có xu hướng tăng dần. Cũng trong năm này, huyện đã hỗ trợ 109 con bò thịt và 04 con bò sữa cái hậu bị cho nông dân các xã với tổng số tiền là hơn 1 tỷ đồng.
Còn đối với huyện Mỹ Tú, tổng đàn bò thịt của huyện hiện có 3.219 con, sản lượng thịt hơi đạt 173 tấn/năm, bình quân mỗi hộ nuôi từ 4-5 con, tỷ lệ bò lai hướng thịt đạt 75%, diện tích trồng cây thức ăn cho bò đạt 60 ha; khoảng 60% hộ chăn nuôi bò thịt có hệ thống xử lý chất thải hoặc có phương án tận dụng chất thải nhằm mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tổng đàn bò sữa của huyện đạt 1.867 con, trong đó đang tiết sữa là 529 con (chiếm 28,30% tổng đàn), sản lượng sữa từ 5.000-5.200 kg/ngày.
Ban Quản lý Dự án Phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng cho biết, Sóc Trăng là tỉnh có nhiều lợi thế trong phát triển chăn nuôi bò với đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo bài bản từ cơ bản đến nâng cao qua nhiều năm, cộng với tinh thần gắn bó, quyết tâm phát triển mô hình chăn nuôi mang hiệu quả kinh tế cao này từ bà con nông dân.