Miền đồng bằng ven biển Bắc Bộ từng chứng kiến các cuộc khẩn hoang lớn diễn ra trong lịch sử. Nhưng cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đầu thế kỷ XIX là cuộc khẩn hoang có quy mô to lớn nhất và thành công rực rỡ nhất.
Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX chế độ phong kiến Việt Nam lâm vào khủng hoảng triền miên.
Với nhãn quan của một vị quan tài giỏi, Nguyễn Công Trứ nhận thấy những miền bãi bồi ven biển chính là sự hào phóng của thiên nhiên ban tặng, bãi biển Tiền Châu (còn gọi là cồn Tiền, được hình thành từ quá trình bồi tạo của sông Hồng, sông Lân và sông Trà Lý) lúc đó bát ngát ngàn trùng, đất đai màu mỡ có thể khai phá thành đất canh tác. Ông đã trình sớ lên triều đình nêu rõ nguyên nhân sâu xa của khởi nghĩa nông dân và đề nghị triều đình tổ chức cho nông dân nghèo tiến hành khẩn hoang quy mô lớn vùng bãi biển Tiền Châu.
Tấu sớ của Nguyễn Công Trứ đã mở ra lối thoát cho tình hình bế tắc trầm trọng của xã hội đương thời.
Đến tháng 3/1828, phụng sự triều đình, Nguyễn Công Trứ đi thuyền rồng đến bãi Tiền Châu trực tiếp chỉ huy ,để yên dân.
Sau những tháng ngày lao động gian khổ hệ thống đê sông Lân, sông Trà, sông Cá được hình thành, đẩy lùi sự uy hiếp của bão biển và thủy triều tạo điều kiện cơ bản biến bãi Tiền Châu hoang vu ngập mặn thành đất đai canh tác.
Cuộc doanh điền ở Tiền Châu cũng không tách rời việc phát triển thủy lợi tạo nên hệ thống sông đào để tưới tiêu cải tạo đồng ruộng.
Dải Tiền Châu bao hoang vu rộng lớn, trở thành huyện Tiền Hải lúa dâu tươi tốt, phồn thịnh. Những làng ấp sắp hàng vuông vức, những con sông ngang dọc như bàn cờ, những cánh đồng trải rộng từ sông Long Hầu ra tận chân đê ven biển còn mãi mãi sáng ngời nét vàng trí tuệ của vị Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Những triền đê sừng sững hiên ngang trước bão tố thủy triều; mạng lưới sông đào thau chua rửa mặn dẫn nước ngọt phù sa về đồng ruộng không ngừng làm giàu đẹp quê hương. Đó là thành quả trực tiếp của bàn tay những nông dân nghèo đầu thế kỷ XIX, là kết tinh của vô vàn mồ hôi nước mắt, những kinh nghiệm thành công và thất bại của bao thế hệ cha ông trên miền đất sa bồi đầy bão bùng sóng gió.
Hệ thống thủy nông trong cuộc doanh điền ở Tiền Hải chứng tỏ ý nghĩa quyết định của công tác thủy lợi trong khai hoang cũng như trong sản xuất nông nghiệp. Nguyễn Công Trứ không phải là người đầu tiên nhận thấy vai trò của thủy lợi đê sông nhưng ông biết đánh giá đúng đắn những bài học về làm thủy lợi của nhân dân vùng ven biển của những thế hệ trước và với biệt tài sáng suốt trong chỉ đạo của mình, ông đã đưa cuộc khẩn hoang và công tác thủy lợi đầu thế kỷ XIX đạt được thành quả to lớn vượt lên hơn hẳn các thế kỷ trước.
Thực hiện: Thúy Tình, Lệ Yên, Duy Tiến