Có những doanh nghiệp Việt đã và đang tạo rất nhiều ấn tượng tại xứ sở Hoa Anh Đào, khiến bản thân tôi và rất nhiều người khác vô cùng tự hào khi nhắc tên trong các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ quốc tế.

Công ty Rikkei Soft thành lập năm 2012, tập trung chủ yếu mảng Global (thị trường toàn cầu). Anh Tạ Sơn Tùng - CEO của Rikkei nguyên là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, từng nhận được học bổng của Chính phủ Nhật Bản đi tu nghiệp tại Nhật 3 năm.

Năm 2016, Rikkei Soft thành lập pháp nhân tại Nhật Bản là Rikkei Japan, năm 2020 lập chi nhánh tại Osaka. Hiện Rikkei Soft có 4 chi nhánh tại Việt Nam, 4 chi nhánh tại Nhật Bản (Tokyo, Osaka, Fukuoka và Nagoya). 

Tính đến tháng 5/2023, Rikkei Soft có trên 1.600 nhân viên, 100% nhân viên sử dụng ngoại ngữ, 94% là đại học, còn lại là trên đại học. 43% là nhân viên có thâm niên dưới 3 năm, chứng tỏ Rikkei tăng trưởng “nóng” trong thời gian gần đây.

Về thị trường, Rikkei Soft đang có trên 500 khách hàng doanh nghiệp với trên 1.000 dự án. Nếu trước đây, thị trường Nhật chiếm 100% doanh thu của Rikkei, thì hiện nay, Nhật chỉ còn chiếm khoảng 80%; phần còn lại đến từ các thị trường khác như Mỹ, Singapore, Thái Lan, Úc, New Zealand…

TS. Nguyễn Thanh Tuyên thăm gian hàng của Rikkei Soft tại một sự kiện diễn ra ở Nhật Bản.

Với tư duy “Rikkei đi ra thế giới từ Nhật Bản” (Go Global from Japan), trong năm 2023, Rikkei Japan sẽ lập thêm chi nhánh tại Thái Lan, sau này có thể là Hàn Quốc và một số nước khác. Quan điểm của doanh nghiệp này là đi ra từ một nước phát triển như Nhật thì sẽ tiếp cận các thị trường khác thuận lợi hơn.

Hệ sinh thái của Rikkei Soft bao gồm nhiều doanh nghiệp thành viên, sản phẩm và giải pháp như: Rikkei Digital chuyên về chuyển đổi số và thị trường Đông Nam Á; Rikkei Academy đào tạo tiếng Nhật và công nghệ thông tin cho cựu du học sinh và thực tập sinh để họ có thể quay lại trở lại hoặc ở lại Nhật với tư cách là kỹ sư công nghệ thông tin (tập trung vào du học sinh từng học tại Nhật), đồng thời cũng đào tạo cho du học sinh tại Nhật với mục tiêu có 1.000 học viên; Rikkei Incubator cung cấp tài trợ cho các startup; Rikkei AI cung cấp các giải pháp sử dụng AI; Rikkei IT Service cung cấp các dịch vụ phần mềm. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những thế mạnh của Rikkei Soft là cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho các ngân hàng Nhật Bản. Một khám phá bất ngờ của chúng tôi trong chuyến công tác là rất nhiều hệ thống ngân hàng của Nhật được xây dựng từ rất lâu đời và lạc hậu bằng ngôn ngữ Cobol “cổ điển”. Những hệ thống cũ kỹ trên 50 năm này không có tài liệu hướng dẫn, người lập trình cũng đã qua đời. Theo thời gian, dữ liệu ngân hàng trở nên rất lớn và nhạy cảm khiến sức tải của các hệ thống cũ không đáp ứng được. Và giờ các ngân hàng này có nhu cầu chuyển lên cloud (điện toán đám mây).

Rikkei xây dựng một nhóm nhân viên vừa giỏi công nghệ thông tin vừa nắm vững nghiệp vụ ngân hàng. Nhóm này thực hiện việc đọc và dò từng lệnh chương trình Cobol cũ để viết lại tài liệu, chuyển cho đội phát triển xây dựng chương trình đưa lên cloud. 

Trước đây, những việc này do các công ty Trung Quốc làm. Rikkei đã nỗ lực xây dựng một đội chuyên gia chứ không chỉ làm code để tự nâng tầm làm mảng tài chính.

Thời gian trước, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Trung Quốc là nhà cung cấp dịch vụ outsource (thuê ngoài) lớn nhất cho Nhật. Nhưng hiện nay, người Trung Quốc đã rút lui khỏi thị trường Nhật Bản để chuyển về thị trường Trung Quốc vì đơn giá Trung Quốc trả cao hơn Nhật. 

Năm 2023, số lượng người Việt ở Nhật lần đầu tiên vượt số lượng người Trung Quốc (470 nghìn so với 440 nghìn). Nhật Bản do vậy đang là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin để lấp khoảng trống do người Trung Quốc để lại.

Vấn đề đặt ra hiện nay là “bài toán” thiếu nhân lực. Trò chuyện với chúng tôi, lãnh đạo Rikkei Soft bày tỏ mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến với Chính phủ đề xuất với phía Nhật Bản về việc sử dụng nguồn vốn ODA vào chương trình phát triển nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao cho Việt Nam.

Chính phủ Nhật đã có chương trình cấp học bổng hỗ trợ cho các sinh viên xuất sắc của Việt Nam sang Nhật học. Bản thân các founder (nhà sáng lập) Rikkei Japan hay NTQ Japan đều xuất phát từ chương trình HEDSPI do Nhật Bản tài trợ cho các sinh viên giỏi của Đại học Bách khoa Hà Nội. 

Lãnh đạo Rikkei Soft mong Chính phủ Việt Nam trao đổi, đề xuất Chính phủ Nhật Bản tái hiện một chương trình như vậy trong thời gian tới. 

Thực tế chứng minh đây là chương trình rất hay, sẽ trở thành cú hích cho việc khai thác thị trường chuyển đổi số Nhật Bản của các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam. 

Các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đang tích cực tìm kiếm đối tác để khai thác hiệu quả thị trường chuyển đổi số Nhật Bản.

FPT Japan được thành lập năm 2005. So với các công ty bản địa, FPT Japan có khá nhiều lợi thế về thu nhập cạnh tranh, các chính sách hỗ trợ, đào tạo dành cho cán bộ nhân viên và người thân. Chẳng hạn, trong bối cảnh thường xuyên có nhiều kỹ sư Việt Nam sang Nhật làm việc, FPT Japan thuê hẳn ký túc xá tổng cộng hơn 600 phòng trên toàn nước Nhật cho nhân viên có chỗ ở khi mới đến Nhật. Khi họ đã ổn định cuộc sống hoặc khi lập gia đình sẽ chuyển ra ngoài, nhường phòng cho nhân viên khác.

Đầu năm 2023, Viện Great Place To Work Nhật Bản – tổ chức uy tín thuộc tạp chí Fortune đã  công nhận FPT Japan thuộc Top 100 nơi làm việc tốt nhất. Công ty FPT Japan Holdings, Công ty FPT Software Japan và Công ty FPT Techno Japan đã nhận được Chứng chỉ Vàng Công ty Sức khỏe tốt.

Ngoài sự chuẩn bị nguồn lực cho các dự án lớn, FPT Japan còn liên tục đưa ra chính sách đặc biệt như “Go Japan”, “Enjoy Japan” và mới đây nhất là “Taishokukin” (trợ cấp thất nghiệp)… để thu hút nhân tài.

Tại FPT Japan, mỗi cá nhân đều được phát triển bản thân từng ngày thông qua các khoá học online, giúp bổ sung hệ thống kiến thức nền, rút ngắn thời gian hoàn thành mục tiêu cụ thể.

Tháng 4/2023, FPT Japan mở trung tâm đào tạo cho nhân viên tại Tokyo, có khả năng đào tạo công nghệ thông tin cùng lúc cho 70 học viên. Các lớp tiếng Nhật cuối tuần của công ty cũng thu hút hơn 250 nhân viên theo học. 

Ngoài hệ thống đào tạo nội bộ, trường Nhật ngữ của FPT Japan hiện đang dạy tiếng Nhật cho 150 sinh viên Việt Nam để các em có thể vào học các trường nghề của Nhật. Mục tiêu của việc mở các trường đào tạo nghề công nghệ thông tin kết hợp dạy tiếng Nhật tại Nhật và tại Việt Nam nhằm tận dụng nhân lực Việt Nam tại Nhật cũng như tận dụng lại nhân lực Việt Nam hết hạn visa quay lại Nhật. Theo một số liệu thống kê, khoảng 300.000 người Việt Nam đang học tập nhiều ngành nghề khác nhau tại Nhật nhưng nhiều người học xong không có việc làm nên phải về nước.

Nhiều doanh nghiệp Việt tiếp tục gia tăng thị phần công nghệ và dịch vụ công nghệ thông tin tại Nhật Bản.

Qua một số cuộc trao đổi, gặp gỡ với lãnh đạo FPT Japan, chúng tôi nhận ra một số “bí kíp” thành công của doanh nghiệp này.

Một là “Dùng người Nhật tiếp cận thị trường Nhật”. Năm 2020, FPT Consulting được thành lập với đa số nhân viên là người Nhật. Nếu tuyển người Việt thì phải mất hàng chục năm mới hiểu được ngôn ngữ, văn hóa, nghiệp vụ như người Nhật. Vì vậy, công ty quyết định tuyển luôn người Nhật từ các công ty khác.

Hai là chuyển từ “Offshore” sang “NearShore” và “BestShore”. Trước đây, FPT Japan chỉ mở các văn phòng tại Nhật, tiếp nhận công việc để chuyển về Việt Nam thực hiện theo cách “Offshore” (xa bờ). Nhưng gần đây, Nhật có chính sách chỉ giao việc ngay trên đất Nhật chứ không đưa việc ra nước ngoài. Đề đối phó với chính sách này, FPT Japan chuyển từ văn phòng thành chi nhánh đặt tại các thành phố của Nhật, thực hiện cách tiếp cận “Near Shore”(gần bờ) thay vì “Offshore”. 

Năm 2017, FPT Japan thành lập trung tâm “Nearshore” đầu tiên là Công ty Cổ phần FPT Okinawa & R&D, sau đổi tên thành FPT Near Shore, và mở thêm chi nhánh tại Fukuoka và Hokaido. Tháng 6/2023 thành lập thêm chi nhánh ở các tỉnh Tochigi và Shizuoka.

Không ngừng tăng trưởng thị phần công nghệ và dịch vụ công nghệ thông tin tại Nhật, tham gia triển khai nhiều dự án chuyển đổi số quan trọng cho các doanh nghiệp hàng đầu của Nhật, FPT Japan đặt mục tiêu vào Top 20 công ty dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất Nhật Bản vào năm 2025 và có doanh số 1 tỷ USD vào năm 2027.

FPT Japan hiện có 15 văn phòng, trụ sở ở Nhật, trải dài từ Hokaido đến Okinawa, với tổng số khoảng 500 khách hàng. Doanh thu năm 2022 đạt 38 tỷ Yên (tương đương 360 triệu USD). Năm 2023 dự kiến đạt 48 tỷ Yên (tăng trưởng 21%), chiếm 37% doanh thu của FPT Software. 

Từ vài nhân sự ban đầu, đến tháng 5/2023, FPT Japan đã có hơn 2.500 nhân sự với 19 quốc tịch khác nhau, trong đó có 600 người Nhật. Dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ đạt 3.000 người.             

Doanh nghiệp Việt này cũng tự đặt ra mục tiêu lớn là trở thành công ty Global cạnh tranh được với các tập đoàn hàng đầu thế giới với khẩu hiệu “Beat The America” (Chiến thắng nước Mỹ) nhằm đạt doanh thu 1 tỷ USD và có 5.000 nhân viên vào năm 2027.

Những doanh nghiệp Việt này đã và đang tạo rất nhiều hình ảnh ấn tượng tại xứ sở Hoa Anh Đào, khiến bản thân tôi và rất nhiều người khác vô cùng tự hào khi nhắc tên trong các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ quốc tế.

Bài: TS. Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin,  Bộ Thông tin và Truyền thông

Thiết kế: Minh Hòa