Những chuyến bay trở nên đắt đỏ và tốn nhiều thời gian hơn, các nhà hàng yêu thích trước đây đều đóng cửa hay bắt buộc phải xét nghiệm Covid-19 vào ngày thứ 1 và thứ 5 của chuyến đi là những gì Brian Lamberty và Paola Laird, hai công dân Anh đã nghỉ hưu phải đối mặt trong hành trình trở lại đảo Phuket (Thái Lan) lần này. Cả hai đã chuẩn bị các thủ tục giấy tờ và trông chờ chuyến đi này trước đó rất lâu.
Với việc vắng bóng khách Trung Quốc, những điểm đến nổi tiếng ở Đông Nam Á sẽ không còn quá đông đúc. Ảnh: Thomas Cristofoletti |
Trước chuyến đi dự kiến khởi hành vào tháng 2 năm nay, cô Laird đã phải dành gần ba giờ đồng hồ để tải lên tất cả các tài liệu như hồ sơ tiêm chủng, đặt phòng khách sạn và chứng nhận bảo hiểm y tế cần thiết để được cấp Thailand Pass (Thẻ Thái Lan), một yêu cầu nhập cảnh bắt buộc được đặt ra với du khách quốc tế trong thời kỳ đại dịch. “Đối với những người không rành công nghệ, đây hẳn sẽ là một vấn đề”, cô Laird cho biết.
Sau một thời gian dài gián đoạn với số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh ở một số quốc gia Đông Nam Á thì cho tới nay du khách quốc tế có thể dần quay trở lại khu vực này. Ông Lamberty và bà Laird là hai trong số những du khách quốc tế đầu tiên quay trở lại Phuket, nơi được ví như "hòn đảo ma" trong những tháng đầu năm 2020. Bên cạnh Thái Lan, trong những tuần gần đây, nhiều quốc gia Đông Nam Á khác cũng đã tuyên bố rằng họ sẵn sàng mở cửa cho du khách nước ngoài đã tiêm phòng đầy đủ.
Việc tiêm chủng được phủ rộng ở Đông Nam Á cũng như tình hình đại dịch đã được kiểm soát tốt ở nhiều nơi trên thế giới được coi là điều kiện thúc đẩy việc mở cửa du lịch trở lại. Tuy nhiên, tình hình ở Ukraine hiện nay đang làm phức tạp "bức tranh du lịch" ở khắp mọi nơi, vì sự bất an chung có thể khiến mọi người suy nghĩ kỹ về việc đặt một chuyến đi lớn hoặc nhiều người có khả năng lựa chọn đến Đông Nam Á, khu vực cách Ukraine 7242 km, thay vì tới châu Âu.
Để tới Thái Lan, du khách quốc tế phải nộp đủ giấy tờ cần thiết để được cấp Thailand Pass. Ảnh: Adam Dean |
Tháng 11 năm ngoái, Thái Lan và Campuchia là hai trong số những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á mở cửa hoàn toàn cho khách du lịch. Sau sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, vào tháng 12, Thái Lan đã tạm dừng việc nhập cảnh của hầu hết lượng du khách nước ngoài. Cho tới đầu tháng 2 năm nay, nước này đã tiếp tục triển khai chương trình "Test & Go" (Xét nghiệm & Đi) trên toàn quốc. Theo đó, du khách sẽ phải ở tại khách sạn và chờ kết quả kiểm tra PCR vào ngày thứ 1 và kết quả test nhanh vào ngày thứ 5 của chuyến đi.
Ngay sau đó, Bali cũng mở cửa trở lại hoàn toàn cho khách nước ngoài. Mặc dù yêu cầu thời gian cách ly từ ba đến bảy ngày. Nhưng trong tháng 3 này, yêu cầu này cũng đã được dỡ bỏ.
Tới ngày 10/2, Philippines cũng tuyên bố không có kiểm dịch ngặt nghèo nhưng yêu cầu không tập trung đông người ở một số địa điểm.
Việt Nam đã ra thông báo chính thức rằng sẽ mở cửa biên giới trở lại vào ngày 15/3 tới đây cho khách du lịch quốc tế, với thời gian cách ly một ngày tại khách sạn.
Malaysia trong tuyên bố mới nhất đã thông báo sẽ mở cửa trở lại vào ngày 1/4 mà không yêu cầu kiểm dịch.
Tuy nhiên, các đơn vị khai thác du lịch hiện nay lại đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động, cùng những rủi ro tiềm ẩn của đại dịch và bây giờ là xung đột ở Ukraine. Hầu hết đều có chung lo lắng rằng các du khách có thể lựa chọn du lịch tới nơi khác nếu quốc gia của họ vẫn chưa mở cửa trở lại.
Adam Platt-Hepworth, người điều hành công ty du lịch đạp xe Grasshopper Adventures, nơi đã tiếp đón khoảng 30.000 du khách trong năm 2019 nhưng con số chỉ vỏn vẹn dưới 50 người vào năm 2020, cho biết: “Tôi nghĩ trong năm nay mọi thứ vẫn sẽ còn khá phức tạp khi đi du lịch ở châu Á. Tất cả sẽ phải khởi động lại sau một thời gian dài, không chỉ với người dân của chúng tôi mà còn với các khách sạn, nhà hàng và với bất kỳ du khách nào”.
Trước đại dịch, những con phố trên các hòn đảo du lịch nổi tiếng của Thái Lan luôn tấp nập du khách. Ảnh: Adam Dean |
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO), trước đại dịch, Đông Nam Á là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới về du lịch quốc tế, với kỷ lục 139 triệu du khách vào năm 2019, tăng khoảng 8% so với năm 2018.
Những vùng biển xanh ngọc bích của Vịnh Hạ Long ở Việt Nam tấp nập với hàng trăm tàu du lịch. Các quán bar trên mái nhà ở Kuala Lumpur của Malaysia đầy ắp những du khách thích tiệc tùng. Hay những khu chợ đêm chật ních người đi bộ mua bán trên các hòn đảo của Thái Lan như Phuket hay Pattaya. Các điểm thu hút khách du lịch ở khắp Đông Nam Á luôn quá tải với các tour du lịch trọn gói từ Trung Quốc, nguồn khách nước ngoài lớn nhất thế giới trong thập kỷ qua. Theo UNWTO, Khoảng 150 triệu du khách Trung Quốc đã chi tới 277 tỷ USD chỉ tính riêng trong năm 2018. Các quốc gia như Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Campuchia là những điểm đến yêu thích của du khách Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Nhưng khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu vào đầu năm 2020, các điểm du lịch nổi tiếng phụ thuộc nhiều vào du khách nước ngoài hầu như bị bỏ hoang. Năm ngoái, lượng khách nước ngoài đến Đông Nam Á giảm mạnh xuống còn 3,3 triệu người, tương đương khoảng 2% so với con số kỷ lục vào năm 2019.
Năm nay, với sự hồi sinh của du lịch quốc tế, du khách sẽ gặp phải nhiều bất lợi nhưng cũng vẫn có những điểm tích cực trong hành trình của mình.
Ông Lamberty và bà Laird đã tới Phuket du lịch 16 lần trước khi đại dịch bùng phát. Họ thường dạo chơi trên hòn đảo này hay đến thăm các ngôi đền và tham gia các lớp học nấu ăn kiểu Thái. Lần trở lại này này, hai người đã có thể thoải mái đi thăm bạn bè và thư giãn tại một khách sạn bên bờ biển có tên Dusit Thani Laguna Phuket. Tuy nhiên, cả hai cảm thấy rất buồn khi nhiều cửa hàng trong một khu trung tâm mua sắm gần đó đã phải đóngc cửa. Phuket là một trong những địa phương đầu tiên ở Thái Lan được thí điểm đón khách quốc tế trở lại.
“Quá khứ và hiện tại thực sự rất khác nhau, nhưng mọi người đều buộc phải chấp nhận chuyện này. Hãy dũng cảm đi du lịch vì nó cho chúng ta những trải nghiệm khác xa với ở nhà", bà Laird chia sẻ.
Giá vé máy bay đắt đỏ hơn là một trong những thay đổi không mong muốn khác. Theo phân tích của The Times by Hopper, giá vé máy bay từ Mỹ đến Đông Nam Á trong tháng 2 vừa qua đã cao hơn khoảng 30% so với trước đại dịch, do có ít chuyến bay đến khu vực này hơn. Trung bình du khách sẽ phải chi tới 1.150 USD cho một vé máy bay khứ hồi.
Adit Damodaran, một nhà kinh tế tại Hopper cho biết: “Nói chung, khi các hãng hàng không tăng cường thêm các chuyến bay tới Đông Nam Á, giá vé máy bay có thể sẽ giảm xuống".
Tuy nhiên, điểm tích cực nếu tới Đông Nam Á thời gian này là du khách sẽ có vô số các lựa chọn chỗ ở từ các khách sạn bình dân cho đến các khu nghỉ dưỡng sang trọng. Các điểm du lịch nổi tiếng từng bị ảnh hưởng bởi tình trạng du lịch quá mức, như đảo Phi Phi Leh ở Thái Lan, Angkor Wat ở Campuchia và Boracay ở Philippines, cũng đã bớt đông đúc hơn. Bên cạnh đó là rất nhiều các lựa chọn để khám phá ẩm thực địa phương
Các nền tảng đặt phòng trực tuyến như Hopper và Booking.com cho biết các lượt tìm kiếm chuyến bay và khách sạn đang gia tăng mạnh ở Đông Nam Á. Theo thống kê của Google Destination Insights, những tìm kiếm về Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 đến tháng 2/2022 với 75%. Các hãng hàng không quốc tế và khu vực như Singapore Airlines, Thai Airways và VietJet của Việt Nam đang bắt đầu nối lại những đường bay quốc tế.
Trước đại dịch, những buổi biễn diễn như thế này ở Phuket thường có tới ba suất một ngày. Nhưng do đại dịch đã phải đóng cửa suốt hai năm nay. Ảnh: Adam Dean |
Bất chấp những dấu hiệu tích cực kể trên, hầu hết những người điều hành các công ty du lịch lữ hành đều không kỳ vọng một sự trở lại bùng nổ trong năm nay, thậm chí cả năm sau.
Ông Lê Tuấn Kiệt, Giám đốc điều hành của một hãng tàu tại Vịnh Hạ Long, cho biết: “Có thể sẽ mất thêm khoảng hai năm nữa".
Công ty đã đưa vào hoạt động 14 trên tổng số 14 tàu thuyền hiện có và tập trung vào mảng du lịch nội địa, giúp duy trì hoạt động qua thời điểm khó khăn này. Ông Kiệt cho biết đã chuyển đổi hai tàu du lịch hạng sang thành các tour du lịch trong ngày với hệ thống dàn âm thanh karaoke và giá vé Việt Nam. Nhưng những nỗ lực đó chỉ có thể thu hút một lượng khách tương đối nhỏ. Điều này khiến 250 nhân viên của công ty mất việc và phải về quê làm công nhân trong các nhà máy.
Khó khăn hiện này là “Những người này không muốn thay đổi nữa, họ không muốn rời quê đi làm xa", ông Kiệt cho biết.
Tương tự vậy, Platt-Hepworth của Grasshopper Adventures cũng cho rằng việc tuyển dụng nhân viên thực sự rất khó khăn, vì những nhân viên cũ của công ty đã xoay sở sang các công việc khác trong thời kỳ dịch bệnh và họ không muốn trở lại.
Vào những thời điểm bi đát nhất, công ty này chỉ còn lại bảy nhân viên so với con số 140 người trước đây. Họ phải cố gắng cầm cự bằng cách dành hàng tháng trời để làm một ứng dụng hướng dẫn các chuyến du lịch tự túc, với tính năng nhắn tin trò chuyện trực tiếp, các đề xuất về nhà hàng và khách sạn và một podcast du lịch.
Việt Nam sẽ chính thức mở cửa trở lại vào ngày 15/3 tới đây với thời gian cách ly là 1 ngày tại khách sạn. Ảnh: Linh Phạm |
Ông Kiệt cho biết, bất chấp việc Việt Nam chính thức mở cửa trở lại vào ngày 15/3 tới đây, công ty của ông vẫn sẽ tạm dừng nhận đặt chỗ cho đến tháng 9 năm nay để chờ các hãng hàng không quốc tế khai thác đủ chuyến bay. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ chỉ đưa vào hoạt động sáu chiếc tàu và các chuyến du ngoạn ba ngày với mức giá rẻ hơn.
Thông báo mở cửa trở lại của Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ người dân được tiêm chủng đầy đủ đã đạt 80%. Mặc dù, sự gia tăng số ca mắc mới tăng kỷ lục vào cuối tháng 2 do biến thể Omicron, nhưng ông Kiệt vẫn tin tưởng rằng chính phủ sẽ không thay đổi thời gian mở cửa.
"Việt Nam cần vực dậy nền kinh tế trước các nước khác", ông Kiệt cho biết.
Biến động kinh tế ở Nga hiện nay có thể ảnh hưởng tới số lượng khách du lịch đến Việt Nam và Thái Lan, những điểm đến yêu thích của người Nga ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, bà Nantida Atiset, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phuket, cho biết: “Hiện tại, ảnh hưởng vẫn chưa thật sự rõ ràng. Thời điểm này, mỗi ngày Phutket đón khoảng 2.500 đến 3.000 du khách nước ngoài. Dù con số này vẫn ít hơn một phần ba so với lưu lượng khách tới Phuket trong những ngày trước đại dịch".
“Phuket không còn chật chội và đông đúc như trước nữa. Hiện nay, dù đang là mùa cao điểm, với thời tiết đẹp, có nắng nhưng giá các khách sạn trung bình đã rẻ hơn 35% so với trước đây”, bà Atiset chia sẻ thêm.
Các du khách đang tham quan ngôi đền Bayon ở Siem Reap, Campuchia. Ảnh: Thomas Cristofoletti |
Ad và Patricia Ketelaars là hai doanh nhân người Hà Lan đã chuyển đến sống ở Singapore cách đây bảy năm. Vào tháng trước, họ đã quyết định thực hiện chuyến phiêu lưu đầu tiên khắp Đông Nam Á sau hai năm đại dịch. Cả hai muốn đạp xe ở Thái Lan trong hành trình của mình, nhưng họ cho biết thủ tục giấy tờ “quá phức tạp”.
Vì vậy, họ đã chọn Campuchia và đặt một chuyến tham quan có hướng dẫn viên với Grasshopper Adventures, khởi hành vào ngày 28/2 từ Phnom Penh và kết thúc tám ngày sau đó ở Siem Reap.
Ông Ketelaars cho biết hai người rất mong được trở lại những vùng nông thôn yên bình ở những đất nước Đông Nam Á.
Trong khi đó, Michael Williams, một phi công ở Wisconsin (Mỹ), dự định sẽ đến Việt Nam vào cuối tháng này, để gặp lại bạn gái người Hà Nội của mình sau một năm yêu xa.
Trong thời gian đại dịch, họ đã dành nhiều thời gian tìm hiểu nhau qua các ứng dụng trực tuyến. Từ đó, cả hai hy vọng có một tương lai bền vững hơn sau lần gặp gỡ này. Williams và người yêu dự định sẽ tới Đà Nẵng và mong muốn thử nhiều món ăn địa phương cũng như tìm hiểu thêm về lịch sử và văn hóa nơi đây.
Sau khi nói chuyện hàng ngày hàng giờ trên WhatsApp, anh ấy cùng bạn gái và con gái của cô ấy sẽ ở bên nhau để bắt đầu tìm hiểu tương lai, ông Williams nói. Họ hy vọng sẽ có thời gian cho một kỳ nghỉ cuối tuần trên bãi biển ở Đà Nẵng và anh ấy mong muốn được thử các món ăn địa phương và hòa mình vào lịch sử và văn hóa nơi đây.