Anh sapo.png
Anh tit 1.png

Trưởng nhóm tốp ca Áo Lính - Trung tá Nguyễn Thế Anh (Nhà hát Quân đội) cho biết, cả 5 thành viên đều được đào tạo ở một cái nôi là khoa Thanh nhạc của trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, có thời điểm cùng học một thầy, cùng sinh hoạt tại trường nên khi cất giọng đã như “hoà làm một”.

“Năm 2018, chúng tôi lần đầu được làm việc với nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng qua chương trình Bài ca không quên của Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam và đó cũng là thời điểm nhóm Áo Lính được thành lập. Tuy nhiên, năm tháng trôi qua, nhóm cũng có sự thay đổi về thành viên khi có người chuyển công tác hoặc ra nước ngoài sinh sống. Tới giờ 5 thành viên đang sát cánh bên nhau gồm: Trung tá Nguyễn Thế Anh, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Linh, Trung uý Vũ Hà Sơn - đều công tác ở Nhà hát Quân đội; Trung tá Lại Đức Tuấn - Đoàn văn công Quân chủng Phòng không - Không quân và Hạ sĩ Nguyễn Hữu Hoàng Sơn - học viên Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội”, trưởng nhóm Nguyễn Thế Anh cho biết.

Khi được hỏi về ý nghĩa tên gọi của nhóm, Vũ Hà Sơn - “Giám đốc truyền thông” của nhóm giải thích: “Xuất phát từ quan sát mỗi giai cấp trong xã hội như công nhân, nông dân, binh lính đều có màu áo riêng. Hơn nữa, hai chữ ‘áo lính’ cũng gợi cảm giác gần gũi, thân thuộc, dân dã như Bộ đội Cụ Hồ vì nhân dân mà chiến đấu. Nhắc đến nhóm, khán giả sẽ hình dung chúng tôi là những người trong quân đội”. 

Trưởng nhóm Nguyễn Thế Anh nói thêm: “Chúng tôi đều chung ước muốn thông qua Áo Lính để phát huy màu sắc riêng của người chiến sĩ hoạt động nghệ thuật, có thể nối tiếp những bản hùng ca đầy tự hào của thế hệ cha anh đi trước từ cách hát đến phục trang biểu diễn”.

IMG_FFE995F96012 1.jpg
Trung tá Nguyễn Thế Anh, trưởng nhóm "Áo Lính"

Theo các thành viên của Áo Lính, họ luôn hoàn thành nhiệm vụ chính là công tác văn hoá - văn nghệ phục vụ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ nhằm nâng cao đời sống tinh thần, nhận thức, tư tưởng, lập trường chính trị, niềm tin yêu vào đường lối chính trị của Đảng và Nhà nước.

Ngoài ra, nhóm cũng được lãnh đạo đơn vị tạo điều kiện để tham gia vào những chương trình nghệ thuật chính thống khác với mục đích đem lời ca tiếng hát tới nhiều đối tượng khán giả hơn. Áo Lính cũng thể hiện nhiều ca khúc mang chất liệu và màu sắc âm nhạc khác nhau, điển hình là những khúc tình ca của các nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, Ngô Thuỵ Miên, Vũ Thành An...

“Không chỉ tập trung vào dòng nhạc đỏ, nhạc cách mạng, nhạc truyền thống, chúng tôi còn khá ‘đa-zi-năng’. Áo Lính từng hát chung với dàn nhạc giao hưởng bài Tâm hồn của đá. Đó là một bài hát tương đối khó khi phải kết hợp phong cách rock với tinh thần của quân nhân. Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng sáng tạo bằng cách nghiên cứu, chắt lọc ra những gì tinh tuý nhất để thể hiện cùng dàn nhạc”, Trung tá Lại Đức Tuấn nhấn mạnh.

Để thành lập và duy trì một tốp ca với sự góp mặt của nhiều thế hệ nghệ sĩ là điều không hề đơn giản bởi những điểm chênh về tuổi tác, trình độ cảm thụ âm nhạc và kinh nghiệm biểu diễn… Thật thú vị là Áo Lính đã làm được điều đó.

Anh q1.png

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Linh cho biết: “Gia nhập nhóm vào năm 2018, tôi và anh Thế Anh đều là những hạt giống đầu tiên của Áo Lính và nhận thấy khoảng cách thế hệ là điều khó khăn nhất. Nhưng thật may mắn mỗi người chúng tôi đều là những mảnh ghép có chung niềm đam mê âm nhạc, hăng say lao động nghệ thuật. Do vậy, nhóm vẫn duy trì hoạt động và phát huy tinh thần đồng đội rất cao.

Tôi từng tham gia nhiều chương trình và nhận được các giải thưởng trong sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp, đồng thời giữ vai trò soloist của Nhà hát Quân đội. Theo tôi, hát nhóm chắc chắn khó hơn nhiều so với hát solo. Khi đơn ca, người nghệ sĩ được thể hiện cái Tôi và cảm xúc theo ý của mình. Song khi hát tốp ca, mỗi cá nhân phải vứt bỏ cái Tôi để hòa chung vào tập thể, tạo sự gắn kết, hài hoà trong tổng thể”. 

Từng thành viên trong nhóm đều có những thế mạnh riêng nhưng mỗi dịp được đồng hành cùng nhau với họ là cơ hội quý báu để khám phá khả năng của bản thân, là bước đệm tốt cho sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp. Và trên hết là cảm giác được hoà giọng cùng đồng đội và chinh phục thử thách mới.

Trung tá Lại Đức Tuấn - một trong những thành viên đầu tiên của nhóm, hiện là Đội trưởng Đội ca, Đoàn văn công Quân chủng Phòng không - Không quân hồi tưởng: “Năm 2018, lần đầu tiên chúng tôi hát cùng dàn nhạc giao hưởng ca khúc Tiểu đoàn 307. Cả nhóm vui và tự hào lắm vì ca khúc được phối khí và thể hiện cùng dàn nhạc giao hưởng nên đòi hỏi trình độ cao, không được để xảy ra bất kỳ sai sót nào.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cũng là người thực hiện chương trình này, hai bên làm việc dựa trên tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc và độ chính xác gần như tuyệt đối. Tôi vẫn nhớ câu nói của anh Hùng như một sự ghi nhận rất đáng trân trọng: ‘Khi tổ chức những sự kiện như thế này, với tôi - các bạn là những mảnh ghép không thể thiếu’”.

Hạ sĩ Nguyễn Hữu Hoàng Sơn - thành viên trẻ nhất tâm sự: “Tôi tham gia Áo Lính từ năm 2020. Thời điểm ấy tôi đang là diễn viên hợp đồng của Đoàn văn công Quân chủng Phòng không - Không quân và được anh Đức Tuấn giới thiệu vào nhóm vì thấy khả năng chuyên môn tốt. Là thành viên nhỏ tuổi nhất, khi đứng cạnh các anh đều là những nghệ sĩ dày dặn kinh nghiệm, ban đầu tôi cũng khá tự ti và hơi dè chừng, luôn sợ mình làm sai, hát không được... Nhưng sau một vài ngày luyện tập cùng nhóm, tôi đã tự tin hơn. Dù là em út nhưng các anh luôn lắng nghe ý kiến và giúp đỡ rất nhiều nên tôi chưa bao giờ có cảm giác bị lép vế so với mọi người”.

Trả lời câu hỏi: “Cát-sê trong nhóm được phân chia như thế nào?”, trưởng nhóm Thế Anh thẳng thắn nói: “Quan điểm của tôi nhóm có 5 người là 5 màu sắc âm nhạc khác nhau nhưng ai cũng góp sức vào những tác phẩm. Dù là một bè hay là một nốt nhạc thì đều là yếu tố quan trọng làm nên các tiết mục hoàn chỉnh, không ai có thể thay thế. Chúng tôi trân trọng công sức của nhau nên cát-sê được chia đều cho 5 thành viên”. 

Anh tit 2.png

5 người lính - 5 mảng màu về cuộc sống khác nhau nhưng cháy bỏng trong tim là tình yêu với âm nhạc.

Trung tá Nguyễn Thế Anh được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Bố anh là nghệ sĩ violin Nguyễn Văn Lộc, mẹ là nghệ sĩ đàn tam thập lục Nguyễn Thị Tố Mai. Từ nhỏ, anh đã được đắm chìm trong dòng chảy của những thanh âm réo rắt và luôn nhận được sự ủng hộ từ cha mẹ và gia đình. Mặc dù theo học đàn guitar 7 năm, song Thế Anh lại thi vào khoa Thanh nhạc của Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội sau khi tham gia một cuộc thi hát dành cho học sinh THPT. 

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Linh cũng xuất thân từ gia đình có bố mẹ là diễn viên đoàn kịch nói Hải Hưng (cũ) nên luôn có hậu thuẫn từ người thân khi theo đuổi con đường nghệ thuật.

Với Vũ Hà Sơn, tuy không sinh ra trong gia đình làm nghệ thuật nhưng vì yêu âm nhạc nên thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ tại trường cấp 3 và quyết tâm theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp. Mặc dù không có sự khởi đầu thuận lợi nhưng bằng sự kiên trì nuôi dưỡng đam mê ca hát nên cuối cùng Hà Sơn cũng nhận được sự đồng ý của cha mẹ. 

Câu chuyện của “em út” Nguyễn Hữu Hoàng Sơn có nét hấp dẫn rất riêng. Chàng trai sinh năm 2001 kể rằng mình được gia đình phát hiện năng khiếu, cho theo học nhạc từ khi mới học lớp 5 và làm quen với nhạc cụ đầu tiên là piano. Sau này, khi xem những chương trình VTV, Hoàng Sơn thấy vô cùng hứng thú nên tự ghi lời và học theo cách hát, cách diễn của ca sĩ và xin bố mẹ cho đi thi Giọng hát Việt nhí (The Voice Kids Vietnam 2014).

Dù kết quả không cao nhưng đây là cơ duyên đầu tiên đưa Hoàng Sơn đến một sân khấu lớn, chuyên nghiệp với những nghệ sĩ nổi tiếng, đồng thời là bước đệm quan trọng để anh đặt chân vào Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội và vươn tới ước mơ trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. 

Anh tit 3.png

Trong buổi gặp gỡ giữa PV VietNamNet với nhóm Áo Lính, có một cô gái xinh xắn với nụ cười rất tươi luôn kề cận bên Trung uý Vũ Hà Sơn khiến ai cũng nghĩ đây là một cặp đôi mới bén “lửa tình” nên quấn quýt không rời. Tuy nhiên, nghe hai người tâm sự mới biết họ đã cưới nhau được hơn 2 năm.

Trung uý Hà Sơn thừa nhận mình là người may mắn được vợ chăm lo về tâm hồn, tinh thần đến sinh hoạt thường ngày. ''Phượng Anh từ trước đến nay luôn sát cánh và ủng hộ tôi về mọi mặt. Đặc biệt là từ những năm chưa về chung một nhà, cô ấy thường xuyên có mặt tại các buổi tập duyệt và biểu diễn của Áo Lính với vai trò làm hậu kỳ, hỗ trợ tôi và các thành viên từ make up, trang phục đến quay video, chụp lại những khoảnh khắc biểu diễn của nhóm trên sân khấu” - Trung uý Hà Sơn trải lòng. 

IMG_719A78AC263E 1.jpg

“Tôi đã tìm hiểu và biết rằng chương trình Hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi do báo VietNamNet tổ chức vào 14h ngày 2/9 hàng năm, chính là thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Quảng trường Ba Đình năm 1945. 

Năm 2012, lúc bắt đầu chú ý và quan tâm đến con đường ca hát chuyên nghiệp, tôi ấn tượng phần trình bày của anh Đăng Dương với ca khúc Hà Nội niềm tin và hy vọng ở chương trình này. Thật không ngờ có ngày tôi sẽ được đứng trên sân khấu của Điều còn mãi.

Đây không chỉ là cơ hội để Áo Lính được thử sức với một sân chơi chuyên môn cao nhận được sự quan tâm từ công chúng mà thời điểm chương trình diễn ra cũng trùng với thời khắc thiêng liêng của đất nước nên sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ”, Trung uý Vũ Hà Sơn chia sẻ.

Anhq2.jpg

Nguyễn Hữu Hoàng Sơn biết đến Điều còn mãi từ năm ngoái do nội dung và sứ mệnh của chương trình liên quan rất nhiều đến công việc của anh trong quân đội. 

“Đây là một chương trình lớn, được đầu tư vô cùng quy mô, bài bản cùng sự góp mặt của nhiều ngôi sao trong nền âm nhạc Việt Nam. Bản thân chưa từng nghĩ có một ngày sẽ được tham gia Hoà nhạc quốc gia Điều còn mãi nên khi nhận tin từ các anh trong nhóm, tôi rất bất ngờ và phấn khích, còn tự lên mạng kiểm tra xem có đúng là chương trình mình luôn ngưỡng mộ không hay là trùng tên”.

Lần đầu tham gia Điều còn mãi, các thành viên sẽ thể hiện những ca khúc mang đậm tinh thần dân tộc (Hành quân xa, Tiến bước dưới quân kỳ) để tri ân những thế hệ cha ông trong một không gian lớn, trang trọng cùng Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời nên mỗi người phải tập luyện thật kỹ, chỉn chu đến từng chi tiết. Tuy nhiên, vẫn phải tự tin, thả lỏng cơ thể để thăng hoa cùng cảm xúc.

Anh q3.jpg

“Năm anh em chúng tôi sẽ cố gắng sắp xếp và tận dụng mọi khoảng thời gian để cùng nhau luyện tập. Các thành viên trong nhóm đều có chuyên môn và kinh nghiệm nên quá trình thực hiện tác phẩm không quá khó khăn. 

Giọng tenor 1 là Nguyễn Linh và Hoàng Sơn - bè này thường diễn xướng giai điệu chính của tác phẩm. Giọng tenor 2 gồm Thế Anh, Lại Đức Tuấn có âm vực thấp hơn tenor 1 nhưng đầy đặn hơn, thường đảm nhiệm diễn xướng phần bè phụ để thêm màu sắc cho bản hòa âm. Giọng baritone Vũ Hà Sơn cũng đảm nhiệm các nốt phụ ở âm khu thấp của bản hòa âm tạo nên độ đầy đặn, chắc chắn khi nghe. Sau khi 5 người hoàn thành phần bè riêng, tôi sẽ là người chịu trách nhiệm chỉnh sửa sắc thái và độ hòa quyện của các bè để hoàn thiện tác phẩm”, trưởng nhóm Thế Anh cho hay.

Trung tá Đức Tuấn không giấu nổi sự hào hứng: “Nhận được lời mời tham gia chương trình Điều còn mãi 2024, được hát với dàn nhạc giao hưởng hoành tráng, tôi phấn khởi lắm. Không chỉ được hát cùng nhau, chúng tôi còn được hát những ca khúc đi cùng năm tháng, đã ghi dấu ấn trong lòng bao thế hệ người Việt Nam. Đó là một niềm hạnh phúc không thể diễn tả bằng lời. Đều xuất thân là những quân nhân, khí chất của người lính đã ăn sâu nên nhóm sẽ cùng thể hiện sắc thái hùng tráng của quân đội trong từng tiết mục''.

Ảnh: NVCC

Thiết kế: Hồng Anh

anh box cam on.png