Hang Kia và Pà Cò nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình cả năm khoảng 18,5 độ C. Đến Hang Kia - Pà Cò, du khách sẽ phải vượt qua những cung đường khúc khuỷu, uốn lượn bên sườn núi, xa xa là các đồi chè, vườn đào, vườn mận. Hai xã này có trên 90% là đồng bào người Mông, vẫn lưu giữ những nếp sinh hoạt, văn hóa của người Mông từ hàng ngàn đời như: Dệt thủ công, thêu thổ cẩm, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, nghề rèn…
Tại đây có nhiều điểm đến mang nét đẹp nguyên sơ như Thung A Láng, Thung Mặn, Thung Ẳng, hay những điểm cao trên núi để thỏa sức ngắm mây của khu Cổng Trời, khu Pà Khôm đi Thung Mài. Ngoài ra, người Mông nơi đây có các món ẩm thực độc đáo như: rượu ngô, thắng cố, bánh dày, mèn mén,…
Huyện Mai Châu nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung sớm xác định đây là những điều kiện thuận lợi để phát các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Hiện nay, tại 2 xã Hang Kia - Pà Cò đã có nhiều hộ phát triển du lịch homestay khá hiệu quả.
Chị Y Múa là người dân xã Pà Cò, lấy chồng ở xã Hang Kia. Từ một hộ khó khăn của xã Hang Kia (Mai Châu, Hòa Bình), gia đình chị Sùng Y Múa đã thoát nghèo nhờ mô hình du lịch cộng đồng. Ban đầu, gia định chị Y Múa hoạt động tự phát, nhiều khách nhỏ lẻ, nhưng với sự hỗ trợ chung tay của chính quyền địa phương trong công tác quảng bá, hỗ trợ vốn, kêu gọi đầu tư, ngày nay homestay của hai vợ chồng đã hợp tác với nhiều đơn vị lữ hành, đón những đoàn khách lớn, trong đó đa số là khách quốc tế.
Xã Pà Cò hiện có 6 hộ là hội viên nông dân làm du lịch cộng đồng. Xã Hang Kia hiện có 5 hộ tham gia phát triển du lịch với đầy đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, dịch vụ lưu trú, ăn uống và các hoạt động trải nghiệm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của du khách. Khi tham gia mô hình các hộ được tập huấn, nâng cao năng lực kinh doanh, đón khách du lịch.